Vai trò của hoạt động xác minh điều kiện thi hành án dân sự của Thừa phát lại

TS. NGUYỄN VINH HƯNG ( Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội) - NGUYỄN HOÀNG VIỆT (Học viên lớp Cao học K9LKT01 - Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị)

TÓM TẮT:

Trước những khó khăn, phức tạp của thi hành án dân sự, chế định pháp luật về Thừa phát lại đã được khôi phục nhằm mục đích hỗ trợ và nâng cao hiệu quả của hoạt động thi hành án dân sự. Mặc dù vậy, một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của Thừa phát lại là hoạt động xác minh điều kiện thi hành án dân sự hiện vẫn đang gặp phải rất nhiều khó khăn, phức tạp. Bài viết nghiên cứu về vai trò của hoạt động xác minh điều kiện thi hành án dân sự của Thừa phát lại và đề xuất kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật và để hoạt động này được triển khai mạnh mẽ tại Việt Nam.

Từ khóa: Thừa phát lại, vai trò, thi hành án dân sự, đương sự, xác minh.

1. Đặt vấn đề

Chế định pháp luật về “Thừa phát lại xuất hiện ở Việt Nam song hành với việc vua Tự Đức ký Hòa ước ngày 05/6/1862 nhượng cho Pháp sáu tỉnh Nam kỳ”.[1] Tuy nhiên, khi mới xuất hiện tại Việt Nam, Thừa phát lại (Thừa hành viên) không được pháp luật trao quyền xác minh điều kiện thi hành án dân sự.[2] Sau này, kể từ khi được pháp luật quy định trở lại năm 2009 và trước nhu cầu, đòi hỏi của xã hội, Thừa phát lại đã được trao thêm quyền hạn xác minh điều kiện thi hành án dân sự.[3] Với việc tiến hành các hoạt động xác minh điều kiện thi hành án dân sự, Thừa phát lại đã hỗ trợ rất đắc lực cho đương sự và đã đóng góp rất lớn vào hiệu quả của công tác thi hành án dân sự.

Tuy vậy, từ thực tiễn hoạt động xác minh điều kiện thi hành án dân sự của Thừa phát lại hiện nay cho thấy, hoạt động xác minh điều kiện thi hành án vẫn chưa đáp ứng với kỳ vọng và rất ít khi được Thừa phát lại thực hiện. Nghiên cứu cho thấy, một trong những nguyên nhân quan trọng làm cho hoạt động xác minh điều kiện thi hành án của Thừa phát lại không đạt được hiệu quả và kỳ vọng chính là vì sự quan tâm, chú ý của xã hội còn khá hạn chế. Điều này dẫn đến hoạt động xác minh điều kiện thi hành án gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai áp dụng. Từ đó, nghiên cứu về vai trò của hoạt động xác minh điều kiện thi hành án dân sự của Thừa phát lại càng trở nên cần thiết và quan trọng.

2. Bản chất và vai trò của hoạt động xác minh điều kiện thi hành án dân sự do Thừa phát lại thực hiện

Về bản chất, “hoạt động xác minh điều kiện thi hành án dân sự của Thừa phát lại chính là việc thu thập thông tin về tiền, tài sản của các chủ thể cá nhân, tổ chức là đối tượng phải thi hành án”.[4] Tiền, tài sản của người phải thi hành án có thể do họ đang trực tiếp nắm giữ, quản lý hoặc cũng có thể đang do một chủ thể thứ ba là cá nhân, cơ quan, tổ chức khác nắm giữ, quản lý. Việc xác minh điều kiện thi hành án là một nguồn căn cứ quan trọng để cơ quan thi hành án dân sự hay Văn phòng Thừa phát lại quyết định lựa chọn các phương án tổ chức thi hành án phù hợp. Nói cách khác, kết quả của việc xác minh điều kiện thi hành án là cơ sở để đưa ra kết luận người phải thi hành án có hoặc chưa có đủ điều kiện để thi hành án.

