Các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng thông tin báo cáo tài chính của doanh nghiệp nhỏ và vừa tại tỉnh Bình Định

ThS. Nguyễn Thị Thanh Trầm (Khoa Tài chính - Kế toán, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định các nhân tố và đo lường mức độ tác động của các nhân tố đến chất lượng thông tin báo cáo tài chính của doanh nghiệp nhỏ và vừa tại tỉnh Bình Định. Sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng, xử lý dữ liệu bằng phần mềm SPSS 22.0, kết quả nghiên cứu xác định các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng thông tin báo cáo tài chính của doanh nghiệp nhỏ và vừa tại tỉnh Bình Định gồm: môi trường pháp lý; hệ thống kiểm soát nội bộ; quy trình công tác kế toán; trình độ nhân viên kế toán; kiểm toán; công bố thông tin. Cuối cùng, nghiên cứu đề xuất các hàm ý chính sách nhằm cải thiện chất lượng thông tin báo cáo tài chính của các doanh nghiệp này trong thời gian tới.

Từ khóa: báo cáo tài chính, chất lượng thông tin báo cáo tài chính, doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bình Định.

1. Đặt vấn đề

Các nghiên cứu về chất lượng thông tin báo cáo tài chính, các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng thông tin báo cáo tài chính được nhiều tác giả quan tâm, thực hiện nghiên cứu (Datar và cộng sự, 1991; Jonas và cộng sự, 2000; Alshbiel và cộng sự, 2011; Afiah và cộng sự, 2014; Kewo và cộng sự, 2017;…). Qua đó, các nghiên cứu góp phần hệ thống cơ sở lý thuyết về chất lượng thông tin báo cáo tài chính, xác định các nhân tố tác động và đo lường mức độ tác động của chúng đến chất lượng thông tin báo cáo tài chính của doanh nghiệp như thế nào.

Ngày 14/4/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 54/2009/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Định đến năm 2020. Theo đó, Bình Định được xác định sẽ trở thành tỉnh có nền công nghiệp hiện đại và là một trong những trung tâm phát triển về kinh tế - xã hội, đóng góp tích cực vào sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước. Qua lược khảo các nghiên cứu trước, tác giả nhận thấy các nghiên cứu về chất lượng thông tin báo cáo tài chính của doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào nhóm đối tượng là các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán, nghiên cứu trường hợp ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bình Định thì ít có tác giả nào thực hiện. Từ đó, việc bổ sung thực hiện các nghiên cứu về chất lượng thông tin báo cáo tài chính của doanh nghiệp nhỏ và vừa tại tỉnh Bình Định, các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng thông tin báo cáo tài chính của doanh nghiệp nhỏ và vừa tại tỉnh Bình Định là cần thiết. Đây cũng chính là khe hổng nghiên cứu trong mảng đề tài về chất lượng thông tin báo cáo tài chính của doanh nghiệp.

Từ những phân tích trên, tác giả lựa chọn đề tài “Các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng thông tin báo cáo tài chính của doanh nghiệp nhỏ và vừa tại tỉnh Bình Định” để thực hiện nghiên cứu. Qua nghiên cứu, đề tài xác định các nhân tố và đo lường mức độ tác động của chúng đến chất lượng thông tin báo cáo tài chính của doanh nghiệp nhỏ và vừa tại tỉnh Bình Định, từ đó có những kiến nghị thích hợp nhằm nâng cao chất lượng thông tin báo cáo của các doanh nghiệp này.

2. Tổng quan nghiên cứu

* Cơ sở lý thuyết và mô hình đề xuất

Theo Hội đồng Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IASB): báo cáo tài chính là sản phẩm của kế toán tài chính, phản ánh tình hình, kết quả tài chính của doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu số đông của người sử dụng trong việc đưa ra các quyết định kinh tế, nó cũng là kết quả quản lý của ban giám đốc đối với nguồn lực được giao phó cho họ.

Theo IASB và Ủy ban Chuẩn mực Kế toán Tài chính (FASB), các đặc điểm chất lượng của thông tin tài chính hữu ích được phân ra thành các đặc điểm chất lượng cơ bản và các đặc điểm chất lượng bổ sung. Trong đó, các đặc điểm chất lượng cơ bản gồm: thích hợp và trình bày trung thực. Các đặc điểm chất lượng bổ sung gồm: có thể so sánh; có thể kiểm chứng; kịp thời và có thể hiểu.

