Các đặc trưng cơ bản của vận đơn đường biển

TS. HÀ VIỆT HƯNG (Giảng viên Khoa Pháp luật quốc tế, Trường Đại học Luật Hà Nội)

TÓM TẮT:

Trong vận chuyển hàng hóa bằng đường biển (VCHHBĐB) quốc tế, vận đơn (VĐ) là một loại chứng từ hết sức quan trọng. Pháp luật Việt Nam, pháp luật và thông lệ quốc tế đều công nhận VĐ là chứng từ thể hiện quyền sở hữu hàng hóa. Trong thương mại và hàng hải quốc tế, vận đơn đường biển (VĐĐB) không chỉ dùng trong giao nhận và vận chuyển hàng hóa mà được dùng để điều chỉnh nhiều mối quan hệ, ở các lĩnh vực khác nhau. Vì vậy, nắm bắt và vận dụng tốt các quy tắc pháp lý về VĐĐB sẽ giúp tránh những tranh chấp có thể phát sinh, bảo vệ được quyền lợi của các bên trong các quan hệ thương mại, hàng hải quốc tế.

Từ Khóa: vận đơn đường biển, vận chuyển hàng hóa, đường biển quốc tế.

1. Đặt vấn đề

Việt Nam đang trong quá trình phát triển và hội nhập với nền kinh tế thế giới. Trong đó, ngành Vận tải đường biển là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn được đặc biệt chú trọng và phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Quan hệ thương mại hàng hải nói chung, cũng như quan hệ vận tải biển của Việt Nam với thế giới nói riêng cũng được mở rộng, khối lượng hàng hóa buôn bán quốc tế tăng lên nhanh chóng và phần lớn khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam được chuyên chở bằng đường biển quốc tế (ĐBQT). Với các thủ tục pháp lý liên quan đến việc thuê tàu gửi hàng xuất khẩu, nhận hàng với người nhập khẩu, nên việc sử dụng các chứng từ vận tải có một ý nghĩa rất lớn. Đặc biệt, việc cấp phát và sử dụng VĐĐB trong hợp đồng VCHHBĐBQT rất quan trọng, bởi nó là bằng chứng xác nhận quan hệ pháp lý giữa người chuyên chở (NCC) và người gửi hàng, quy định rõ trách nhiệm của người chuyên chở đối với hàng hóa. Bài viết này đi sâu phân tích các đặc trưng cơ bản của VĐĐB, nhằm giúp các bên nhận thức rõ và tránh được các tranh chấp phát sinh từ quan hệ này.

2. Nội dung phân tích

2.1. Các tính chất pháp lý cơ bản của vận đơn đường biển trong vận chuyển hàng hóa bằng đường biển

VĐĐB có thể hiểu là chứng từ chuyên chở hàng hóa bằng đường biển, do người có thẩm quyền ký phát cho người gửi hàng sau khi hàng hóa đã được bốc lên tàu hoặc được nhận để chở.

VĐĐB sớm nhất trên thế giới được ghi nhận đã được phát hành từ thế kỷ XIII có nội dung như sau: “Ngày 24 tháng 4 năm 1248, chúng tôi gồm: Eustace Cazal và Peter Amiel, người chuyên chở (chủ tàu), công nhận việc chuyên chở giữa chúng tôi với Falcon và John Confortance của hãng Acre về việc xếp 12 chuyến tàu chở gỗ có nguồn gốc từ Brazil, 9 thùng hạt tiêu và 17,5 tấn gừng với mục đích đưa những hàng hóa trên từ cảng Toulouse đến hội chợ Provence sẽ được tổ chức trong tháng 5/1248, với mức phí là 04 pound và 15 đồng tiền Viên cho mỗi chuyến tải trên,…”.