Chính vì thế, đối với công tác thi hành án dân sự, xác minh điều kiện thi hành án là một trong những nội dung quan trọng nhất và có vai trò, ảnh hưởng rất lớn đến kết quả của thi hành án. Đồng thời, xác minh điều kiện thi hành án cũng là một trong những hoạt động khó khăn, phức tạp nhất của công tác thi hành án dân sự, bởi lẽ, hoạt động xác minh thường xuyên gặp phải sự chống đối của người phải thi hành án hay từ sự thiếu hợp tác và phối hợp của nhiều chủ thể liên quan đến thi hành án. Sở dĩ như vậy là vì xác minh điều kiện thi hành án có tác động và ảnh hưởng trực tiếp đến tài sản của người phải thi hành án. Vậy nên, người phải thi hành án luôn tìm mọi cách để giấu giếm, che đậy hoặc thậm chí tẩu tán tài sản nhằm gây khó khăn, cản trở cho công tác xác minh điều kiện thi hành án.

Hiện nay, theo quy định, người được thi hành án có quyền tự mình hoặc ủy quyền cho người khác xác minh điều kiện thi hành án, cung cấp thông tin về tài sản, thu nhập và các điều kiện thi hành án của người phải thi hành án cho cơ quan thi hành án dân sự.[5] Nếu người được thi hành án đã áp dụng các biện pháp thu thập thông tin mà không thể xác minh được điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, thì người được thi hành án có quyền yêu cầu chấp hành viên tiến hành xác minh. Mặc dù vậy, từ “thực tế cho thấy, ngay cả chấp hành viên là người được Nhà nước trao những quyền năng khi gặp gỡ các cơ quan, tổ chức, cá nhân để xác minh còn gặp phải những trở ngại nhất định huống chi là người được thi hành án với tư cách là một cá nhân bình thường đến yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân đó cung cấp những thông tin liên quan đến tài sản của người phải thi hành án thì là một điều rất khó khăn”.[6]

Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội và tác động của hội nhập quốc tế, nhu cầu giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam ngày càng gia tăng nhanh chóng. Số lượng vụ việc dân sự được đưa ra xét xử ngày càng nhiều và cùng với đó còn là khối lượng rất lớn các bản án, quyết định phải được tổ chức thi hành án dân sự. Điều này càng làm tăng thêm khối lượng công việc, áp lực, trách nhiệm đối với cơ quan thi hành án dân sự. Bởi trước khi chế định pháp luật về Thừa phát lại được khôi phục, các đương sự chỉ có thể yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức tiến hành xác minh các điều kiện thi hành án. Vì vậy, các vụ việc yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tiến hành xác minh thường phải chờ đợi khá lâu mới được xem xét, giải quyết. Điều này làm giảm chất lượng và hiệu quả của việc xác minh điều kiện thi hành án. Sở dĩ như vậy là vì nếu việc xác minh tiến hành chậm trễ thì rất có thể tài sản, tiền bạc của người phải thi hành đã có sự thay đổi. Do người phải thi hành án đã kịp thời phát hiện ý định và nhanh chóng tẩu tán các nguồn tài sản ngay trước khi cơ quan thi hành án dân sự tiến hành các hoạt động xác minh.

Nhờ việc sát sao nắm bắt tình hình, nhu cầu, đòi hỏi của xã hội và các khó khăn, phức tạp trong công tác thi hành án dân sự, Đảng và Nhà nước ta chủ trương khôi phục trở lại chế định pháp luật về Thừa phát lại vào năm 2009 và bước đầu áp dụng thí điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh.[7] Sau một thời gian thí điểm tương đối thành công, kể từ ngày 01/01/2016, Quốc hội chính thức cho phép Thừa phát lại được tổ chức và áp dụng trên phạm vi cả nước.[8] Điểm đáng chú ý đó chính là pháp luật hiện nay vẫn tiếp tục cho phép Thừa phát lại có quyền xác minh điều kiện thi hành án mà vụ việc đó thuộc thẩm quyền thi hành của các cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn cấp tỉnh nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở.[9] Ngoài ra, để tạo thuận tiện cho các đương sự khi yêu cầu Thừa phát lại xác minh điều kiện thi hành án thì “khi thực hiện việc xác minh điều kiện thi hành án, Thừa phát lại có quyền xác minh ngoài địa bàn cấp tỉnh nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở”.[10]

