Các giải pháp ổn định tài chính tại Việt Nam

THS. NGUYỄN THỊ TRANG (Khoa Thương mại, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Ổn định tài chính không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định giá cả (mục tiêu chính của Ngân hàng Trung ương), mà còn góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững, vì sự ổn định đó tạo ra môi trường thuận lợi hơn cho nhà đầu tư và người gửi tiền, tăng hiệu quả của hoạt động trung gian tài chính, tăng các chức năng của các thị trường tài chính và cải thiện phân phối nguồn lực để phát triển hệ thống tài chính lành mạnh và minh bạch, giảm đi các “cú sốc” về tài chính và rủi ro hệ thống. Bài viết này sẽ bàn về các giải pháp ổn định tài chính tại Việt Nam.

Từ khóa: ổn định tài chính, ngân hàng nhà nước, giải pháp.

1. Đặt vấn đề

Ổn định tài chính đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các công cụ phân tích thích hợp cũng như các chính sách điều hành an toàn vĩ mô. Hiện nay, trên thế giới, có rất nhiều định nghĩa về ổn định tài chính, tùy theo quan điểm của từng quốc gia.

Theo Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ, ổn định hệ thống tài chính nghĩa là một hệ thống tài chính trong đó các chủ thể - trung gian tài chính, thị trường tài chính và hạ tầng tài chính thực hiện tốt các chức năng và có khả năng chống đỡ được các cú sốc tiềm ẩn.

Theo Ngân hàng Trung ương Đức, ổn định tài chính là khả năng vận hành tốt các chức năng chính của hệ thống tài chính, kể cả trong thời kỳ kinh tế căng thẳng và thời kỳ điều chỉnh cơ cấu, nhằm giúp phân bổ một cách có hiệu quả các nguồn lực và rủi ro tài chính cũng như tạo nền tảng hạ tầng tài chính hiệu quả.

Theo Ngân hàng Trung ướng Úc, ổn định hệ thống tài chính là một trạng thái trong đó các trung gian tài chính, thị trường và hạ tầng tài chính phân bổ tốt các luồng vốn giữa tiết kiệm và đầu tư, nhờ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo Ngân hàng Trung ương Anh, ổn định tài chính hàm ý việc xác định rủi ro trong hệ thống tài chính và hành động để giảm thiểu chúng.

Ngân hàng Trung ương châu Âu, ổn định tài chính là một trạng thái, trong đó hệ thống tài chính gồm các trung gian tài chính, thị trường và hạ tầng tài chính có khả năng chống đỡ được các cú sốc và những rủi ro do sự mất cân đối tài chính gây ra, từ đó làm giảm bớt khả năng sụp đổ của các trung gian tài chính vốn có tác động tiêu cực đối với việc phân bổ tiết kiệm và đầu tư.

Qua tổng kết quan điểm của một số Ngân hàng Trung ương trên thế giới cho thấy, mặc dù hiện nay chưa có một định nghĩa chính thức cho thuật ngữ “ổn định tài chính”. Tuy nhiên, thuật ngữ này có thể bao gồm nội hàm sau:

Thứ nhất, các yếu tố chính của hệ thống tài chính (thị trường tài chính, các định chế tài chính, hạ tầng tài chính) thực hiện các chức năng của nó “thông suốt” góp phần phân bổ có hiệu quả nguồn lực của nền kinh tế.

Thứ hai, rủi ro cấp độ hệ thống cần được đánh giá chính xác và quản lý hiệu quả để tránh khả năng sụp đổ hệ thống tài chính.

Thứ ba, để đảm bảo mục tiêu duy trì ổn định của cả hệ thống tài chính, đòi hỏi phải có sự phối hợp của các cơ quan nhà nước trong hệ thống giám sát tài chính quốc gia; và trong phần lớn các mô hình tổ chức hệ thống giám sát tài chính, Ngân hàng Trung ương là cơ quan có chức năng chủ đạo trong việc thực hiện chức năng ổn định tài chính.

