Xúc tiến thương mại 6 tháng cuối năm: Tăng hiện diện của hàng Việt tại các sân chơi lớn

Hoạt động xúc tiến thương mại sôi nổi, tích cực trong thời gian qua đã góp phần phát triển thị trường, kích thích tiêu dùng trong và ngoài nước, qua đó thúc đẩy sản xuất, duy trì và phát triển hoạt động xuất nhập khẩu.
Tăng cường hơn nữa hoạt động xúc tiến thương mại trong 6 tháng cuối năm 2023
Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của ngành Công Thương

Báo cáo tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của ngành Công Thương ngày 7/7/2023, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho rằng, thời gian qua, Cục Xúc tiến thương mại đã tích cực tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại đa dạng, sôi nổi, góp phần phát triển thị trường, kích thích tiêu dùng cả trong và ngoài nước, qua đó thúc đẩy sản xuất, duy trì và phát triển hoạt động xuất nhập khẩu.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ và định hướng của ngành Công Thương, 6 tháng đầu năm 2023, Cục Xúc tiến thương mại đã chủ động, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan triển khai nhiều giải pháp mà nòng cốt là Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại, Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phát triển thị trường trong nước và thúc đẩy xuất khẩu, góp phần tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, đóng góp chung vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Kích cầu thị trường trong nước

Cụ thể, để thúc đẩy tiêu dùng và kích cầu thị trường trong nước, các đề án phát triển thị trường trong nước đã tập trung vào các nội dung chính như hội chợ công thương, hội chợ thương mại - du lịch, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP cấp vùng đã được triển khai tại các vùng kinh tế trọng điểm miền Bắc, Trung, Nam tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và các địa phương gặp gỡ giao thương, quảng bá hình ảnh, tiềm năng sản xuất, thương mại, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh.

Tăng cường hơn nữa hoạt động xúc tiến thương mại trong 6 tháng cuối năm 2023
Hội chợ Công Thương vùng Đồng bằng sông Cửu Long - An Giang quy tụ hơn 400 gian hàng với nhiều mặt hàng phong phú, đa dạng về chủng loại

Ngoài ra, Cục Xúc tiến thương mại cũng đã tổ chức thành công chuỗi Chương trình kết nối giao thương giữa các nhà cung cấp địa phương với các hệ thống phân phối, doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại với quy mô lớn tại 3 khu vực: miền Bắc, miền Trung - Tây Nguyên và miền Nam.

Thống kê sơ bộ cho thấy, chương trình đã thu hút 58 địa phương và 550 doanh nghiệp trưng bày, kết nối giao thương trực tiếp với các nhà phân phối, hệ thống siêu thị trong nước như Central Retail, WinCommerce, BRG, MM Mega Market, Winmart, Lotte,… và 50 cặp giao thương trực tuyến với khách hàng quốc tế tại Hàn Quốc, Hà Lan, Ấn Độ, Trung Quốc, UAE,…

Bên cạnh đó, các đề án tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về hàng hóa và dịch vụ Việt Nam đến người tiêu dùng trong nước đã được triển khai rộng khắp trên các phương tiện truyền thông, qua đó góp phần quảng bá chất lượng hàng hóa Việt Nam, nâng cao uy tín và năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường trong nước.

Xây dựng, quảng bá Thương hiệu quốc gia Việt Nam

Mặt khác, hoạt động tuyên truyền, quảng bá cho sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia trong khuôn khổ Chương trình Thương hiệu quốc gia được Cục Xúc tiến thương mại triển khai đa dạng, phong phú, hiệu quả thông qua chuỗi hoạt động thuộc Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2023, Diễn đàn Thương hiệu quốc gia năm 2023; Tuyên truyền quảng bá Ngày Thương hiệu Việt Nam 20/4 trong nước và quốc tế; tổ chức Triển lãm thành tựu Thương hiệu quốc gia Việt Nam nhằm tôn vinh thương hiệu Việt Nam tại thị trường trong nước và thị trường ngoài nước

Tăng cường hơn nữa hoạt động xúc tiến thương mại trong 6 tháng cuối năm 2023
Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam được Cục Xúc tiến thương mại triển khai đa dạng, phong phú và hiệu quả thông qua hàng loạt hoạt động nhằm tôn vinh thương hiệu Việt Nam tại thị trường trong và ngoài nước

Việc quảng bá ngành hàng xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam cũng được Cục Xúc tiến thương mại đẩy mạnh thông qua việc xây dựng và phát triển các sản phẩm truyền thông cho 3 ngành hàng là hạt điều, hạt tiêu và dừa; và 5 sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ ở châu Âu bằng 6 ngôn ngữ theo Liên hợp quốc và gửi các cơ quan thương vụ phối hợp truyền thông tại các sự kiện xúc tiến thương mại, kinh tế, ngoại giao và văn hoá chính trị phù hợp.

Bên cạnh hoạt động xây dựng, quảng bá thương hiệu, công tác bảo vệ thương hiệu cũng được Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghiệp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trú trọng, tập trung triển khai các chương trình Xây dựng giải pháp hỗ trợ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động xuất nhập khẩu và tổ chức các hội nghị đào tạo về các tiêu chuẩn, điều kiện xuất khẩu, xây dựng, phát triển và quản trị thương hiệu cho các sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam.

Thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực chế biến, chế tạo

Để góp phần hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm đối tác, nhập khẩu dây truyền công nghệ nhất là công nghệ nguồn của các nước phát triển như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Cục Xúc tiến thương mại đã tổ chức khu gian hàng đầu tư phát triển công nghiệp Việt Nam (Invest Viet Nam) trong khuôn khổ Hội chợ Thương mại quốc tế Vietnam Expo 2023 với sự tham gia của 5 địa phương và 3 Khu Công nghiệp tham dự.