Văn bản trên đã thể hiện những đặc điểm cơ bản của VĐ như bằng chứng của việc chuyên chở (nghĩa là sự thừa nhận đã nhận hàng để chở giữa người chuyên chở (NCC) là Eustace Cazal và Peter Amiel với Falcon và John Confortance của hãng Acre về việc xếp 12 chuyến tàu chở gỗ), là bằng chứng của hợp đồng chuyên chở với việc mô tả cụ thể các điều kiện và điều khoản như tên hàng, loại hàng, tuyến đường chuyên chở, phí vận tải,…

VĐĐB có thể sử dụng trong nhiều trường hợp khác nhau:

- Làm căn cứ khai hải quan, làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa;

- Làm tài liệu về hàng hóa kèm theo trong bộ chứng từ thương mại người bán gửi cho người mua hoặc ngân hàng để nhận tiền thanh toán;

- Làm chứng từ để mua bán, cầm cố và chuyển nhượng hàng hóa;

- Làm căn cứ xác định số lượng hàng đã được người bán gửi cho người mua, dựa vào đó người ta ghi sổ, thông kê, theo dõi việc thực hiện hợp đồng.

VĐĐB được điều chỉnh bởi các công ước quốc tế và theo pháp luật hàng hải của các nước. Hiện nay, có 2 Công ước quốc tế chính liên quan đến VĐĐB là Công ước quốc tế về thống nhất một số quy tắc pháp luật về VĐĐB năm 1924 (Công ước Brussels) và Công ước của Liên Hợp quốc về VCHHBĐB năm 1978 (Công ước Hamburg). Công ước Brussels đã được sửa đổi bằng Nghị định thư năm 1968 và từ đó được mang tên Quy tắc Hague Visby. Ngoài ra, một văn kiện quốc tế quan trọng khác cũng cần kể đến là Công ước quốc tế về vận chuyển hàng hóa một phần hoặc toàn bộ bằng đường biển đã được thông qua tại Rotterdam năm 2009 [1].

Công ước quốc tế để thống nhất một số quy tắc về VĐĐB, ký tại Brussels 1924 ngày 25/8/1924 (Công ước Brussels năm 1924) không có quy định pháp lý khái niệm về VĐĐB, nhưng ghi nhận VĐĐB dưới hình thức của hợp đồng vận tải theo điểm b Điều 1: “Hợp đồng vận tải chỉ áp dụng cho những hợp đồng vận tải được thể hiện bằng một VĐ hoặc chứng từ tương tự trong chừng mực chứng từ đó liên quan đến CCHHBĐB”.

Công ước của Liên hợp quốc về CCHHBĐB (Công ước Hamburg năm 1978) lần đầu tiên nêu định nghĩa về VĐ đường biển tại khoản 7 Điều 1: “VĐĐB là một chứng từ làm bằng chứng cho một hợp đồng vận tải đường biển và cho việc NVC đã nhận hàng để chở hoặc xếp hàng xuống tàu và bằng VĐ này NVC cam kết sẽ giao hàng khi VĐ được xuất trình”.

VĐĐB còn được điều chỉnh theo các quy định của pháp luật quốc gia. Ở Việt Nam, VĐĐB được quy định trong Bộ luật Hàng hải năm 2015.

VĐĐB có thể chia thành nhiều loại:

Căn cứ vào phương thức vận chuyển (đa phương thức hay đơn phương thức) có thể đề cập tới VĐ vận tải đa phương thức (vận tải liên hợp). Đây là vận đơn được sử dụng trong trường hợp hàng hóa được vận chuyển từ nơi đi đến nơi đến bằng 2 hay nhiều loại phương tiện vận tải khác nhau.

Loại VĐ tiếp theo là VĐ vận tải đơn phương thức đường biển (từ cảng đến cảng). Đây là loại VĐ phổ biến nhất, chiếm đại đa số khối lượng hàng hóa vận chuyển là VĐ dùng để chở hàng bằng đường biển từ cảng biển đến cảng biển.

- Căn cứ vào tính độc lập của VĐ, có thể đề cập tới các loại sau:

+ VĐ theo hợp đồng thuê tàu chuyến. Đây là VĐ được ký phát trong trường hợp hàng hóa được vận chuyển theo 1 hợp đồng thuê tàu chuyến và trên đó có ghi câu: (sử dụng với hợp đồng thuê tàu chuyến).

