Phát biểu khai mạc tại buổi tọa đàm, Bộ Trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, để việc thực thi Hiệp định EVFTA đạt hiệu quả cao, ngoài việc tổ chức các buổi tập huấn phổ biến thì thông qua buổi tọa đàm với các lãnh đạo các cơ quan báo chí như hôm nay có ý nghĩa rất thiết thực. Bởi đây chính là cơ hội giúp cho Bộ Công Thương chủ động chia sẻ những nội dung rất quan trọng liên quan đến chiến lược mang tính hội nhập, các giải pháp cần thực hiện đồng bộ, thông qua sự hỗ trợ của các cơ quan truyền thông báo chí.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho biết, thời gian tới Bộ sẽ kết hợp với nhiều bộ, ngành để tổ chức các hội nghị phổ biến Hiệp định EVFTA cho lãnh đạo, doanh nghiệp và người dân hiểu biết để tận dụng được cơ hội tốt hơn từ hiệp định này.
Phổ biến sâu hơn về Hiệp định EVFTA, Bộ trưởng chia sẻ, hiện EU là thị trường có kim ngạch nhập khẩu (NK) đứng thứ 2 thế giới, chiếm gần 15% tổng NK toàn cầu. trong khi đó Việt Nam hiện mới chiếm thị phần 2% trong tổng NK của khu vực này.
Khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế NK đối với khoảng 85% số dòng thuế (70,3% kim ngạch XK của Việt Nam sang EU) và sau 7 năm, 99,2% số dòng thuế (99,7% kim ngạch XK) sẽ được xóa bỏ thuế. Với 0,3% kim ngạch XK còn lại EU cam kết dành cho Việt Nam thuế quan với thuế NK 0%.
Xâu chuỗi lại các yếu tố trên, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhận định, EVFTA là hiệp định thương mại thế hệ mới, được coi là mẫu mực trong khuôn khổ thương mại đa phương. Bởi đây là thực thể kinh tế bao gồm 27 quốc gia có trình độ về kinh tế và quản trị quốc gia ở mức tiên tiến. Các nội dung thỏa thuận dựa trên quy tắc bất đối xứng nhằm có những giải pháp hướng đến đảm bảo lợi ích chung của cả hai bên cân bằng.
Bộ trưởng nhấn mạnh, “quá trình 09 năm của các thành viên trong đoàn đàm phán của Chính phủ thật sự là cuộc “trường kỳ kháng chiến”, khi nhận được sự chỉ đạo trực tiếp và rất kịp thời của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ để mang về kết quả tích cực như hôm nay.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, Hiệp định EVFTA là cơ hội lớn của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh - một trung tâm kinh tế lớn của cả nước.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho rằng, chúng ta cần hiểu rõ để phân tích cụ thể về những lợi ích thiết thực, nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên, nhằm tận dụng hiệu quả của Hiệp định, bởi đây là một thị trường đầy tiềm năng với dân số gần 500 triệu người và GDP đạt 18.000 tỷ USD. Trong đó, các cơ quan báo chí, truyền thông có vai trò qaun trọng trong việc tuyên truyền thông tin thật cụ thể về hiệp định, để cộng đồng xã hội hiểu rõ, đúng và triển khai hiệu quả.
Phổ biến về những lưu ý cho công tác truyền thông, báo chí về các vấn đề có liên quan, như tổng quan về Hiệp định EVFTA; kế hoạch phê chuẩn thực thi; Định hướng về công tác truyền thông báo chí, Ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên nhận định, Hiệp định EVFTA là Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU, trong đó cũng đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên, cũng cố mối quan hệ song phương theo định hướng chiến lược, toàn diện, bền vững.
Ông Thái cũng khẳng định Hiệp định EVFTA là Hiệp định đầu tiên mà EU ký kết với một nước đang phát triển là Việt Nam ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên để đi đến ký kết hai bên đã chuẩn bị xử lý những vấn đề rất quan trọng, đơn cử như: Việt Nam đã xử lý những vấn đề lao động - công đoàn: Phê chuẩn Công ước 98 thông qua Bộ luật lao động sử đổi; Vấn đề kiểm dịch động thực vật ; Vấn đề chống đánh bắt cá bất hợp pháp và không khai báo (IUU), đây chính là một trong những vấn đề trong các quy định mà Chính phủ Việt Nam đã khẳng định quyết tâm, thể hiện sự sẵn sàng ký kết, thực thi Hiệp định EVFTA…
Chia sẻ về Biến động thị trường EU, thời cơ đan xen lẫn thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam trước thềm EVFTA, ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương cho biết, EU hiện là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là thị trường XK lớn thứ hai với kim ngạch hai chiều tăng hơn 13,7 lần từ mức 4,1 tỷ USD năm 2000, lên 56,45 tỷ USD năm 2019, trong đó XK của Việt Nam vào EU tăng 14,8 lần từ 2,8 tỷ USD lên 41,54 tỷ USD.
