Bầu cử - một hình thức kiểm soát quyền lực nhà nước

TRẦN NGỌC THÚY (Trường Đại học Luật - Đại học Huế)

TÓM TẮT:

Bầu cử không chỉ đơn giản là biện pháp nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước thuộc về mình bằng cách lựa chọn thông qua lá phiếu những người thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước, mà còn là hình thức kiểm soát quyền lực nhà nước. Hiện nay, cơ chế bầu cử ở các chế độ chính trị khác nhau dẫn đến sự kiểm soát quyền lực ở mỗi quốc gia có những sự khác biệt nhất định. Kiểm soát quyền lực nhà nước thông qua bầu cử tuy không phải là hình thức hiệu quả nhất, nhưng đó là cơ sở cho việc các cơ quan nhà nước cũng như các quan chức do nhân dân bầu ra phải chịu trách nhiệm trước nhân dân. Bài viết này sẽ bàn về kiểm soát quyền lực nhà nước thông qua bầu cử ở Việt Nam và một số nước trên thế giới.

Từ khóa: bầu cử, kiểm soát quyền lực, quyền lực nhà nước.

1. Nội dung, mục đích của kiểm soát quyền lực nhà nước

Trên thế giới hiện nay, cơ bản có 2 mô hình nhà nước pháp quyền: Mô hình thứ nhất là, tổ chức theo cơ chế “Tam quyền phân lập”, trong đó 3 quyền của nhà nước, đó là hành pháp, lập pháp, tư pháp, được phân chia cho 3 cơ quan độc lập nắm giữ. Mô hình này là của Nhà nước tư sản; Mô hình thứ hai là, “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước…”. Mô hình này là của Nhà nước xã hội chủ nghĩa, trong đó có Việt Nam. Ở nước ta, mô hình thứ hai này được thể hiện tại Khoản 3, Điều 2 Hiến pháp năm 2013: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.

Trước chế độ dân chủ tư sản và dân chủ xã hội chủ nghĩa, mọi quyền lực nhà nước đều tập trung vào trong tay một cá nhân. Điều này dẫn đến hành vi độc tài, chuyên chế trong việc thực hiện các công việc nhà nước. Vì vậy, tư tưởng phân chia quyền lực đã được ra đời ở các nhà nước tư sản. Theo học thuyết phân quyền, quyền lực nhà nước luôn có xu hướng tự mở rộng, tự tăng cường vai trò của mình. Bất cứ ở đâu có quyền lực là xuất hiện xu hướng lạm quyền và chuyên quyền. Do vậy, để đảm bảo các quyền tự do cơ bản của công dân, ngăn ngừa các hành vi lạm quyền của các chủ thể nắm giữ quyền lực nhà nước, phải thiết lập các thiết chế nhằm giới hạn quyền lực nhà nước. Muốn hạn chế quyền lực Nhà nước, trước hết phải phân quyền và sau đó phải làm cho các nhánh quyền lực đã được phân chia chỉ được phép hoạt động trong phạm vi quy định của pháp luật. Học thuyết này đã phân chia quyền lực nhà nước thành 3 quyền là quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp (hay còn gọi là phân quyền ngang). Quyền lập pháp biểu hiện ý chí chung của quốc gia, nó thuộc về toàn thể nhân dân và quyền này được trao cho Nghị viện. Quyền hành pháp là việc thực hiện luật pháp đã được thiết lập, quyền này không được thực hiện bởi những thành viên của Nghị viện. Quyền tư pháp là để trừng trị tội phạm và giải quyết sự xung đột giữa các cá nhân. Các cơ quan quyền lực này giám sát, kiềm chế đối trọng lẫn nhau để không có một cơ quan nào có khả năng lạm quyền.

Để kiểm soát quyền lực nhà nước thì quyền lực nhà nước không chỉ phân chia theo chiều ngang thành các nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp, mà còn được phân chia theo chiều dọc từ trung ương đến địa phương.

Thứ nhất, đối với nhà nước đơn nhất. Hệ thống các cơ quan nhà nước do dân bầu ra có sự phân công nhiệm vụ, trách nhiệm và quyền hạn cụ thể giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương trong những lĩnh vực cụ thể: chính quyền trung ương sẽ giải quyết các vấn đề công, vì lợi ích của cả cộng đồng xã hội như chủ quyền lãnh thổ, dịch vụ công…; còn chính quyền địa phương sẽ phụ trách các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội, giáo dục, văn hóa ở địa phương, ngoài ra còn có thể chủ động tiến hành hợp tác với các địa phương khác hoặc các tổ chức quốc tế trong quyền hạn của mình.