Về vai trò của hoạt động xác minh điều kiện thi hành án do Thừa phát lại tiến hành có thể thấy như sau: Đây là hoạt động rất có ý nghĩa và quan trọng đối với không chỉ quá trình xét xử giải quyết tranh chấp mà còn tác động, ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả của quá trình thi hành các bản án, quyết định. Trong đó, đối với giai đoạn xét xử giải quyết các tranh chấp, theo quy định của pháp luật hiện nay,[11] thẩm phán có thể phải tiến hành các hoạt động xác minh thu thập chứng cứ để sử dụng làm cơ sở cho việc giải quyết vụ án dân sự. Tuy nhiên, không ít trường hợp, Thẩm phán thường gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp khi tiến hành các hoạt động xác minh. Bởi lẽ, với số lượng vụ việc phải giải quyết hàng năm, thẩm phán thường trong tình trạng quá tải với công việc và nhiệm vụ. Mặt khác, việc xác minh thường mất rất nhiều thời gian và công sức nên thẩm phán thường không thể dành quá nhiều thời gian cho một vụ việc.

Do đó, nhờ sự tham gia xác minh của Thừa phát lại đã góp phần san sẻ sự khó khăn, phức tạp và áp lực cho thẩm phán. Hay nói cách khác, Thừa phát lại bằng hoạt động xác minh đã góp phần hỗ trợ và làm tăng hiệu quả cho công tác xét xử giải quyết các vụ án dân sự. Vì vậy, “khi cần xác minh một vụ việc, một sự kiện nào đó, Tòa án có thể triệu dụng Thừa phát lại để làm việc đó và hoàn toàn yên tâm về độ chính xác của hành vi Thừa phát lại do được quy định chặt chẽ trong luật pháp”.[12] Từ đó, thẩm phán có thể dành thêm thời gian, công sức để chuyên tâm cho nhiệm vụ xét xử giải quyết các tranh chấp và nhờ đó, chất lượng xét xử cũng có thể được cải thiện và đạt hiệu quả tốt hơn.

Ngoài ra, sau khi xét xử thì bản án, quyết định dân sự mới chỉ đưa ra phán quyết về quyền và nghĩa vụ của các bên đương sự nhưng chúng vẫn chỉ tồn tại trên giấy tờ, do chưa được hiện thực hóa. Vì thế, hoạt động xác minh điều kiện thi hành án của Thừa phát lại còn góp phần làm cho quá trình thực hiện các bản án, quyết định được diễn ra nhanh chóng, thuận lợi, dễ dàng và theo đúng trình tự, thủ tục của pháp luật. Đồng thời, kết quả xác minh của Thừa phát lại còn là cơ sở để các chủ thể có thẩm quyền thi hành án xem xét và quyết định tiến hành các phương án tổ chức thi hành án phù hợp. Có thể thấy, hoạt động xác minh điều kiện thi hành án của Thừa phát lại đã góp phần làm cho quá trình tố tụng dân sự và thi hành án dân sự diễn ra thông suốt, thống nhất và đúng quy định của pháp luật.

Kết quả của việc xác minh điều kiện thi hành án do Thừa phát lại tiến hành cũng có tác động không nhỏ đối với cơ quan thi hành án dân sự và chấp hành viên. Mặc dù hiện nay đội ngũ chấp hành viên luôn rất nỗ lực cố gắng, nhưng cũng vẫn không thể đáp ứng kịp với các yêu cầu của đương sự. Hàng năm, số lượng vụ việc mà đương sự yêu cầu chấp hành viên tiến hành xác minh rất lớn. Hơn nữa, với khả năng có hạn nên chấp hành viên cũng không thể giải quyết nhanh chóng, kịp thời mọi yêu cầu của đương sự. Đây cũng là một trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng kéo dài, chậm trễ tiến độ và làm giảm hiệu quả của hoạt động thi hành án dân sự tại Việt Nam.

