Các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định học đại học ngành Tài chính - Ngân hàng tại Trường Đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh

ThS. PHAN NGỌC THÙY NHƯ - TS. NGUYỄN KIM PHƯỚC (Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Quyết định chọn ngành học và cơ sở giáo dục đào tạo để học tập là một vấn đề rất quan trọng của học sinh khi hoàn thành chương trình phổ thông. Do vậy, bài nghiên cứu xác định các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn học đại học ngành Tài chính - ngân hàng (TCNH) của sinh viên tại Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh. Nghiên cứu dựa theo lý thuyết hành vi, lý thuyết hành động hợp lý, lý thuyết động cơ lựa chọn và lý thuyết ra quyết định của mỗi cá nhân để đưa ra mô hình nghiên cứu. Từ kết quả nghiên cứu, bài viết đưa ra một số khuyến nghị về chính sách tư vấn tuyển sinh ngành TCNH cho Nhà trường trong thời gian tới, qua đó giúp tăng hiệu quả tuyển sinh của Nhà trường trong tương lai.

Từ khóa: Sinh viên, ngành Tài chính - Ngân hàng, đại học, Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh.

1. Giới thiệu

Beggs, Bantham & Taylor (2008) đã cho rằng một sự “quyết định đúng đắn” sẽ giúp sinh viên đạt được mục tiêu đề ra bởi vì, chọn cho mình một nghề hay một ngành học nghĩa là chọn cho mình một tương lai. Quyết định học đại học của mỗi cá nhân về bản chất không chỉ là sự đầu tư của bản thân sinh viên và gia đình của họ mà còn là sự đầu tư của toàn xã hội. Phát triển nguồn nhân lực của ngành ngân hàng cũng là một trong những nội dung được đề cập trong “Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 08/8/2018 về việc phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030”, theo đó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành TCNH và của hội nhập kinh tế quốc tế. Thực tế cho thấy, cùng một ngành nghề đào tạo, có khá nhiều cơ sở đào tạo, do đó, người học có nhiều lựa chọn hơn. Người học có sự cân nhắc kỹ hơn trước khi đưa ra quyết định học ngành nào ở cơ sở giáo dục nào.

Là một trường đại học đa ngành với định hướng ứng dụng, Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh đã đào tạo và cung ứng nhân lực ngành TCNH từ năm 2005. Tuy nhiên, trái với nhu cầu ngày càng tăng về nhân sự trong lĩnh vực TCNH, tỷ lệ sinh viên ngành TCNH so với sinh viên toàn Trường đang giảm dần mặc dù ban giám hiệu Nhà trường và các khoa chuyên ngành đã có nhiều đầu tư trong việc đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nhưng hiệu quả thu hút người học vẫn chưa cao. Cụ thể, tỷ lệ sinh viên ngành TCNH hệ chính quy vào năm 2018 chỉ chiếm 9,48% trên tổng số sinh viên của cả Trường, con số này cũng không cải thiện nhiều trong 2 năm gần đây. Từ năm 2016 đến nay, Trường không tuyển sinh được sinh viên học văn bằng 2 ngành TCNH; Chương trình liên thông từ cao đẳng lên đại học thì có số lượng sinh viên rất thấp so với chỉ tiêu tuyển sinh, không đạt kế hoạch tuyển sinh đề ra.

Trước thực trạng trên, nghiên cứu “Những nhân tố ảnh hưởng đến quyết đinh học ngành TCNH tại Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh” được chọn thực hiện nhằm nhận dạng và đo lường mức độ ảnh hưởng của các nhân tố ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định chọn học ngành TCNH, từ đó khuyến nghị những chính sách tư vấn tuyển sinh ngành TCNH cho Trường trong thời gian tới góp phần tăng hiệu quả tuyển sinh trong tương lai.

2. Mô hình, phương pháp và dữ liệu nghiên cứu

2.1. Mô hình nghiên cứu

Mô hình và thang đo nghiên cứu được đề xuất dựa theo khung phân lý thuyết của Kotler (2011), mô hình TBP của Ajzen (1991) và các nghiên cứu trước đó có tính chất tương đồng với nghiên cứu này, cụ thể như nghiên cứu của: Chapman (1981), Kim & cộng sự (2002), Worthington & Higgs (2003), Kniveton (2004)...

Mô hình nghiên cứu đề xuất có dạng:

Y = β0 + β1*CN + β2*HB + β3*AH + β4*LD + β5*TT + ε

Trong đó: Y là hài lòng với quyết định đã chọn; β0 là hệ số tự do, thể hiện giá trị trung bình khi các nhân tố độc lập trong mô hình bằng 0; βi (i=1,4) là hệ số hồi quy của các nhân tố độc lập tương ứng với: Đặc điểm cá nhân (CN), Hiểu biết về ngành học (HB), nhóm ảnh hưởng (AH), lý do lựa chọn (LD) và thông tin tuyển sinh (TT); ε là phần dư.