Đồng thời, Cục Xúc tiến thương mại cũng tổ chức Toạ đàm chính sách lĩnh vực công nghiệp thực phẩm vào tháng 4/2023 thu hút sự quan tâm, tham dự của gần 150 đại biểu gồm các doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam; đại diện các cơ quan, tổ chức xúc tiến đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Hòa Bình; đại diện các khu công nghiệp. Kết quả bước đầu đã kết nối được doanh nghiệp Hàn Quốc Sejun với tỉnh Hải Dương để hiện thực hóa khả năng hợp tác đầu tư vào tỉnh Hải Dương trong tương lai gần.

Tại Hội nghị Kết nối đầu tư Việt Nam - Nhật Bản đã thu hút được sự tham dự của gần 100 đại diện các doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam; đại diện các cơ quan, tổ chức xúc tiến đầu tư Nhật Bản; đại diện các tỉnh, thành phố gồm Bắc Kạn, Hậu Giang, Lai Châu, Đà Nẵng; và đại diện các khu công nghiệp, doanh nghiệp thương mại.

Đa dạng các hoạt động xúc tiến thương mại

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Cục Xúc tiến thương mại đã trực tiếp triển khai cũng như phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các hội chợ triển lãm quốc tế; các đoàn giao dịch thương mại tại các thị trường có FTA, thị trường xuất khẩu trọng điểm, thị trường tiềm năng như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc,… nhằm trực tiếp kết nối khách hàng phát triển thị trường xuất khẩu.

Chương trình đã hỗ trợ hơn 1.600 lượt doanh nghiệp tham gia xúc tiến thương mại trực tiếp, trong đó rất nhiều doanh nghiệp đạt được các thỏa thuận ban đầu với đối tác nhập khẩu, ký kết hợp đồng xuất khẩu hàng hóa, các biên bản ghi nhớ có giá trị thông qua việc tham gia Hội chợ quốc tế.

Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài được Cục Xúc tiến thương mại tổ chức hàng tháng với các chủ đề tổng hợp và chuyên sâu
Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài được Cục Xúc tiến thương mại tổ chức hàng tháng với các chủ đề tổng hợp và chuyên sâu

Hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với vai trò là “cầu nối” cung cấp thông tin, tư vấn thông tin thị trường xuất nhập khẩu cho cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và các địa phương, qua đó hỗ trợ các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết để mở rộng, đa dạng hoá thị trường, chuỗi cung ứng mặt hàng xuất nhập khẩu đã phối hợp chặt chẽ với Cục Xúc tiến thương mại trong các Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài hàng tháng với các chuyên đề tổng hợp về thị trường toàn cầu, các chuyên đề chuyên sâu.

Đây là một kênh kết nối hiệu quả trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương tiếp cận thị trường, triển khai xúc tiến xuất khẩu, rút ngắn khoảng cách giữa hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các địa phương, hiệp hội, ngành hàng. Đặc biệt, đã giúp nâng cao vị thế, vai trò của hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong hỗ trợ địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp phát triển xuất khẩu.” - Ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh.

Đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại trong 6 tháng cuối năm 2023

Thời gian tới, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp kích cầu thị trường trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, khai thác hiệu quả FTA, đa dạng hoá thị trường xuất nhập khẩu, phát triển thị trường trong nước thông qua đoàn giao thương, hội chợ triển lãm, hội nghị quốc tế, tư vấn thị trường, kết nối nhà cung ứng với nhà nhập khẩu, nhà phân phối... bằng các hình thức kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp; Trực tiếp triển khai tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại có tính lan tỏa rộng và duy trì sự hiện diện của Việt Nam trên các sân chơi lớn phù hợp với tình hình thực tế của thị trường; Hội nghị giao ban với các cơ quan thương vụ VN ở nước ngoài; Hội nghị giới thiệu, quảng bá tiềm năng đầu tư, thương mại với các cơ quan ngoại giao, đại diện thương mại và tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài...

Tăng cường hơn nữa hoạt động xúc tiến thương mại trong 6 tháng cuối năm 2023
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương phát biểu tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023

Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá Chương trình Thương hiệu quốc gia và các sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia, thương hiệu ngành hàng xuất khẩu, các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý của Việt Nam trên các phương tiện truyền thông, tại các sự kiện xúc tiến thương mại, đầu tư và các sự kiện ngoại giao, văn hóa lớn ở trong nước và nước ngoài.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại. Theo đó, Cục Xúc tiến thương mại sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả các MOU đã ký với các tổ chức xúc tiến thương mại đối tác lớn trên thế giới như Đức, Hà Lan, Nhật Bản, Kazakhstan về thương mại điện tử, hội chợ triển lãm, tư vấn chính sách... để bổ sung các nguồn lực trong triển khai hoạt động xúc tiến thương mại theo xu thế xúc tiến thương mại trên thế giới.

Đồng thời, tiếp tục triển khai Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác xúc tiến thương mại giai đoạn 2021-2030” theo Quyết định số 1968/QĐ-TTg ngày 22 tháng 11 năm 2021. Theo đó, tập trung các hoạt động: (1) Tổ chức các khóa đào tạo tập huấn nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại cho các địa phương và doanh nghiệp; (2) Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá đánh giá thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại tại địa phương.

"Do hoạt động xúc tiến thương mại trong thời gian tới đây sẽ sôi động và tăng cường hơn nữa nên Cục Xúc tiến thương mại mong rằng sẽ nhận được sự phối hợp, hỗ trợ của các Bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội, ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp trong việc triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại cụ thể và bài bản hơn, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phát triển thị trường trong nước và thúc đẩy xuất khẩu, tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, đóng góp chung vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước." - Ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh.

Huyền My