Mới đây, Hội nghị tổng kết đánh giá về công tác CCHC của Bộ Công Thương giai đoạn 2011- 2015 đã cho thấy 3 điểm mấu chốt làm nên những thành công của một Bộ luôn được đánh giá là tiên phong trong lĩnh vực này.
Kịp thời ban hành và bãi bỏ
Bộ Công Thương là Bộ đầu tiên thực hiện hệ thống hóa công khai các thủ tục hành chính trên cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính. Ngày 24 tháng 3 năm 2014, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 11/2014/TT-BCT quy định về hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương. Thông tư đã quy định chi tiết, cụ thể các hoạt động kiểm soát việc ban hành TTHC, kiểm soát việc thực hiện TTHC; xử lý phản ánh kiến nghị về quy định hành chính trong lĩnh vực Công Thương; rà soát, đánh giá TTHC trong lĩnh vực Công Thương.
Nhờ Thông tư này mà việc thực hiện mục tiêu cải cách TTHC trong lĩnh vực Công Thương không chỉ đáp ứng tiêu chí “hai dễ” là dễ hiểu, dễ thực hiện, mà còn tiết kiệm thời gian, chi phí của người dân khi thực hiện TTHC. Ngoài ra, thực hiện nghiêm ngặt Thông tư cũng giúp Bộ kịp thời loại bỏ những TTHC không phù hợp, phức tạp, phiền hà. Riêng về TTHC, hiện nay, Bộ Công Thương có 381 thủ tục, bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đã ký quyết định bãi bỏ và đơn giản 87 TTHC, trong đó có 81/87 TTHC đã thực hiện xong. Đặc biệt, Bộ Công Thương đã áp dụng chương trình quản lý chất lượng ISO với 100% đơn vị; ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành, tiếp nhận, xử lý ý kiến của người dân, tổ chức và doanh nghiệp. Một số dịch vụ đã kết nối vào Cơ chế một cửa quốc gia.
Trên dưới đồng lòng
Có thể nói, tầm quan trọng của việc đẩy mạnh CCHC không chỉ nhìn từ khía cạnh kinh tế, tức là tiết kiệm tiền của, thời gian, mà còn là xây dựng môi trường pháp lý không ngừng hoàn thiện để các đơn vị, các doanh nghiệp trong ngành Công Thương yên tâm làm ăn, phát triển. Do đó, Bộ Công Thương luôn giành sự quan tâm chỉ đạo từ cấp cao nhất trong lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các đơn vị. Chính sự đồng thuận trong nhận thức này đã tạo ra một hiệu ứng tốt, một sự cộng hưởng lớn, có sức lan tỏa và hiệu quả là những chuyển biến rõ rệt trong mỗi hành động của mỗi cán bộ, công chức tại mỗi đơn vị.
Do vậy, trong giai đoạn 2011- 2015, các hoạt động CCHC của đơn vị trong Bộ đều bám sát nội dung và kế hoạch đã đề ra giúp tiết kiệm chi phí, phát huy năng suất lao động của cán bộ, công chức. Các văn bản chỉ đạo điều hành thực hiện CCHC được ban hành tương đối kịp thời, góp phần vào việc hoàn thành các nhiệm vụ CCHC của Bộ với kết quả tốt. Để định lượng rõ ràng, Bộ Công Thương thường xuyên xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch kiểm tra công tác CCHC đối với trên 30% đơn vị thuộc Bộ. Thông qua kiểm tra, Bộ kịp thời có chỉ đạo đơn vị khắc phục tồn tại về công tác cải cách hành chính của đơn vị.
Khai thác truyền thông và triệt để ứng dụng công nghệ thông tin
Xếp hạng CCHC của Bộ Công Thương luôn đứng thứ hai, thứ ba theo kết quả đánh giá của Bộ chỉ số theo dõi, đánh giá CCHC (Par Index) trong những năm vừa qua đã cho thấy việc Bộ luôn biết khai thác tối đa công tác truyền thông, tuyên truyền cũng như tận dụng triệt để những ứng dụng của công nghệ thông tin trong công tác CCHC luôn đúng.
