Basel III: thực trạng năng lực triển khai của các ngân hàng thương mại Việt Nam và một số kiến nghị

Basel III: thực trạng năng lực triển khai của các ngân hàng thương mại Việt Nam và một số kiến nghị do Nguyễn Diệu Hương (Khoa Ngân hàng, Học viện Ngân hàng) thực hiện

TÓM TẮT:

Áp dụng Basel III trong việc quản trị rủi ro là một xu hướng tất yếu của các ngân hàng thương mại và Việt Nam không nằm ngoài xu thế đó. Tuy nhiên, để việc áp dụng các thông lệ quốc tế này hiệu quả và thuận lợi, ngoài việc đánh giá các điều kiện kinh tế vĩ mô và năng lực hệ thống ngân hàng, việc đánh giá năng lực triển khai áp dụng Basel III trong việc quản trị rủi ro của các NHTM Việt Nam dưới góc độ vi mô cũng vô cùng cần thiết. Bài viết này phân tích thực trạng năng lực triển khai áp dụng Basel III của các ngân hàng thương mại Việt Nam hiện nay và có một số kiến nghị liên quan, như: công nghệ, nhân lực, tài chính,... để góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động trong hoạt động kinh doanh của các NHTM Việt Nam trong thời gian tới.

Từ khóa: ngân hàng thương mại, Basel III, kinh tế vĩ mô, hệ thống ngân hàng, năng lực triển khai.

1. Đặt vấn đề

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã thúc đẩy việc tái đánh giá có thể xem là chưa từng có tiền lệ từ trước đến nay về các biện pháp, cũng như các tiêu chuẩn an toàn quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng nói riêng và hệ thống tài chính nói chung (Wilson, 2019). Các cuộc cải cách ở một mức độ nào đó đã và đang mang đến các giải pháp cần thiết cho những vấn đề thiết yếu, đặc biệt là về các quy định liên quan. Tuy vậy, như European Central Bank (2016), Ferreira và cộng sự (2019) đã nhấn mạnh, nhìn chung, những biện pháp và cải cách này dường như tập trung chủ yếu vào các tổ chức tài chính lớn hoạt động kinh doanh trên phạm vi quốc tế, cũng như ở các thị trường tài chính có mức độ phức tạp cao.

Kết quả là bộ tiêu chuẩn quốc tế đầy đủ có thể không phải lúc nào cũng áp dụng được cho các thị trường tài chính nhỏ và ít phức tạp hơn, nơi mà hệ thống tài chính và năng lực giám sát vẫn đang ở giai đoạn phát triển. Mặt khác, cũng cần phải thừa nhận các nguyên tắc cơ bản của các tiêu chuẩn này vẫn phù hợp với hầu hết hệ thống ngân hàng các quốc gia, vì chúng đưa ra các hướng dẫn, kim chỉ nan và đánh giá quan trọng khi xây dựng các phương pháp tiếp cận để triển khai trên thực tế.

Để xây dựng một khuôn khổ an toàn hiệu quả, các nền kinh tế đang phát triển phải xem xét các đặc điểm cụ thể của thị trường tài chính trong nước khi triển khai các tiêu chuẩn quốc tế. Chính nhu cầu này cũng thật sự cần thiết đối với thị trường ngân hàng Việt Nam.

Xuất phát từ bối cảnh phân tích ở trên, tác giả tiến hành đánh giá “Basel III: thực trạng năng lực triển khai của các ngân hàng thương mại Việt Nam và một số kiến nghị”. Đây được xem là nỗ lực nhằm đóng góp vào việc nghiên cứu, triển khai và áp dụng các tiêu chuẩn Basel III vào hệ thống ngân hàng trong nước, nhất là dưới góc độ quản trị rủi ro của các NHTM.

2. Đánh giá năng lực triển khai Basel III của các ngân hàng thương mại Việt Nam

Để đánh giá khả năng và năng lực của các ngân hàng trong việc triển khai Basel III, dựa theo nghiên cứu gần đây của Nguyễn Đức Trung (2021), các tiêu chí chính sau đây sẽ được tác giả tập trung và làm rõ: 1) Mức độ an toàn vốn và đòn bẩy tài chính; 2) Chất lượng tài sản có; 3) Chất lượng và năng lực quản lý; 4) Khả năng sinh lời; 5) Thanh khoản; 6) Chính sách phân chia lợi nhuận. Cụ thể như sau:

2.1. Về tiêu chí mức độ an toàn vốn và đòn bẩy tài chính

Điều đầu tiên là vốn điều lệ cũng như hệ số an toàn vốn (CAR) của các NHTM trong nước đã gia tăng đáng kể trong giai đoạn gần đây. Chính điều này là một trong những dấu hiệu tích cực về năng lực tài chính được cải thiện của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Cụ thể, chỉ số CAR đã tăng đáng kể từ năm 2015 đến năm 2019 và so với những năm trước đó (từ năm 2011 đến năm 2014), chỉ số này cao hơn mức độ trung bình là 13%. Điều này đồng nghĩa với việc tỷ lệ CAR vượt xa so với quy định của NHNN (9%). (Lê Hải Trung và cộng sự, 2023)

Về đòn bẩy tài chính, số liệu được tác giả tính toán từ BCTC của các NHTM cũng cho thấy chỉ số này ở hầu hết các NHTM đều vượt tỷ lệ là 3%. Như vậy, trong trường hợp tỷ lệ an toàn vốn đảm bảo tuân thủ quy định của Basel III, cho thấy số lượng các NHTM vượt ngưỡng cả tỷ lệ đòn bẩy tài chính lẫn an toàn vốn là tương đối cao.

Nếu đối chiếu theo chuẩn mực hiện hành trong nước, hệ số CAR nhìn chung cũng đảm bảo được ngưỡng quy định. Tuy vậy, cũng cần phải thừa nhận mặc dầu chỉ số này về cơ bản luôn ở mức khá cao, trên 12% từ năm 2008 (Lê Hải Trung và cộng sự, 2023), nhưng vẫn còn một số hạn chế nhất định khi đối sánh với các tiêu chuẩn của cả Basel II lẫn Basel III. Một số hạn chế này được tóm gọn ở những điểm chính sau đây:

- Đầu tiên, nếu áp dụng theo phương pháp xếp hạng nội bộ, tài sản của các ngân hàng trong nước phải đối mặt với việc giảm về thứ bậc. Điều này dẫn đến việc gia tăng tài sản có rủi ro.

- Ngoài ra, việc các ngân hàng đưa cả rủi ro hoạt động lẫn rủi ro thị trường vào mẫu số để tính tỷ lệ CAR sẽ dẫn đến tài sản có rủi ro được xác định thấp hơn. Điều này đồng nghĩa với việc gia tăng chỉ số này.

- Hơn nữa, việc tính toán vốn tự có theo quy định hiện hành chưa đề cập đến vấn đề vốn tự có thực như Basel đề xuất. Do vậy, có một khả năng có thể xảy ra là việc vốn tự có của hệ thống ngân hàng gia tăng từ năm 2011 có thể xuất phát từ việc sở hữu chéo.

Tóm lại, mặc dù chứng kiến sự gia tăng đáng kể của chỉ số CAR nhưng điều này chưa phản ánh mức độ an toàn vốn của các ngân hàng. Ngoài ra, để đánh giá sự an toàn vốn của các ngân hàng, cần thiết phải đối chiếu cả hệ số CAR lẫn tỷ lệ đòn bẩy tài chính. Do vậy, dù CAR luôn vượt ngưỡng quy định, việc đòn bẩy tài chính suy giảm liên tục chính là chỉ dấu cho thấy sự cần thiết phải tái đánh giá mức độ an toàn tài sản có của các ngân hàng trong nước.

2.2. Về tiêu chí chất lượng tài sản có

Nhìn chung, mặc dù tổng tài sản của các NHTM đã có sự gia tăng đáng kể, nhưng các NHTM nhà nước vẫn chiếm một tỷ trọng khá lớn với hơn 50% tổng tài sản của hệ thống ngân hàng. Tiếp nối theo sau quá trình cải cách, giai đoạn từ 2012 đến 2015, với việc sáp nhập các ngân hàng yếu kém, tỷ trọng này dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng. Nếu tính cả phần vốn góp từ các doanh nghiệp nhà nước tại các NHTM, tỷ lệ vốn góp của nhà nước vào lĩnh vực ngân hàng sẽ còn lớn hơn khá nhiều.

Về cơ cấu, tổng tài sản của hệ thống tập trung vào 3 mảng chính, bao gồm: cho khách hàng vay, cho vay trên thị trường liên ngân hàng và cuối cùng là đầu tư vào chứng khoán. Cần lưu ý, cho vay trên thị trường liên ngân hàng dường như có sự giảm nhiệt thời gian gần đây, trong khi đó đầu tư chứng khoán mà nhất là kênh trái phiếu chính phủ có dấu hiệu gia tăng. Điều này phản ánh, đầu tư thông qua kênh trái phiếu chính phủ đang khá hấp dẫn dưới góc nhìn của các NHTM.

