TÓM TẮT:
Tích tụ ruộng đất đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, phát triển bền vững, cải thiện điều kiện kinh tế xã hội ở nông thôn. Bài viết này phân tích các hình thức tích tụ ruộng đất chủ yếu trong nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay. Qua đó xác định điều kiện ruộng đất và trình độ nền nông nghiệp ở các vùng của Việt Nam rất khác nhau, do đó việc lựa chọn hình thức nào cho phù hợp và hiệu quả cần được xem xét cụ thể.. Bài viết đồng thời góp phần hỗ trợ cho các nhà đầu tư lựa chọn được hình thức phù hợp cũng như hỗ trợ cho các nhà quản lý có chính sách phát triển nông nghiệp hợp lý nhằm mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế nông nghiệp và cộng đồng nông thôn.
Từ khóa: tích tụ ruộng đất, hình thức, nông nghiệp, Việt Nam.
1. Đặt vấn đề
Tích tụ ruộng đất là quá trình tích tụ tư bản với đất đai là tư liệu sản xuất chính để mở rộng sản xuất và phát huy được lợi thế kinh tế theo quy mô. Tích tụ ruộng đất để tạo ra các trang trại sản xuất nông sản hàng hóa quy mô lớn, hợp thành vùng sản xuất tập trung chuyên môn hơn, gắn kết với công nghiệp chế biến và mạng lưới phân phối tiêu thụ [1,2]. Để tích tụ ruộng đất, các nhà đầu tư có thể mua quyền sở hữu hay thuê quyền sử dụng đất theo nguyên tắc “thuận mua, vừa bán” hoặc thuê lại đất và trả địa tô cho người cho thuê đất [1,2,3]
Có quan điểm cho rằng tích tụ ruộng đất là quá trình tập trung ruộng đất từ nhiều thửa nhỏ thành thửa lớn, từ nhiều chủ sử dụng đất (tổ chức, hộ gia đình, cá nhân) vào một số chủ sử dụng đất có khả năng vốn, lao động, kinh nghiệm quản lý để sản xuất hàng hóa tập trung [4]. Tích tụ ruộng đất làm tăng quy mô sản xuất (chỉ số diện tích đất đai trên một đơn vị sản xuất) và tăng chỉ số diện tích đất đai trên một lao động nông nghiệp.
Mặc dù có nhiều cách tiếp cận và quan điểm khác nhau liên quan đến tích tụ ruộng đất, nhưng tất cả đều có những điểm chung là: 1- Tích tụ ruộng đất làm tăng quy mô ruộng đất của một chủ sở hữu; 2- Tích tụ ruộng đất sẽ khắc phục được tình trạng manh mún đất đai khi tăng quy mô diện tích canh tác của hộ gia đình; 3- Hoạt động tích tụ không thể tách rời với thị trường đất đai mà cụ thể bao gồm thị trường chuyển nhượng quyền sử dụng đất và thị trường thuê đất; 4- Tích tụ ruộng đất gắn trực tiếp đến sự phân tầng về diện tích đất và mức sống ở khu vực nông thôn [5].
Hầu hết các nhà khoa học đều quan niệm tích tụ ruộng đất là quá trình liên kết các thửa ruộng để tạo ra những thửa ruộng lớn hơn, thuận tiện cho cơ giới hóa và giảm chi phí sản xuất. Đây cũng là quan niệm được sử dụng trong bài viết này.
Tích tụ ruộng đất trong nông nghiệp biểu hiện về quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất trong quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa và chuyên môn hóa [1]. Ruộng đất được tích tụ sẽ khuyến khích nông dân, các nhà đầu tư nông nghiệp thay đổi cung cách sản xuất, chuyển từ sản xuất manh mún, tự cấp tự túc sang sản xuất hàng hóa, có điều kiện ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất. Hay nói cách khác, riêng với nông hộ, tích tụ ruộng đất là tiền đề phát triển kinh tế hộ gia đình trong quá độ chuyển từ sản xuất nhỏ, tự cung tự cấp lên sản xuất hàng hóa quy mô lớn [5]. Vì vậy, tích tụ ruộng đất trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa là xu thế tất yếu trong hội nhập kinh tế và phân công lao động quốc tế.