Ngoài ra, việc “chấp hành viên ngâm hồ sơ, cho đến năng lực xác minh yếu nên không tìm được tài sản của con nợ”[13] cũng ảnh hưởng rất lớn đến quyền, lợi ích hợp pháp của người được thi hành án. Vì vậy, việc cho phép Thừa phát lại tham gia một số hoạt động của thi hành án dân sự trong đó có hoạt động xác minh điều kiện thi hành án đã góp phần giúp quá trình tìm kiếm các thông tin, điều kiện về tài sản của người phải thi hành án được dễ dàng, nhanh chóng và thuận lợi hơn.

Đối với người được thi hành án: Hoạt động xác minh điều kiện thi hành án dân sự của Thừa phát lại đã mang đến những thuận lợi rất lớn cho chủ thể này. Bởi lẽ, Thừa phát lại là tổ chức do tư nhân thành lập, tự chịu trách nhiệm trong công việc và được hưởng phí dịch vụ từ khách hàng. Vì thế, khi nhận thực hiện việc xác minh theo yêu cầu của khách hàng, Thừa phát lại luôn chuyên tâm và cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Mặt khác, Thừa phát lại là chủ thể được pháp luật trao thẩm quyền tiến hành hoạt động xác minh điều kiện thi hành án nên khi tiến hành công việc, Thừa phát lại sẽ thuận lợi, dễ dàng vì có địa vị pháp lý khác với người được thi hành án. Hơn nữa, Thừa phát lại là những người đã được đào tạo kỹ lưỡng và có chuyên môn nghiệp vụ trong việc thực hiện hoạt động xác minh điều kiện thi hành án nên đương nhiên có những phương pháp tiến hành xác minh bài bản, phù hợp và hiệu quả hơn. Do đó, hoạt động xác minh điều kiện thi hành án dân sự do Thừa phát lại tiến hành đã nhanh chóng, kịp thời, góp phần hỗ trợ và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người được thi hành án.

Đối với xã hội: Hoạt động xác minh điều kiện thi hành án của Thừa phát lại không chỉ mang lại sự nhanh chóng, hiệu quả, thuận lợi cho các đương sự và cơ quan thi hành án dân sự mà còn mang lại cho xã hội một nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, tiên tiến, chuyên nghiệp và ngày càng văn minh, hiện đại. Bởi lẽ, nhờ việc nhanh chóng xác minh được điều kiện thi hành án, Thừa phát lại đã góp phần cung cấp, bổ sung những thông tin rất cần thiết và quan trọng cho đương sự, cơ quan thi hành án dân sự, nhờ đó, hiệu quả tổ chức thi hành án có thể tăng lên đáng kể. Chính vì vậy, kết quả xác minh điều kiện thi hành án do Thừa phát lại thực hiện đã góp phần làm giảm chi phí của xã hội dành cho các hoạt động tổ chức thi hành án. Ngoài ra, hoạt động xác minh điều kiện thi hành án của Thừa phát lại còn góp phần tăng cường, củng cố thêm niềm tin của xã hội vào chủ trương xã hội hóa thi hành án dân sự của Đảng và Nhà nước.

Đối với công cuộc cải cách tư pháp và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam:Hoạt động xác minh điều kiện thi hành án của Thừa phát lại đã “góp phần quan trọng đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập kinh tế quốc tế trong giai đoạn phát triển hiện nay”.[14] Bằng việc tiến hành hoạt động xác minh điều kiện thi hành án dân sự, Thừa phát lại đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác thi hành án dân sự vốn luôn khó khăn, phức tạp tại Việt Nam.

Hoạt động xác minh điều kiện thi hành án dân sự của Thừa phát lại đã góp phần làm cho công tác thi hành án dân sự tại Việt Nam ngày càng nhanh chóng, khoa học, chuyên nghiệp và luôn quan tâm, bảo vệ tốt nhất các quyền, lợi ích hợp pháp cho đương sự. Ngoài ra, hoạt động xác minh điều kiện thi hành án của Thừa phát lại còn giữ vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm quyền tự do quyết định của công dân trong thi hành án dân sự, đặc biệt trong bối cảnh nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa nơi luôn quan tâm, chú ý, đề cao và bảo vệ quyền công dân và quyền con người. Chính vì vậy, hoạt động xác minh điều kiện thi hành án của Thừa phát lại đã phần nào hiện thực hóa công cuộc cải cách tư pháp và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Đảng và Nhà nước ta.