Về chất lượng tài sản, tỷ lệ nợ xấu giảm đáng kể so với giai đoạn 2007 đến 2011 tiếp nối sau Quyết định 254 về Đề án cơ cấu lại hệ thống ngân hàng. Điều này phần nào cho thấy nỗ lực kiểm soát tốt nợ xấu của các NHTM trong thời gian qua, cũng như vai trò phát huy từ đề án cơ cấu lại hệ thống ngân hàng của chính phủ.

2.3. Về tiêu chí chất lượng và năng lực quản lý

Về thực tiễn quản trị, một số vấn đề yếu kém nổi bật trong hệ thống ngân hàng ở một số điểm chính sau:

Đầu tiên, chất lượng quản trị còn tương đối kém cho dù việc thanh tra cũng như giám sát diễn ra một cách khá thường xuyên. Một số đại án liên quan đến hoạt động của các NHTM thời gian qua là những ví dụ khá điển hình cho nhận định này. Mặt khác, một số báo cáo đánh giá của các tổ chức quốc tế cũng nêu bật chất lượng quản lý khá thấp của các ngân hàng trong nước (Nguyễn Đức Trung, 2021).

Bên cạnh đó, xu hướng biến động nhân sự quản lý cấp cao ở các NHTM một cách thường xuyên thời gian gần đây cũng là một điểm phản ánh năng lực quản trị của các NHTM. Nguyên do chính giải thích cho hiện tượng này đến từ việc gia tăng việc sáp nhập, tái cơ cấu, thay đổi vai trò chủ sở hữu,... Vấn đề phát sinh từ những thay đổi liên tục này đó là khi “vòng đời” CEO của các NHTM ngắn lại, họ sẽ có xu hướng tập trung vào các mục tiêu ngắn hạn hơn như tăng trưởng nóng, mở rộng kinh doanh, hơn là việc ổn định trong dài hạn.

Ngoài ra, thực trạng cơ cấu và mô hình quản lý hiện hành cũng cho thấy nhiều bất cập. Đơn cử như, thiếu các phòng/ban chức năng trong việc kết nối thông tin giữa ban điều hành và hội đồng quản trị để đảm bảo luồng thông tin được kết nối xuyên suốt và các quyết định đưa ra một cách hiệu quả. Thêm vào đó, hệ thống cơ sở dữ liệu, cũng như hạ tầng công nghệ yếu kém cũng là điểm nghẽn cho các quyết sách hiệu quả được đưa ra.

Tóm lại, năng lực quản trị cũng như chất lượng về quản lý của các NHTM là điểm cần đặc biệt lưu tâm trong thời gian tới.

2.4. Về tiêu chí khả năng sinh lời

Một số nhận định gần đây cho thấy các chỉ số sinh lời đang có dấu hiệu giảm, một phần đến từ các nguyên nhân chính như sau:

- Tăng trưởng tín dụng có xu hướng chậm và khó khăn trong những năm qua xuất phát từ những biến động kinh tế vĩ mô đã ảnh hưởng đáng kể đến chỉ số sinh lời của các NHTM, bởi lẽ các ngân hàng trong nước vẫn tập trung chính vào các hoạt động kinh doanh truyền thống mà cho vay là chủ đạo.

- Tăng trưởng huy động lại có xu hướng tăng cao hơn. Hệ quả là, thu nhập bình quân so với tổng tài sản có xu hướng giảm. Điều này trái ngược với xu hướng tăng trưởng khá nóng ở nhiều năm trước, khi tăng trưởng tín dụng luôn cao hơn huy động.

- Chủ trương cắt giảm lãi suất nhằm hỗ trợ kích thích nền kinh tế cũng ảnh hưởng đáng kể đến thu nhập của các ngân hàng. Khi chênh lệch lãi suất giữa cho vay và huy động giảm, việc giảm mức bình quân thu nhập là điều khó tránh khỏi.

Bên cạnh đó, việc tính đúng và tính đủ các rủi ro tín dụng, trích lập dự phòng nhằm phù hợp các quy định hiện hành cũng ảnh hưởng không nhỏ đến các chỉ số sinh lời của các ngân hàng trong nước.

