Phát biểu tại Đại hội, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định vai trò quan trọng của Vitas đối với các DN hội viên, Vitas đã thực sự kiến tạo được môi trường kinh doanh thuận lợi, rộng mở cho các DN dệt may Việt Nam. Cụ thể, Vitas đã từng đấu tranh đề nghị Bộ Công Thương đồng ý xóa bỏ kiểm tra chuyên ngành formaldehyt trong ngành dệt may. Vitas cũng đã lên tiếng với Bộ Công Thương yêu cần cụ thể hóa một số vấn đề có liên quan đến quy tắc xuất xứ với hàng hóa dệt may.
Nhiệm kỳ khóa V (2016- 2020) của Vitas được Chính phủ và Bộ Công Thương đánh giá là một nhiệm kỳ đẹp thể hiện qua nhiều con số. Kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam từ chỗ năm 2016 đứng thứ 4 thế giới, sau Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ thì đến năm 2019 đã vượt lên trên Ấn Độ, đứng thứ 3 thế giới. Giá trị xuất siêu đạt hơn 11 tỷ USD vào năm 2026, tăng lên gần 17 tỷ USD trong năm 2019.
Vitas đã góp phần đưa ngành Dệt May Việt Nam phát triển bền vững đứng đầu các nước xuất khẩu về Dệt May trên Thế giới. Đặc biệt trong năm 2020, mặc dù là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch bệnh Covid-19 gây ra, tuy nhiên Vitas đã nỗ lực, hỗ trợ mạnh các doanh nghiệp hội viên, làm cầu nối hiệu quả, kết nối giữa các DN dệt may với Chính phủ cùng các bộ ngành liên quan, đưa ra các khuyến nghị, tìm các giải pháp, cơ chế chính sách phù hợp, linh hoạt thay đổi phương thức sản xuất, sát cánh cùng các DN bền bỉ vượt qua thách thức, ổn định sản xuất, bảo tồn lực lượng lao động bằng mọi giá, không để tình trạng sa thải người lao động.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng đề nghị ngày làm việc đầu tiên của ban Chấp hành nhiệm kỳ mới (2021 – 2025), Vitas cần bắt tay ngay vào việc, ngồi lại với Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) và các DN lớn đầu Ngành để bàn các biện pháp ứng phó với cuộc điều tra của USTR về điều khoản 301 với Dệt May và Da Giày. Thứ trưởng cũng cho biết vào ngày 29/12/2020 tới đây, Việt Nam sẽ tham dự phiên điều trần của các cơ quan đại diện thương mại của Hiệp định. Thứ trưởng cũng lưu ý nếu kịch bản điều tra 301 kết thúc thất bại, thì ảnh hưởng tiêu cực tới kim ngạch xuất khẩu của các DN Dệt May sẽ còn lớn hơn cả đại dịch Covid- 19 vừa qua, bởi Việt Nam là nhà cung cấp hàng may mặc, giày dép lớn thứ hai cho thị trường Hoa Kỳ. Ngược lại Việt Nam cùng là quốc gia nhập khẩu bông hàng đầu của Hoa Kỳ.
Vì lẽ đó, Bộ Công Thương đề nghị Vitas đưa ra tiếng nói chung, bàn thảo các biện pháp ứng phó có lợi nhất cho các DN và ngành Dệt May Việt Nam, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành cùng với các DN bằng cách tiếp tục mở rộng thị trường nhờ vào việc tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do. Với những hiệp định thương mại tự do đã có, Bộ cũng sẽ tiếp tục ghi nhận và cùng các doanh nghiệp tìm cách để hoàn thiện hơn ví dụ như hoàn thiện hơn các quy định về quy tắc xuất xứ... để đáp ứng yêu cầu của các FTA.
Cùng với đó, Bộ Công Thương sẽ tạo điều kiện, cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh, tuyên truyền vận động các địa phương không đối xử phân biệt với việc quy hoạch đầu tư ngành Dệt May vì đã có quy định về pháp luật đầu tư và bảo vệ môi trường. Do vậy, không nên lo sợ ảnh hưởng ô nhiễm từ các nhà máy sơi, dệt, nhuộm như các địa phương đang e ngại tếp nhận các dự án đầu tư của ngành Dệt May.
Chia sẻ bài học kinh nghiệm trong hoạt động của tổ chức Vitas, cũng như những thách thức mà ngành Dệt May Việt Nam đã vượt qua, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas cho rằng, Vitas đã trở thành chỗ dựa tin cậy cho các DN hội viên trong vai trò phản biện, đề xuất các cơ chế chính sách phù hợp, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho DN ổn định phát triển.
Từng bước Vitas đã tạo được sự liên kết ngang giữa các DN cùng ngành nghề, như may với may, dệt với dệt, sợi với sợi để cùng trao đổi kinh nghiệm, thông tin thị trường, thị hiếu, đơn hàng, giá cả... để giúp đỡ nhau và tránh cạnh tranh nội bộ. Đồng thời cũng tạo mối liên kết dọc giữa các khâu sợi - dệt, nhuộm - may - phụ liệu để xây dựng chuỗi cung ứng, sử dụng sản phẩm của nhau.
