TÓM TẮT:
Việt Nam đã xây dựng và công bố hệ thống chuẩn mực kế toán đối với doanh nghiệp và đang có kế hoạch triển khai áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS). Tuy nhiên, trong lĩnh vực kế toán công, Việt Nam mới dừng lại ở việc xây dựng và ban hành các chế độ kế toán, hướng dẫn công tác kế toán tại các đơn vị thuộc khu vực nhà nước. Trong đó, phần lớn là các quy định hướng dẫn công tác kế toán và tổ chức bộ máy kế toán chưa xây dựng những nguyên tắc thống nhất phù hợp với thông lệ quốc tế. Bài viết này bàn về thực trạng và một số định hướng hoàn thiện hệ thống báo cáo tài chính theo chuẩn mực kế toán công tại Việt Nam.
Từ khóa: chuẩn mực, tài chính công, hệ thống báo cáo tài chính, chuẩn mực quốc tế.
1. Đặt vấn đề
Trong những năm gần đây, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam diễn ra rất mạnh mẽ. Việc gia nhập các tổ chức kinh tế và các hiệp định thương mại như: Tổ chức Thương mại thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế, Hiệp định Đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU,... đòi hỏi Việt Nam phải cung cấp thông tin có tính chuẩn mực, có khả năng so sánh và được quốc tế thừa nhận. Việc xây dựng các chuẩn mực kế toán công là cơ sở để Việt Nam được tăng hạng, đánh giá tín nhiệm cao hơn trong các quan hệ với các tổ chức quốc tế.
Mặc dù Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong nghiên cứu xây dựng các quy định trong lĩnh vực kế toán công theo hướng hòa nhập với các thông lệ quốc tế, nhưng các quy định được đặt ra trong các chế độ kế toán này phần lớn là các quy định hướng dẫn công tác kế toán và tổ chức bộ máy kế toán, chưa có những quy định mang tính nguyên tắc, thống nhất một cách đầy đủ, đồng bộ, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Hiện nay, Việt Nam đang triển khai thực hiện Đề án Tổng Kế toán Nhà nước nhằm xây dựng hệ thống báo cáo tài chính nhà nước của Chính phủ và chính quyền địa phương, đảm bảo tính kịp thời, đầy đủ, công khai, minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế. Theo đó, cần đặt ra yêu cầu phải xây dựng và công bố hệ thống chuẩn mực kế toán công (CMKTC) phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tế tại Việt Nam, để có cơ sở xác định đối tượng, phạm vi, quy trình và nội dung thông tin báo cáo tài chính nhà nước do Tổng Kế toán Nhà nước cung cấp. Đối tượng áp dụng của Đề án là các đơn vị trong lĩnh vực công, trừ các doanh nghiệp nhà nước. Các trường đại học, học viện và các tổ chức nghề nghiệp phối hợp nghiên cứu, đào tạo và hỗ trợ triển khai áp dụng CMKTC Việt Nam.
2. Thực trạng
Hệ thống kế toán công của Việt Nam được tổ chức và thiết lập pháp lý là Luật Kế toán, Nghị định hướng dẫn Luật và các Thông tư hướng dẫn chế độ kế toán của Bộ Tài chính. Hiện nay, các đơn vị kế toán công áp dụng thống nhất hệ thống Mục lục ngân sách nhà nước do Bộ Tài chính quy định và các chế độ kế toán áp dụng cho từng loại hình đơn vị như sau:
- Thông tư số 77/2017/TT-BTC ngày 28/7/2017 hướng dẫn chế độ kế toán ngân sách nhà nước và hoạt động nghiệp vụ KNhà nước (KBNN) áp dụng cho hệ thống thông tin quản lý ngân sách và nghiệp vụ kho bạc (TABMIS). Phương pháp kế toán ngân sách nhà nước áp dụng trên cơ sở tiền mặt, phù hợp với Luật Ngân sách Nhà nước. Phạm vi áp dụng của TABMIS ngoài các đơn vị KBNN còn có các đơn vị, cơ quan tài chính đồng cấp trong vai trò nhập dự toán và lệnh chi tiền vào hệ thống.