Thứ hai, đối với nhà nước liên bang. Phân quyền dọc còn được thể hiện trong mối liên hệ giữa nhà nước liên bang và các nhà nước thành viên. Việc tổ chức nhà nước của các nước liên bang trước hết phải có sự phân biệt thẩm quyền giữa liên bang và các nước thành viên. Nhằm hạn chế quyền lực nhà nước các thành viên, Hiến pháp liên bang thường liệt kê nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên. Hiến pháp Liên bang Nga năm 1993 khẳng định nhà nước Nga là nhà nước liên bang. Chế độ liên bang của Nhà nước Nga được xây dựng trên cơ sở của sự toàn vẹn quốc gia, sự thống nhất của hệ thống các cơ quan nhà nước, sự phân định rõ ràng đối tượng quản lý và quyền hạn của các cơ quan của chính quyền nhà nước Liên bang Nga và các cơ quan của chính quyền nhà nước chủ thể của Liên bang Nga. Sự phân quyền này còn được thể hiện trong tổ chức Nghị viện Liên bang Nga: Hội đồng liên bang (Thượng nghị viện) và Đuma quốc gia (Hạ nghị viện).

          Trong các chế độ dân chủ, quyền lực nhà nước là quyền lực của nhân dân ủy thác cho nhà nước để thực thi những mục tiêu, nhiệm vụ chung của cộng đồng, xã hội. Khái niệm quyền lực nhà nước theo TS. Trịnh Thị Xuyến: “Quyền lực nhà nước là quyền lực công của xã hội được chế định bằng pháp luật, do giai cấp có thế lực nhất trong xã hội nắm giữ để thực hiện lợi ích của cá nhân và xã hội”.

          Điều 2 Hiến pháp Việt Nam năm 2013 lại quy định: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”.

          Kiểm soát quyền lực nhà nước là rất quan trọng và cần thiết. Không quốc gia nào có thể phát triển nhanh, ổn định và bền vững nếu như quyền lực nhà nước không được kiểm soát và thực hiện đúng đắn. Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng lạm quyền, tha hóa quyền lực vẫn luôn tiềm ẩn và thường xuyên xảy ra. Một số nhân viên nhà nước, thậm chí các cơ quan nhà nước thay mặt nhân dân nắm giữ và thực hiện quyền lực nhà nước nhưng lại lợi dụng quyền lực được giao nhằm vụ lợi cho bản thân. Một số khác do năng lực, trình độ hạn chế, nên đã mắc sai lầm trong việc đưa ra những quyết định làm ảnh hưởng tới lợi ích của các tổ chức, cá nhân.

          Việc kiểm soát quyền lực nhà nước được thực hiện bởi nhiều chủ thể, thông qua nhiều hình thức, phương tiện với những nội dung và quy trình kiểm soát khác nhau ở mỗi thời điểm khác nhau. Với mỗi quốc gia, việc kiểm soát và tổ chức thực hiện việc kiểm soát quyền lực nhà nước được tiến hành theo những cơ chế khác nhau. Có nhiều cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước như cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước của các cơ quan nhà nước; cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước của nhân dân… “Trong số những nội dung và biện pháp kiểm soát quyền lực nhà nước, bầu cử có một vị trí quan trọng. Nếu quyền bầu cử của nhân dân được thực thi một cách nghiêm túc, thì cho dù nhà nước cùng các quan chức của nó có độc tài, chuyên chế đến đâu chăng nữa cũng bị ngăn chặn một cách thích đáng bằng các nhiệm kỳ hữu hạn của chúng”. [1]

2. Kiểm soát quyền lực nhà nước thông qua bầu cử ở các nước trên thế giới

          Trên thế giới hiện nay, hầu hết các đảng chính trị xác lập vị trí đảng cầm quyền thông qua bầu cử cơ quan nhà nước. Bầu cử là một trong những chế định quan trọng của Luật Hiến pháp tư sản, là cơ sở pháp lý cho việc hình thành ra các cơ quan nhà nước. Sự hiện diện của chế độ bầu cử là sự phản ánh tính dân chủ, là một hình thức hữu hiệu để thực hiện quyền lực nhân dân. Chế độ bầu cử thể hiện khả năng lựa chọn được những người tài, có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín làm đại diện cho nhân dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân, thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước.

