Nghiên cứu ảnh hưởng của các yếu tố hỗ trợ và trở ngại cá nhân đến ý định hành vi khởi sự kinh doanh: nhận thức của sinh viên khối ngành Kinh tế tại các trường đại học ở Đồng bằng sông Cửu Long

Bài báo "Nghiên cứu ảnh hưởng của các yếu tố hỗ trợ và trở ngại cá nhân đến ý định hành vi khởi sự kinh doanh: nhận thức của sinh viên khối ngành Kinh tế tại các trường đại học ở Đồng bằng sông Cửu Long" do TS. Nguyễn Giác Trí (Trường Đại học Đồng Tháp) thực hiện.

Tóm tắt:

Nghiên cứu này nhằm xác định các yếu tố ảnh hưởng đến các yếu tố hỗ trợ và trở ngại cá nhân đến ý định hành vi khởi sự kinh doanh: nhận thức của sinh viên khối ngành kinh tế các trường đại học ở đồng bằng sông Cửu Long. Kết quả nghiên cứu cho thấy, sự hỗ trợ từ gia đình và người thân là yếu tố quan trọng nhất định hình ý định hành vi khởi sự kinh doanh của sinh viên. Nhận thức về sự hỗ trợ từ Chính phủ (thể chế) có tác động tích cực, trong khi các trở ngại cá nhân có ảnh hưởng tiêu cực tới ý định hành vi khởi sự kinh doanh của sinh viên. Đối với các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp của trường đại học, ảnh hưởng có ý nghĩa thống kê tới ý định hành vi tới từ các khóa đào tạo trực tiếp về khởi nghiệp.

Từ khóa: ý định hành vi khởi sự kinh doanh, nhận thức sự hỗ trợ, sinh viên khối ngành kinh tế, trường đại học, đồng bằng sông Cửu Long.

1. Đặt vấn đề

Tại Việt Nam, tinh thần doanh nhân và khởi nghiệp được nhân lên trong những năm gần đây, sau khi Chính phủ phát động phong trào khởi nghiệp và lấy năm 2016 là Năm Quốc gia khởi nghiệp. Nhiều trường đại học đã đưa giáo dục khởi nghiệp vào chương trình đào tạo, thậm chí xây dựng thành một ngành, chuyên ngành đào tạo. Tuy nhiên, tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, chất lượng giáo dục và đào tạo vẫn còn thấp so với mặt bằng chung cả nước, với hơn 43 trường đại học, cao đẳng và khoảng gần 400 ngàn sinh viên, nhưng số lượng và tỷ lệ sinh viên sau tốt nghiệp khởi nghiệp còn rất thấp, ngay cả đối tượng sinh viên khối ngành kinh tế. Các nghiên cứu về khởi nghiệp của sinh viên còn chiếm một tỷ lệ khá khiêm tốn.

Từ các lý do nêu trên, nghiên cứu này đề cập tới mối liên hệ giữa nhận thức về các hỗ trợ và trở ngại với ý định hành vi khởi sự kinh doanh của sinh viên khối ngành kinh tế. Hai câu hỏi chính được đặt ra là “sinh viên nhận thức như thế nào về các hỗ trợ và trở ngại khi khởi sự”? và “các hỗ trợ và trở ngại này ảnh hưởng như thế nào tới việc hình thành ý định hành vi khởi nghiệp”? Các hỗ trợ từ bên ngoài được đề cập trong nghiên cứu này bao gồm các hỗ trợ từ môi trường gần (người thân), các hỗ trợ từ tổ chức (trường đại học) và các hỗ trợ từ bối cảnh rộng lớn hơn (môi trường thể chế). Các trở ngại đối với giai đoạn hình thành ý định hành vi được lựa chọn tập trung vào các trở ngại từ bên trong hay còn gọi là các trở ngại bản thân.