- Thông tư số 107/2017/TT-BTC ngày 10/10/2017 của Bộ Tài chính về việc ban hành chế độ kế toán hành chính sự nghiệp của Bộ Tài chính áp dụng cho các đơn vị sử dụng ngân sách.
Hiện tại, chế độ kế toán áp dụng cho các đơn vị HCSN theo Thông tư số 107/2017/TT-BTC bước đầu đã tiếp cận, có vận dụng một số quy định của CMKTC , có thể đánh giá qua một số thông tin sau:
+ Việc xác định doanh thu, chi phí trên cơ sở dồn tích đối với các tài khoản trong bảng, việc hạch toán khấu hao tài sản cố định hằng năm tính vào chi phí trong kỳ theo quy định tại IPSAS 17 (trước đây khi mua sắm tài sản cố định (TSCĐ) ghi nhận toàn bộ giá trị tài sản vào chi phí trong kỳ, hạch toán hao mòn TSCĐ hằng năm ghi giảm nguồn hình thành TSCĐ), phản ánh chính xác hơn tình hình hoạt động hành chính, sự nghiệp của đơn vị.
+ Về ghi nhận nguồn vốn, đã có quy định tương đồng với chuẩn mực kế toán công quốc tế, thực hiện bù trừ giữa thu và chi, số chênh lệch mới ghi tăng nguồn vốn (trước đây quy định số thu được ghi thẳng vào tăng nguồn vốn).
- Trên cơ sở Chế độ kế toán hành chính sự nghiệp (HCSN), nhiều ngành, nhiều đơn vị có đặc thù trong hoạt động và quản lý tài chính được vận dụng theo các chế độ kế toán sau khi được Bộ Tài chính phê duyệt, cụ thể như: Thông tư số 102/2018/TT-BTC ngày 14/11/2018 hướng dẫn kế toán Bảo hiểm xã hội; Thông tư số 108/2018/TT-BTC ngày 15/11/2018 hướng dẫn kế toán dự trữ quốc gia; Chế độ kế toán áp dụng cho các đơn vị HCSN của Đảng; Chế độ kế toán áp dụng cho các đơn vị công đoàn; Chế độ kế toán nghiệp vụ thu chi thi hành án. Các chế độ kế toán này một mặt đáp ứng các yêu cầu quản lý đặc thù của ngành, đơn vị, mặt khác phải tuân thủ các nguyên tắc đã được ban hành theo Chế độ kế toán HCSN.
- Thông tư số 74/2018/TT-BTC ngày 16/8/2018 hướng dẫn chế độ kế toán đối với các khoản vay, trả nợ của Chính phủ, chính quyền địa phương; thống kê, theo dõi các khoản nợ cho vay lại và bảo lãnh Chính phủ.
- Thông tư số 109/2018/TT-BTC ngày 15/11/2018 hướng dẫn kế toán Quỹ Tích lũy trả nợ.
- Quyết định số 1544/QĐ-BTC ngày 7/7/2014 về việc áp dụng thí điểm chế độ kế toán Thuế nội địa áp dụng cho các đơn vị thuộc Tổng cục Thuế.
- Thông tư số 112/2018/TT-BTC ngày 15/11/2018 của Bộ Tài chính về việc sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 174/2015/TT-BTC ngày 10/11/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn kế toán nghiệp vụ thu thuế và thu khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu áp dụng cho các đơn vị thuộc Tổng cục Hải quan.
- Quyết định số 94/2005/QĐ-BTC ngày 12/12/2005 về việc ban hành chế độ kế toán ngân sách và tài chính xã áp dụng cho ngân sách cấp xã, phường, thị trấn vừa là một đơn vị dự toán vừa là cấp ngân sách thấp nhất hệ thống ngân sách nhà nước.