Tóm lại, có thể khẳng định, “hoạt động xác minh điều kiện thi hành án của Thừa phát lại có ý nghĩa trước và cả trong quá trình thi hành án”.[15] Thông qua việc tiến hành xác minh các điều kiện thi hành án, Thừa phát lại đã góp phần chia sẻ, hỗ trợ và giảm bớt một phần áp lực công việc cho các chấp hành viên. Ngoài ra, kết quả xác minh điều kiện thi hành án của Thừa phát lại còn góp phần rất lớn để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các đương sự và còn giúp cho quá trình tổ chức thi hành án dân sự diễn ra nhanh chóng, đạt chất lượng và hiệu quả tốt hơn.

3. Một số khó khăn đối với hoạt động Thừa phát lại tại Việt Nam và kiến nghị

Từ thực tiễn hoạt động xác minh điều kiện thi hành án do Thừa phát lại tiến hành hiện nay cho thấy, vẫn còn rất nhiều khó khăn, phức tạp nên đã cản trở hoạt động xác minh.

Nghiên cứu cho thấy, do Thừa phát lại còn khá mới mẻ nên nhiều cá nhân, cơ quan, tổ chức vẫn chưa nhận thức đầy đủ về các dịch vụ pháp lý do Thừa phát lại cung cấp và trong đó có cả hoạt động xác minh điều kiện thi hành án dân sự. Đồng thời, chính từ các quy định pháp luật điều chỉnh về hoạt động xác minh điều kiện thi hành án của Thừa phát lại vẫn chưa đầy đủ, chi tiết nên thường xảy ra trường hợp, cơ quan thuế, các tổ chức tín dụng và một số cơ quan đăng ký tài sản thường từ chối cung cấp thông tin phục vụ cho việc xác minh điều kiện thi hành án do Thừa phát lại yêu cầu. Các cơ quan này thường lấy lý do, luật chuyên ngành (Luật Thuế, Luật Các tổ chức tín dụng,…) không quy định Thừa phát lại là đối tượng được cung cấp thông tin. Hay thậm chí đã xảy ra trường hợp, “nhiều cơ quan, tổ chức không hợp tác với Thừa phát lại trong quá trình xác minh điều kiện thi hành án và tổ chức thi hành án vì cho rằng Thừa phát lại không phải là cơ quan nhà nước”.[16]

Điều này một phần xuất phát từ lý do, mặc dù đã hơn 10 năm kể từ khi được pháp luật quy định trở lại nhưng cho đến nay, Thừa phát lại vẫn chỉ được pháp luật điều chỉnh bằng các văn bản dưới luật nên chưa đủ sức thuyết phục, uy tín và tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho Thừa phát lại khi tiến hành các hoạt động cung cấp các dịch vụ pháp lý. Nói cách khác, hiện nay, Thừa phát lại vẫn chưa có được địa vị pháp lý vững chắc, vì quy định về Thừa phát lại chưa được cụ thể hóa trong các đạo luật.[17] Chính vì thế, có nhận định cho rằng, “các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh và hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại còn khá sơ sài, chỉ bao gồm: Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ và các Thông tư hướng dẫn. Trong khi đó, các hoạt động của Thừa phát lại ngày càng phát triển mạnh mẽ và phổ rộng ở nhiều địa phương. Do đó, trong quá trình triển khai hoạt động đã gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Để giải quyết những bất cập này, đòi hỏi một hành lang pháp lý cao hơn, có tính chất nền tảng hơn”.[18] Từ đó, theo tác giả, để phù hợp với tình hình và hoàn cảnh thực tế, cần nhanh chóng ban hành “Luật Thừa phát lại”. Bởi lẽ, tương tự Luật sư và Công chứng viên đều cần được điều chỉnh trong từng đạo luật thì mới tạo dựng cơ sở pháp lý vững chắc và cả sự nghiêm minh, uy tín khi tổ chức thực hiện các công việc. Quy chế pháp lý về Thừa phát lại rất cần được quy định bằng một đạo luật riêng, bởi, chỉ có như vậy mới khẳng định vai trò quan trọng và là cơ sở pháp lý đủ mạnh để Thừa phát lại tiến hành các dịch vụ pháp lý, trong đó có xác minh điều kiện thi hành án dân sự.

