Các yếu tố phát triển bản thân tác động đến ý định khởi nghiệp của sinh viên tại Việt Nam

Các yếu tố phát triển bản thân tác động đến ý định khởi nghiệp của sinh viên tại Việt Nam do Đinh Thị Kim Tuyến - Mai Dương Thùy Trang - Lý Thị Thùy Linh (Sinh viên, Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh) thực hiện

TÓM TẮT:

Bài nghiên cứu đánh giá tác động của các yếu tố bao gồm giáo dục khởi nghiệp, kinh nghiệm từ gia đình, nhu cầu thành tích và năng lực bản thân đến ý định khởi nghiệp của 220 sinh viên từ các trường đại học công lập tại Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy ý định khởi nghiệp của sinh viên Việt Nam chịu tác động từ các yếu tố năng lực bản thân và kinh nghiệm từ gia đình. Trong đó, năng lực bản thân có tác động mạnh mẽ nhất đến ý định khởi nghiệp.

Từ khóa: giáo dục khởi nghiệp, kinh nghiệm từ gia đình, nhu cầu thành tích, năng lực bản thân, ý định khởi nghiệp, sinh viên.

1. Đặt vấn đề

Hơn một thập kỷ qua, khởi nghiệp đã nổi lên như một trong những lĩnh vực năng động nhất (Audretsch & David, 2012). Với nhiều dự án kinh doanh mới được khởi động đã đóng vai trò quan trọng trong việc tạo công ăn việc làm, thúc đẩy kinh tế xã hội của các quốc gia (Van Praag & Versloot 2007). Khởi nghiệp giúp mở ra nhiều cơ hội việc làm, góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân và cải thiện các vấn đề nan giải của xã hội, từ đó giúp quốc gia có bước tiến vượt bậc trong việc phát triển kinh tế. Vì tầm quan trọng đó, các nước đang phát triển như Việt Nam đặc biệt quan tâm đến vấn đề khởi nghiệp.

Sinh viên là đối tượng chính được chính phủ Việt Nam quan tâm. Trong tương lai, với những dự án khởi nghiệp tiềm năng, sinh viên sẽ là nguồn nhân lực giúp phát triển nền kinh tế. 

Tuy nhiên, khi tìm hiểu cơ chế hoạt động của khởi nghiệp, người ta biết rất ít về cách thức để thúc đẩy tinh thần kinh doanh một cách tốt nhất (Wennekers và Thurik, 1999). Điều đó cho thấy khoảng trống khi thực hiện các nghiên cứu về khởi nghiệp. Mặc dù, phát hiện này đã được hơn 20 năm và hiện nay trên thế giới cũng có nhiều nghiên cứu khắc phục được hạn chế trên, tuy nhiên, ở Việt Nam chưa có nhiều đề tài nghiên cứu về cách thức thúc đẩy tinh thần kinh doanh của sinh viên. 

Do đó, bài viết nghiên cứu đề tài “Các yếu tố phát triển bản thân tác động đến ý định kinh doanh của sinh viên tại Việt Nam”, nhằm mục đích phân tích cách thức thúc đẩy tinh thần kinh doanh, tìm ra các yếu tố thúc đẩy ý định khởi động một dự án kinh doanh của sinh viên; từ đó giúp Chính phủ và các trường đại học có những chính sách và chiến lược phù hợp nhằm nâng cao tỷ lệ sinh viên khởi nghiệp tại Việt Nam.

2. Mô hình và giả thuyết nghiên cứu

Dựa trên các nghiên cứu trước đây và mục tiêu bài nghiên cứu, nhóm tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu gồm 4 yếu tố như sau (Hình 1):

Hình 1: Mô hình nghiên cứu đề xuất

ý định khởi nghiệp

Nguồn: Tổng hợp của tác giả.

Các giả thuyết nghiên cứu đề xuất:

Giả thuyết H1: Giáo dục khởi nghiệp có tác động tích cực đến ý định khởi nghiệp của sinh viên.

Giả thuyết H2: Kinh nghiệm từ gia đình có tác động tích cực đến ý định khởi nghiệp của sinh viên.

Giả thuyết H3: Nhu cầu thành tích có tác động tích cực đến ý định khởi nghiệp của sinh viên.

Giả thuyết H4: Năng lực bản thân có tác động tích cực đến ý định khởi nghiệp của sinh viên.

3. Phương pháp nghiên cứu

3.1. Dữ liệu nghiên cứu

Đầu tiên dựa trên phần tổng hợp cơ sở lý thuyết, tác giả tiến hành nghiên cứu định tính nhằm xây dựng thang đo và hoàn thiện bảng câu hỏi thu thập thông tin. Bảng câu hỏi khảo sát khi hoàn thiện sẽ được sử dụng tiến hành thu thập thông tin từ các sinh viên để tiến hành nghiên cứu định lượng.