Qua lược khảo các nghiên cứu trước, một số các nhân tố tác động đến chất lượng thông tin báo cáo tài chính của các doanh nghiệp như:

Môi trường pháp lý: Khung pháp lý liên quan đến kế toán bao gồm: Luật kế toán, chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán và các nghị định, thông tư có liên quan. Môi trường pháp lý có tác động mạnh mẽ đến hệ thống kế toán và báo cáo tài chính tại các quốc gia. Doupnik and Salter (1992) đã nghiên cứu tác động của hệ thống pháp luật trên sự phát triển của hệ thống kế toán tại các quốc gia khác nhau và cho rằng sự khác biệt về hệ thống pháp luật của các nước khác nhau có thể giải thích sự khác biệt trong sự phát triển của hệ thống kế toán, từ đó ảnh hưởng đến báo cáo tài chính, chất lượng báo cáo tài chính. Từ đó, giả thuyết nghiên cứu được đề xuất như sau:

Giả thuyết H1 (+): Môi trường pháp lý có tác động cùng chiều đến chất lượng thông tin báo cáo tài chính của doanh nghiệp nhỏ và vừa tại tỉnh Bình Định.

Hệ thống kiểm soát nội bộ: Theo Afiah và cộng sự (2014), kiểm soát nội bộ là một công cụ hữu hiệu trong việc kiểm tra, kiểm soát, ngăn ngừa và phát hiện gian lận, sai sót; để lập báo cáo tài chính trung thực, đảm bảo việc thực hiện các chế độ pháp lý, tuân thủ các luật lệ và quy định. Thông qua việc thực hiện các chức năng nói trên kiểm soát nội bộ một mặt góp phần đảm bảo chất lượng thông tin kế toán của doanh nghiệp. Theo Kewo và cộng sự (2017), thông tin kế toán được kiểm định bởi một hệ thống kiểm soát soát nội bộ hữu hiệu sẽ nhận được sự tin cậy nhiều hơn bởi các đối tượng bên trong và bên ngoài doanh nghiệp. Từ đó, giả thuyết nghiên cứu được đề xuất như sau:

Giả thuyết H2 (+): Hệ thống kiểm soát nội bộ có tác động cùng chiều đến chất lượng thông tin báo cáo tài chính của doanh nghiệp nhỏ và vừa tại tỉnh Bình Định.

Quy trình công tác kế toán: Theo Jonas, G. J., & Blanchet, J. (2000), báo cáo tài chính không chỉ là sản phẩm cuối cùng, đây là một quy trình bao gồm các thành phần như giao dịch, sự kiện, lựa chọn chính sách kế toán, áp dụng chính sách kế toán, ước tính, đánh giá liên quan, công bố về giao dịch, sự kiện, chính sách, ước tính, phán đoán, từ đó, chất lượng báo cáo tài chính phụ thuộc vào chất lượng của từng phần của quy trình này. Từ đó, giả thuyết nghiên cứu được đề xuất như sau:

Giả thuyết H3 (+): Quy trình công tác kế toán có tác động cùng chiều đến chất lượng thông tin báo cáo tài chính của doanh nghiệp nhỏ và vừa tại tỉnh Bình Định.

Trình độ nhân viên kế toán: Kết quả nghiên cứu của ALshbiel và Al-Awaqleh (2011) tìm thấy mối quan hệ tích cực giữa trình độ nhân viên kế toán và chất lượng thông tin báo cáo tài chính, điều này được giải thích rằng nhân viên có trình độ, nhân viên được đào tạo để sử dụng hệ thống thông tin kế toán là một vấn đề quan trọng để thực hiện hệ thống thông tin kế toán thành công, từ đó cung cấp các thông tin kế toán nói chung và thông tin báo cáo tài chính nói riêng chất lượng hơn. Từ đó, giả thuyết nghiên cứu được đề xuất như sau:

Giả thuyết H4 (+): Trình độ nhân viên kế toán có tác động cùng chiều đến chất lượng thông tin báo cáo tài chính của doanh nghiệp nhỏ và vừa tại tỉnh Bình Định.

Công bố thông tin: Michelon, G. (2011) dựa trên lý thuyết hợp pháp đã chứng minh rằng danh tiếng doanh nghiệp ảnh hưởng đến chất lượng thông tin báo cáo tài chính mà doanh nghiệp đó cung cấp. Michelon, G. (2011) xem xét khái niệm danh tiếng của doanh nghiệp thành ba khía cạnh để phân tích: cam kết với bên liên quan, hiệu quả tài chính, tiếp xúc với truyền thông. Michelon, G. (2011) cho rằng, doanh nghiệp có hiệu quả tài chính tốt có nhiều khả năng công bố thông tin nhiều hơn nhằm truyền đạt tính hợp pháp trong hoạt động của họ cho bên liên quan thông qua báo cáo tài chính hay báo cáo thường niên, từ đó khẳng định danh tiếng của họ. Thông qua công bố thông tin, đơn vị khẳng định uy tín của mình, doanh nghiệp có uy tín cao hơn ít làm sai lệch báo cáo tài chính của họ, bởi vì họ có thể chịu thiệt hại danh tiếng từ báo cáo tài chính kém chất lượng mà họ cung cấp do sự phủ sóng của truyền thông, sự giám sát của công chúng dành cho chất lượng thông tin mà đơn vị này cung cấp. Từ đó, giả thuyết nghiên cứu được đề xuất như sau:

Giả thuyết H5 (+): Công bố thông tin có tác động cùng chiều đến chất lượng thông tin báo cáo tài chính của doanh nghiệp nhỏ và vừa tại tỉnh Bình Định.

Kiểm toán: Lý thuyết tín hiệu cho thấy rằng lựa chọn của doanh nghiệp kiểm toán độc lập có thể coi như là một giấy chứng nhận cho chất lượng thông tin kế toán trên báo cáo tài chính của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có quy mô lớn hơn có nhiều khả năng lựa chọn một doanh nghiệp kiểm toán lớn hơn, bởi vì nó là một tín hiệu tốt cho các nhà đầu tư. Sự lựa chọn của doanh nghiệp kiểm toán được coi như là một tín hiệu của giá trị doanh nghiệp. Sự hiện diện của Big4 được xem như là một chất lượng tín hiệu của việc công bô thông tin kế toán của doanh nghiệp (Datar, Feltham và Hughes, 1991). Từ đó, giả thuyết nghiên cứu được đề xuất như sau:

Giả thuyết H6 (+): Kiểm toán có tác động cùng chiều đến chất lượng thông tin báo cáo tài chính của doanh nghiệp nhỏ và vừa tại tỉnh Bình Định.

3. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu sử dụng kết hợp phương pháp nghiên cứu định tính và nghiên cứu định lượng. Với phương pháp nghiên cứu định tính, thông qua nghiên cứu tài liệu lý thuyết có liên quan đến đề tài, tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu và thang đo nghiên cứu cho các biến trong mô hình nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng thông tin báo cáo tài chính của doanh nghiệp nhỏ và vừa tại tỉnh Bình Định. Bằng phương pháp nghiên cứu định tính, thông qua khảo sát chuyên gia, tác giả xác định mô hình nghiên cứu và thang đo nghiên cứu chính thức của đề tài. Với phương pháp nghiên cứu định lượng, dữ liệu sơ cấp được thu thập bằng bảng câu hỏi khảo sát, sau đó dữ liệu được xử lý bởi phần mềm SPSS 22.0 với các kỹ thuật gồm thống kê mô tả các biến; kiểm định độ tin cậy thang đo với hệ số Cronbach’s alpha; phân tích nhân tố khám phá EFA; và kiểm định mô hình hồi quy bội nhằm xác định các nhân tố và mức độ tác động của các nhân tố đến chất lượng thông tin báo cáo tài chính của doanh nghiệp nhỏ và vừa tại tỉnh Bình Định.

Phương pháp chọn mẫu: Mẫu được chọn theo phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên, đó là các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại tỉnh Bình Định. Theo Tabachnick và cộng sự (1996) thực hiện phân tích hồi quy đạt được kết quả tốt nhất khi cỡ mẫu phải thỏa mãn điều kiện: n >= 8p + 50 (n: là cỡ mẫu cần thiết, p: số biến độc lập của mô hình). Ở nghiên cứu này, mô hình được xây dựng với 6 biến độc lập nên cỡ mẫu tối thiểu phải là 98 quan sát. Tiếp đó, theo Hair và cộng sự (1998), số mẫu quan sát trong phân tích nhân tố phải > 100 quan sát và có tỷ lệ so với biến tốt nhất trong khoảng tỷ lệ 5/1 - 10/1. Trong nghiên cứu này, số biến là 35, do đó cỡ mẫu tối thiểu cần đạt là 175 quan sát (35*5).

Tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu ảnh hưởng của các nhân tố đến chất lượng thông tin báo cáo tài chính của doanh nghiệp nhỏ và vừa tại tỉnh Bình Định như sau:

CLTT = β0 + β1MTPL + β2HTKSNB + β3QTKT + β4NVKT + β5CBTT +β6KIT

Trong đó:

- MTPL: Môi trường pháp lý

- HTKSNB: Hệ thống kiểm soát nội bộ

- QTKT: Quy trình công tác kế toán

- NVKT: Trình độ nhân viên kế toán

- CBTT: Công bố thông tin

- KIT: Kiểm toán

- β0, β1, … β6: Hệ số hồi quy của mô hình

- ε: Hệ số nhiễu.