2. Các hình thức tích tụ ruộng đất
Hình thức tích tụ ruộng đất diễn tả cách thức để gia tăng diện tích ruộng đất của các hộ gia đình hoặc tổ chức kinh tế phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Các hình thức tích tụ ruộng đất chủ yếu ở nước ta hiện nay, bao gồm:
2.1. Tích tụ ruộng đất cho cá nhân, hộ nông dân
Ở hình thức này, các hộ nông dân có thể là các hộ nông dân sản xuất giỏi và có tiểm lực tài chính chủ động đầu tư, mua thêm đất để mở rộng sản xuất, hình thành trang trại với các quy mô khác nhau. Trong trường hợp này, quyền sử dụng ruộng đất được chuyển cho các hộ nông dân sản xuất giỏi thông qua quá trình mua bán, sang nhượng, hay thuê quyền sử dụng ruộng đất (có thời hạn, hay lâu dài).
Hình thức tích tụ này có thể diễn ra trên cơ sở làm thay đổi chủ thể có quyền sử dụng đất. Cụ thể đó là kết quả của quá trình chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp từ nhiều người sang cho một số ít người khác để tăng diện tích đất dành cho sản xuất nông nghiệp của người nhận quyền sử dụng đất và người nhận chuyển quyền sử dụng đất có đầy đủ các quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Theo hình thức này, đất nông nghiệp được tích tụ thông qua chuyển nhượng, thừa kế, cho và tặng quyền sử dụng đất. Chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp có tác động tích cực là cho phép người nhận chuyển nhượng hình thành các trang trại, mở rộng quy mô sản xuất để áp dụng khoa học công nghệ vào nâng cao năng suất và chất lượng nông sản. Song, do thay đổi quyền sử dụng đối với ruộng đất, nên chuyển nhượng quyển sử dụng đất nông nghiệp thường dẫn đến chuyển đổi hoàn toàn sinh kế, vì thế làm thay đổi vị thế xã hội của người nông dân. Ngoài ra, một tác động tiềm năng ngoài mong đợi khác là chuyển nhượng quyền sử dụng đất có thể diễn ra theo hướng đầu cơ mà không vì mục đích sản xuất, do đó không thúc đẩy đầu tư và phát triển sản xuất nông nghiệp [6].
Hình thức tích tụ ruộng đất vào cá nhân, hộ nông dân sẽ không làm thay đổi chủ thể có quyền sử dụng đất nếu thông qua thuê đất đai nông nghiệp. Việc cho thuê quyền sử dụng đất sử dụng vào sản xuất nông nghiệp có tác dụng cho việc sử dụng và cải tạo đất được thường xuyên, tạo điều kiện cho những người lao động thiếu đất có đất để canh tác, đồng thời khắc phục tình trạng khó khăn cho những gia đình thiếu vốn, thiếu lao động... không đủ điều kiện sử dụng đất có hiệu quả. Ngoài ra, người cho thuê đất vẫn còn quyền sử dụng đất sau khi hết thời gian hợp đồng.
So với việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, việc thuê ruộng đất dễ triển khai hơn vì chi phí thuê ruộng đất thường thấp hơn nhiều so với chi phí chuyển nhượng ruộng đất. Hơn nữa, người có ruộng đất có xu hướng dễ chấp nhận cho thuê hơn chuyển nhượng, vì họ muốn bảo tồn ruộng đất như là tài sản của gia đình.
2.2. Tích tụ ruộng đất thông qua liên kết giữa các hộ nông dân để hình thành các tổ hợp tác nông dân
Đây là mô hình các hộ nông dân trong cùng một cộng đồng kết hợp để hình thành vùng sản xuất quy mô lớn hơn. Họ có thể chia sẻ nguồn lực, kiến thức và công việc để cùng nhau tối ưu hóa sản xuất và chia sẻ lợi nhuận. Cụ thể các hộ sẽ thay đổi cách thức tổ chức quá trình sản xuất nông sản hàng hóa, giảm chi phí do mua chung vật tư, thuê chung các dịch vụ kỹ thuật và cùng đầu tư vào hạ tầng cơ sở kỹ thuật, tăng giá bán sản phẩm do bán chung sản phẩm... Ngoài ra, quá trình liên kết giữa các hộ nông dân giúp thúc đẩy sự đồng đều về chất lượng và cải thiện tình trạng vệ sinh an toàn cho nông sản. Hình thức tích tụ này hình thành các tổ hợp tác nông dân có thể có các cấp độ khác nhau tùy thuộc vào quy mô và mức độ hợp tác. Ví dụ ở mức độ hợp tác thấp thì có các tổ hợp tác quy mô nhỏ chia sẻ nguồn lực và công việc để cải thiện hiệu quả sản xuất, mức độ hợp tác cao hơn có tổ hợp tác cộng đồng chia sẻ nhiều nội dung hơn để tối ưu hóa sản xuất và chia sẻ lợi nhuận.