Để hưởng lợi ích về thuế suất của các Hiệp định CPTPP và EVFTA, Việt Nam phải phát triển nguồn nguyên liệu trong nước hoặc sử dụng nguyên liệu nội khối hay các quy định ngoại lệ để đáp ứng quy tắc xuất xứ. Đây là vấn đề không dễ giải quyết ngay khi hiện nay Việt Nam nhập khoảng 75% vải và phụ liệu cho may xuất khẩu. Chưa kể dệt may Việt Nam vừa chịu sự cạnh tranh quyết liệt từ các nước xuất khẩu dệt may lớn vào CPTPP, EU như Trung Quốc, Ấn Độ... và tại thị trường trong nước, các doanh nghiệp sẽ phải cạnh tranh với các thương hiệu lớn đến từ châu Âu và các nước CPTPP”, chủ tịch Vitas nhấn mạnh.
Với vị thế Việt Nam là một nước xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới, Vitas đã dày công xây dựng hình ảnh đẹp và thiện cảm về ngành Dệt May Việt Nam trong mắt bạn bè, đồng nghiệp quốc tế. Bên cạnh đó cũng đồng thời thực hiện tốt vai trò đầu mối tổng hợp, phân tích và cung cấp thông tin về tình hình dệt may thế giới và trong nước để giúp DN định hướng hoạt động hiệu quả hơn. Tranh thủ tận dụng nguồn kinh phí từ các tổ chức quốc tế, kinh nghiệm của chuyên gia nước ngoài để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở vị trí các khâu then chốt.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương đề nghị Vitas thực hiện tốt hơn nữa vai trò kết nối các hội viên, tạo ra hệ sinh thái hoạt động cho các DN dệt may. Sẽ không có tổ chức nào làm tốt hơn công việc này ngoài Vitas, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định.
Hệ sinh thái ở đây là hướng đến việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Dệt May để tiến lên bậc thang cao hơn trong chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu. Hệ sinh thái còn là việc nên chăng Ngành Dệt May cần nghiên cứu thành lập một Trung tâm tập hợp các chuyên gia pháp lý chuyên ngành để hỗ trợ, tư vấn cho các doanh nghiệp, giúp các DN hiểu rõ về quy tắc xuất xứ của các hiệp định thương mại tự do, ứng phó với các rào cản trên thị trường mới. Các DN không nên phụ thuộc quá nhiều về phía Nhà nước để mất đi thế chủ động của mình.
Báo cáo tại Đại hội, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Vitas đã nêu, trong nhiệm kỳ qua, Vitas đã tích cực tham gia cùng Bộ Công Thương đàm phán và kiến nghị về việc áp thuế vượt ngưỡng đối với hàng may mặc xuất khẩu sang khối EUEA; khuyến nghị DN có giải pháp ứng phó với lệnh kiện chống bán phá giá của Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ. Đồng thời còn tham vấn DN về vấn đề lao động cưỡng bức của bông Tân cương, tham vấn về điều khoản xuất xứ trong Hiệp định CPTPP và EVFTA.
Đặc biệt trong năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát và tác động tiêu cực đến ngành dệt may Việt Nam, VITAS đã nhanh chóng tạo liên kết với 69 tổ chức trên thế giới chuyên ngành dệt may, da giày, hàng hóa du lịch và thời trang toàn cầu, kêu gọi các chính phủ, các bên liên quan và các đối tác trong chuỗi cung ứng có hành động trách nhiệm ứng phó dịch Covid-19; liên kết với các Hiệp hội ngành hàng các nước Trung Quốc, Bangladesh, Pakistan, Campuchia, Myanmar, Việt Nam ký Tuyên bố chung về thực hiện mua hàng có trách nhiệm trong khủng hoảng Covid-19 kêu gọi các nhãn hàng, nhà bán lẻ, thương nhân chia sẻ cùng DN; cùng với VCCI, Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ký Tuyên bố chung gửi Chính phủ Việt Nam, Chính phủ các quốc gia thuộc EU, các đối tác, các nhãn hàng EU có hành động cụ thể hỗ trợ DN và NLĐ để nhanh chóng ổn đinh sản xuất, tạo thu nhập bảo tồn lực lượng lao động.
Về định hướng phát triển trong thời gian tới, Vitas đề ra kế hoạch ngành Dệt May Việt Nam đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 55 tỷ USD, đảm bảo việc làm cho 3 triệu lao động vào năm 2025. Tuy nhiên Thứ trưởng Khánh đề nghị Vitas nên định hướng cho các DN dệt may lưu tâm hơn đến phát triển thị trường 100 triệu người tiêu dùng trong nước để ngay khi có biến ở thị trường xuất khẩu còn có đường lùi, đảm bảo sự tăng trưởng doanh thu tối thiểu, ổn định việc làm và tạo thu nhập cho người lao động.
Đối với thị trường xuất khẩu, DN cũng cần tiếp tục đa dạng hóa thị trường thông qua các FTA bằng sự liên kết và từng bước giải quyết những chỗ thiếu hụt như nguồn nguyên phụ liệu... để sản xuất theo chuỗi, nâng cao giá trị gia tăng xuất khẩu, tạo ra các thương hiệu mạnh riêng cho ngành Dệt May Việt Nam.