Những biến động phức tạp khó lường của thị trường thời gian qua đã tác động đáng kể đến hoạt động XNK của EU với các đối tác thương mại, trong đó có Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, XK hàng hóa của Việt Nam sang EU 05 tháng đầu năm 2020 đạt 13,29 tỷ USD, giảm 9,58% so với cùng kỳ năm 2019.
Nói về cơ hội, ông Tạ Hoàng Linh cho rằng, EU là thị trường có dung lượng lớn với sự thống nhất trong đa dạng và nhiều dư địa thị trường, việc thâm nhập thành công thị trường EU đồng nghĩa với việc, Việt Nam có cơ hội mở rộng quan hệ với 27 quốc gia thành viên.
Về thách thức, EU là một thị trường khó tính với những quy định nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm, đòi hỏi đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật cao đối với các mặt hàng NK. Việc tiến hành khảo sát thị trường và xây dựng chiến lược tiếp cận thị trường cần có sự đầu tư về kinh phí, trong khi các doanh nghiệp VN đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Sự canh tranh về hàng hóa của Việt Nam luôn vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia khác như Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ…
Kết luận phần trình bày, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ nhận định, EVFTA là Hiệp định mang lại nhiều lợi ích rất thiết thực, để tiến sâu vào thị trường không lồ 500 triệu dân này, các doanh nghiệp VN cần phải thay đổi tư duy tiếp cận thị truờng thay vì đòi hỏi từ phía các cơ quan hoạch định chính sách tập trung gở bỏ rào cản, cần chủ động đổi mới chính mình, nâng cao năng lực nội tại và khả năng tham gia thương mại quốc tế như đúng tinh thần thông điệp “nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức,sẵn sàng tỏa sáng”.
Với góc độ báo chí, ông Tô Đình Tuân - Tổng Biên tập Báo Người Lao Động đánh giá ký kết Hiệp định EVFTA là thành công rất lớn của đất nước trong thời gian 10 năm qua, với hơn 60% dòng thuế XK từ Việt Nam sang EU được dỡ bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực từ ngày 1/8, hơn 30% dòng thuế còn lại được dở bỏ dần trong 10 năm tới. EVFTA được coi là cơ hội rất lớn mở ra cơ hội hội nhập, tăng trưởng kim ngạch XNK của Việt Nam, dặc biệt là giảm dần sự phụ thuộc vào một số thị trường mà Việt Nam đang thực hiện.
Tuy nhiên, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động cũng bày tỏ sự quan ngại, về rào cản khi thực hiện, cụ thể là đa phần các doanh nghiệp Việt Nam nhỏ và siêu nhỏ, khả năng cạnh tranh về năng lực yếu, về kiến thức đặc biệt là về pháp lý chưa hiểu biết sâu rộng, trong thương mại nhiều rào cản ngại nhất là sự thiếu hiểu biết về pháp lý, nếu không cẩn thận các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiêu tan tài sản và có những hậu quả nặng hơn nữa. Do đó, trong quá trình thực hiện, Chính phủ và các bộ ngành, cụ thể hơn là Bộ Công Thương có vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng pháp lý, để hổ trợ các doanh nghiệp.
Theo đề xuất của ông Phan Chiến Thắng - Phó Tổng Biên tập Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, với vai trò là Bộ chủ trì, trên tinh thần cùng hợp tác và phát triển, Bộ Công Thương nên mở rộng thêm cổng thông tin tương tác để các cơ quan báo chí có thể đễ dàng tiếp cận các ý kiến phản ảnh của các doanh nghiệp, từ đó sẽ dễ dàng chuyển đến các cơ quan chức năng giải quyết các bất cập từ phía doanh nghiệp.
Kết luận buổi tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã khẳng định sự cầu thị trước những phản ảnh của các cơ quan truyền thông báo chí, trong tiếp cận các vấn đề góp ý.
Bộ trường nhấn mạnh, vai trò của truyền thông rất quan trọng trong việc tạo sức lan tỏa để thông tin về Hiệp định EVFTA đến cộng đồng, doanh nghiệp, ngay trong buổi tọa đàm, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã giao cho Vụ Chính sách thương mại đa biên xây dựng chương trình hợp tác với các cơ quan truyền thông, báo chí để cụ thể hóa các chương trình hành động nội dung cần tuyên truyền trong thời gian tới.
Trong khuôn khổ buổi tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã tặng quà kỷ niệm cho Trung Tâm Báo chí TP. HCM, Hội Nhà báo Thành phố, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP. HCM và chụp ảnh lưu niệm chung với các đại biểu là Tổng Biên Tập các báo tại Thành phố.