Cùng tham dự buổi làm việc của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên với UBND tỉnh Bình Định, về phía Bộ Công Thương có Thứ trưởng Trương Thanh Hoài, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ có liên quan. Về phía tỉnh Bình Định có ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, ông Johan Ndisi - Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam cùng lãnh đạo Tập đoàn Syre và một số đơn vị có liên quan.

Tập đoàn Syre được thành lập năm 2023 bởi Vargas Holding, một nhà đầu tư toàn cầu và Tập đoàn bán lẻ Thụy Điển H&M Group. Tập đoàn Syre hướng tới chuyển đổi chuỗi giá trị từ hệ thống tuyến tính sang hệ thống tuần hoàn bằng cách sử dụng chất thải dệt để tạo ra các sản phẩm polyester tuần hoàn chất lượng cao.
Tập đoàn Syre dự kiến đầu tư Tổ hợp sản xuất tái chế vải polyester công nghệ cao tại Bình Định với tổng mức đầu tư từ 700 triệu - 1 tỷ USD.
Dự án được đầu tư với mục tiêu thiết lập trung tâm toàn cầu đầu tiên cho ngành dệt may tuần hoàn, ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn của Hoa Kỳ và EU, định hướng phát triển theo mô hình Net Zero. Qua đó, đưa Việt Nam trở thành quốc gia dẫn dầu trong việc phát triển nền kinh tế dệt may tuần hoàn.

Tại Quyết định số 1643/QĐ-TTg ngày 29 tháng 12 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Dệt May và Da Giầy Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 định hướng thúc đẩy đầu tư sản xuất nguyên, phụ liệu, công nghiệp hỗ trợ ngành Dệt May, Da Giầy; chú trọng đến sản xuất vải, vải nhân tạo, da thuộc, khuyến khích sản xuất vải từ sợi sản xuất trong nước nhằm giảm nhập khẩu, tác động tích cực đến mối liên kết, hình thành chuỗi giá trị và cung ứng hoàn chỉnh trong ngành Dệt May, Da Giầy, đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng như đẩy mạnh quá trình nội địa hóa, cải thiện và giảm nhanh khoảng cách chênh lệch về trình độ và năng suất với các nước có nền kinh tế phát triển cao hơn.
Xây dựng một số khu công nghiệp tập trung chuyên ngành, tổ hợp chuyên ngành Dệt May, Da Giầy lớn (bao gồm chuỗi xơ sợi, dệt nhuộm, hoàn tất vải; thuộc da); ưu tiên dự án có công suất lớn từ nhà đầu tư có uy tín, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, có quy trình sản xuất đồng bộ, khép kín và đảm bảo tuân thủ các quy định về môi trường.
Định hướng thu hút đầu tư tại khu vực phía Bắc (các tỉnh Nam Định, Hưng Yên, Thái Bình,...); khu vực miền Trung (Thanh Hoá, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Định,...) và phía Nam (Bình Phước, Tây Ninh, Long An,…).
Hướng các dự án công nghiệp hỗ trợ, sản xuất nguyên, phụ liệu tập trung phát triển ở khu vực có mật độ cao các doanh nghiệp dệt may, da giầy tại một số địa phương phía Bắc (Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Quảng Ninh,...), khu vực miền Trung (Thanh Hoá, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định,...) và phía Nam (Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Trà Vinh, Long An,...), để giảm chi phí vận chuyển, hạ giá thành và nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
Theo đó, dự án Tổ hợp sản xuất vải vóc công nghệ cao của Tập đoàn Syre tại Bình Định phù hợp với định hướng sản xuất vải theo Chiến lược phát triển ngành Dệt May Việt Nam.
Tạp chí Công Thương sẽ tiếp tục thông tin về buổi làm việc...