Cùng tham dự buổi làm việc có đại diện các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), Điện lực miền Nam (EVNSPC), Điện lực TP. Hà Nội (EVNHANOI).
Thực hiện nhiệm vụ Lãnh đạo Chính phủ giao, căn cứ quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Công Thương đã tổ chức xây dựng và hoàn thành Dự thảo Hồ sơ đề xuất xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà.
Ngày 13/3/2024 Bộ Công Thương có Văn bản số 1580/BCT-ĐL kèm theo Tờ trình số 1581/TTr-BCT trình Bộ Tư pháp thẩm định. Ngày 27/3/2024 Bộ Tư pháp có Công văn số 1518/BTP-PLDSKT về thẩm định Hồ sơ đề xuất.
Ngày 9/4/2024 Bộ Công Thương đã hoàn thiện và có Tờ trình số 2326/TTr-BCT trình Chính phủ về Hồ sơ đề xuất xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà.
Theo đó, điện mặt trời mái nhà là nguồn năng lượng tái tạo cần được ưu tiên, khuyến khích phát triển, vừa huy động được nguồn lực của tổ chức, cá nhân, tận dụng mạng lưới truyền tải hiện hữu.
Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến về nội dung Nghị định, như các khái niệm, giải thích từ ngữ, đối tượng áp dụng; các tiêu chuẩn và giải pháp kĩ thuật; các cơ chế, chính sách khuyến khích cho từng đối tượng; trách nhiệm của các bên trong tổ chức thực hiện;…
Trên cơ sở gợi ý của Bộ trưởng, nhiều ý kiến đã được đưa ra để giải quyết các câu hỏi còn bỏ ngỏ, góp phần hoàn thiện Dự thảo Nghị định.
Đánh giá cao các ý kiến tham gia góp ý hoàn thiện Nghị định, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Nghị định cần khẩn trương tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện Dự thảo 1 và đăng tải lấy ý kiến rộng rãi trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương muộn nhất vào ngày 15/4.
Trong đó, Bộ trưởng lưu ý một số vấn đề như:
Đối với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và giải thích từ ngữ, cần thống nhất các khái niệm, nội hàm trong Nghị định để đồng bộ với nội dung Quy hoạch điện VIII và quy định tại Luật Điện lực hiện hành. Đối tượng mà Nghị định áp dụng nhìn chung là các dự án điện mặt trời mái nhà tiêu dùng tại chỗ, song cũng cần được xác định và liệt kê rõ ràng, cụ thể, kèm theo các quy định về điều kiện cần đáp ứng để được hưởng cơ chế khuyến khích phát triển, ví dụ như tiêu chuẩn về diện tích, công suất, vị trí, mục đích sử dụng, an toàn môi trường, phòng cháy chữa cháy,… Đặc biệt, nội dung Nghị định cần tính đến các điều kiện ràng buộc, yêu cầu đối với các dự án điện mặt trời mái nhà công suất lớn để đảm bảo cho công tác điều độ hệ thống điện quốc gia ổn định, an toàn.
Đối với các chính sách khuyến khích phát triển, Nghị định cần tập trung nghiên cứu, đề xuất một số nhóm chính sách lớn:
Thứ nhất, các dự án điện mặt trời mái nhà được lắp đặt hệ thống mà không bị điều chỉnh bởi các quy định tại Luật Điện lực hiện hành và các quy hoạch về đất đai, năng lượng.
Thứ hai, các dự án được cung cấp biểu mẫu thủ tục thống nhất có liên quan đến các ngành chức năng và được áp dụng cơ chế một cửa liên thông để giảm thiểu thời gian, chi phí cho các tổ chức, cá nhân.
Thứ ba, có chính sách cụ thể về giá đối với việc phát điện và sử dụng điện trong các khung giờ trong ngày.
Thứ tư, trong giai đoạn đầu thí điểm tập trung vào khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tại những vùng có nguy cơ thiếu điện như miền Bắc, miền Trung và một phần miền Nam.
Đối với tổ chức thực hiện, Nghị định cần xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của các Bộ, ngành, địa phương có liên quan trong hướng dẫn triển khai thực hiện; cũng như trách nhiệm của các đối tượng được áp dụng chính sách khuyến khích phát triển.
Nhấn mạnh thời gian vô cùng gấp rút, Bộ trưởng Bộ Công Thương một lần nữa đề nghị Ban soạn thảo, Tổ biên tập triển khai các hoạt động lấy ý kiến, hoàn thiện Dự thảo 1 và Dự thảo 2 của Nghị định trong tháng 4/2024, sớm trình Chính phủ vào cuối tháng 4, đầu tháng 5 tới.