4. Kết quả nghiên cứu và bàn luận

Sau khi thực hiện kiểm định độ tin cậy thang đo với hệ số Cronbach’s Alpha, phân tích nhân tố khám phá EFA cho biến độc lập và biến phụ thuộc, tác giả đánh giá mức độ phù hợp của mô hình hồi quy tuyến tính như sau: (Bảng 1)

Bảng 1. Kiểm tra độ phù hợp của mô hình

Nguyễn Thị Thanh TrầmNguồn: Kết quả phân tích dữ liệu của tác giả

Kết quả Bảng 1 cho thấy mô hình có độ phù hợp đạt yêu cầu (R2 =0.545> 0.5). Hệ số R2 hiệu chỉnh trong mô hình này là 0.532, nghĩa là mô hình hồi quy tuyến tính đã xây dựng phù hợp với tập dữ liệu đến mức 53.2%, điều này cũng có nghĩa là các biến độc lập giải thích được 53.2% biến thiên của biến phụ thuộc. (Bảng 2)

Bảng 2. Bảng kết quả hồi quy

Nguyễn Thị Thanh TrầmNguồn: Kết quả phân tích dữ liệu của tác giả

Kết quả Bảng 2 cho thấy hệ số Sig của 6 nhân tố độc lập: môi trường pháp lý; hệ thống kiểm soát nội bộ; quy trình công tác kế toán; trình độ nhân viên kế toán; công bố thông tin; kiểm toán đều < 5% và hệ số phóng đại phương sai VIF rất thấp (<2), điều này chứng tỏ hiện tượng đa cộng tuyến không xảy ra với các biến độc lập.

Phương trình hồi quy:

CLTT =  0.182MTPL + 0.134HTKSNB + 0.185QTKT + 0.257NVKT + 0.219CBTT +0.245KIT

Để so sánh mức độ ảnh hưởng từng nhân tố độc lập đối với biến độc lập, tác giả căn cứ vào hệ số Beta chuẩn hóa. Kết quả số liệu trên cho thấy trong các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng thông tin báo cáo tài chính của doanh nghiệp nhỏ và vừa tại tỉnh Bình Định thì nhân tố trình độ nhân viên kế toán có ảnh hưởng mạnh nhất với mức ảnh hưởng là β = 0.257 và nhân tố hệ thống kiểm soát nội bộ có ảnh hưởng yếu nhất với mức ảnh hưởng là β = 0.134.

5. Kết luận và hàm ý chính sách

Qua nghiên cứu, bằng phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng, kết quả nghiên cứu xác định các nhân tố tác động và mức độ tác động xếp theo thứ tự tăng dần của chúng đến chất lượng thông tin báo cáo tài chính của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại tỉnh Bình Định như sau: hệ thống kiểm soát nội bộ; môi trường pháp lý; quy trình công tác kế toán; công bố thông tin; kiểm toán; trình độ nhân viên kế toán. Từ kết quả nghiên cứu, tác giả đề xuất các hàm ý chính sách liên quan đến các nhân tố này như sau:

Đối với hệ thống kiểm soát nội bộ, các nhà quản trị cần điều hành hoạt động của hệ thống kiểm soát nội bộ theo hướng phù hợp với mục tiêu hoạt động doanh nghiệp đã đề ra, có các biện pháp thích hợp để giám sát, điều chỉnh hoạt động của hệ thống này. Xây dựng các quy định chặt chẽ về kiểm tra chéo giữa các các bộ phận trong doanh nghiệp tránh gian lận thông tin.

Môi trường pháp lý là nền tảng cho việc ghi chép, lập báo cáo tài chính cho các doanh nghiệp, các chính sách thuế và chuẩn mực kế toán chi phối tới việc lập báo cáo tài chính của các doanh nghiệp, do đó, tác giả đề xuất cơ quan thuế cần có sự điều chỉnh để có sự hòa hợp giữa quy định của thuế và chuẩn mực kế toán, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc lập báo cáo.

Đối với quy trình công tác kế toán, cần hoàn thiện hệ thống chứng từ kế toán tại đơn vị cần phải được thực hiện, khắc phục thiếu sót, tồn tại ngay trong quá trình tổ chức hệ thống chứng từ kế toán theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước. Tổ chức sử dụng chứng từ kế toán đảm bảo đúng, đủ, phù hợp, làm cơ sở cho việc hạch toán. Tổ chức hoàn thiện chứng từ kế toán là khâu quan trọng, quyết định đến thông tin kế toán. Xây dựng hệ thống chứng từ đơn giản, rõ ràng, phù hợp với quy định của chế độ kế toán, chỉ tiêu phản ánh trong chứng từ phải thể hiện đươc yêu cầu quản lý nội bộ.