Thông qua đường dẫn Google Forms tiến hành khảo sát các sinh viên tại các trường đại học công lập thuộc nhóm ngành kinh tế, kỹ thuật, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội trên khắp Việt Nam bằng phương pháp lấy mẫu thuận tiện.

Thời gian khảo sát kéo dài từ tháng 4/2022 - 5/2022 và thu về được 220 phiếu hợp lệ đưa vào phân tích thực nghiệm. Thông tin thu thập được mã hóa, làm sạch và nhập dữ liệu đưa vào phân tích kỹ thuật.

3.2. Đo lường các biến nghiên cứu

Nghiên cứu sử dụng thang đo Likert 5 mức độ, từ 1 đến 5 tương ứng với Hoàn toàn không đồng ý đến Hoàn toàn đồng ý. Cụ thể, thang đo “Giáo dục khởi nghiệp” (EE) kế thừa thang đo của (Voda và cộng sự, 2019) với 4 câu hỏi. Thang đo “Kinh nghiệm gia đình” (BE) lược khảo từ thang đo của (Wang và cộng sự, 2018) với 5 câu hỏi. Thang đo “Ý định kinh doanh” (EI) được thừa hưởng từ nghiên cứu của (Voda và cộng sự, 2019) với 5 câu hỏi. Thang đo “Năng lực bản thân” (SF) thông qua nghiên cứu kế thừa từ thang đo của (Vuorio và cộng sự, 2018) với 8 câu hỏi. Thang đo “Nhu cầu thành tích” (NA) được thừa hưởng từ thang đo của (Karabulut, 2016) với 10 câu hỏi. Bảng câu hỏi hoàn chỉnh bao gồm 32 biến quan sát định lượng được cấu thành từ 4 biến độc lập và 1 biến phụ thuộc.

3.3. Phương pháp xử lý dữ liệu

Quá trình phân tích, xử lý dữ liệu gồm 3 phần: (1) Mã hóa dữ liệu và mô tả mẫu khảo sát, (2) Kiểm định độ tin cậy của thang đo (thông qua các hệ số Cronbach's Alpha), phân tích nhân tố khám phá (Exploratory Factor Analysis - EFA), (3) Phân tích hồi quy. Sử dụng phần mềm xử lý số liệu thống kê SPSS 26.0 và phần mềm bảng tính Microsoft Excel làm công cụ xử lý và phân tích dữ liệu.

4. Kết quả nghiên cứu

4.1. Thống kê mô tả mẫu nghiên cứu

Mẫu khảo sát được mô tả thông qua 4 yếu tố chính là ngành học, năm học, giới tính và kiến thức kinh doanh. Cụ thể:

Về ngành học, đứng đầu là ngành Kinh tế với 130 người tham gia khảo sát (chiếm 59,1%), thứ hai là ngành Kỹ thuật với 48 người (chiếm 21,8%), thứ ba là ngành Khoa học xã hội với 36 người (chjieems 16,4%), và cuối cùng là ngành Khoa học tự nhiên với 6 người (chiếm 2,7%).

Về năm học, nhiều nhất thuộc về năm thứ hai với 129 người tham gia khảo sát (chiếm 58,6%), tiếp đến là năm thứ ba với 42 người (chiếm 19,1%), năm thứ tư trở lên với 30 người (chiếm 13,6%) và cuối cùng là năm thứ nhất với 19 người (chiếm 8,6%).

Về giới tính, nữ giới tham gia khảo sát nhiều hơn nam giới với 135 người (chiếm tỷ lệ 61,4%), trong khi nam giới có 85 người (chiếm 38,6%).

Về kiến thức kinh doanh, có 154 người nhận được Giáo dục của trường đại học (chiếm 70%), trong khi đó Kinh nghiệm từ gia đình có 66 người (chiếm 30%).

Nhìn chung, thông tin có được từ mẫu nghiên cứu có sự chênh lệch khá lớn giữa các yếu tố về giới tính, ngành học, năm học và kiến thức kinh doanh. 

4.2. Kiểm định độ tin cậy của thang đo

Kết quả kiểm định độ tin cậy của thang đo cho thấy độ tin cậy của các thang đo trong mô hình đều đạt ở mức cao. Kết quả chạy Cronbach’s Alpha cho thấy, các biến thang đo đều có Corrected Item Total Correlation > 0.3 và hệ số Cronbach’s Alpha > 0.7. Điều này chứng tỏ 25 biến quan sát dựa trên 4 biến độc lập và 1 biến phụ thuộc là phù hợp (Bảng 1).