          Quá trình tiến hành bầu cử trải qua nhiều giai đoạn từ việc giới thiệu ứng cử viên, vận động bầu cử, chuẩn bị kinh phí bầu cử và xác định kết quả bầu cử. Trong đó, vận động bầu cử là giai đoạn quan trọng nhất,  bởi vì chính giai đoạn này sẽ góp phần quan trọng quyết định sự thành bại của các ứng cử viên và của đảng phái chính trị tham gia tranh cử. Pháp luật tư sản quy định tương đối chi tiết về giai đoạn này nhằm bảo đảm công bằng giữa các ứng cử viên, như: thời gian bắt đầu, thời gian kết thúc vận động bầu cử; thời gian được quyền phát biểu trên các phương tiện thông tin đại chúng; cách thức và địa điểm dán áp phích; đối thoại trực tiếp giữa các ứng cử viên; chương trình hành động của các ứng cử viên;…

Để giành thắng lợi trong bầu cử, đảng chính trị cần phải có tổ chức, hệ tư tưởng đủ mạnh và tuyên truyền, giáo dục hệ tư tưởng, đường lối của đảng mình cho đảng viên và công chúng để thu hút, tập hợp lực lượng về phía mình và nhận được sự ủng hộ cũng như bảo vệ của các lực lượng xã hội; bảo đảm số ứng viên là đảng viên của đảng thắng cử tham gia vào cơ quan nhà nước và có khả năng thực hiện lợi ích của đảng; tuyển chọn và bố trí nhân sự vào bộ máy cơ quan quyền lực nhà nước. Đảng nắm chính quyền thông qua đội ngũ đảng viên là công chức trong các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp; xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách của đảng đúng đắn, phù hợp, phản ánh, thỏa mãn nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân và cam kết thực hiện nếu thắng cử và lập được chính phủ.

Ở các nước có từ hai đảng đồng thời hoạt động trở lên, bầu cử là cuộc đấu tranh giành giật quyền lực gay gắt giữa các đảng chính trị. Sau cuộc tổng tuyển cử, đảng cầm quyền - là đảng chiếm đa số ghế trong nghị viện và ứng cử viên của mình thắng cử trong cuộc bầu cử - có quyền đứng ra lập chính phủ và các thành viên hoạt động tích cực trong chiến dịch vận động bầu cử của đảng sẽ được bổ nhiệm vào các chức vụ trong chính quyền. Mọi hoạt động của chính phủ phải thể hiện ý chí của đảng cầm quyền thông qua ý chí của người lãnh đạo.

Một đảng chính trị sau khi thắng cử trở thành đảng cầm quyền, thông qua các nghị sĩ là đảng viên của đảng, nắm quyền kiểm soát các hoạt động của bộ máy nhà nước. Hoạt động của nhà nước luôn tuân thủ theo sự lãnh đạo của đảng cầm quyền, cụ thể hóa các mục tiêu, cương lĩnh cũng như quyền lợi của đảng vào chính sách của quốc gia. Con đường cơ bản để đảng cầm quyền củng cố, duy trì vị trí cầm quyền của mình là người đại diện cho đảng cầm quyền đang giữ vai trò lãnh đạo trong bộ máy cơ quan nhà nước phải thực hiện các chương trình hành động cũng như làm tròn trách nhiệm đối với các cam kết của đảng mình trong chiến dịch tranh cử đối với nhân dân.

 “Ở Mỹ, đảng chính trị có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của bộ máy nhà nước. Chủ tịch Hạ viện bao giờ cũng là đảng viên của đảng chiếm đa số ghế trong Hạ viện, và là người có nhiều quyền lực nhất trong Quốc hội. Với tư cách là người lãnh đạo đảng, chủ tịch Hạ viện là một trong những người phát ngôn chủ chốt về các chính sách của đảng, thực hiện sự kiểm soát của đảng đối với mọi hoạt động của Hạ viện, đồng thời gây áp lực đối với việc phân công các thành viên vào các ủy ban. Tổng thống là nguyên thủ quốc gia, chịu trách nhiệm về hành động của mình trước cử tri toàn quốc theo quy định, nhưng do là một đảng viên của đảng cầm quyền và cũng là để thực hiện quyền lợi của đảng, giữ uy tín cho đảng, đồng thời cũng là đặt nền móng cho việc tái cử trong nhiệm kỳ sau nên mọi hoạt động của Tổng thống thường đi theo đường lối chính sách của đảng đã hứa với cử tri khi vận động bầu cử.”[2]

Tại Anh, theo quy định của pháp luật, Nữ hoàng được quyền bổ nhiệm Thủ tướng - người đứng đầu bộ máy hành pháp - với điều kiện người đó là thủ lĩnh của đảng cầm quyền (tức đảng chiếm đa số ghế trong Hạ viện), các đảng viên cũng phải biểu quyết theo ý chí của đảng mình. Tuy Chính phủ chịu trách nhiệm trước Nghị viện (vì được thành lập trên cơ sở Nghị viện), nhưng thực tế đảng cầm quyền có quyền đứng ra thành lập Chính phủ và thao túng toàn bộ tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước và hoạt động của Hạ nghị viện. Mọi hoạt động của Chính phủ đều thể hiện ý chí của đảng cầm quyền thông qua ý chí của người lãnh đạo.