Đối với kiểm toán, tác giả đề xuất kiểm toán viên phải tuân thủ đúng quy trình kiểm toán, cố gắng bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu và học hỏi các kỹ năng cần thiết, có như vậy chất lượng thông tin trên báo cáo tài chính mới được đảm bảo. Các doanh nghiệp kiểm toán cần quản lý về thời gian tham gia kiểm toán tại một đơn vị đối với một kiểm toán viên, để tránh đem lại rủi ro cho cả doanh nghiệp được kiểm toán và doanh nghiệp kiểm toán.

Đối với công bố thông tin, tác giả đề xuất cần cụ thể hóa các quy định về yêu cầu công bố thông tin doanh nghiệp để doanh nghiệp hiểu rõ đồng thời thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời những quy định về công bố thông tin; tạo ra khung pháp lý chung, thống nhất về việc công bố thông tin hoạt động của doanh nghiệp.

Kết quả nghiên cứu cho thấy trình độ nhân viên kế toán có ảnh hưởng tích cực đến chất lượng thông tin trên báo cáo tài chính của các doanh nghiệp. Về nhân tố này, tác giả đề xuất công tác tổ chức tuyển dụng phải công khai, minh bạch, theo đúng quy trình tuyển dụng. Bên cạnh đó, nhân viên được tuyển dụng phải có đủ tố chất phù hợp với từng vị trí dự tuyển như về chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp trung thực, cẩn thận, nhiệt tình,... nhằm hạn chế rủi ro xảy ra cho doanh nghiệp sau này. Nhân viên kế toán cần không ngừng tự nâng cao trình độ chuyên môn thông qua việc đào tạo, cập nhật kiến thức thường xuyên.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. IASB (International Accounting Standards Board). (2011). Preface to International Financial Reporting Standards. London: IFRSF.
  2. Afiah, N. N., & Rahmatika, D. N. (2014). Factors influencing the quality of financial reporting and its implications on good government governance. International Journal of Business, Economics and Law, 5(1), 111-121
  3. Alshbiel, S. O., & Al-Awaqleh, Q. A. (2011). Factors affecting the applicability of the computerized accounting system. International Research Journal of Finance and Economics, 64, 36-53.
  4. Datar, S. M., Feltham, G. A., & Hughes, J. S. (1991). The role of audits and audit quality in valuing new issues. Journal of accounting and Economics, 14(1), 3-49.
  5. Hair, J. F., Black, W. C., Babin, B. J., Anderson, R. E., & Tatham, R. L. (1998). Multivariate data analysis 5(3), 207-219.
  6. Jonas, G. J., & Blanchet, J. (2000). Assessing quality of financial reporting. Accounting horizons, 14(3), 353-363.
  7. Kewo, C. L., & Afiah, N. N. (2017). Does quality of financial statement affected by internal control system and internal audit? International Journal of Economics and Financial Issues, 7(2), 568.
  8. Michelon, G. (2011). Sustainability disclosure and reputation: A comparative study. Corporate Reputation Review, 14(2), 79-96.
  9. Salter, S. B., & Doupnik, T. S. (1992). The relationship between legal systems and accounting practices: A classification exercise. Advances in International Accounting, 5(1), 3-22.
  10. Tabachnick, B. G., & Fidell, L. S. (1996). Analysis of covariance. Using multivariate statistics, 8(1), 321-374.

FACTORS AFFECTING THE QUALITY OF FINANCIAL STATEMENTS OF SMES IN BINH DINH PROVINCE

Master. Nguyen Thi Thanh Tram

Faculty of Finance - Accounting, Nguyen Tat Thanh University

Abstract:

The study is to identify the factors and measure the impact of these factors on the quality of financial statements of small and medium-sized enterprises (SMEs) in Binh Dinh Province. By using qualitative and quantitative research methods, and the SPSS Statistics 22.0, the study finds out that there are 6 factors affecting the quality of financial statements of SMEs in Binh Dinh Province. These factors are legal environment, internal control system, accounting process, competencies of accountant, auditing, and information disclosure. The study also proposes some policy implications to improve the quality of financial statements of SMEs in Binh Dinh Province in the coming time.

Keywords: financial statements, quality of financial statements, small and medium-sized enterprises in Binh Dinh Province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 21, tháng 9 năm 2021]