2.5. Về tiêu chí thanh khoản

Chỉ số về thanh khoản thông qua tỷ lệ LDR đã cho thấy sự cải thiện những năm qua và là điểm sáng đáng kể của ngành Ngân hàng trong nước. Nếu như trước những năm 2011, tỷ lệ này luôn ở mức khá cao (trên 100%) (Nguyễn Lê Nguyên Dung, 2015), thì sau đó đã giảm đáng kể những năm gần đây. Ngoài ra, quy định về tỷ sử dụng vốn ngắn hạn tài trợ trung dài hạn ở mức 30% cũng góp phần cải thiện đáng kể về thanh khoản của các NHTM thời gian qua. Như vậy, đối với tiêu chí thanh khoản, hệ thống ngân hàng trong nước có nhiều không gian để triển khai các tiêu chuẩn về thanh khoản dựa theo Basel III.

2.6. Về tiêu chí chính sách phân chia lợi nhuận

Chính sách phân chia lợi nhuận, cụ thể là chính sách chia cổ tức dưới góc độ quy định đã thay đổi đáng kể trong hơn 1 thập kỷ qua. Nếu như trước đây, các ngân hàng tương đối dễ dàng trong việc lách các quy định liên quan đến trích lập dự phòng, dẫn đến lợi nhuận được đánh bóng khá cao và việc phân chia lợi nhuận khá hào phóng, thì một loạt các quy định liên quan được ban hành đã phần nào khắc phục được vấn đề này. Đơn cử như, Thông tư số 02/2013 (sửa đổi bổ sung tại Thông tư số 09/2014) đã quy định khá chặt chẽ việc trích lập dự phòng. Hệ quả là, lợi nhuận báo cáo của các NHTM đã giảm đáng kể tiếp nối sau đó và dẫn đến tác động trực tiếp đến kế hoạch chi trả cổ tức của các ngân hàng. Ngoài ra, việc NHNN yêu cầu các NHTM báo cáo kế hoạch chi trả cổ tức cũng đóng một vai trò khá quan trọng. Theo đó, việc chi trả phải đảm bảo ngân hàng đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ liên quan, bao gồm: đánh giá đầy đủ rủi ro, nợ xấu, việc trích lập dự phòng, v.v. và phản ánh một cách trung thực tình hình hoạt động kinh doanh của các ngân hàng. Tóm lại, có thể thấy chính sách phân chia lợi nhuận phần nào đảm bảo củng cố an toàn của hệ thống hướng đến áp dụng các tiêu chuẩn Basel III.

3. Một số đề xuất liên quan

Thứ nhất là về phát triển hạ tầng công nghệ. Đây là điểm mấu chốt và cần thiết tập trung ở các NHTM trong nước. Để triển khai và áp dụng Basel III một cách hiệu quả, các ngân hàng cần đầu tư và xây dựng hệ thống quản trị dữ liệu, thông tin một cách đầy đủ, nhất là trong khoảng thời gian dài. Song song với đó, việc chuẩn hóa quy trình, phân tích dữ liệu một cách chính xác và kịp thời cũng là vấn đề cấp thiết. Một số nhận định cho thấy, độ dày trong phân tích dữ liệu của các ngân hàng chưa được đảm bảo.

Thứ hai là việc chuẩn bị đầy đủ nguồn nhân lực chất lượng cao. Thật vậy, triển khai Basel III đòi hỏi các NHTM phải đảm bảo đầy đủ nguồn nhân lực am hiểu các chuẩn mực quốc tế và hài hòa nó với yêu cầu thực tiễn Việt Nam. Theo đó, thiết nghĩ việc hợp tác và đặt hàng với các trường đại học, các viện nghiên cứu về việc đào tạo cho nhân viên hiện hữu và các nhân sự “nguồn” là bước đi khả dĩ trong thời gian tới.

Thứ ba là vấn đề chuẩn bị nguồn lực tài chính. Một số ước tính chỉ ra tổng chi phí để triển khai tiêu chuẩn Basel có thể chiếm khoảng hơn 0,4% vốn điều lệ ngân hàng (Nguyễn Đức Trung và cộng sự, 2021). Do đó, các nhà lãnh đạo cao cấp, ban điều hành, hội đồng quản trị cũng như cổ đông cần nhận thức và thống nhất kế hoạch triển khai và các chi phí phát sinh liên quan. Việc đồng lòng và sẵn sàng đón nhận các khó khăn thách thức có thể gặp phải khi triển khai và áp dụng Basel III sẽ tạo sự chủ động cho các ngân hàng và tránh tình trạng “nửa mùa” khi áp dung chuẩn mực quốc tế.