Nhiều năm nay, các doanh nghiệp trong Bộ đã quá quen thuộc với trang thông tin điện tử của Bộ như: http://www.moit.gov.vn, http://kstthc.moit.gov.vn và các báo, tạp chí thuộc Bộ vì từ việc truy cập các trang này, họ đã được tiếp cận các văn bản, tài liệu liên quan đến công tác CCHC được đăng tải và cập nhật thường xuyên. Ngoài ra, công tác tuyên truyền CCHC tại Bộ còn được thực hiện qua các cuộc họp giao ban tuần, giao ban tháng, các hội nghị, hội thảo.
Các chương trình, kế hoạch CCHC tại Bộ Công Thương sau khi ban hành đều được phổ biến quán triệt kịp thời tới từng đơn vị. Bên cạnh đó, Vụ Tổ chức cán bộ với vai trò là cơ quan Thường trực công tác CCHC tại Bộ Công Thương có nhiệm vụ thường xuyên đôn đốc, theo dõi, định kỳ hàng tuần, tháng, quý đều có báo cáo Lãnh đạo Bộ tiến độ thực hiện chương trình, kế hoạch CCHC. Vì vậy, mức độ nắm bắt các chương trình, kế hoạch CCHC của đội ngũ cán bộ, công chức Bộ Công Thương khá đầy đủ, cụ thể.
Biết ứng dụng công nghệ thông tin nhằm hỗ trợ cho công tác CCHC cũng chính là một thành công rất lớn của Bộ Công Thương. Trong giai đoạn 2010 - 2015, hạ tầng công nghệ thông Bộ Công Thương được cải thiện qua từng năm. Về công tác thông tin, truyền thông, Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương cũng đã thực hiện rất tốt công tác công khai, minh bạch thông tin (đặc biệt là mặt hàng xăng dầu, điện). Các tọa đàm trực tuyến, hội nghị truyền hình được tổ chức thường xuyên, ngày càng hiệu quả. Nhận thức rằng việc loại bỏ hết các TTHC rườm rà không thể trong một sớm một chiều, nên Bộ Công Thương đã chọn cách làm hiệu quả trước mắt là đơn giản hóa TTHC nhờ ứng dụng CNTT. Hiện nay, 100% dịch vụ công do Bộ Công Thương quản lý đều đã được triển khai trực tuyến từ mức độ 1, 2 trở lên. Số lượng dịch vụ công được cung cấp trực tuyến ở mức độ 3 và 4 là 11 dịch vụ. Nhờ suy nghĩ và hành động này mà bên cạnh những thành công trong công tác CCHC, Bộ Công Thương nhiều năm nay còn là một Bộ luôn nằm trong top 5 trong số 19 Bộ về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT.
Chỉ đạo cụ thể của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho công tác CCHC giai đoạn 2016 - 2020:
- Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì xây dựng và theo dõi, đôn đốc triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch CCHC của Bộ và thực hiện nhiệm vụ thường trực CCHC của Bộ.
- Vụ Pháp chế chủ trì xây dựng và triển khai thực hiện lĩnh vực cải cách thể chế; chủ trì triển khai nhiệm vụ đổi mới và nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật đảm bảo tính hợp pháp, hợp lý, đồng bộ và khả thi của hệ thống VBQPPL trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ.
- Vụ Tài chính chủ trì xây dựng và triển khai thực hiện lĩnh vực cải cách tài chính công của Bộ.
- Cục TMĐT & CNTT chủ trì xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch hiện đại hóa nền hành chính của Bộ giai đoạn 2016 - 2020; chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện việc ứng dụng CNTT trong hoạt động của Bộ, các đơn vị thuộc Bộ theo chương trình, kế hoạch.
- Văn phòng Bộ nâng cao tính chuyên nghiệp trong vai trò bộ phận một cửa cơ quan Bộ; đổi mới tư duy và tác phong làm việc, nâng cao chất lượng và thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, v.v...