Tích tụ ruộng đất thông qua liên kết giữa các hộ nông dân để hình thành các tổ hợp tác nông dân là mô hình hợp tác đơn giản, thuần túy, dựa vào sự tự nguyện. Trong hình thức này, các hộ nông dân vẫn giữ nguyên quyền sử dụng ruộng đất riêng biệt nhưng thống nhất với nhau về các hoạt động đầu tư, kế hoạch kinh doanh, đảm bảo các dịch vụ đầu vào - đầu ra.
2.3. Tích tụ ruộng đất thông qua liên kết giữa các hộ nông dân với doanh nghiệp
Trong hình thức này quyền sử dụng ruộng đất vẫn thuộc các hộ nông dân, nhưng mục đích sử dụng ruộng đất (mục đích sản xuất) đã có sự thống nhất giữa các hộ nông dân với nhau và với doanh nghiệp. Tích tụ ruộng đất thông qua liên kết giữa các hộ nông dân với doanh nghiệp là một chiến lược quan trọng trong quản lý đất đai và phát triển nông thôn vì đem lại rất nhiều lợi ích từ phía doanh nghiệp như: cải thiện hiệu suất sản xuất và chất lượng sản phẩm do doanh nghiệp thường mang đến kiến thức và kỹ thuật hiện đại trong quản lý nông trại; chia sẻ rủi ro với nông dân, giảm thiểu tác động của biến động thị trường và thời tiết không lường trước được; doanh nghiệp có thể cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo và công nghệ mới giúp nâng cao năng suất và chất lượng, hỗ trợ về vốn và tài chính để giúp các hộ nông dân cập nhật và mở rộng sản xuất; xây dựng được thương hiệu; thiết lập được chuỗi cung ứng; thúc đẩy phát triển nông thôn; chuyển đổi sang các phương pháp nông nghiệp bền vững, giảm thiểu tác động xấu đối với môi trường, bảo dưỡng đa dạng sinh học và bảo vệ tài nguyên tự nhiên.
Trong hình thức này cũng có các mức độ liên kết khác nhau giữa doanh nghiệp với các hộ nông dân, các mức độ từ thấp đến cao tuần tự như sau: (1) Mua bán trực tiếp cụ thể chỉ là quan hệ mua bán trực tiếp giữa doanh nghiệp và hộ nông dân mà không có sự hợp tác chặt chẽ khác; (2) Các hợp tác hợp đồng trong đó doanh nghiệp cam kết mua sản phẩm từ hộ nông dân theo các điều kiện đã thỏa thuận (quy định rõ ràng về giá cả, chất lượng, và số lượng sản phẩm…); (3) Chương trình hỗ trợ và đào tạo trong đó các doanh nghiệp có sự hỗ trợ kỹ thuật, đầu tư cho các hộ nông dân và bao tiêu sản phẩm; (4) Hợp nhất toàn bộ chuỗi cung ứng cụ thể là hợp tác dọc theo chuỗi cung ứng giữa doanh nghiệp và hộ nông dân nhằm tối ưu hóa từng bước trong quá trình sản xuất và tiêu thụ, doanh nghiệp có sự hỗ trợ đầu tư, chia sẻ rủi ro và phân chia lợi ích hợp ích hợp lý với các hộ nông dân. Các mức độ liên kết khác nhau phản ánh sự đa dạng trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp và hộ nông dân, tùy thuộc vào mục tiêu cụ thể và điều kiện địa phương. Sự hợp tác giữa hai bên có thể mang lại lợi ích to lớn cho cả nông dân, doanh nghiệp khi được thiết lập và quản lý một cách bền vững.
Tích tụ ruộng đất thông qua liên kết giữa các hộ nông dân, doanh nghiệp mang lại những cơ hội lớn cho cả hai bên, tạo ra sự hợp tác mà có thể cải thiện cả khía cạnh kinh tế và môi trường trong nông thôn. Tuy nhiên, để đạt được những lợi ích này, cần có sự tôn trọng và kết hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan.
2.4. Tích tụ ruộng đất thông qua liên kết giữa các hộ nông dân với hợp tác xã
Hợp tác xã nông nghiệp có vai trò đầu mối cung cấp vật tư đầu vào như cung cấp giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật canh tác... theo tiêu chuẩn cũng như cung cấp các dịch vụ hỗ trợ làm đất, xuống giống, thu hoạch... theo kế hoạch chung cho các thành viên. Hợp tác xã mua chung vật tư, bán chung nông sản cho các hộ xã viên, đồng thời ký hợp đồng với doanh nghiệp để tiêu thụ nông sản. Nông dân tổ chức sản xuất trên chính mảnh đất của mình với công nghệ, kỹ thuật mới.