Bảng 1. Kết quả kiểm định độ tin cậy của thang đo

ý định khởi nghiệp

4.3. Phân tích nhân tố khám phá - EFA

Phân tích nhân tố khám phá EFA dựa trên kết quả kiểm định KMO và Bartlett’s kiểm định về sự phù hợp của mô hình. Kết quả cho thấy, hệ số KMO = 0.894 > 0.5 thỏa điều kiện chứng tỏ mô hình thích hợp với dữ liệu nghiên cứu và Sig = 0.000 < 5%, cho thấy các biến trong mô hình có tương quan chặt chẽ với nhau, dữ liệu sử dụng trong nghiên cứu này là thích hợp.

Hệ số Eigenvalue = 0.138 > 1 giải thích các biến thang đo phù hợp với mô hình nghiên cứu và được giữ lại trong mô hình nghiên cứu. Tổng phương sai trích Cumulative = 70.842% > 50%, điều này có nghĩa 4 nhân tố tác động và 1 nhân tố phụ thuộc giải thích được được 70.842% độ biến thiên dữ liệu trong mô hình, chứng tỏ mô hình EFA là phù hợp (Bảng 2).

4.4. Kết quả hồi quy và kiểm định mô hình hồi quy

Phân tích hồi quy thang đo EI được thực hiện với 4 biến độc lập, bao gồm: (1) Nhu cầu thành tích NA, (2) Kinh nghiệm gia đình BE, (3) Giáo dục khởi nghiệp EE và (4) Năng lực bản thân SF.

Đầu tiên là kiểm tra độ phù hợp của mô hình. Kết quả cho thấy, hệ số R2 hiệu chỉnh là 0.546 tức giải thích được 54.6% biến thiên EI bởi các biến trong mô hình. Với mức ý nghĩa 5%, mô hình hồi quy đưa ra là phù hợp.

Kiểm định F sử dụng trong nghiên cứu để kiểm tra sự phù hợp của mô hình hồi quy tuyến tính tổng thể. Giả thuyết H0: các hệ số hồi quy đều bằng 0. Kết quả kiểm định Anova, chỉ có 2 biến thang đo có giá trị Sig. = 0,000 là SF và BE, do đó có 2 biến thang đo của mô hình hồi quy phù hợp với các dữ liệu đã thu thập và có thể sử dụng được. Ngược lại, EE và NA có giá trị Sig. lần lượt là 0,691 và 0,912, có nghĩa là không có tác động đến ý định khởi nghiệp của sinh viên, vậy 2 nhân tố này bị loại khỏi phương trình hồi quy. Như vậy, nhóm tác giả có đầy đủ cơ sở để chấp nhận các giả thuyết H2 và H4 và bác bỏ giả thuyết H1 và H3. Tóm lại, mô hình hồi quy hiệu chỉnh như sau: các yếu tố Năng lực bản thân và Kinh nghiệm từ gia đình có tác động tích cực đến ý định khởi nghiệp của sinh viên tại Việt Nam. (Bảng 2)

Phân tích hồi quy hiệu chỉnh cho ra mô hình như sau: EI = 0.539*SF + 0.276*BE

Bảng 2. Kết quả hồi quy

ý định khởi nghiệp

5. Kết luận

Nghiên cứu các yếu tố phát triển bản thân tác động đến ý định khởi nghiệp của sinh viên Việt Nam cho thấy mô hình đã phù hợp với lý thuyết nghiên cứu và chứng minh có 2 yếu tố của mô hình, đó là kinh nghiệm gia đình (BE) và năng lực bản thân (SF) có ảnh hưởng tích cực đến ý định kinh doanh của sinh viên. Đặc biệt trong đó, yếu tố năng lực bản thân (SF) có tác động mạnh mẽ nhất đến ý định kinh doanh (β = 539), do đó kết quả nghiên cứu này củng cố thêm kết luận của những nghiên cứu trước về mối quan hệ tích cực giữa năng lực bản thân và ý định kinh doanh của sinh viên. Nói cách khác, kết quả kiểm định này góp phần khẳng định năng lực bản thân là yếu tố tác động quyết định giúp sinh viên vượt qua trở ngại, thách thức trong quá trình khởi nghiệp. Kế tiếp, yếu tố có ảnh hưởng lớn thứ hai là kinh nghiệm từ gia đình (β = 276), góp phần khẳng định kết quả của các nghiên cứu trước. 