2. Cơ sở  lý thuyết và phương pháp nghiên cứu

2.1. Cơ sở  lý thuyết

Ý định và ý định hành vi khởi sự kinh doanh

Theo Ajzen (1991), ý định là một trạng thái tâm lý tập hợp các yếu tố động cơ, quyết tâm và mức độ nỗ lực của một cá nhân để thực hiện hành vi. Một người có ý định thực hiện một hành vi là người có suy nghĩ và nhận thức rõ ràng về mục đích và phương tiện để thực hiện hành vi đó. Ý định là hàm số của 3 yếu tố cơ bản: thái độ về hành vi, chuẩn chủ quan và nhận thức về kiểm soát hành vi. Đối với Shapero and Sokol (1982), từ khi các yếu tố hoàn cảnh xuất hiện làm cá nhân nảy sinh ý định đến khi thành lập doanh nghiệp thực sự, có 2 nhóm yếu tố trung gian tham gia vào quyết định của doanh nhân tiềm năng: mong muốn và khả thi. Cả hai yếu tố này đều tùy thuộc vào nhận thức của mỗi cá nhân và đến từ môi trường văn hóa, xã hội, kinh tế của họ. Nói cách khác, mỗi cá nhân phải cảm nhận hành vi khởi nghiệp là mong muốn và khả thi thì họ mới đi đến quyết định khởi sự doanh nghiệp thực sự.

Nhận thức về các hỗ trợ và mối liên hệ với ý định hành vi khởi sự kinh doanh

Có 3 loại môi trường chính tác động tới mỗi cá nhân, đó là: môi trường gần (gia đình, người thân); môi trường tổ chức (trường đại học đối với sinh viên) và môi trường thể chế. Từ đó, những hỗ trợ, thuận lợi hoặc khó khăn về khởi nghiệp mà sinh viên nhận thức được có thể đến từ 3 loại môi trường này.

Hỗ trợ của người thân: Theo mô hình của Ajzen (1991), yếu tố chuẩn chủ quan có ảnh hưởng trực tiếp tới ý định. Việc cá nhân nhìn nhận như thế nào về ý kiến và sự ủng hộ của những người xung quanh có ảnh hưởng tới việc hình thành ý định khởi nghiệp của họ. Những người xung quanh quan trọng (trong môi trường gần) đối với sinh viên nữ bao gồm bố mẹ, thầy cô, bạn bè thân thiết và những người quan trọng khác. Các nghiên cứu trước đây đã kiểm định mối liên hệ giữa biến số này với ý định khởi nghiệp. Vì vậy, tác giả đặt giả thuyết sau:

H1: Nhận thức về hỗ trợ của người thân có ảnh hưởng tích cực tới ý định hành vi khởi sự kinh doanh của sinh viên.

Hỗ trợ của trường đại học: Sự phát triển của các hoạt động khởi nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp trong trường đại học đã là một hiện tượng khá phổ biến trên thế giới. Ở Việt Nam, các hoạt động thúc đẩy khởi nghiệp trong trường đại học đã được thực hiện khá rộng rãi từ năm 2016 trở lại đây, sau khi Chính phủ phát động phong trào quốc gia khởi nghiệp. Đề án 1665 về việc hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đặt ra mục tiêu tới năm 2025, 100% các đại học có các hoạt động hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp; và tới năm 2030, 100% các trường đại học có đầu tư kinh phí hỗ trợ các dự án khởi nghiệp của sinh viên (ít nhất 5 dự án). Hoạt động hỗ trợ được đề cập trong nghiên cứu này chỉ tập trung vào các hoạt động hỗ trợ đào tạo về khởi nghiệp. Vì vậy, tác giả đặt giả thuyết sau:

H2: Nhận thức về hỗ trợ khởi nghiệp của trường đại học có ảnh hưởng tích cực tới ý định hành vi khởi sự kinh doanh của sinh viên.