Có rất nhiều lợi ích đem lại từ hình thức tích tụ ruộng đất này. Hợp tác xã giúp tăng quy mô sản xuất bằng cách kết hợp nhiều hộ nông dân lại với nhau. Điều này có thể tối ưu hóa sử dụng đất đai và nguồn lực. Các hộ nông dân trong hợp tác xã có thể chia sẻ kỹ thuật và kiến thức với nhau, giúp nâng cao chất lượng và hiệu suất sản xuất. Ngoài chia sẻ kiến thức và kỹ thuật, các hộ nông dân còn phân chia công việc dựa trên kỹ năng và nguồn lực của từng hộ, nhằm tối ưu hóa sức lao động và tăng cường sự hợp tác. Bên cạnh đó, những rủi ro cũng được chia sẻ giữa các thành viên, từ đó giảm thiểu tác động của những yếu tố khó dự đoán như thời tiết hay thị trường. Hình thức này cũng tạo điều kiện để chú trọng vào quản lý bền vững, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học.
Mặt khác, hợp tác xã là chủ thể có tư cách pháp nhân, đủ điều kiện pháp lý để tiến hành liên kết theo cơ chế thị trường, vì thế hợp tác xã có sức mạnh đàm phán cao hơn khi đối mặt với các đối tác kinh doanh, công ty mua sắm, hay các tổ chức khác. Ngoài ra, hợp tác xã cũng dễ dàng hơn trong việc truy cập vốn và tài chính so với các nông hộ đơn lẻ. Nhìn chung, hợp tác xã mang lại rất nhiều lợi ích và có thể đóng góp vào sự phát triển bền vững của nông thôn. Tuy nhiên để có thể có những lợi ích trên thì phụ thuộc rất nhiều vào việc lựa chọn ban quản lý hợp tác xã. Đây là yếu tố quan trọng quyết định đến hiệu quả và bền vững của hợp tác xã.
2.5. Tích tụ ruộng đất thông qua liên kết sản xuất và tiêu thụ trực tiếp giữa hộ gia đình, cá nhân với doanh nghiệp
Trong hình thức này, chính quyền có thể đóng vai trò kết nối doanh nghiệp và nông dân có đất nông nghiệp. Doanh nghiệp tham gia vào một vài khâu nhất định trong chuỗi liên kết, ví dụ như sau khi ký hợp đồng với nông dân, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kỹ thuật và điều hành kế hoạch sản xuất. Doanh nghiệp có thể có đơn vị trực tiếp tiến hành các dịch vụ kỹ thuật trên đồng ruộng như bón phân, đốn tỉa cây, phun thuốc, thu gom, vận chuyển sản phẩm... cho các hộ gia đình. Những hộ nông dân tham gia liên kết sẽ trực tiếp thực hiện các công đoạn chăm sóc còn lại như xuống giống, làm cổ, bảo vệ, giám sát, quản lý tưới tiêu, theo dõi sâu bệnh, vệ sinh đồng ruộng... và kịp thời báo cáo cho công ty khi có các vấn để kỹ thuật nảy sinh.
Do có tư cách pháp nhân, năng lực quản trị và nguồn lực tài chính dồi dào, khả năng nắm bắt thông tin thị trường kịp thời và tiếp cận được với nhiều nguồn lực trên thị trường nên doanh nghiệp nông nghiệp có nhiều lợi thế trong phát triển sản xuất và tiêu thụ nông sản ở quy mô lớn hơn hộ nông dân, tổ hợp tác và hợp tác xã nông nghiệp. Thông qua liên kết, nông dân chia sẻ lợi ích từ việc khai thác tài nguyên đất với doanh nghiệp, song họ cũng tận dụng được các lợi thế thông qua liên kết với doanh nghiệp, chẳng hạn như lợi ích nhờ nắm bắt được nhu cầu thị trường, mở rộng quy mô sản xuất và tiêu thụ, kiểm soát tốt chất lượng nông sản theo tiêu chuẩn của thị trường. Nông dân vẫn trực tiếp quản lý và sử dụng đất, tập trung sản xuất hàng hóa chất lượng cao, yên tâm về đầu ra ổn định. Ở đây đã có sự liên kết và chia sẻ rủi ro giữa nông dân và doanh nghiệp trong chuỗi giá trị nông sản.