+ VĐ không cấp theo hợp đồng thuê tàu chuyến: Đây là loại VĐ độc lập, không phụ thuộc vào hợp đồng thuê tàu chuyến và có nội dung tương tự như vận đơn vận tải đơn phương thức bằng đường biển (đã nêu ở trên). 

- Căn cứ vào nơi nộp VĐ có các loại sau:

+ Vận đơn nộp tại cảng bốc hàng (Surrendered B/L): “Surrender” dù là động từ hay danh từ, đều có cùng một nghĩa là “giao lại”, “nộp lại”. Có thể là giao lại một chứng từ, một văn bản hoặc một cái gì đó cụ thể. Trong ngành Hàng hải thương mại quốc tế, từ này được sử dụng dưới dạng động từ hoặc danh từ và lúc đó nó chỉ đơn thuần có nghĩa là “giao nộp lại chứng từ”, hoặc chứng từ đó đã “được thu hồi”.   

+ VĐ nộp tại cảng trả hàng: Đây là loại VĐ thông thường, bao gồm cả VĐ phụ thuộc vào hợp đồng thuê tàu chuyến có nội dung tương tự như VĐ vận tải đơn phương thức bằng đường biển (từ cảng đến cảng). 

Ngoài ra, có một số loại VĐ, chứng từ vận tải khác như VĐ bên thứ ba (Third Party B/L), VĐ có thể thay đổi (Switch B/L), viết tắt là “S/B”, Giấy gửi hàng đường biển (Sea Waybill, Seaway Bill),…

VĐĐB có 3 chức năng cơ bản, gồm:

- VĐĐB đóng vai trò là biên lai nhận hàng, theo đó, VĐ miêu tả đặc điểm lô hàng về số lượng, ký mã hiệu, tình trạng bên ngoài của hàng hóa được giao ở cảng hoặc địa điểm bốc hàng. Khi tàu nhận hàng nếu tình trạng bên ngoài không tốt thì NVC sẽ có những ghi chú phù hợp với tình trạng đó của lô hàng. Tại cảng đích hoặc địa điểm giao hàng, NVC phải giao hàng cho người nhận theo đúng khối lượng và tình trạng như lúc nhận khi người nhận xuất trình VĐ phù hợp. Các từ ngữ “đã giao hàng lên boong tàu trong tình trạng tốt và điều kiện tốt”, theo tinh thần Điều III, quy tắc 3 của Quy tắc Hague Visby (và tương tự là Điều 15(1)(b) của Công ước Hamburg), là hình thức chung nhất của các từ ngữ đã được sử dụng như là giấy biên nhận đã giao lên boong tàu hàng hóa của người chuyên chở trong tình trạng tốt.

- VĐĐB là bằng chứng của hợp đồng vận chuyển (HĐVC). Theo đó, VĐ chứa đựng các điều kiện và điều khoản của HĐVC. Trong trường hợp VĐ được cấp theo hợp đồng thuê tàu chuyến, VĐ sẽ dẫn chiếu tới hợp đồng thuê tàu. Mặc dù không phải là HĐVC vì chỉ có chữ ký của một bên, nhưng VĐ có giá trị như một HĐVC. Nó không những điều chỉnh mối quan hệ giữa người gửi hàng (NGH) với NVC, mà còn điều chỉnh mối quan hệ giữa NVC với người nhận hàng (NNH) hoặc người cầm VĐ. Trong quá trình vận chuyển hàng hóa, các bên phải tuân thủ theo các quy định của VĐ.