Một hệ thống tài chính ổn định là hệ thống hoạt động lành mạnh, tin cậy và hiệu quả, ít biến động và có khả năng hấp thụ các cú sốc. Ngược lại, mất ổn định tài chính kéo theo những tình trạng như: (i) giảm tính hiệu quả của chính sách tiền tệ; (ii) làm suy yếu chức năng trung gian của hệ thống tài chính do phân phối nguồn lực không hợp lý, làm trì trệ sự phát triển của nền kinh tế; (iii) làm mất niềm tin của người dân vào hệ thống tài chính; (iv) mất nhiều chi phí để giải quyết sự yếu kém của hệ thống tài chính.

Vì những lý do này, nhiều nước trên thế giới đã bắt đầu chú trọng nhiều hơn đến ổn định tài chính khi thực thi các chính sách, đặc biệt trong bối cảnh xuất hiện ngày càng nhiều các nhân tố mới có khả năng gây bất ổn tài chính như mối liên kết ngày càng chặt chẽ giữa khu vực tài chính của các quốc gia và sự phát triển không ngừng của các công cụ tài chính phức tạp.

2. Những mặt còn hạn chế trong thực hiện giải pháp ổn định tài chính tại Việt Nam

Theo ý kiến đánh giá của Đoàn chuyên gia độc lập Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế đánh giá tổng thể khu vực tài chính tại Việt Nam, việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ cũng như vai trò điều phối của các cơ quan quản lý còn rất mờ nhạt. Điều này thể hiện qua các khía cạnh sau:

- Việt Nam chưa có tổ chức nào chịu trách nhiệm chính trong việc đánh giá, phân tích an toàn vĩ mô nhằm đảm bảo ổn định tài chính. Các yếu tố tác động đến sự ổn định của hệ thống tài chính vẫn chưa được xác định một cách chính thức. Việc xây dựng các kịch bản rủi ro, cũng như sử dụng các công cụ phân tích thích hợp để theo dõi những yếu tố này vẫn là thách thức lớn.

- Về quy trình giám sát: hiện nay NHNN nói chung và Vụ Ổn định tiền tệ tài chính nói chung vẫn chưa xây dựng được quy trình phân tích/giám sát rủi ro hệ thống và đánh giá ổn định tài chính chính thức, do đó vấn đề triển khai phân tích cũng như thực thi chính sách an toàn vĩ mô đảm bảo ổn định tài chính vẫn gặp nhiều khó khăn.

- Về các chỉ tiêu phân tích và phương pháp phân tích: các chỉ tiêu phân tích an toàn vĩ mô cũng đang trong giai đoạn sơ khai. Mặc dù một số phương pháp phân tích đã được sử dụng như bài kiểm tra sức chịu đựng và mô hình cảnh báo sớm đã được triển khai, nhưng vẫn trong giai đoạn thử nghiệm và cần nhiều thời gian hơn để kiểm chứng tính thực tiễn.

- Về công tác truyền thông: do vấn đề ổn định tài chính và chính sách an toàn vĩ mô vẫn còn tương đối mới mẻ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã và đang tận dụng các nguồn hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức tài chính quốc tế như IMF, World Bank, cũng như từ các nguồn lực tại chỗ để tiến hành các buổi hội thảo, tọa đàm, diễn đàn liên quan đến vấn đề ổn định tài chính. Ngoài ra, các báo cáo ổn định tài chính cũng đã được thực hiện, tuy nhiên công tác truyền thông vẫn chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn.

- Về cơ sở dữ liệu: nguồn cơ sở dữ liệu phục vụ công tác phân tích ổn định tài chính vẫn là vấn đề khó khăn đối với cơ quan quản lý do tính chất phức tạp liên quan đến nhiều lĩnh vực, đồng thời sự phối hợp chia sẻ của các cơ quan liên quan chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, chất lượng và sự thống nhất của dữ liệu cũng là một vấn đề đáng quan tâm, vẫn còn tồn tại sự chênh lệch giữa các thông tin được cung cấp bởi các cơ quan khác nhau.