Nhận thức về sự hỗ trợ từ thể chế: Các yếu tố về văn hóa, xã hội, kinh tế và chính trị của một quốc gia sẽ ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có hành vi khởi nghiệp. Cấu trúc và thể chế của một quốc gia sẽ định hình luật chơi cho mọi tổ chức và cá nhân (North, 1990). Các nghiên cứu trước đã chỉ ra một số yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của khởi nghiệp bao gồm: sự ổn định kinh tế (McMillan & Woodruff, 2002), có sẵn các nguồn vốn (De Bettignies & Brander, 2007), hay việc giảm thuế thu nhập cá nhân (Gentry & Hubbard 2000). Các nghiên cứu này cũng gợi ý là ý định khởi sự kinh doanh là một tiêu chí phản ánh cấu trúc thể chế, sự ổn định kinh tế và chính trị của một đất nước. Các nghiên cứu liên quan tới sinh viên chỉ ra rằng việc thiếu vốn và các nguồn tài trợ là một rào cản lớn đối với hành vi khởi nghiệp (Robertson & cộng sự, 2003). Vì vậy, tác giả đặt giả thuyết sau:

H3: nhận thức về hỗ trợ của thể chế có ảnh hưởng tích cực tới ý định hành vi khởi sự kinh doanh của sinh viên.

Các trở ngại bản thân và ảnh hưởng tới ý định hành vi khởi sự kinh doanh

Young & Welsch (1993) xác định các rào cản chính đối với doanh nhân bao gồm thiếu sự hỗ trợ về vốn, thiếu thông tin kinh doanh, các mức thuế cao và tỷ lệ lạm phát cao. Fleming (1996) trong nghiên cứu dài hạn của mình đối với sinh viên đại học đã tìm thấy một số trở ngại như thiếu kinh nghiệm và thiếu vốn có ảnh hưởng tới thái độ của sinh viên về khởi nghiệp. Vì vậy, tác giả đặt giả thuyết sau:

H4: Nhận thức về các trở ngại của bản thân có ảnh hưởng tiêu cực tới ý định hành vi khởi sự kinh doanh của sinh viên

2.2. Mô hình nghiên cứu

Dựa trên các nghiên cứu có liên quan, tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu như sau:

Hình: Mô hình nghiên cứu

sinh vien

2.3. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu chính thức là một nghiên cứu định lượng nhằm đánh giá độ tin cậy và giá trị của thang đo các khái niệm nghiên cứu; kiểm định mô hình lý thuyết và các giả thuyết nghiên cứu. Tác giả sử dụng phương pháp chọn mẫu thuận tiện, dữ liệu được thu thập bằng cách phát bảng câu hỏi khảo sát trực tiếp đến tay sinh viên năm thứ 3 và sinh viên đang học năm cuối, khối ngành kinh tế của 10 trường đại học tại đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn từ ngày 01/10/2023 đến ngày 01/11/2023, với cỡ mẫu nghiên cứu dự kiến là 500. Kết quả thu về được 480 bảng khảo sát hợp lệ.

3. Kết quả và thảo luận

3.1. Kiểm định thang đo qua hệ số Cronbach’s Alpha

Kết quả phân tích độ tin cậy (Bảng 1), cho thấy hệ số Cronbach’s Alpha của các thang đo đều có giá trị trên 0.70. Thấp nhất là thang đo Ý định hành vi khởi sự kinh doanh (a=0.792), cao nhất là thang đo Nhận thức sự hỗ trợ của trường đại học (a= 0.910), tiêu chuẩn thang đo khi có độ tin cậy Cronbach’s Alpha từ 0,60 trở lên (α ≥ 0,6). Kết quả phân tích các hệ số tương quan biến - tổng (itemtotal correlation) nhỏ hơn 0,3 sẽ bị loại, khá chặt chẽ giữa các biến quan sát. Sau khi kiểm định hệ số Cronbach’s Alpha, kết quả còn lại 30 biến quan sát, các biến không đạt điều kiện và bị loại là TNBT04  = 0,487 < 0,6 nên thang đo TNBT4 bị loại khỏi mô hình nghiên cứu. 

