Ứng dụng chuyển đổi số tại các khách sạn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ

TS. HOÀNG THỊ LAN (Khoa Khách sạn - Du lịch, Trường Đại học Thương mại)

TÓM TẮT:

Chuyển đổi số (Digital Transformation) ngày càng trở nên quan trọng. Chuyển đổi số cũng giúp doanh nghiệp, trong đó có các khách sạn tiết giảm được chi phí hoạt động bởi khả năng kết nối vô hạn của quá trình số hóa, không cần nguồn lực có sẵn, mặc dù quá trình này còn vô vàn khó khăn do nguồn nhân lực chưa hoàn thiện mà hầu hết các doanh nghiệp phải đào tạo lại. Trên nền tảng dữ liệu thứ cấp, bài viết đề cập đến các nội dung cơ bản như: Một số lý luận về ứng dụng chuyển đổi số tại khách sạn; Thực trạng ứng dụng chuyển đổi số tại các khách sạn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ; Một số giải pháp và kiến nghị nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số tại các khách sạn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đến năm 2030.

Từ khóa: chuyển đổi số, khách sạn, tỉnh Phú Thọ.

1. Đặt vấn đề

Ngày nay, hầu hết mỗi người đều sở hữu ít nhất một thiết bị kỹ thuật số cho mục đích cá nhân. Công nghệ đã ảnh hưởng đến cách mọi người tiếp nhận kiến thức và từ từ thay đổi thói quen mua sắm của bản thân. Việc đặt phòng khách sạn trở nên dễ dàng và nhanh chóng thông qua ứng dụng di động hoặc trang web khách sạn trực tuyến. Nếu khách sạn tích hợp phần mềm quản lý khách sạn với các ứng dụng trên thiết bị di động, khách hàng có thể chủ động hơn trong mọi việc, từ đặt phòng, nhận phòng đến đặt dịch vụ nhà hàng, gọi món, từ việc chọn phòng khi check-in đến mở khóa thông minh và trả phòng tự động mà không cần trực tiếp tiếp xúc với bất kỳ nhân viên nào. Một số khách sạn nâng tầm trải nghiệm dịch vụ bằng cách cung cấp các công cụ tăng cường trải nghiệm thực tế ảo. Khách hàng có thể khám phá các tiện nghi khách sạn, nhà hàng, bãi biển, bảo tàng, cửa hàng và quán cà phê ở khu vực lân cận. Những phương thức này đã được áp dụng rộng rãi để các khách sạn cạnh tranh với các đối thủ và chứng tỏ sự thích nghi nhanh chóng của họ với công nghệ tiên tiến nhất. Hầu hết các khách sạn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã ứng dụng chuyển đổi số trong kinh doanh nhưng hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, năm 2020 - 2021, lượng khách sụt giảm lớn do ảnh hưởng của dịch bệnh, cách ly xã hội và việc đóng cửa du lịch quốc tế ảnh hưởng mạnh đến hoạt động của các khách sạn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Trước bối cảnh đó, vai trò của chuyển đổi số lại càng thể hiện rõ.

2. Tổng quan nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu

2.1. Tổng quan nghiên cứu

Chuyển đổi số, ứng dụng chuyển đổi số tại các khách sạn là vấn đề được nhiều tác giả nghiên cứu, có khá nhiều công trình tập trung vào vấn đề này ở nhiều góc độ khác nhau, tiêu biểu là các công trình sau:

Jerry Watkins & cộng sự (2019), Chuyển đổi số ở Việt Nam: Khảo sát các doanh nghiệp vừa và nhỏ và doanh nghiệp nhà nước, Trường Đại học Rmit Việt Nam. Báo cáo này khảo sát 2 năng lực quan trọng trong doanh nghiệp để chuyển đổi số thành công, "Năng lực quản lý chuyển đổi" và "Nền tảng kỹ thuật số", đồng thời cũng là nền tảng của lộ trình 7 bước chuyển đổi kỹ thuật số của Trường.