3. Giải pháp nhằm duy trì ổn định tài chính tại Việt Nam

Một là, xác định rõ nhiệm vụ chính của NHNN Việt Nam.

Hiện nay, hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) vẫn đang đóng vai trò chi phối trong hệ thống tài chính; hệ thống giám sát tài chính Việt Nam vẫn đang theo đuổi mô hình giám sát thể chế (mỗi cơ quan giám sát toàn diện lĩnh vực mà mình đảm nhiệm). Do đó, cần xác định rõ một trong những mục tiêu hiện đại hóa NHNN trong chiến lược phát triển ngành Ngân hàng là: NHNN cần thực hiện mục tiêu ưu tiên kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển bền vững nền kinh tế. Đồng thời, NHNN phải giữ vai trò chủ chốt trong việc bảo đảm sự an toàn, lành mạnh của hệ thống các TCTD và sự ổn định của hệ thống tài chính. Theo đó, NHNN làm đầu mối trong thúc đẩy ổn định tài chính và xây dựng chính sách an toàn vĩ mô, tiến tới luật hóa chức năng ổn định tài chính của NHNN.

Hai là, phân định rõ chức năng nhiệm vụ của các cơ quan quản lý, nhưng vẫn đảm bảo cơ chế phối hợp chặt chẽ.

Xây dựng và đảm bảo cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan trong hệ thống an toàn tài chính quốc gia để tránh chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ; đồng thời vẫn đảm bảo sự thông suốt và phối hợp nhịp nhàng trong quá trình triển khai chính sách an toàn vĩ mô, cũng như sự chia sẻ thông tin giữa các cơ quan này. NHNN cần phân rõ chức năng, nhiệm vụ giữa Vụ Ổn định tiền tệ - tài chính (giám sát an toàn vĩ mô) với cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng (giám sát an toàn vi mô) và các bộ phận liên quan. Ngoài ra, đơn vị đầu mối thực hiện chức năng ổn định tài chính (Vụ Ổn định tiền tệ - tài chính) cần có đầy đủ công cụ để thực thi chức năng giám sát an toàn vĩ mô một cách có hiệu quả.

Ba là, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý.

Cần hoàn thiện khuôn khổ chính sách theo hướng: NHNN làm đầu mối trong việc thúc đẩy ổn định tài chính và xây dựng chính sách an toàn vĩ mô, tiến tới luật hóa chức năng ổn định tài chính của NHNN. Đồng thời rà soát, nghiên cứu, xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, nhằm từng bước hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động giám sát an toàn vĩ mô đối với hệ thống tài chính. Ngoài ra, cũng cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiền tệ và hoạt động ngân hàng theo thông lệ quốc tế và đáp ứng yêu cầu hội nhập. Trong đó, cần sửa đổi, bổ sung, ban hành các quy định liên quan đến sự ổn định tiền tệ và ổn định tài chính theo hướng phối hợp có hiệu quả giữa chính sách tiền tệ và chính sách an toàn vĩ mô. Theo đó, khi xây dựng chính sách tiền tệ (CSTT), cần ý thức được việc nếu chỉ tập trung vào mục tiêu ổn định giá là chưa đủ để tạo ra một môi trường kinh tế vĩ mô tốt và ổn định, mà cần kết hợp với việc duy trì một hệ thống giám sát hiệu quả và khuôn khổ giám sát thận trọng, quy trình quản trị rủi ro chặt chẽ của từng định chế, cũng như việc giám sát tính tuân thủ pháp luật của các định chế trong hệ thống.

Bốn là, xây dựng chính sách tiền tệ linh hoạt, kết hợp hài hòa với chính sách an toàn vĩ mô.