Ở những nước có hệ thống lưỡng đảng như Anh, Mỹ,… thì một trong hai đảng thay nhau cầm quyền. Còn ở những nước đa đảng như Pháp, Ý, Đức,… nếu không có đảng nào chiếm đa số ghế trong Quốc hội thì buộc phải thành lập Chính phủ liên minh các đảng. Ngoài ra, một số nước có hệ thống một đảng nắm quyền tuyệt đối.

3. Kiểm soát quyền lực nhà nước thông qua bầu cử ở Việt Nam

          Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế cai trị, nên nước ta không có Hiến pháp, nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ phải tổ chức càng sớm càng hay cuộc tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả mọi công dân, trai, gái từ 18 tuổi đều có quyền bầu cử, ứng cử, không phân biệt giàu nghèo, giống nòi”[3]. Người nhận thức sâu sắc rằng, bầu cử là phương thức thể hiện cội nguồn của quyền lực nhà nước là ở nhân dân, bản chất dân chủ của một nhà nước là do nhân dân lập nên. Quyền uy của nhà nước có được chỉ bắt nguồn từ sự bỏ phiếu tín nhiệm của nhân dân. Nhân dân là chủ thể của quyền lực nhà nước. Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước của mình bằng nhiều hình thức, trong đó có hình thức thông qua người đại diện do mình bầu ra. Những người đại diện này thực hiện quyền lực nhà nước theo một nhiệm kỳ xác định. Hết nhiệm kỳ theo luật định nhân dân lại thực hiện quyền bầu cử của mình để thể hiện sự tín nhiệm trong việc trao quyền lực nhà nước của mình cho người đại diện. Do vậy, bầu cử là phương thức buộc người thắng cử phải có trách nhiệm với nhân dân bầu ra mình.

Bằng bầu cử mà nhân dân có quyền bày tỏ sự tín nhiệm của mình đối với người cầm quyền. Bầu cử chính là phương thức để các công dân kiểm soát quyền lực nhà nước mà mình đã ủy thác. Nếu người cầm quyền do mình bầu tỏ ra không xứng đáng, khi hết nhiệm kỳ, công dân có quyền không bầu cử họ. Điều 7 Hiến pháp Việt Nam năm 2013 quy định: “1. Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. 2. Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân bị cử tri hoặc Quốc hội, Hội đồng nhân dân bãi nhiệm khi không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân.” Như vậy, nhờ bầu cử mà quyền lực nhà nước sau một thời hạn xác định lại trở về với nhân dân. Bầu cử là một trong những cách thức buộc các quan chức nhà nước phải làm tròn nhiệm vụ và quyền hạn được nhân dân giao.

Để xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, chúng ta phải có cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước từ bên ngoài bởi nhân dân và ngay chính bên trong bởi các cơ quan nhà nước. Việc bầu cử đại biểu ở nước ta được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Các nguyên tắc đó thống nhất với nhau đảm bảo cho cuộc bầu cử khách quan, dân chủ, thể hiện đúng nguyện vọng của cử tri khi lựa chọn. Các nguyên tắc bầu cử còn quy định quyền và trách nhiệm của cử tri trong bầu cử, trách nhiệm của Nhà nước phải đảm bảo những quy định về bầu cử.[4]

Các cách thức bầu cử cũng như cơ chế vận hành các cuộc bầu cử có thể là khác nhau nhưng những yếu tố cơ bản của cuộc bầu cử dân chủ là giống nhau: Các công dân đến tuổi trưởng thành đều có quyền đi bỏ phiếu và được quyền ứng cử vào các chức danh nhà nước, các cá nhân được bảo vệ chống lại các tác động tiêu cực trong bầu cử và vận động tranh cử, với sự kiểm phiếu công khai và trung thực. Những cuộc bầu cử như vậy cho phép nhân dân kiểm soát trách nhiệm của các cơ cấu quyền lực nhà nước. Hiện nay, có 2 hình thức mà nhân dân sử dụng để thực hiện quyền lực nhà nước của mình: Nhân dân trực tiếp bỏ phiếu quyết định những vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của nhà nước - hình thức dân chủ trực tiếp. Nhân dân bỏ phiếu bầu ra những người đại diện, thay mặt nhân dân giải quyết các công việc của nhà nước - hình thức dân chủ đại diện.

