Tuy nhiên, dự kiến hoạt động xuất khẩu đường của Thái Lan trong niên vụ 2014/2015 sẽ tiếp tục có xu hướng tăng nhờ vào hiệp định thương mại Cộng đồng kinh tế ASEAN.
Sản lượng đường của Thái Lan trong niên vụ 2013/2014 dự kiến đạt 11,4 triệu tấn, tăng 14% so với niên vụ trước. Nguyên nhân chủ yếu do tỷ lệ chiết xuất đường tăng cao hơn dự kiến khi điều kiện thời tiết thuận lợi. USDA nhận định điều này có khả năng sẽ đẩy mức xuất khẩu đường của Thái Lan trong niên vụ 2013/2014 tăng lên mức 9 triệu tấn.
Trong khi đó, sản lượng đường của Thái Lan trong niên vụ 2014/2015 được dự báo sẽ chỉ đạt 10,4 triệu tấn, giảm 9% so với niên vụ 2013/14. Do dự báo hoạt động gieo trồng mía đường của Thái Lan sẽ chịu tác động tiêu cực của hiện tượng El Nino, điều này sẽ làm giảm sản lượng trung bình của mía đường và tỷ lệ chiết tách đường nói chung.
Tuy nhiên, xuất khẩu đường trong niên vụ 2014/15 của Thái Lan có khả năng tăng lên mức từ 9 đến 10 triệu tấn do lượng dự trữ đường của Thái Lan ở mức cao từ niên vụ 2012/2013 và niên vụ 2013/2014. Bên cạnh đó, viêc xuất khẩu đường của Thái Lan sẽ nhận được sự hỗ trợ từ những thỏa thuận thương mại về Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) khi AEC có hiệu lực vào năm 2015.
Sản lượng
Sản lượng mía cây trong niên vụ 2013/14 của Thái Lan dự kiến đạt xấp xỉ 106 triệu tấn, tăng 5% so với niên vụ trước do điều kiện thời tiết thuận lợi tại các vùng trồng mía chính. Bên cạnh đó, tỷ lệ tách triết đường trung bình có khả năng cao hơn dự kiến, đạt xấp xỉ từ 108 -109 kg/tấn mía, cao hơn từ 8 đến 9% so với mức 100,25 kg/tấn mía trong niên vụ trước. Theo báo cáo chính thức của Văn phòng mía đường Thái Lan (OSCB), tỉ lệ triết xuất trng bình hiện đạt khoảng 108,8 kg/tấn mía. Do đó, USDA dự báo sản lượng đường của Thái Lan trong niên vụ 2013/2014 sẽ đạt 11,4 triệu tấn, tăng 14% so với niên vụ trước.
Sản lượng mía cây được sử dụng để sản xuất Ethanol dự báo đạt 0,8 triệu tấn do việc mở rộng diện tích canh tác khi mức tiêu thụ xăng Ete tại Thái Lan tăng lên.
Mặc dù diện tích vùng mía nguyên liệu của các nhà máy sản xuất đường mới tại Thái Lan đã tiếp tục được mở rộng nhưng sản lượng mía cây trong niên vụ 2014/2015 của Thái Lan được USDA dự báo sẽ giảm nhẹ xuống mức 105 triệu tấn do điều kiện thời tiết bất lợi. Cục khí tượng Thái Lan (TMD) dự báo hiện tượng El Nino sẽ làm giảm lượng mưa trong năm 2014; điều này có thể làm giảm mức sản lượng trung bình của mía cây do việc thiếu nước. Bên cạnh đó, tỷ lệ triết xuất đường dự kiến sẽ giảm xuống còn khoảng 100kg/tấn mía. Do vậy, sản lượng đường trong niên vụ 2014/15 của Thái Lan được dự báo đạt 10,4 triệu tấn, giảm khoảng 9% so với niên vụ 2013/14.
Tiêu thụ
Mức tiệu thụ đường trong 2 niên vụ 2012/13 và 2013/14 của Thái Lan đã được USDA điều chỉnh giảm xuống còn từ 2,5 đến 2,6 triệu tấn do suy thoái kinh tế bởi tình hình chính trị bất ổn tại Thái Lan. Tăng trưởng GDP của Thái Lan trong năm 2013 đạt 2,9%. Chính phủ Thái Lan cũng đã điều chỉnh dự đoán tăng trưởng GDP trong năm 2014 của nước này xuống còn 2,6% so với dự báo 4% trước đó do các bất ổn chính trị.