Nguyễn Thị Phương Dung (2020), Chuyển đổi số và tác động của chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay, đã tóm lược khái niệm về chuyển đổi số và tác động của chuyển đổi số đến cuộc sống và các ngành, nghề kinh tế hiện nay.

Thanh Loan (2021), trong nghiên cứu về Chuyển đổi số ngành Du lịch: Hướng đi mới sau Covid-19, đã phân tích các thách thức trong bối cảnh dịch Covid-19 càng đòi hỏi ngành Du lịch phải thực hiện các giải pháp chuyển đổi số, hình thành một hệ thống tích hợp và trao đổi dữ liệu du lịch thông minh, qua đó tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm và dịch vụ của ngành.

Thu Hằng (2020), Chuyển đổi số sẽ định hình lại ngành công nghiệp khách sạn hậu Covid-19 ra sao, đã cho thấy một trong những hướng đi mới được nhiều khách sạn lựa chọn là ứng dụng công nghệ số trong vận hành để giảm thiểu sự tiếp xúc gần giữa nhân viên và khách hàng, nhằm đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19. 

Ngô Ánh Nguyệt (2022), Chuyển đổi số - Giải pháp phát triển bền vững doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, trên cơ sở phân tích, làm rõ những lợi ích của chuyển đổi số với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp Việt Nam, tác giả đề xuất một số giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp Việt Nam thời gian tới.

Blue Jay (2021), Giải pháp chuyển đổi số quản lý khách sạn cho giai đoạn phục hồi đó là khi áp dụng công nghệ vào việc quản lý kinh doanh sẽ giúp khách sạn hiểu rõ được khách hàng hơn, giúp cá nhân hóa các gói dịch vụ, tạo ra các ưu đãi dựa trên các sở thích của khách hàng tốt hơn.

Theo Friedman, M.; Samrat S. (2017). Hospitality in the Digital Era. The Road to 2025. US: Cognizant, đến năm 2025, nhiều công nghệ mới xuất hiện ngày nay sẽ chuyển sang hoạt động chính thống.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp thu thập dữ liệu: Trong bài viết, tác giả đã sử dụng phương pháp thu thập dữ liệu thứ cấp từ các báo, tạp chí, công trình nghiên cứu khoa học, một số trang web...

Phương pháp xử lý dữ liệu: Trên cơ sở dữ liệu thu thập được về thực trạng chuyển đổi số tại một số khách sạn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, tác giả đã tổng hợp các thông tin, tài liệu nhằm đánh giá thực trạng và đưa ra giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số tại một số khách sạn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đến năm 2030.

3. Một số lý luận về ứng dụng chuyển đổi số tại khách sạn

3.1. Khái niệm chuyển đổi số tại khách sạn

Đứng trên góc độ doanh nghiệp, các tác giả có chung quan điểm về chuyển đổi số là việc ứng dụng công nghệ mới để tối ưu hóa các nguồn lực, quy trình hoạt động và thỏa mãn tốt hơn nhu cầu khách hàng. Fitzgerald (2013) định nghĩa chuyển đổi số trong doanh nghiệp là việc sử dụng các công nghệ kỹ thuật số mới, chẳng hạn như phương tiện truyền thông xã hội, thiết bị di động thông minh, các kỹ thuật phân tích mới, hoặc các hệ thống liên kết tự động để thực hiện những thay đổi lớn trong hoạt động kinh doanh như nâng cao trải nghiệm khách hàng, tối ưu hóa các hoạt động và tạo ra các mô hình kinh doanh mới. Hess và cộng sự (2016) cho rằng chuyển đổi kỹ thuật số là những thay đổi mà công nghệ kỹ thuật số có thể mang lại trong mô hình kinh doanh, dẫn đến việc thay đổi sản phẩm hoặc cơ cấu tổ chức hoặc tự động hóa các quy trình của doanh nghiệp.