Điều 6 Hiến pháp Việt Nam năm 2013 quy định “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước”. Hình thức dân chủ đại diện là phương thức thể hiện ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong việc xây dựng nhà nước nói chung và cơ quan đại diện - cơ quan quyền lực nhà nước từ Trung ương đến địa phương ở nước ta nói riêng. Để đảm bảo thực hiện tốt hình thức dân chủ gián tiếp, chúng ta cần nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp để các cơ quan này thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước, cơ quan đại diện của nhân dân. Thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri, các đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân có thể nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Các kiến nghị chính đáng, hợp pháp của cử tri là hình thức phản ánh quyền làm chủ trực tiếp và làm chủ gián tiếp của nhân dân đối với công việc chung của đất nước.

Hình thức dân chủ trực tiếp là việc nhân dân trực tiếp tham gia vào công việc quản lý nhà nước, quản lý xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, trong đó tham gia thảo luận dự thảo Hiến pháp và luật, trực tiếp thể hiện ý chí của mình khi có trưng cầu ý dân về những vấn đề hệ trọng, liên quan đến vận mệnh quốc gia. Nhân dân trực tiếp bầu ra các đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, có quyền bãi nhiệm các đại biểu đó nếu họ không còn xứng đáng với niềm tin của nhân dân.

Tham gia bầu cử chính là nơi để cử tri phát huy quyền và nghĩa vụ của công dân, lựa chọn bầu ra những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình trong cơ quan quyền lực nhà nước, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Tóm lại, kiểm soát quyền lực nhà nước trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là kiểm soát giữa chính các nhánh quyền lực: lập pháp, hành pháp, tư pháp để không xảy ra tình trạng lạm quyền làm ảnh hưởng đến hoạt động của bộ máy nhà nước và quyền, lợi ích hợp pháp của chính người dân. Đặc biệt, nhân dân cũng có quyền kiểm soát quyền lực nhà nước thông qua quyền bầu cử và ứng cử. Nhân dân có quyền giám sát và chất vấn về hoạt động của các cơ quan, tổ chức nhà nước, các đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân sẽ bị cử tri bãi nhiệm khi không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

[1,4] Nguyễn Đăng Dung (2017), Kiểm soát quyền lực nhà nước, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.

[2] Đinh Ngọc Giang, Lê Thị Minh Hà (2017). Quan h đng cm quyn - nhà nưc mt sc và nhng giá tr tham chiếu đi vi Vit Nam. <http://tcnn.vn/Plus.aspx/vi/News/125/0/1010073/0/36923/Quan_he_dang_cam_quyen_nha_

nuoc_o_mot_so_nuoc_va_nhung_gia_tri_tham_chieu_doi_voi_Viet_Nam>

[3] Hồ Chí Minh toàn tập (1995), Nxb Chính trị Quốc gia.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2013). Hiến pháp Việt Nam 2013.
  2. Đại học Luật Huế, Giáo trình Luật Hiến pháp Việt Nam, Nxb Đại học Huế, Thừa Thiên Huế.
  3. Trần Việt Dũng (2015), Tài liệu học tập Luật Hiến pháp tư sản, Nxb Đại học Huế, Thừa Thiên Huế.
  4. Nguyễn Đăng Dung (2017), Kiểm soát quyền lực Nhà nước, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.
  5. Đinh Ngọc Giang, Lê Thị Minh Hà (2017). Quan h đng cm quyn - nhà nưc mt sc và nhng giá tr tham chiếu đi vi Vit Nam. <http://tcnn.vn/Plus.aspx/vi/News/125/0/1010073/0/36923/Quan_he_dang_cam_quyen_nha_ nuoc_o_mot_so_nuoc_va_nhung_gia_tri_tham_chieu_doi_voi_Viet_Nam>

 

ELECTION - A MEASURE OF CONTROLLING THE STATE POWER

TRAN NGOC THUY

University of Law, Hue University

ABSTRACT:

The election is a measure that people exercise the state power which belongs to them by voting for members of the Congress to act on behalf of people. In addition, people can control the state power via the election. Currently, each country has its own electoral mechanisms. Hence, different countries have different types of controlling the state power. Although the control of the state power via elections is not the most effective measure, it puts pressure on elected officials to take responsible for their activities. This paper discusses the control of state power through election in Vietnam and some countries around the world.

Keywords: election, power control, state power.