Với hệ thống các văn bản hướng dẫn về chế độ kế toán cho các đơn vị nêu trên đã đạt được một số kết quả quan trọng như sau:
- Các quy định trong các chế độ kế toán hiện đã đáp ứng yêu cầu quản lý kinh tế, tài chính ngân sách của nhà nước đối với các hoạt động của các đơn vị hành chính, sự nghiệp, với các mức độ tự chủ theo loại hình đơn vị khác nhau.
- Về cơ bản, hệ thống kế toán công được ghi chép thống nhất theo mục lục ngân sách nhà nước, phục vụ cho việc xây dựng dự toán, chấp hành ngân sách và quyết toán ngân sách nhà nước.
- Một số nội dung trong các chế độ kế toán đã tiếp cận gần với thông lệ quốc tế, ví dụ như ghi chép trên cơ sở dồn tích, việc xác định và ghi nhận doanh thu, chi phí dựa trên nguyên tắc kế toán chung; việc ghi nhận kết quả hoạt động và nguồn vốn đảm bảo nguyên tắc theo chuẩn mực kế toán,...
- Các quy định về chế độ kế toán đã bao quát hết các hoạt động kinh tế phát sinh trong lĩnh vực công, áp dụng cho tất cả các loại hình đơn vị, các tài khoản kế toán được bố trí có hệ thống, hạn chế sự trùng lắp về mã hiệu giữa các chế độ kế toán, phục vụ cho việc tổng hợp thông tin báo cáo một cách chính xác, khoa học.
- Thông tin báo cáo của các đơn vị được lập phục vụ cho việc giải trình tính tuân thủ pháp luật về ngân sách nhà nước dưới hình thức báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước. Ngoài ra, các đơn vị còn lập báo cáo tài chính phục vụ cho quản lý điều hành các hoạt động tại đơn vị và lập báo cáo tài chính nhà nước.
- Các quy định về chứng từ, sổ kế toán phù hợp với đặc điểm quản lý và việc ứng dụng công nghệ thông tin hiện nay, đảm bảo tính linh hoạt, gắn trách nhiệm của các đơn vị kế toán, nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu về nội dung và hình thức, cũng như cách ghi chép về ngân sách.
3. Một số định hướng hoàn thiện hệ thống báo cáo tài chính theo chuẩn mực kế toán công
Để hoàn thiện hệ thống báo cáo tài chính cho cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập tại Việt Nam cũng như đáp ứng được theo chuẩn mực kế toán công quốc tế, cần phải thực hiện theo định hướng sau:
Thứ nhất, phải có những thay đổi căn bản đối với các văn bản pháp lý có ảnh hưởng trực tiếp đến nội dung thông tin được trình bày trên hệ thống báo cáo tài chính, bao gồm Luật Ngân sách và Luật Kế toán.
Thứ hai, phải có sự chuyển đổi cơ sở kế toán cho các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập từ cơ sở dồn tích có điều chỉnh sang cơ sở dồn tích đầy đủ, toàn diện.
Thứ ba, căn cứ vào chuẩn mực kế toán công quốc tế để xác lập 2 phân hệ báo cáo tài chính theo mục tiêu sử dụng thông tin, gồm báo cáo tài chính sử dụng cho mục tiêu chung và báo cáo tài chính sử dụng cho mục đích riêng biệt (quyết toán kinh phí, kiểm soát các khoản thu - chi ngân sách,¼).
Thứ tư, rà soát lại các nội dung được quy định trong chế độ kế toán áp dụng cho đơn vị hành chính sự nghiệp để có những thay đổi thích ứng đối với báo cáo tài chính theo quy định hiện hành theo hướng xác lập 2 phân hệ báo cáo tài chính trên, đồng thời có những thay đổi, bổ sung về tài khoản kế toán và phương pháp ghi nhận, xử lý theo hướng áp dụng cơ sở dồn tích đầy đủ.
Thứ năm, tiếp tục nghiên cứu để ban hành và đưa vào áp dụng hệ thống chuẩn mực kế toán công Việt Nam trên cơ sở tham khảo và kế thừa những nội dung khoa học, phù hợp của chuẩn mực chuẩn mực kế toán công quốc tế.