- VĐĐB đóng vai trò là chứng từ sở hữu hàng hóa. Người nào có VĐ trong tay, người đó có quyền sở hữu hàng hóa ghi trên đó. NNH có tên trong VĐ hoặc người được chuyển nhượng VĐ có tên ghi trong VĐ sẽ là người sở hữu hàng hóa, họ là người được quyền nhận hàng từ NVC. Hiểu theo cách khác, VĐ là cơ sở pháp lý xác định người sở hữu đối với số hàng hóa ghi trong VĐ. Trên cơ sở pháp lý này, VĐ là một chứng từ có thể lưu thông chuyển nhượng được; có thể mua bán, chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp hàng hóa ghi trên VĐ bằng cách mua bán hay chuyển nhượng VĐ.

VĐĐB, dù là theo phương thức tàu chợ (liner bill of lading) hay VĐ theo hợp đồng thuê tàu (charter bill of lading) đều có 3 chức năng cơ bản nêu trên. Sự khác biệt chủ yếu của 2 loại VĐ này nằm ở chức năng, với tư cách là bằng chứng của hợp đồng. VĐ tàu chợ chứa đựng hợp đồng nằm trong các điều khoản thành văn được in trên VĐ. Không có văn bản nào khác cần thiết cho tòa án để xác định các quyền và nghĩa vụ của các bên theo hợp đồng. Trong khi đó, VĐ được phát hành theo hợp đồng thuê tàu chuyến chứa đựng điều khoản quy định rằng nó được phát hành cùng với hợp đồng thuê tàu chuyến và chứa đựng tất cả các điều kiện và điều khoản trong đó.

Về mặt nội dung, VĐĐB phải tuân thủ một số yêu cầu nhất định. NVC bị ràng buộc bởi các nội dung, các điều kiện và điều khoản đã ghi trong VĐ mặc dù bản thân mình không trực tiếp ký phát. Theo thông lệ hàng hải quốc tế chỉ có NVC mới có quyền cấp VĐ. NVC có thể là chủ tàu, người thuê tàu định hạn, thuê tàu trần. Người giao nhận khi đóng vai trò là NVC cũng có quyền cấp vận đơn. Trong thực tiễn, NVC có thể tự mình ký phát VĐ hoặc ủy quyền cho thuyền trưởng hoặc đại lý ký phát. Khi VĐ do thuyền trưởng hoặc đại lý ký phát thì phải hiểu rằng họ luôn luôn hành động nhân danh và vì quyền lợi của NVC.

VĐ thường được in thành hai mặt: mặt trước và mặt sau. Mặt trước của VĐ bao gồm: tên và địa chỉ của NVC, NGH, NNH, người nhận thông báo, tên tàu, cảng xếp hàng, cảng dỡ hàng, ký mã hiệu hàng hóa, số lượng đơn vị, trọng lượng hoặc khối lượng hàng, tình trạng bên ngoài hoặc bao bì hàng hóa, tiền cước vận chuyển và cách thức thanh toán, số của VĐ ngày cấp, nơi cấp, số lượng bản gốc được ký phát, chữ ký của NVC hoặc của thuyền trưởng hoặc của đại lý nếu được thuyền trưởng ủy quyền. Mặt sau của VĐ thường in sẵn các điều khoản chuyên chở của hãng tàu quy định rõ quyền lợi và trách nhiệm của các bên.

Về mặt pháp lý, một VĐ đường biển cần phải quy định một số nội dung cơ bản sau:

  • Tên và trụ sở chính của NVC;
  • Tên NGH
  • Tên NNH hoặc ghi rõ VĐ được ký phát dưới dạng VĐ theo lệnh hoặc VĐ vô danh;
  • Tên tàu biển;
  • Mô tả chủng loại, kích thước, thể tích, số lượng đơn vị, trọng lượng hoặc giá trị hàng hoá nếu xét thấy cần thiết;
  • Mô tả tình trạng bên ngoài hoặc bao bì hàng hóa;
  • Ký, mã hiệu và đặc điểm nhận biết hàng hóa mà người giao hàng đã thông báo bằng văn bản trước khi bốc hàng lên tàu biển và được đánh dấu lên từng đơn vị hàng hoá hoặc bao bì;
  • Cước vận chuyển và các khoản thu khác của NVC; phương thức thanh toán;
  • Nơi bốc hàng và cảng nhận hàng;
  • Cảng trả hàng hoặc chỉ dẫn thời gian, địa điểm sẽ chỉ định cảng trả hàng;
  • Số bản VĐ gốc đã ký phát cho NGH;
  • Thời điểm và địa điểm ký  phát VĐ;
  • Chữ ký của NVC hoặc thuyền trưởng hoặc đại diện khác có thẩm quyền của NVC.

