Tại buổi làm việc, ông Alexander Koch - Tổng Giám đốc Heineken Việt Nam cho biết, qua hơn 30 năm thành lập và phát triển, tổng vốn đầu tư của Heineken Việt Nam đến nay đạt hơn 22.000 tỷ đồng, với 6 nhà máy tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Đà Nẵng, Vũng Tàu và Tiền Giang; tổng công suất đạt hơn 25 triệu hectolit/năm.
Thúc đẩy ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, Công ty đã đạt tỷ lệ 52% năng lượng tái tạo nhờ sinh khối nhiệt trong năm 2021 và trở thành nhà máy sử dụng nước hiệu quả nhất trong số các nhà máy bia của Heineken tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, đứng thứ 4 trên toàn thế giới. Heineken Việt Nam cũng là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong tuyên truyền, khuyến khích uống có trách nhiệm và không ngừng đổi mới nhằm giảm nồng độ cồn của sản phẩm.
Trước dịch Covid-19, Heineken Việt Nam đóng góp tới 0,95% GDP Việt Nam với 3.171 lao động trực tiếp và 212.000 việc làm. Song, năm 2021, đại dịch diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nặng nề đến ngành bia nói chung và Heineken Việt Nam nói riêng. Giai đoạn giãn cách xã hội, nhu cầu mua sắm - tiêu dùng giảm; trong khi chi phí phát sinh thực hiện hoạt động 3 tại chỗ lớn cũng như gián đoạn trong vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu và phân phối sản phẩm trên toàn quốc đã tạo áp lực nặng nề lên doanh nghiệp. Dịch bệnh cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch đầu tư phát triển của Heineken tại Việt Nam trong dài hạn khi làm chậm tiến độ mở rộng nhà máy bia tại Vũng Tàu.
Trong bối cảnh này, đại diện Heineken Việt Nam bày tỏ sự cảm ơn và đánh giá cao đối với những hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời từ phía Bộ Công Thương và Chính phủ để các doanh nghiệp nhanh chóng điều hướng tình sản xuất kinh doanh, đặc biệt liên quan đến vấn đề chỉ đạo lưu thông hàng hóa nhằm giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn dịch bệnh khó khăn. Cùng với đó, các chỉ đạo đổi mới của Bộ Công Thương về phát triển thương mại điện tử cũng đã mở ra cho doanh nghiệp những hướng đi mới trong lĩnh vực này.
Ông Alexander Koch bày tỏ hy vọng Bộ Công Thương sẽ tiếp tục các hoạt động hỗ trợ Heineken Việt Nam mở rộng và phát triển mạnh mẽ hơn nữa tại thị trường Việt Nam. Đồng thời, kiến nghị Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội giãn thời gian tăng thuế để tạo không gian cho doanh nghiệp phục hồi sau những tác động tiêu cực của đại dịch.
Mặt khác, Heineken Việt Nam mong Bộ Công Thương sớm tham mưu cho Chính phủ ban hành quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) để doanh nghiệp sớm thúc đẩy tỷ lệ năng lượng tái tạo sử dụng trong sản xuất, sớm đạt mục tiêu 100% vào năm 2025.
Chia sẻ với những ý kiến của doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, năm 2021 vừa qua, cả thế giới tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng do đại dịch Covid-19 gây ra. Tại Việt Nam, từ tháng 4/2021, dịch bệnh lan vào các trung tâm kinh tế, trung tâm công nghiệp lớn, trong đó có TP. Hồ Chí Minh, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển kinh tế của đất nước.
Trong bối cảnh đó, các quyết sách đúng đắn, kịp thời của Nhà nước, Chính phủ như đẩy nhanh tiêm vaccine; thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh;… đã tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp ổn định lại đời sống, hoạt động, tiếp tục tham gia phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ vậy, trong 3-4 tháng cuối năm, kinh tế Việt Nam đã dần phục hồi, tốc độ tăng trưởng GDP cả năm 2021 đạt 2,58%, kim ngạch xuất nhập khẩu lần đầu chạm mức kỷ lục là 670 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành 1 trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất toàn cầu.
“Những chiến công này có sự đóng góp không nhỏ của nhân dân và các doanh nghiệp, do vậy, Chính phủ cũng như Bộ Công Thương luôn cảm ơn những nỗ lực và rất chia sẻ với khó khăn của Heineken cũng như cộng đồng doanh nghiệp đã gặp phải trong thời gian qua”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, sự hợp tác của Heineken với các đối tác Việt Nam là một trong những mô hình thành công, thể hiện qua bước phát triển ngoạn mục của Heineken Việt Nam ở nhiều lĩnh vực trong 30 năm qua. Bộ trưởng đánh giá cao tầm nhìn chiến lược của Heineken khi chọn Việt Nam là điểm đến phát triển lâu dài, trên cơ sở nhận diện những tiềm năng to lớn của Việt Nam không chỉ dừng lại ở thị trường nội địa hơn 100 triệu dân mà còn là đối tác thương mại của hơn 70 quốc gia, vùng lãnh thổ với 17 Hiệp định thương mại tự do, mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp.
Để tiếp tục phát triển tại thị trường Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị Heineken quan tâm, nghiên cứu kỹ thị hiếu, thói quen tiêu dùng của người Việt nhằm có định hướng phát triển sản phẩm phù hợp.
Liên quan đến các kiến nghị của doanh nghiệp, Bộ trưởng hoan nghênh và đánh giá cao cách tiếp cận của Heineken trong chủ động làm việc với Bộ Công Thương để cùng trao đổi, thảo luận, sớm giải quyết các vấn đề còn vướng mắc. Bộ Công Thương ghi nhận các ý kiến này và sẽ nghiên cứu, xem xét, có ý kiến với Bộ, ngành có thẩm quyền trong quá trình lấy ý kiến góp ý xây dựng chính sách để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên về tổng thể và gỡ khó, giúp doanh nghiệp có thời gian phục hồi sau thời gian “ốm bệnh” vừa qua.
Về cơ chế DPPA, Bộ Công Thương đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo và lấy ý kiến góp ý rộng rãi theo đúng quy định trước khi trình Thủ tướng Chính phủ để xem xét, ban hành trong thời gian sớm nhất. Định hướng phát triển năng lượng tái tạo trong sản xuất là hoàn toàn hợp lý, tuy nhiên khi triển khai cơ chế DPPA đối với vấn đề này cũng sẽ cần quan tâm đến đảm bảo vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, “chính sách nếu không bắt đầu từ cuộc sống thì sẽ không thể đi vào cuộc sống một cách hiệu quả”, vậy nên những nội dung mà doanh nghiệp trao đổi tại buổi làm việc sẽ là cơ sở cần thiết để Bộ Công Thương nghiên cứu, tham mưu Chính phủ có những chủ trương, chính sách phù hợp trong thời gian tới.