Thứ sáu, tổ chức đào tạo chuẩn mực kế toán công: việc đào tạo cho các cán bộ kế toán, cán bộ lập BCTC, cán bộ trong cơ quan quản lý nhà nước, để cán bộ trong cơ quan quản lý nhà nước tiếp thu được những thông lệ tốt, hay đổi tư duy nhận thức, đưa vào cơ chế chính sách tài chính công những đổi mới phù hợp với thông lệ quốc tế.
Thứ bảy, với mục tiêu hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tài chính, kế toán; tạo dựng công cụ quản lý hiệu lực, hiệu quả; nâng cao trách nhiệm giải trình của các đơn vị trong lĩnh vực công; xác định cơ sở để xây dựng báo cáo tài chính nhà nước, thực hiện chức năng Tổng Kế toán Nhà nước của Kho bạc Nhà nước; thúc đẩy sự hội nhập của nền kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực công với khu vực và thế giới, góp phần nâng cao tính minh bạch và có thể so sánh được của các thông tin tài chính.
Trong đó, mục tiêu cụ thể là: nghiên cứu, xây dựng, ban hành và công bố hệ thống chuẩn mực kế toán công (CMKTC) Việt Nam trên cơ sở CMKTC quốc tế; đảm bảo yêu cầu hội nhập kinh tế; đồng bộ với cải cách, đổi mới chính sách quản lý kinh tế, chính sách quản lý tài chính của Việt Nam; cung cấp thông tin tài chính kịp thời, trung thực, nâng cao năng lực, hiệu quả, tính công khai minh bạch trong quản lý các nguồn lực của Chính phủ; gắn với việc triển khai lập báo cáo tài chính nhà nước; làm cơ sở, nền tảng cho hệ thống cơ chế, chính sách tài chính nhà nước, với hệ thống văn bản pháp luật liên quan đã và đang được cải cách phù hợp thông lệ quốc tế; là căn cứ ban hành chế độ kế toán.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Bộ Tài chính (2019), Đề án công bố hệ thống Chuẩn mực Kế toán công của Việt Nam, Hà Nội, tháng 6 năm 2019.
- Cao Thị Cẩm Vân (2016), Nghiên cứu những nhân tố ảnh hưởng đến việc xây dựng Chuẩn mực kế toán công Việt Nam trong điều kiện vận dụng Chuẩn mực kế toán công quốc tế. Luận án Tiến sỹ, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
- Hà Phước Vũ (2014), Hệ thống báo cáo tài chính trong các đơn vị hành chính sự nghiệp tại Việt Nam nhìn từ Chuẩn mực Kế toán công quốc tế về trình bày báo cáo tài chính, Kỷ yếu hội thảo khoa học: Kế toán khu vực công tại Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế toàn cầu, trang 100-107, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, năm 2014.
- Mai Thị Hoàng Minh (2014), Vận dụng Chuẩn mực Kế toán công quốc tế để trình bày báo cáo tài chính nhà nước theo mô hình Tổng kế toán nhà nước, Kỷ yếu hội thảo khoa học: Kế toán khu vực công tại Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế toàn cầu, trang 22-33, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, năm 2014.
Current situation and some orientations to improve the financial reporting system in accordance with Vietnam’s public accounting standards
Ph.D Dang Thi Hong Ha
Faculty of Accounting - Auditing
Hanoi University of Industry
ABSTRACT:
Vietnam has developed and published a system of accounting standards for private enterprises and the country is planning to apply International Financial Reporting Standards. However, in the field of public accounting, Vietnam has only developed the accounting regime and promulgated accounting guidelines for specific public units. Regulations set out in the public accounting regime mostly guide the accounting work and the accounting organization at units and this regime lacks unified and principled accounting regulations which are synchronously in accordance with international practices. This paper presents the current situation and proposes some orientations to improve the financial reporting system in accordance with Vietnam’s public accounting standards.
Keywords: standard, public finance, financial reporting system, international standard.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 15, tháng 6 năm 2021]