Sở dĩ VĐĐB cần có những điều khoản nêu trên là do VĐĐB đóng vai trò là biên lai nhận hàng, theo đó, VĐ miêu tả đặc điểm lô hàng về số lượng, ký mã hiệu, tình trạng bên ngoài của hàng hóa được giao ở cảng hoặc địa điểm bốc hàng. VĐĐB còn là bằng chứng của HĐVC, theo đó VĐ chứa đựng các điều kiện và điều khoản của HĐVC.

Ngoài ra, VĐ cũng có thể chứa đựng các điều khoản khác, ví dụ: điều khoản tối cao (clause paramount), điều khoản luật áp dụng/trọng tài (governing law/arbitration), điều khoản 2 tàu đâm vào nhau cùng có lỗi (both to blame to collision clause),... Việc sử dụng các điều khoản này cũng khá phổ biến nhưng tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Chẳng hạn, điều khoản hai tàu đâm va nhau cùng có lỗi là điều khoản thường thấy trong các HDDVC hàng hóa được sử dụng khi hàng hóa bị tổn thất trong một vụ đâm va và sử dụng quyền tài phán của Hoa Kỳ.

2.2. Mối quan hệ giữa hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển và các văn kiện khác với vận đơn đường biển

Trong trường hợp vận chuyển hàng hóa bằng tàu chuyến, cần phân biệt hợp đồng thuê tàu chuyến và VĐ theo hợp đồng thuê tàu. Trên thực tế trong quá trình chuyên chở, nếu có tranh chấp phát sinh từ hợp đồng thuê tàu, người ta sẽ giải quyết tranh chấp đó dựa vào VĐ hoặc dựa vào hợp đồng thuê tàu. Nếu NNH đồng thời là người ký hợp đồng, khi có tranh chấp phát sinh đối với NCC thì sẽ dựa vào hợp đồng thuê tàu để giải quyết tranh chấp. Nếu NNH không phải là người ký hợp đồng thuê tàu, khi có tranh chấp phát sinh đối với NCC sẽ lấy VĐ để giải quyết tranh chấp. Trong trường hợp VĐ đã chuyển nhượng cho người khác, khi có tranh chấp phát sinh giữa NCC với người cầm VĐ sẽ lấy vận đơn để giải quyết tranh chấp. Trường hợp VĐ có dẫn chiếu đến các điều khoản của hợp đồng thuê tàu thì sẽ lấy các điều khoản của hợp đồng thuê tàu để giải quyết tranh chấp. Ví dụ dưới đây mô tả một tình huống tranh chấp liên quan tới VĐĐB theo hợp đồng thuê tàu chuyến:

Những người bán ký hợp đồng để bán cho những người mua một lượng đường trong khoảng 12.000 tấn và 13.200 tấn theo điều kiện C&F, cảng Bandarshapur, Iran. Các bên tham gia đều có trụ sở ở New York. Đường được vận chuyển từ Kandla (Ấn độ) đi Iran. Hợp đồng được ký theo mẫu của Hiệp hội đường tinh chế và quy định Trọng tài có quyền giải quyết là Trọng tài Lôn Đôn. Hợp đồng quy định rằng, việc thanh toán sẽ được tiến hành khi đệ trình một bộ vận đơn hoàn hảo sạch chứng tỏ rằng cước phí đã được trả. Sau khi một phần hàng hóa đã được bốc lên tàu, lửa đã bùng cháy trên tàu, thiêu hủy 200 tấn đường đã được bốc. Phần còn lại của hàng hóa đã được bốc lên và được chuyên chở đến địa điểm đã định. Những người bán yêu cầu 2 VĐĐB đối với người mua. Một áp dụng đối với 200 tấn đường đã bị mất và thứ hai đối với phần hàng còn lại. thứ nhất ở phần các điều khoản được in sẵn cho thấy việc vận chuyển hàng hóa theo trình tự và điều kiện rõ ràng. Tuy nhiên, lại có một điều khoản viết nói rằng, hàng hóa quy định trong đã được dỡ vì nó đã bị lửa hoặc nước làm thiệt hại. thứ hai được ký phát và được phía người bán trả, đầu tiên bị họ phản đối với lý do là nó không phải là sạch. Phía người bán viện lý do là điều khoản viết không thể làm mất đi tính sạch của và họ được trao quyền để trả giá cho 200 tấn đường đã bị mất.