Bảng 1. Kết quả đánh giá sơ bộ độ tin cậy của các thang đo

Thang đo

Mã hóa

Cronbach’s's Alpha

Nhận thức sự hỗ trợ của người thân

HTNT

0,821

Nhận thức sự hỗ trợ của trường đại học

HTĐH

0,910

Nhận thức sự hỗ trợ của từ thể chế

HTTC

0,861

Nhận thức về trở ngại của bản thân

TNBT

0,825

Ý định hành vi khởi sự kinh doanh

HVKN

0,792

Nguồn: Kết quả xử lý dữ liệu của tác giả

3.2. Phân tích nhân tố khám khá (EFA)

Kết quả phân tích EFA lần cuối sau khi loại biến HTĐH05 cho thấy, các biến được trích thành 4 nhóm, với tổng phương sai trích = 62.35% > 50%, thang đo được chấp nhận. Hệ số KMO = 0.84 nằm trong khoảng 0.5 ≤ KMO ≤ 1, phân tích nhân tố là thích hợp. Kiểm định Bartlett với Sig.=.000, thể hiện mức ý nghĩa cao. Tất cả giá trị Factor loading của các biến quan sát đều lớn hơn 0.5; chênh lệch trọng số λiA- λiB đều lớn hơn 0.3 nên được chấp nhận (Nguyễn Đình Thọ, 2011). Vì vậy, kết quả phân tích nhân tố này được chấp nhận để tiến hành đưa vào khảo sát chính thức.

3.3. Kết quả phân tích mô hình hồi qui Logistic

Kết quả hồi quy (Bảng 2) cho thấy, trị số R = 0,742, có nghĩa mối quan hệ giữa các biến trong mô hình là khá chặt chẽ. Giá trị R2 = 0,558 thể hiện sự phù hợp của mô hình, hệ số R2 hiệu chỉnh là 0,567 (giải thích được 4 yếu tố có tác động đến 56,7% ý định hành vi khởi sự kinh doanh của sinh viên) và kiểm định F với giá trị F là 69.612 tại mức ý nghĩa Sig. rất nhỏ là .000. Kết quả đánh giá giá trị R2 ở trên cho biết được mô hình hồi quy tuyến tính đã xây dựng là phù hợp. Tuy nhiên, để có thể suy diễn mô hình này thành mô hình của tổng thể ta cần phải tiến hành kiểm định F thông qua phân tích phương sai.

Bảng 2. Bảng tóm tắt hệ số hồi quy

Mô hình

R

R2

R2 hiệu chỉnh

Độ lệch chuẩn của ước lượng

Thống kê thay đổi

Mức ý nghĩa F

thay đổi

Durbin- Watson

R2 thay đổi

F thay đổi

df1

df1

1

0,742

0,558

0,567

0,56219989

0,569

46.574

6

365

0.000

2.143

Nguồn: Kết quả từ xử lý số liệu điều tra của tác giả

Kết quả phân tích phương sai (Bảng 3) cho thấy Sig.= 0,000 <0,01. Như vậy, mô hình các nhân tố tác động đến ý định hành vi khởi sự kinh doanh của sinh viên phù hợp với dữ liệu thực tế nghiên cứu. Hay nói cách khác, các biến độc lập có liên quan tuyến tính với các biến phụ thuộc với mức độ tin cậy 99%.

Bảng 3. Phân tích phương sai (ANOVA)

Mô hình

Tổng bình

phương

df

Bình phương

trung bình

F

Sig.