 Yếu tố nhu cầu thành tích (NA) không ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của sinh viên (sig. = .912 > 0). Bên cạnh đó, theo khảo sát, có tới 154/220 sinh viên (chiếm tỷ lệ 70%) cho biết họ có kiến thức kinh doanh thông qua giáo dục từ trường đại học. Thế nhưng, yếu tố giáo dục khởi nghiệp lại không ảnh hưởng đến ý định kinh doanh của sinh viên tại Việt Nam (sig. = .691 > 0), phản ánh thực trạng kiến thức kinh doanh đã được giảng dạy đầy đủ tại các trường đại học ở Việt Nam nhưng lại chưa có sự liên kết giữa lý thuyết và thực tế. Do đó, giáo dục khởi nghiệp chưa thật sự tác động đến ý định kinh doanh của sinh viên, mặc dù tiềm năng ảnh hưởng của giáo dục khởi nghiệp rất lớn. Vì vậy, các trường đại học tại Việt Nam nên kết hợp cân bằng giữa việc giảng dạy kiến thức kinh doanh và tăng cường thực hành để sinh viên áp dụng các kiến thức đó vào thực tế một cách hiệu quả nhất.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Audretsch, D. (2012). Entrepreneurship research. Management decision, 50(5), 755-764.
  2. Chen, C. C., Greene, P. G., & Crick, A. (1998). Does entrepreneurial self-efficacy distinguish entrepreneurs from managers? Journal of Business Venturing, 13, 295-316.
  3. Fayolle, A., & Gailly, B. (2015). The impact of entrepreneurship education on entrepreneurial attitudes and intention: Hysteresis and persistence. Journal of Small Business Management, 53(1), 75-93.
  4. Gupta, V. & Bhawe, N. (2007). The influence of proactive personality and stereotype threat on women’s entrepreneurial intentions. Journal of Leadership and Organisational Studies, 13(4), 73-85.
  5. Karabulut, A. T. (2016). Personality Traits on Entrepreneurial Intention. Procedia - Social and Behavioral Sciences, 229, 12-21.
  6. Krueger Jr, N. F., Reilly, M. D., & Carsrud, A. L. (2000). Competing models of entrepreneurial intentions. Journal of business venturing, 15(5-6), 411-432.
  7. Laspita, S., Breugst, N., Heblich, S., & Patzelt, H. (2012). Intergenerational transmission of entrepreneurial intentions. Journal of Business Venturing, 27(4), 414-435.
  8. Peng, Z., Lu, G., & Kang, H. (2012). Entrepreneurial Intentions and Its Influencing Factors: A Survey of the University Students in Xi’an China. Creative Education, 03(08), 95-100.
  9. Shaver, K. G., & Scott, L. R. (1992). Person, process, choice: The psychology of new venture creation. Entrepreneurship theory and practice, 16(2), 23-46.
  10. Van Praag, C. M., & Versloot, P. H. (2007). What is the value of entrepreneurship? A review of recent research. Small business economics, 29(4), 351-382.
  11. Voda, A. I., Covatariu, D., & Ghiuta, O. A. (2019). Student’s entrepreneurial intentions: role of entrepreneurial education and risk taken ability. Environmental Engineering and Management Journal, 18(7), 1527-1534.
  12. Vuorio, A. M., Puumalainen, K., & Fellnhofer, K. (2018). Drivers of entrepreneurial intentions in sustainable entrepreneurship. International Journal of Entrepreneurial Behaviour and Research, 24(2), 359-381.
  13. Wang, D., Wang, L., & Chen, L. (2018). Unlocking the influence of family business exposure on entrepreneurial intentions. International Entrepreneurship and Management Journal, 14(4), 951-974.
  14. Wennekers, S., & Thurik, R. (1999). Linking entrepreneurship and economic growth. Small business economics, 13, 27-56.

FACTORS OF SELF-DEVELOPMENT IMPACT

ON STUDENTS' ENTREPRENEURIAL INTENTION IN VIETNAM

• DINH THI KIM TUYEN1
• MAI DUONG THUY TRANG1
• LY THI THUY LINH1

1Student, Ho Chi Minh City Open University

Factors of personal development affecting students' entrepreneurial intention in Vietnam

ABSTRACT:

This study evaluates the impact of factors including entrepreneurial education, family experience, the need for achievement, and self-efficacy on the entrepreneurial intentions of 220 students from public universities in Vietnam through SPSS 26.0. The study finds that Vietnamese students' entrepreneurial intentions are influenced by self-efficacy and family experience factors. In which, self-efficacy has the strongest impact on entrepreneurial intention. 

Keywords: entrepreneurial education, family experience, need for achievement, self-efficacy, entrepreneurial intention.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 14 tháng 6 năm 2023]

Tạp chí Công Thương