Khi xây dựng chính sách an toàn vĩ mô, cũng cần theo dõi các diễn biến điều hành CSTT để sử dụng các công cụ cho phù hợp. Cụ thể, nếu chính sách an toàn vĩ mô ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế thì cần phải có một CSTT linh hoạt hơn để bù đắp khi cần thiết. Hay, nếu những thay đổi trong CSTT làm gia tăng khuynh hướng chấp nhận rủi ro của các định chế tài chính, thì chính sách an toàn vĩ mô cần được thực hiện chặt chẽ hơn nhằm giảm thiểu rủi ro. Ngoài ra, sự kết hợp hài hòa giữa CSTT và chính sách an toàn vĩ mô cần đảm bảo các mục tiêu theo đuổi cuối cùng của mỗi chính sách vẫn được thực hiện, nhưng không gây cản trở lẫn nhau. CSTT và chính sách an toàn vĩ mô là hai chính sách độc lập, có các công cụ điều hành riêng biệt và có các mục tiêu ngắn hạn, trung hạn khác nhau, nhưng đều hướng đến mục tiêu chung cuối cùng là ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế bền vững. Để có thể phát huy được hiệu quả phối hợp cao nhất giữa hai chính sách này, thực tế cũng đã chứng minh rằng, cần phải xây dựng khuôn khổ chính sách an toàn vĩ mô phù hợp với đặc điểm của từng quốc gia, với các nội dung hoạt động và cơ chế phối hợp rõ ràng, được điều hành, chịu trách nhiệm bởi một cơ quan quản lý nhà nước có ảnh hưởng lớn đến khu vực tài chính trong nền kinh tế. Đây cũng chính là hàm ý chính sách đối với Việt Nam khi triển khai những bước đầu tiên trong quá trình xây dựng khuôn khổ chính sách an toàn vĩ mô.

Năm là, tăng cường công tác truyền thông.

Song song với việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và nâng cao hiệu quả hoạt động giữa các cơ quan, cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về cơ chế, chính sách thuộc lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng đến mọi đối tượng trong xã hội để định hướng thị trường và tạo sự đồng thuận cao trong xã hội góp phần đưa cơ chế, chính sách nhanh chóng đi vào cuộc sống, có hiệu quả tích cực hơn trong điều hành nền kinh tế.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Đỗ Việt Hùng (2015). Ổn định tài chính, các mối liên kết tài chính - vĩ mô và phát triển bềnvững, Đặc san Toàn cảnh ngân hàng Việt Nam, truy cập từ https://tinnhanhchungkhoan.vn/tien te/ondinh-tai-chinh-cac-moi-lien-ket-tai-chinh-vi-mo-va-phat-trien-ben-vung-118828.html
    2. European Central Bank (2007): Progress towards a framework for financial stability assessment‖, speech by José-Manuel González-Páramo, Member of the Executive Board of the ECB, OECD World Forum on Statistics, Knowledge and Policy, Istanbul, 28 June.
    3. Garry J.Schinasi, 2004. Defining Financial Stability. IMF
  2. Gray, DF, RC Merton and Z Bodie (2007): New framework for measuring and managingmacrofinancial risk and financial stability, NBER Working Paper no 13607, November.

Solutions to ensure the financial stability of Vietnam

Master. Nguyen Thi Trang

Faculty of Commerce, University of Economics - Technology for Industries

Abstract:

Financial stability not only plays an important role in stabilizing prices (the main task of central banks) but also supports the sustainable economic development. Financial stability creates a favorable environment for enterprises, investors and depositors, increases the performance of financial intermediation, enhances the efficiency of financial markets, and improve the distribution of resources to develop a sound and transparent financial system. In addition, financial stability also reduces the financial shocks and systemic risks. This paper discusses solutions to ensure the financial stability of Vietnam.

Keywords: financial stability, the State Bank of Vietnam, solutions.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 7  tháng 3 năm 2023]

Tạp chí Công Thương