Chuyển đổi số tại khách sạn là tích hợp các giải pháp số vào cốt lõi của khách sạn, thay đổi sâu sắc cách hoạt động của khách sạn bằng cách tạo ra các quy trình kinh doanh mới, trải nghiệm khách hàng và văn hóa tổ chức. Nó không chỉ mang tái tạo lại những phương pháp truyền thống, mà còn có thể sáng tạo những phương pháp mới để đáp ứng những kỳ vọng thay đổi của thị trường.

3.2. Một số ứng dụng công nghệ số tại khách sạn

(i) Tích hợp điện thoại di động. Với các dịch vụ kỹ thuật số bao gồm các công nghệ thân thiện với thiết bị di động, khách hàng có thể đạt được mục tiêu của mình - tìm một dịch vụ (lưu trú, đưa đón, chuyến bay, bảo hiểm), để so sánh với dịch vụ rẻ hơn hoặc tiện lợi hơn, đặt chỗ, thanh toán bằng thẻ tín dụng, và để lại phản hồi trên điện thoại của họ. Các dịch vụ này đã được thực hiện để làm cho quá trình đặt phòng dễ dàng hơn.

(ii) Trí tuệ nhân tạo (AI) và chatbot. Trong khách sạn, việc ứng dụng công nghệ số, thiết bị thông minh tạo ra trải nghiệm cho khách hàng. Khi các điểm tiếp xúc của khách sạn đều được tích hợp công nghệ (lễ tân, dịch vụ ăn uống, spa, dịch vụ phòng, thiết bị phòng,...), chủ khách sạn có thể cải thiện dịch vụ khách hàng, giảm chi phí và tùy chỉnh dịch vụ.

(iii) Tích hợp Internet vạn vật (Internet of Things - IoT). Tích hợp Internet vạn vật được áp dụng cho trong khách sạn trên toàn thế giới để tự động hóa các quy trình đơn giản và cho phép các công ty tăng năng suất và giảm chi phí lao động không cần thiết. Như một ví dụ về IoT được phát triển rộng rãi trong lĩnh vực khách sạn, có thể kể đến hệ thống quản lý năng lượng thông minh, tắt các thiết bị trong phòng khách khi phòng không có người. Công cụ này giúp tiết kiệm chi phí hoạt động và tăng lợi nhuận. Các quy trình tự động hóa phòng khách khác, chẳng hạn như giảm ánh sáng tự động hóa trong ngày hoặc tiết kiệm nước nhờ các yếu tố nhận dạng chuyển động cũng tác động tích cực đến tính bền vững môi trường nói chung.

(iv) Kết nối với các đối tác liên kết, mạng lưới khách hàng trung thành. Sự trung thành của khách có thể tăng lên một cách ấn tượng nhờ sự tham gia rộng rãi hơn của các công cụ số hóa vào quá trình giao tiếp với khách hàng. Beacon là một thiết bị mới, đại diện cho cả IoT và công cụ gia tăng lòng trung thành. Tiện ích này là một bộ cảm biến sử dụng công nghệ Bluetooth có thể chia sẻ thông tin hoặc thông báo với các thiết bị di động (chẳng hạn như điện thoại thông minh) trong một vùng lân cận cụ thể. Biển báo có thể được đặt ở khắp các nhà hàng, spa, sảnh đợi, quán bar và những nơi khác. Sau đó, chúng có thể được sử dụng để gửi cho khách hàng các thông điệp giảm giá hoặc khuyến mại liên quan đến vị trí của họ trong một tòa nhà. Công nghệ này đã được phát triển trong các khách sạn Marriott (Kaplan, 2016).

(v) Tùy chỉnh và cá nhân hóa dịch vụ. Khách sạn thu thập các lượt thích (likes), không thích (dislikes) và sở thích, các trang web có cookie sẽ thu thập thông tin cá nhân để đưa ra các chương trình khuyến mãi tùy chỉnh có liên quan. Khi biết sở thích của khách hàng cụ thể, khách sạn có thể dễ dàng đoán được nhu cầu của họ và đưa ra sản phẩm, dịch vụ phù hợp, chẳng hạn như thực đơn chay, hoặc trông trẻ em ở miễn phí cho một cặp vợ chồng có con nhỏ.