 

1

Hồi quy

144.477

6

20.922

45.573

.000a

Phần dư

107.515

245

.436

 

 

Tổng

356.000

364

 

 

 

Nguồn: Kết quả từ xử lý số liệu điều tra của tác giả

Bảng 4. Bảng hệ số hồi quy

 

Mô hình

Hệ số chưa

chuẩn hóa

Hệ số chuẩn hóa Beta

 

Giá trị t

Mức ý nghĩa Sig

Thống kê đa

cộng tuyến

Trọng số

hồi quy

Sai lệch

chuẩn

Hệ số chấp

nhận

Hệ số phóng đại

phương sai VIF

Hằng số

1.47

0.039

 

 

 

 

 

X1

0.384

0.037

0.385

9.364

0,000

0.606

1.643

X2

0.275

0.037

0.276

6.723

0,000

0.478

2.081

X3

0.379

0.037

0.380

9.235

0,000

0.712

1.399

X4

0.141

0.037

0.142

3.499

0,001

0.748

1.332

Nguồn: Kết quả từ xử lý số liệu điều tra của tác giả

Kết quả kiểm định các giả định của mô hình hồi quy rút ra từ phương pháp Enter cũng cho thấy các giả định không bị vi phạm và không có hiện tượng đa cộng tuyến, vì VIF nhỏ hơn 3. Kết quả (Bảng 4) cho thấy, 4 biến độc lập của mô hình đều có ý nghĩa thống kê vì có giá trị Sig.< 0,01 (ở mức độ tin cậy đạt 99%), hơn nữa các hệ số hồi quy này đều >0, có nghĩa chúng đều có tác động dương đến ý định hành vi khởi sự kinh doanh của sinh viên theo các mức độ khác nhau.

Phương trình hồi quy có dạng như sau:

Y = 0,384X1 + 0,275X2 + 0,379X3 + 0,141X4

Trong đó: X1 là Nhận thức sự hỗ trợ của người thân (HTNT); X2 là Nhận thức sự hỗ trợ của trường đại học (HTĐH); X3 là Nhận thức sự hỗ trợ của từ thể chế (HTTC); X4 là Nhận thức về trở ngại của bản thân (TNBT); Y là Ý định hành vi khởi sự kinh doanh của sinh viên.

4. Kết luận và hàm ý chính sách

Kết quả nghiên cứu cho thấy, nhận thức của sinh viên về sự hỗ trợ của người thân và từ thể chế có ảnh hưởng tích cực và quan trọng nhất tới tới ý định hành vi khởi nghiệp của họ. Trong khi đó, các trở ngại cá nhân có ảnh hưởng tiêu cực tới ý định hành vi khởi sự kinh doanh. Các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp của trường đại học không hoàn toàn tác động có ý nghĩa thống kê tới hành vi. Thay vào đó, các khoa học về khởi sự kinh doanh có tác động trực tiếp và có ý nghĩa thống kê tới ý định hành vi khởi sự kinh doanh.

Từ kết quả này, để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp kinh doanh của sinh viên khối ngành kinh tế các trường đại học ở Đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn hiện nay, các nhà hoạch định chính sách và các trường đại học cần tập trung vào các hàm ý chính sách và quản trị sau:

Một là, ở góc độ của trường đại học, các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp cần tập trung vào các hoạt động đào tạo và tăng cường nhận thức, vì các hoạt động này có ảnh hưởng tích cực tới ý định hành vi khởi sự kinh doanh của sinh viên. Các học phần bắt buộc và tự chọn về khởi nghiệp hoặc các khóa học ngắn hạn sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong việc trang bị năng lực khởi nghiệp cho sinh viên. Ngoài ra, các khóa học này cũng nên hướng vào việc giảm thiểu các trở ngại bản thân của sinh viên đối với hành vi khởi sự kinh doanh, bao gồm việc kiểm soát căng thẳng, giảm nỗi sợ thất bại, biết cách lập kế hoạch và mạo hiểm có tính toán.