Tình huống trên cho thấy, VĐ hoàn hảo (hoặc VĐ sạch) có ý nghĩa quan trọng trong thanh toán quốc tế. Vì VĐ thứ hai nêu rõ hàng hóa quy định trong VĐ đã được dỡ đã bị lửa hoặc nước làm thiệt hại, nên VĐ này trở thành VĐ không hoàn hảo. Nếu VĐ được cung cấp không phải là VĐ hoàn hảo thì sẽ không được thanh toán trong thương mại quốc tế. Đây là nguyên nhân căn bản dẫn đến tranh chấp giữa các bên trong vụ kiện nêu trên.

Một vấn đề quan trọng khác cũng cần làm rõ, đó là: các thỏa thuận mang tính hợp đồng trước đó (đề nghị giao kết hợp đồng, chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng, thỏa thuận chuyển tải, quảng cáo, giấy lưu khoang,...) liệu có bị thay thế bởi VĐ khi văn bản này được phát hành và được ký hay không? Cần thấy rằng bản thân VĐ không phải là hợp đồng giữa người chủ tàu và người chuyên chở, mặc dù VĐ là bằng chứng tốt nhất. Vì thế, VĐ không đương nhiên thay thế cho các văn bản nêu trên, ngoại trừ trường hợp NCC thể hiện rõ ràng sự đồng ý hoặc có hoặc NVC có đầy đủ kiến thức đủ để xác định đối với nội dung của VĐ đó.

3. Kết luận

VĐĐB là một chứng quan trọng bậc nhất của VCHHBĐBQT. Trong thương mại và hàng hải quốc tế, VĐĐB không chỉ dùng trong giao nhận và vận chuyển hàng hóa mà được dùng để điều chỉnh nhiều mối quan hệ, ở nhiều lĩnh vực khác nhau. VĐĐB cũng là chứng từ không thể thiếu được trong bộ chứng từ thanh toán tiền hàng, đặc biệt là phương thức thanh toán bằng tín dụng thư. Vì vậy, nắm bắt và vận dụng tốt các quy tắc pháp lý về VĐĐB sẽ giúp tránh những tranh chấp có thể phát sinh, bảo vệ được quyền lợi của các bên trong các quan hệ thương mại và  hàng hải quốc tế.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2015), Bộ luật Hàng hải
  2. Hoàng Thế Liên (chủ biên) (2006), Hội nhập kinh tế quốc tế (Tài liệu bồi dưỡng ngành Tư pháp), Nhà xuất bản Tư pháp, Hà Nội.

Main characteristics of an ocean bill of lading

Ph.D Ha Viet Hung

Lecturer, Faculty of International Law, Hanoi Law University

ABSTRACT:

In international sea freight transport, ocean bill of lading is a very important document. Vietnamese law, and international law and practice all recognize that the ocean bill of lading means right to possession of the goods from the carrier. In international trade and maritime, the ocean bill of lading is not only used for transporting goods but also to regulate many relationships in different fields. Therefore, clearly understanding and well applying regulations on the ocean bill of lading will help parties avoid disputes and protect their rights and interests in international trade and maritime relations.

Keywords: ocean bill of lading, shipping, international sea way.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 9, tháng 5 năm 2022]