4. Thực trạng ứng dụng chuyển đổi số tại các khách sạn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ

Phú Thọ là mảnh đất cội nguồn của dân tộc có truyền thống lịch sử văn hóa gắn liền với suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Từ ngàn đời xưa, các Vua Hùng đã chọn đây là đất khởi nghiệp dựng nước, xây dựng nhà nước Văn Lang (Nhà nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam). Để đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch ngày một lớn, trong những năm qua, hệ thống các cơ sở lưu trú, các cơ sở kinh doanh du lịch dịch vụ, các khu, điểm tham quan, vui chơi giải trí từng ngày được đầu tư cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, Phú Thọ đã có 328 cơ sở lưu trú du lịch (trong đó có 32 khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 1 sao đến 5 sao, 296 nhà nghỉ), công suất sử dụng buồng đạt 43%. 

Trong thời gian qua, các khách sạn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã có một số ứng dụng chuyển đổi số như: Tích hợp điện thoại di động; Trí tuệ nhân tạo (AI) và chatbot (hộp trò chuyện); Tích hợp Internet vạn vật (IoT); Kết nối với các đối tác liên kết, mạng lưới khách hàng trung thành; Tùy chỉnh và cá nhân hóa dịch vụ.

Trong tình hình dịch Covid-19, ngành Du lịch Phú Thọ đã triển khai các ứng dụng du lịch an toàn do Tổng cục Du lịch thực hiện trên toàn quốc. Tải ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn tại các khu, điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn giúp du khách đánh giá mức độ an toàn. Tính năng nổi bật của ứng dụng là khách du lịch có thể truy cập bản đồ số để tra cứu mức độ an toàn của điểm đến. Từ đó xây dựng hành trình du lịch an toàn, thân thiện. Hiện nay, ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” đã chính thức tích hợp tính năng “Tờ khai y tế” theo quy định của Bộ Y tế.

Các khách sạn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ sau khi đăng ký thành công trên hệ thống http://safe.tourism.com.vn, sẽ được cấp mã QR để dán vào những nơi dễ quan sát như quầy lễ tân, cửa ra vào. Du khách sử dụng điện thoại có cài đặt ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” chỉ cần quét mã QR để kiểm tra xem cơ sở đó đã đăng ký tiêu chuẩn an toàn với cơ quan quản lý nhà nước hay chưa và trong triển khai có thực hiện đầy đủ các tiêu chí hay không. Tính năng này đã được các khách sạn tại tỉnh Phú Thọ và du khách đánh giá cao về hiệu quả sử dụng. (Hình 1)

Hình 1: Quét mã QR tờ khai y tế của Khách sạn Sài Gòn - Phú Thọ

 

Ngay sau khi ra mắt thương hiệu vào cuối năm 2021, SOJO Hotels - chuỗi khách sạn thuận ích đầu tiên tại Việt Nam đã nhanh chóng tạo được tiếng vang trên thị trường ngành Du lịch - Khách sạn. Đặc biệt, bộ giải pháp khách sạn thông minh TNTech Smart Hotel Solutions (T.SHS) được coi là bộ não của SOJO khi sử dụng các công nghệ nổi bật như trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT)… và ứng dụng một cách linh hoạt nhằm tạo ra một hành trình trải nghiệm thú vị, mới lạ và an toàn cho khách lưu trú. Một hành trình lưu trú của khách hàng bắt đầu từ lúc đặt phòng, nhận phòng, đến khi trả phòng đều được thực hiện thông qua ứng dụng “SOJO Hotels” cài sẵn trên điện thoại.