Mặt khác, việc ban hành Luật Thừa phát lại còn góp phần quan trọng để các dịch vụ pháp lý do Thừa phát lại cung cấp được đối xử công bằng, bình đẳng với các dịch vụ pháp lý của luật sư và công chứng viên. Cũng từ đó, người dân ngày càng tin tưởng và tìm đến các dịch vụ pháp lý nói chung và dịch vụ xác minh điều kiện thi hành án dân sự nói riêng của Thừa phát lại. Vì vậy khẳng định, việc ban hành Luật Thừa phát lại còn có ý nghĩa, vai trò rất quan trọng để góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động cho Thừa phát lại.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN

[1] Nguyễn Đức Chính (chủ biên 2006), Tổ chức Thừa phát lại, NXB. Tư pháp, tr. 9.

[2] Học viện Tư pháp (2010), Giáo trình kỹ năng thi hành án dân sự, phần chung, NXB. Tư pháp, tr. 13.

[3] Khoản 3, Điều 3 của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP, ngày 24/7/2009 , về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh.

[4] Nguyễn Vinh Hưng (2017), Thừa phát lại trong thi hành án dân sự, Tạp chí Kiểm sát điện tử, truy cập tại: http://www.kiemsat.vn/thua-phat-lai-trong-thi-hanh-dan-su.html.

[5] Khoản 5, Điều 44 của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014).

[6] Phạm Phúc Thịnh (2014), Thừa phát lại trong thi hành án dân sự, Luận văn Thạc sĩ Luật học, Khoa Luật - ĐHQGHN, tr. 51.

[7] Thủ tướng Chính phủ (2009), Quyết định số 224/QĐ-TTg ngày 19/2/2009 về Phê duyệt Đề án “Thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại Thành phố Hồ Chí Minh”.

[8] Nghị quyết số 107/2015/QH13 ngày 26/11/2015, “Về thực hiện chế định Thừa phát lại”.

[9] Khoản 1, Điều 43 của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 về “Tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại”.

[10] Khoản 2, Điều 43 của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP, tlđd.

[11] Khoản 2, Điều 97 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

[12] Nguyễn Đức Chính (chủ biên 2006), Tổ chức Thừa phát lại, Nxb. Tư pháp, tr. 63.

[13] Nguyễn Minh Đức (2021), Tòa tuyên án, rồi sao?, truy cập tại: https://vnexpress.net/toa-tuyen-an-roi-sao-4280933.html.

[14] Nguyễn Vinh Hưng (2019), Vai trò của thủ tục rút gọn giải quyết vụ án dân sự, Tạp chí Cảnh sát nhân dân, số 8, tr. 48.

[15] Phạm Phúc Thịnh (2014), Thừa phát lại trong thi hành án dân sự, sđd, tr. 54.

[16] Nguyễn Vinh Hưng (2018), Cần nghiên cứu, đổi mới cơ chế hoạt động của Thừa phát lại ở nước ta hiện nay, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, số 01, tr. 24.

[17] Thanh Tùng (2015), Tăng quyền thi hành án cho Thừa phát lại, truy cập tại: https://thuvienphapluat.vn/tintuc/vn/thoi-su-phap-luat-binh-luan-gop-y/11324/tang-quyen-thi-hanh-an-cho-thua-phat-lai.

[18] Tỉnh ủy Khánh Hòa (2019), Vướng mắc trong hoạt động Thừa phát lại, truy cập tại: http://tinhuykhanhhoa.vn/tin-chi-tiet/id/5478/Vuong-mac-trong-hoat-dong-thua-phat-lai.