2.6. Tích tụ ruộng đất cho các doanh nghiệp nông nghiệp
Đây là hình thức tích tụ ruộng đất vào các doanh nghiệp nông nghiệp (chủ yếu là các doanh nghiệp lớn hoặc tương đối lớn) thông qua việc thuê lại đất nông nghiệp của nông dân, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của nông dân, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của nông dân, thuê đất của địa phương hoặc nông lâm trường quốc doanh cũ. Hình thức này không chỉ đòi hỏi điều kiện ruộng đất thuận tiện cho quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn, mà còn phụ thuộc rất nhiều vào loại sản phẩm hàng hóa nông sản có thể sản xuất được trên đất đó một cách liên tục để đảm bảo được hiệu quả sản xuất, kinh doanh theo phương thức doanh nghiệp (ví dụ như chăn nuôi bò sữa quy mô lớn…). Hình thức này sẽ khó (không) phù hợp với sản xuất những loại sản phẩm có tính mùa vụ dài ngày (không liên tục) mà lại sử dụng lao động làm thuê theo phương thức tư bản, vì sẽ không có hiệu quả (khó có doanh nghiệp nào mua hay thuê ruộng đất chỉ để sản xuất lúa mà đảm bảo có lãi).
3. Kết luận
Mỗi hình thức tích tụ, tập trung ruộng đất nêu trên có những ưu thế và hạn chế khác nhau trong những điều kiện ruộng đất, quy mô ruộng đất, trình độ nền sản xuất và loại hình nông sản khác nhau. Điều kiện ruộng đất và trình độ nền nông nghiệp ở các vùng của Việt Nam rất khác nhau, do đó việc lựa chọn hình thức nào cho phù hợp và hiệu quả cần được xem xét cụ thể. Tuy nhiên từ kinh nghiệm của thế giới và tình hình thực tế đang thay đổi của Việt Nam, có thể thấy hiện nay hình thức phổ biến nhất sẽ là các hộ nông dân sản xuất hàng hóa này liên kết ruộng đất với nhau trong các hợp tác xã để hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn và liên kết với các doanh nghiệp; đồng thời từng bước tích tụ ruộng đất để hình thành các hộ nông dân sản xuất hàng hóa lớn (trang trại). Còn hình thức tích tụ ruộng đất cho các doanh nghiệp nông nghiệp sẽ phát triển có hiệu quả trong một số lĩnh vực và sản phẩm nông nghiệp phù hợp.
Tóm lại, nghiên cứu các hình thức tích tụ ruộng đất có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, bảo vệ môi trường, thúc đẩy công bằng xã hội, xây dựng các chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn phù hợp và bền vững.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Lưu Đức Khải (2017). Các hình thức tích tụ, tập trung ruộng đất trong nông nghiệp: Vấn đề và giải pháp. Trung tâm Thông tin - Tư liệu, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương, Hà Nội.
2. Trần Kim Chung, Đinh Ngọc Hà (2017). Tích tụ ruộng đất và phát triển kinh tế Việt Nam. Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, https://mof.gov.vn/.
3. Vũ Trọng Khải (2008). Tích tụ ruộng đất - Trang trại và Nông dân. Nghiên cứu kinh tế, vol. 10, pp. 54-60.
4. Nguyễn Ðình Bồng (2013). Chính sách tích tụ ruộng đất nhìn từ thực tiễn vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tạp chí Cộng sản, vol. 847, pp. 54-58, 5-2013.
5. Phạm Dũng (2017). Tích tụ, tập trung ruộng đất ở Việt Nam trong điều kiện mới: Những vấn đề lý luận và thực tiễn.Tạp chí Cộng sản. https://tapchicongsan.org.vn.
6. Lê Thuý Hằng (2022). Tích tụ tập trung ruộng đất: Khung pháp lý của Việt Nam - Khảo sát thực tiễn tại Hà Nam và Thái Bình. Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia sự thật
Major Forms of Land Accumulation in Agriculture in Vietnam Today
Abstract:
Land accumulation plays a crucial role in enhancing agricultural productivity, promoting sustainable development, and improving socio-economic conditions in rural areas. This article analyzes the primary forms of land accumulation in agriculture in Vietnam today. It highlights the varying conditions of land and the level of agricultural development across different regions of Vietnam, emphasizing the need for careful selection of the most suitable and effective form of land accumulation. The article also aims to assist investors in choosing appropriate methods and provide support to policymakers in developing effective agricultural policies to benefit the agricultural economy and rural communities.
Keywords: land accumulation, forms, agriculture, Vietnam.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 15 tháng 6 năm 2024]