Tính năng tự check-in/check-out, nhận diện qua FaceID cho phép khách hàng chủ động chọn và nhận phòng mà không cần thông qua bộ phận lễ tân. Ngay sau khi nhận phòng, chiếc smartphone sẽ ngay lập tức trở thành một “chiếc chìa khóa thần kì” dùng để mở cửa phòng và điều khiển các thiết bị trong phòng. Từ chính chiếc điện thoại thông minh của mình, khách có thể mở kéo rèm, bật và điều chỉnh âm thanh ánh sáng phòng theo ý muốn, sử dụng phòng giặt là, phòng gym hay đặt dịch vụ ăn uống. Những trải nghiệm “không chạm” đã mang đến cảm giác thú vị cho du khách.

Việc sử dụng tương tác Chatbots ngày càng phổ biến trên trang web của các doanh nghiệp du lịch, có thể trả lời nhiều loại yêu cầu khác nhau của khách du lịch. Hiện nay trang website www.dulichphutho.com.vn của Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh Phú Thọ đã bổ sung tính năng này giúp du khách có thể tìm hiểu thông tin trực tiếp và nhanh nhất.

Trang web của các khách sạn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đều có tính năng thu thập các đánh giá của khách hàng để đưa ra các chính sách có liên quan như chính sách sản phẩm, chính sách giá, chính sách khuyến mại, các dịch vụ chăm sóc khách hàng… (Hình 2)

Hình 2: Đánh giá của khách hàng về khách sạn Việt Trì Garden

 

Có thể nói, hầu hết các khách sạn đã ứng dụng công nghệ trong quản lý, điều hành khách sạn, nhưng chưa thực sự chuyển đổi số thông minh, khiến hiệu quả kinh doanh khách sạn chưa cao. Một số khách sạn hạn chế về nguồn vốn đầu tư, chất lượng nhân sự triển khai chuyển đổi số cũng chưa đồng bộ. Do đó, quá trình chuyển đổi số của một số khách sạn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, toàn ngành Du lịch cũng như sự cố gắng, nỗ lực từ phía các khách sạn, tổ chức và chính quyền các địa phương. Chuyển đổi số không chỉ về mặt công nghệ, mà còn là chuyển đổi cả cách quản lý, phương thức tiếp cận, xúc tiến, quảng bá…

5. Một số giải pháp và kiến nghị nghị nhằm đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số của một số khách sạn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ

5.1 Một số giải pháp

Nâng cao nhận thức của các khách sạn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ: Chuyển đổi số tại mỗi khách sạn sẽ tác động lớn đến chiến lược kinh doanh, hình thức hoạt động của khách sạn, vì vậy, đó sẽ là một sự thay đổi lớn tới toàn bộ khách sạn, điều này gây áp lực cho các nhà lãnh đạo tại các khách sạn này. Các nhà lãnh đạo các khách sạn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ phải có được nhận thức kịp thời và đưa ra hành động sớm cho chuyển đổi số tại khách sạn của mình.

Tăng cường vốn đầu tư: Đầu tư cho chuyển đổi số là đầu tư để thay đổi, từ nhận thức, chiến lược, nhân lực, cơ sở hạ tầng tới giải pháp công nghệ chính, vì vậy, đây là công cuộc đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Chuyển đổi số cần có nguồn nhân lực chất lượng cao để có thể làm chủ công nghệ mới, phục vụ cho việc triển khai chuyển đổi số và đó cũng là điều mà các khách sạn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ gặp khó khăn. Con người là nguồn lực quý giá nhất của các khách sạn. Chiến lược phát triển nguồn nhân lực phải là một bộ phận trong chiến lược phát triển dài hạn của các khách sạn. Trong đó, trước hết, cần có giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hiện hữu của khách sạn, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, chuyên viên chủ chốt thông qua các hoạt động huấn luyện, cập nhật kiến thức, trang bị kỹ năng cần thiết; thành thạo năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; biết ngoại ngữ, trước hết là tiếng Anh; thành thạo công nghệ thông tin, máy tính... để nâng cao năng suất lao động; coi trọng công tác tuyển dụng, có chiến lược để bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cho các khách sạn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

5.2. Một số kiến nghị

Một là, phát triển hạ tầng số: Phát triển hạ tầng băng rộng quốc gia; Phát triển hạ tầng điện toán đám mây; Phát triển hạ tầng IoT; Phát triển tài nguyên dữ liệu quốc gia; Phát triển hạ tầng dịch vụ định danh, xác thực điện tử tin cậy; Bảo đảm hạ tầng kỹ thuật an toàn, an ninh thông tin.