Sau cùng, một trong những điểm nổi bật của Basel III là trao một phần quyền giám sát hoạt động ngân hàng cho thị trường, hay chính xác hơn là các chủ thể tham gia vào thị trường. Để kích thích hoạt động giám sát này một cách hiệu quả, việc công bố đẩy đủ và trung thực tình hình tài chính là điều khá quan trọng. Mặc dù quy định hiện hành đã cho thấy nỗ lực của các cơ quan quản lý trong việc yêu cầu các NHTM công bố thông tin chính xác và kịp thời, thực tế cho thấy vẫn tồn tại “vấn đề đánh bóng” tình hình tài chính, mà Ngân hàng SCB gần đây là ví dụ khá điển hình. Tác giả tin rằng, với lượng thông tin phải được công bố theo tiêu chuẩn Basel là khá lớn, việc giám sát chỉ tập trung ở các cơ quan quản lý là chưa đủ. Do đó, các cơ chế khuyến khích, các kiến thức tài chính cần cập nhật và phổ biến rộng rãi để “bàn tay” kỷ luật thị trường hoạt động hiệu quả hơn trong thời gian tới.

4. Kết luận

    Nghiên cứu đã đưa ra các đánh giá định tính về mức độ sẵn sàng của các NHTM Việt Nam trong việc áp dụng thông lệ quốc tế Basel vào công tác quản trị rủi ro trong hoạt động kinh doanh ngân hàng. Đây có thể xem là nỗ lực nhằm đóng góp vào việc nghiên cứu, triển khai và áp dụng các tiêu chuẩn Basel III vào hệ thống ngân hàng trong nước, nhất là dưới góc độ quản trị rủi ro của các NHTM. Mặc dù chủ đề Basel đã thu hút nhiều học giả trong nước thời gian gần đây, nhưng dưới góc độ quản trị rủi ro là còn tương đối khá khan hiếm.

Nghiên cứu vẫn còn tồn tại một số thiếu sót mà các nghiên cứu trong tương lai có thể lấp đầy khoảng trống nghiên cứu này như đánh giá mức độ sẵn sàng áp dụng Basel III của các NHTM bằng phương pháp định tính hay những thách thức có thể có khi triển khai và áp dụng tiêu chuẩn Basel III, hoặc như mối quan hệ giữa quản trị rủi ro thị trường và việc triển khai Basel III. Thông qua nghiên cứu này, tác giả hy vọng sẽ mở đường cho nhiều nghiên cứu trong tương lai về vấn đề quan trọng này - Basel III - trong hoạt động kinh doanh của các NHTMVN. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Lê Hải Trung, Nguyễn Bích Ngân và Nguyễn Bích Ngọc (2023). Tác động của hệ số an toàn vốn tới tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại Việt Nam và một số khuyến nghị. Tạp chí Tài chính Ngân hàng, 6, 10-18.

2. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2013). Thông tư số 02/2013/TT-NHNN ngày 21/01/2013 quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

3. Nguyễn Đức Trung. (2021). Hiệp Ước Basel II Và III: Từ các khuyến nghị đến thực tiễn áp dụng tại Việt Nam. Việt Nam: Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh.

4. Nguyễn Lê Nguyên Dung (2015). Đánh giá an toàn tài chính trong hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam. Tạp chí Khoa học và Đào tạo Ngân hàng, 155, 39-44.

6. European Central Bank. (2016). The future of the international monetary and financial architecture: Conference proceedings. [Online] Available at https://data.europa.eu/doi/10.2866/482697

7. Ferreira, C., Jenkinson, N., & Wilson, C. (2019). From Basel I to Basel III: Sequencing Implementation in Developing Economies. IMF Working Papers, 127, 42.

THE CURRENT CAPACITY

OF VIETNAMESE COMMERCIAL BANKS TO APPLY BASEL III

AND SOME RECOMMENDATIONS

• NGUYEN DIEU HUONG

Faculty of Banking, Banking Academy of Vietnam

ABSTRACT:

Applying Basel III to risk management is an inevitable trend for commercial banks, including Vietnamese commercial banks. However, to apply these international practices effectively and smoothly, besides assessments of macroeconomic conditions and banking system capacity, it is necessary to assess the capacity to implement Basel III in the risk management of Vietnamese commercial banks from a micro perspective. This study analyzed the current capacity of Vietnamese commercial banks to apply Basel III. The study also proposed some recommendations about technology, human resources, finance, etc. to improve the performance of Vietnamese commercial banks in the coming time.

Keywords: commercial banking, Basel III, macroeconomics, banking system, implementation capacity.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghê, số 14 tháng 6 năm 2024]

Tạp chí Công Thương