[19] Huỳnh Đức Thái Lâm Hoàng (2018), Giải pháp hoàn thiện pháp luật về Thừa phát lại ở Việt Nam hiện nay, truy cập tại: http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-phap-luat/giai-phap-hoan-thien-phap-luat-ve-thua-phat-lai-o-viet-nam-hien-nay-301444.html.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Thanh Tùng (2015), Tăng quyền thi hành án cho Thừa phát lại, truy cập tại: https://thuvienphapluat.vn/tintuc/vn/thoi-su-phap-luat-binh-luan-gop-y/11324/tang-quyen-thi-hanh-an-cho-thua-phat-lai.
  2. Chính phủ (2009), Nghị định số 61/2009/NĐ-CP, ngày 24/7/2009 về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh.
  3. Chính phủ (2020), Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại.
  4. Nguyễn Đức Chính (chủ biên 2006), Tổ chức Thừa phát lại, NXB. Tư pháp.
  5. Nguyễn Minh Đức (2021), Tòa tuyên án, rồi sao?, truy cập tại: https://vnexpress.net/toa-tuyen-an-roi-sao-4280933.html.
  6. Tỉnh ủy Khánh Hòa (2019), Vướng mắc trong hoạt động Thừa phát lại, truy cập tại: http://tinhuykhanhhoa.vn/tin-chi-tiet/id/5478/Vuong-mac-trong-hoat-dong-thua-phat-lai.
  7. Học viện Tư pháp (2010), Giáo trình kỹ năng thi hành án dân sự, phần chung, NXB. Tư pháp.
  8. Huỳnh Đức Thái Lâm Hoàng (2018), Giải pháp hoàn thiện pháp luật về Thừa phát lại ở Việt Nam hiện nay, truy cập tại: http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-phap-luat/giai-phap-hoan-thien-phap-luat-ve-thua-phat-lai-o-viet-nam-hien-nay-301444.html.
  9. Nguyễn Vinh Hưng (2017), Thừa phát lại trong thi hành án dân sự, Tạp chí Kiểm sát điện tử, nguồn truy cập: http://www.kiemsat.vn/thua-phat-lai-trong-thi-hanh-dan-su.html.
  10. Nguyễn Vinh Hưng (2018), Cần nghiên cứu, đổi mới cơ chế hoạt động của Thừa phát lại ở nước ta hiện nay, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, số 01.
  11. Nguyễn Vinh Hưng (2019), Vai trò của thủ tục rút gọn giải quyết vụ án dân sự, Tạp chí Cảnh sát nhân dân, số 8.
  12. Quốc hội (2014), Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014).
  13. Quốc hội(2015), Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
  14. Quốc hội (2015), Nghị quyết số 107/2015/QH13 ngày 26/11/2015, về thực hiện chế định thừa phát lại.
  15. Phạm Phúc Thịnh (2014), Thừa phát lại trong thi hành án dân sự, Luận văn Thạc sĩ Luật học, Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội.
  16. Thủ tướng Chính phủ (2009), Quyết định số 224/QĐ-TTg ngày 19/2/2009 của Thủ tướng Chính phủ, về Phê duyệt Đề án “Thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại TP. Hồ Chí Minh”.

The role of bailiff in verifying conditions for civil judgment execution

Ph.D Nguyen Vinh Hung 1

Master’s student Nguyen Hoang Viet 2

1 School of Law, Vietnam National University - Hanoi Campus

2 University of Technology and Management

ABSTRACT:

Facing challenges and complexities in the enforcement of civil judgments, the legal framework of bailiff has been re-enacted to support and improve the effectiveness of enforcing civil judgments. However, one of the essential tasks of bailiff is the verification of conditions for civil judgment execution still faces many difficulties. This paper examines the role of verification of conditions for civil judgment execution of bailiffs and proposes some recommendations to improve the effectiveness of related regulations in the coming time.  

Keywords: bailiff, role, enforcement of civil judgments, litigant, verification.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 18, tháng 7 năm 2021]