Hai là, xây dựng môi trường pháp lý để bảo đảm môi trường an toàn, tin cậy, cho chuyển đổi số: Môi trường pháp lý chung cho chuyển đổi số; Môi trường pháp bảo đảm sự an toàn, tin cậy cho chuyển đổi số; Môi trường pháp lý tạo điều kiện chia sẻ dữ liệu số.

6. Kết luận

Ngày nay, nhờ sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số hóa đã trở thành trợ thủ đắc lực giúp các nhà kinh doanh khách sạn đạt được các mục tiêu của mình. Việc ứng dụng các công cụ số hóa cơ bản như: tích hợp điện thoại di động; trí tuệ nhân tạo (AI) và chatbot; tích hợp Internet vạn vật (IoT); kết nối với các đối tác liên kết, mạng lưới khách hàng trung thành; tùy chỉnh và cá nhân hóa dịch vụ dẫn đến sự gia tăng đáng kể năng lực kinh doanh trong ngành khách sạn. Những lợi thế cạnh tranh dựa trên công nghệ số hóa có thể được tiếp tục phát triển trong tương lai nhằm tăng doanh thu, lợi nhuận và tăng sự hài lòng, lòng trung thành của khách hàng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Thị Phương Dung (2020), Chuyển đổi số và tác động của chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay, Tạp chí Công Thương. Truy cập tại https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/chuyen-doi-so-va-tac-dong-cua-chuyen-doi-so-trong-giai-doan-hien-nay-72075.htm
  2. Thu Hằng (2020), Chuyển đổi số sẽ định hình lại ngành công nghiệp khách sạn hậu Covid-19 ra sao, Travel Pulse.
  3. Thanh Loan (2021), Chuyển đổi số ngành Du lịch: Hướng đi mới sau Covid-19, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. Truy cập tại https://dangcongsan.vn/kinh-te/chuyen-doi-so-nganh-du-lich-huong-di-moi-sau-covid-19-574474.html
  4. Ngô Ánh Nguyệt (2022), Chuyển đổi số - Giải pháp phát triển bền vững doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, Tạp chí Công Thương, số 18(1), tháng 8, truy cập tại https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/chuyen-doi-so-giai-phap-phat-trien-ben-vung-doanh-nghiep-viet-nam-hien-nay-99205.htm
  5. Jerry Watkins & cộng sự (2019), Chuyển đổi số ở Việt Nam: Khảo sát các doanh nghiệp vừa và nhỏ và doanh nghiệp nhà nước, Trường Đại học Rmit Việt Nam.
  6. Blue Jay (2021), Giải pháp chuyển đổi số quản lý khách sạn cho giai đoạn phục hồi.
  7. Friedman, M.; Samrat S. (2017). Hospitality in the Digital Era. The Road to 2025. US: Cognizant.
  8. www.dulichphutho.com.vn

 The application of digital transformation at hotels in Phu Tho province

Ph.D Hoang Thi Lan

Faculty of Tourism and Hospitality, Thuongmai University

Abstract:

Digital transformation plays an increasingly important role. It helps businesses including hotels reduce operating costs thanks to the infinite connectivity of the digitization process without the need for available resources. However, digital transformation poses some challenges to businesses as it requires most businesses to re-train their staff in order to meet requirements of digitization processes which are still extremely difficult. Based on secondary data, this paper presents some theories about the application of digital transformation at hotels, and an overview on the digital transformation of hotels in Phu Tho province. This paper also proposes some solutions to promote the digital transformation of hotels in Phu Tho province by 2030.

Keywords: digital transformation, hotel, Phu Tho province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 4  tháng 2 năm 2023]