2.2. Phương pháp nghiên cứu 

Phương pháp nghiên cứu định lượng được sử dụng để phân tích dữ liệu sơ cấp thu thập được qua việc khảo sát các sinh viên đang học ngành TCNH tại Trường thông qua bảng câu hỏi soạn sẵn. Thang đo nghiên cứu được khảo sát thử và hiệu chỉnh theo góp ý của nhóm thực hiện tư vấn tuyển sinh của Trường và một số tân sinh viên năm 2020. Dựa vào các nghiên cứu trước, nghiên cứu sử dụng thang đo likert 5 mức độ để thu thập ý kiến của các sinh viên. Dữ liệu sơ cấp thu thập và phân tích bằng phầm mềm SPSS 22.0 theo trình tự như sau: (i) Thống kê mô tả (ii) Kiểm định độ tin cậy của thang đo bằng kỹ thuật Cronbach’s Alpha và EFA, (iii) Phân tích hồi quy OLS và (iv) Các kiểm định có liên quan để đảm bảo ước lượng không chệch.

2.3. Dữ liệu nghiên cứu

Nghiên cứu sử dụng số liệu sơ cấp. Dữ liệu thu thập được qua phỏng vấn 369 sinh viên hệ chính quy ngành TCNH của Trường. Nghiên cứu chọn mẫu theo phương pháp thuận tiện. Dữ liệu thu về đạt yêu cầu 100% do bảng hỏi được nhóm nghiên cứu (giảng viên) đến lớp giảng phát phiếu và thu hồi. Khảo sát được thực hiện vào năm 2020 với sinh viên tham gia khảo sát tập trung vào sinh viên đang học năm thứ nhất và năm thứ hai. 

3. Kết quả nghiên cứu

3.1. Kiểm định độ tin cậy của thang đo

Bảng 1. Tổng hợp kết quả kiểm định thang đo

Tổng hợp kết quả kiểm định thang đo

Bảng 1 cho thấy, số biến quan sát thuộc nhóm biến phụ thuộc giữ nguyên. Trong 5 nhóm biến độc lập, chỉ có nhóm “CN” có biến CN4 < 0,3 bị loại bỏ vì không thỏa yêu cầu về hệ số tương quan biến tổng (Hair và ctg, 2010). Như vậy, số biến độc lập còn lại sau phân tích là 32 biến thuộc 5 nhóm nhân tố. Hệ số Cronbach’s Alpha dao động từ 0,7 < a < 0,9 (trừ nhóm HB có a = 0,66) đạt yêu cầu (Hoàng Trọng & Chu Nguyễn Mộng Ngọc, 2013). Như vậy, các thang đo đảm bảo yêu cầu để tiếp tục đưa vào phân tích EFA.

3.2. Kết quả phân tích nhân tố khám phá  - EFA

Kết quả phân tích EFA cho thấy 4 biến HB1, HB4, AH6, LD3, và LD4 có hệ số tải nhân tố nhỏ hơn 0,5 (không đạt yêu cầu) nên bị loại ra. Như vậy, từ 5 nhóm biến độc lập ban đầu, sau kiểm định Crobach’s Alpha và phân tích EFA đã hình thành 6 nhóm nhân tố mới do nhóm CN tách ra 2 nhóm tố. Hệ số KMO = 0,896 và tổng mức độ giải thích đạt 61,683% (Anderson & Gerbing, 1988), tổng phương sai trích phải đạt giá trị từ 50% trở lên, Factor loading > 0,3 đối với nghiên cứu có cỡ mẫu trên 300.

Nhóm biến phụ thuộc có 3 biến quan sát, khi đưa vào phân tích EFA tất cả đều đạt yêu cầu về hệ số tải nhân tố (Factor loading > 0,5), KMO = 0,728 và tổng mức độ giải thích đạt 78,512%.

Như vậy, mô hình nghiên cứu được hiệu chỉnh như sau:

Hình 1: Mô hình nghiên cứu hiệu chỉnh sau EFA

Mô hình nghiên cứu hiệu chỉnh sau EFA

3.3. Kết quả hồi quy (OLS) và các kiểm định

Kết quả hồi quy như sau:

Bảng 2. Kết quả hồi quy

Kết quả hồi quy

Ghi chú: ***, **,* tương ứng với mức ý nghĩa 1%, 5% và 10%

Nguồn: Kết quả phân tích dữ liệu

5 nhân tố (biến độc lập) đưa vào phân tích hồi quy có 3 nhóm đạt mức ý nghĩa thống kê (Sig > 0,05), nghĩa là 3 nhóm biến độc lập đều tác động với biến phụ thuộc - Hài lòng với quyết định. Như vậy, mô hình phù hợp với tập dữ liệu nghiên cứu.

* Kiểm định giả thuyết và mức độ phù hợp của mô hình:

Giá trị thống kê của F có ý nghĩa với độ tin cậy 95% đã bác bỏ giả thuyết H0, chấp nhận giả thuyết H1 vì có 3 nhóm biến độc lập tác động đến biến phụ thuộc.