Lượng đường được ngành công nghiệp Thái Lan sử dụng (vốn chiếm khoảng 40% tổng mức tiêu thụ đường) trong năm 2013 đã giảm 1,6% do nhu cầu sử dụng của ngành công nghiệp thực phẩm giảm.
Trong khi đó, lượng đường được hộ gia đình tại Thái Lan tiêu thụ trong năm 2013 (chiếm khoảng 60% tổng mức tiêu thụ đường) tăng 1,4% so với năm 2012. Theo Bộ Y tế Thái Lan, mức tiêu thụ đường bình quân ở Thái Lan đã đạt 30 kg, tăng gấp 3 lần so với mức trung bình thông thường. Dự báo mức tiêu thụ đường trong niên vụ 2014/2015 dự báo sẽ tăng lên mức 2,7 triệu tấn do nền kinh tế Thái Lan trong năm 2015 sẽ phục hồi trở lại.
Giao dịch
Trong niên vụ 2012/2013, Thái Lan chỉ xuất khẩu được 6,7 triệu tấn đường, giảm 15% so với niên vụ trước do chịu sự cạnh tranh gay gắt từ đường của Brazil và Ấn Độ, đặc biệt là trên thị trường Trung Quốc. Hoạt động xuất khẩu đường thô của Thái Lan sang Indonesia vốn chiếm đến khoảng 50% tổng lượng đường thô được xuất khẩu cũng đã giảm nhẹ. Bên cạnh đó, Thái Lan đã không tận dụng tiệt để hạn ngạch xuất khẩu đường sang Mỹ. Tuy nhiên, lượng đường trắng và đường tinh luyện xuất khẩu của Thái Lan đã tăng 2% so với năm trước do nhu cầu sử dụng từ các quốc gia Châu Á tăng lên.
USDA nhận định xuất khẩu đường trong niên vụ 2013/2014 của Thái Lan sẽ tiếp tục xu hướng tăng lên nhờ có lượng đường dự trữ lớn. Theo đó, lượng đường xuất khẩu của Thái Lan sang các quốc gia ASEAN có thể sẽ tiếp tục tăng lên do mức thuế xuất nhập khẩu đường tại các quốc gia này sẽ giảm xuống còn từ 0 đến 10% theo Hiệp định thương mại tự do ASEAN (AEC) so với mức từ 5 đến 40% như hiện nay. Việc nhập khẩu đường sẽ được miễn thuế tại hầu hết các quốc gia ASEAN trừ một số quốc gia sau: Philippines (5%), Indonesia (5 – 10%) và Myanmar (0 – 5%). Theo USDA, các quốc gia Philippines, Indonesia và Myanmar đều cho biết có sản lượng đường đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nội địa, đạt 5 – 6 triệu tấn/năm.
Dự trữ
Dự trữ đường trong niên vụ 2013/2014 của Thái Lan được dự báo sẽ đạt 3,5 đến 3,6 triệu tấn, ngang bằng mức dự trữ trong niên vụ trước do có mức sản lượng đường cao và sụt giảm mức tiêu thụ đường trong nội địa. Trong khi đó, dự trữ đường trong niên vụ 2014/2015 được dự báo sẽ giảm đáng kể do sản lượng đường giảm và hoạt động xuất khẩu đường tăng lên.
Chính sách
Vào ngày 25/11/2013, nội các Thái Lan đã thông qua chương trình trợ giá sản xuất đường mía niên vụ 2013/2014 ở mức 900 Baht (27,7 USD)/tấn, giảm 5% so với niên vụ trước do giá đường toàn cầu giảm.
USDA cho biết nông dân Thái Lan đang yêu cầu được trả trực tiếp thêm 300 Baht (9,2 USD)/tấn nhằm bù đắp chi phí sản xuất khoảng 1.200 Baht (37 USD)/tấn. đường. Tuy nhiên, Chính phủ lâm thời Thái Lan vẫn chưa thể đưa ra quyết định cuối cùng.
Chính phủ Thái Lan vẫn duy trì chính sách quản lý giá đường được đưa ra từ tháng 5/2008. Theo đó, Chính phủ Thái Lan hỗ trợ 19 Baht/kg (đã bao gồm 7% thuế VAT) đối với đường tinh luyện bán buôn. Giá bán lẻ đường (bao gồm VAT) sẽ được giữ tại mức 21,85 Baht/kg đối với đường trắng và 22,85 Baht/kg đối với đường tinh luyện.