Hai là, ở góc độ Chính phủ, các hoạt động hỗ trợ của Chính phủ cần được nhận thức một cách tích cực và đang là yếu tố quan trọng thứ hai trong việc hình thành ý định hành vi khởi sự kinh doanh của sinh viên. Vì vậy, chính phủ và các tổ chức liên quan cần tiếp tục thực hiện tốt các chương trình và đề án hỗ trợ khởi nghiệp đối với sinh viên. Hơn nữa, việc tăng cường truyền thông và thực hiện các hoạt động tạo phong trào khuyến khích khởi nghiệp sẽ rất có ý nghĩa vì nó tác động tới tất cả các đối tượng khác nhau trong xã hội, trong đó có các thành viên gia đình và người thân - những người mà sự ủng hộ của họ có tác động quan trọng nhất tới ý định hành vi của sinh viên.

Ba là, phát huy nỗ lực và bản lĩnh khởi nghiệp của sinh viên vượt qua trở ngại cá nhân, các trường đại học kết hợp với cơ quan truyền thông tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền sinh viên nhận thức vai trò của tinh thần khởi nghiệp; những điều kiện để biến ý tưởng khởi nghiệp thành hiện thực, những rủi ro có thể phải đối mặt, để sinh viên có một thái độ đúng đắn đối với vấn đề khởi nghiệp, nuôi dưỡng niềm đam mê khởi nghiệp và xây dựng bản lĩnh tinh thần doanh nhân./.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Đình Thọ (2011). Phương pháp nghiên cứu trong kinh doanh. NXB Lao động Xã hội.

2. Ajzen I. (1991). The Theory of Planned Behaviour. Organization Behavior and Human Decision Processes, 50, 179-211.

3. Bettignies J. and Brander A. (2007) Financing Entrepreneurship: Bank Finance versus Venture Capital. Journal of Business Venturing, 26, 808-832.

4. Fleming IA (1996). Reproductive strategies of Atlantic salmon: ecology and evolution, Reviews in Fish Biology and Fisheries, 6, 379-416

5. Gentry W.M. and Hubbard R.G. (2000) Tax Policy and Entrepreneurial Entry. American Economic Review, 90, 283-287.

6. MacMillan I. C. (1993). The emerging forum for entrepreneurship scholars. Journal of Business Venturing, 8(5), 377-381.

7. Robertson M., Collins A., Medeira N., & Slater J. (2003). Barriers to start up and their effect on aspirant entrepreneurs. Education and Training, 45(6), 308-316

8. Shapero A. and Sokol L. (1982). The social dimensions of entrepreneurship. in Kent C., Sexton D. and Vesper K. (Eds). The Encyclopedia of Entrepreneurship. Prentice-Hall, Englewood Cliffs, NJ, 72-90.

9. Young E.C., & Welsch H.P. (1993), Major elements in entrepreneurial development in central Mexico. Journal of Small Business Management, October, 80-85.

10. North, D. (1990).  Institutions, institutional change, and economic performance. New York, NY: Cambridge University Press.

11. McMillan John, and Christopher Woodruff (2002). The Central Role of Entrepreneurs in Transition Economies. Journal of Economic Perspectives, 16 (3), 153-170.

 

A study on the factors supporting and personal obstacles to entrepreneurial intention: Awareness of students majoring in economics at universities in the Mekong Delta

Ph.D Nguyen Giac Tri

Dong Thap University

Abstract:

This study aimed to identify the factors supporting and personal obstacles to entrepreneurial intention among students majoring in economics at universities in the Mekong Delta. Research results show that support from family and relatives is the most important factor influencing the students’ entrepreneurial intentions. Perceived support from the government (institutional) has a positive impact, while personal obstacles have a negative impact on the students’ entrepreneurial intentions. For the university’s startup support activities, the entrepreneurship training courses have a direct and statistically significant impact on the students’ entrepreneurial intentions.

Keywords: entrepreneurial intention, perceived support, economics students, university, Mekong Delta

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 9 tháng 4 năm 2024]