Kết quả hồi quy cho thấy có 3 nhóm biến độc lập có tác động đến nhóm biến phụ thuộc. Hệ số R2 = 0,493 và R2 hiệu chỉnh = 0,485, nghĩa là các nhóm nhân tố trong mô hình có thể giải thích được 48,5% sự biến thiên của biến phụ thuộc. Các hệ số tương quan đều nhỏ hơn 0,5 và hệ số DW < 2, nên mô hình không có hiện tượng đa cộng tuyến.

Kết quả kiểm định F cho giá trị F= 58,695 và Sig= 0,000 cho thấy kết quả hồi quy có thể chấp nhận được. Đồng thời, kết quả kiểm định phần dư có giá trị phân phối phần dư có trung bình ∼ 9,54E-17 (gần bằng 0) và độ lệch chuẩn = 0,992 (tiến đến gần bằng 1). Như vậy, giả thiết phân phối chuẩn không bị vi phạm, kết quả hồi quy đáng tin cậy.

3.4. Thảo luận kết quả nghiên cứu

Nhân tố “Lý do lựa chọn” có ảnh hưởng mạnh nhất đến biến phụ thuộc (với Beta = 0,377). Đồng thời, hệ số hồi quy chưa chuẩn hóa (β = 0,580) cao nhất trong 3 nhân tố, có ý nghĩa thống kê đạt yêu cầu. Với mức ý nghĩa 1% (độ tin cậy 99%), giả định rằng các yếu tố khác không đổi, nhân tố “lý do lựa chọn” tăng lên 1% thì sinh viên hài lòng hơn 0,58%. Nguyên nhân các sinh viên đưa ra chủ yếu tập trung vào: Uy tín trong đào tạo ngành TCNH, địa điểm học, điểm đầu vào, mức học phí, thời hạn đóng học phí,... Đây là những điều mà sinh viên quan tâm nên Trường cần chú ý.

Nhân tố “Thông tin tuyển sinh” có ảnh hưởng mạnh thứ hai đến biến phụ thuộc (với Beta = 0,369). Hệ số hồi quy chưa chuẩn hóa của nhân tố (β = 0,522) có ý nghĩa thống kê đạt yêu cầu. Với mức ý nghĩa 1% (độ tin cậy 99%), giả định rằng các yếu tố khác không đổi, nhân tố “Thông tin tuyển sinh” tốt hơn một mức thì thì sinh viên hài lòng hơn 0,522%. Điểm này phù hợp với thực tế, do vậy, Nhà trường chuyển tải càng nhiều thông tin quan trọng có liên quan đến ngành học để sinh viên tiếp cận (đa dạng kênh thông tin) càng có lợi cho quá trình ra quyết định của sinh viên, để khi đã lựa chọn, sinh viên cảm thấy hài lòng với quyết định của mình.

Nhân tố “Sở thích cá nhân” có ảnh hưởng yếu nhất đến biến phụ thuộc trong 3 nhân tố được chọn với Beta = 0,090. Hệ số hồi quy β = 0,132 cho thấy với mức ý nghĩa 5% (độ tin cậy 95%), giả định rằng các yếu tố khác không đổi, nhân tố “Sở thích cá nhân” tốt hơn một mức (sinh viên thích ngành TCNH) hơn những ngành khác thì sinh viên hài lòng hơn 0,132%. Như vậy, sinh viên thích ngành TCNH sẽ hài lòng với quyết định chọn ngành của mình hơn là điều phù hợp.

4. Kết luận và khuyến nghị

4.1. Kết luận

Nghiên cứu đã tiến hành thu thập ý kiến của 369 sinh viên đang theo học ngành TCNH của Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh. Kết quả phân tích dữ liệu cho thấy: Lý do lựa chọn, nguồn thông tin tuyển sinh mà sinh viên tiếp cận và sở thích của cá nhân sinh viên có ảnh hưởng đáng kể đến “sự hài lòng đối với quyết định chọn ngành” của sinh viên. Trong đó, các nhân tố như “lý do lựa chọn” và “nguồn thông tin tuyển sinh” có mức độ ảnh hưởng tích cực khá mạnh đến quyết định chọn ngành học của sinh viên. Trong 3 nhóm có ảnh hưởng tích cực đến quyết định chọn ngành học của sinh viên thì nhóm “nguồn thông tin tuyển sinh” là nhóm yếu tố mà Trường có thể chủ động thực hiện, hai nhóm còn lại phụ thuộc vào sinh viên.

4.2. Khuyến nghị

Dựa vào kết quả nghiên cứu, thực tiễn công tác tuyển sinh và đào tạo ngành TCNH tại Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh, chúng tôi đề xuất các khuyến nghị sau:

- Đối với sinh viên: Sinh viên lựa chọn ngành học nói chung và ngành TCNH nói riêng cần phải căn cứ vào sở thích của mình. Sinh viên cần xác định mình thích gì, muốn gì để đảm bảo khi đã đưa ra quyết định sẽ hài lòng với quyết định của mình. Để đưa ra quyết định đúng đắn, sinh viên cần nghiên cứu kỹ những thông tin liên quan đến ngành học, cơ sở đào tạo (điểm tuyển sinh, địa điểm học, điều kiện học tập, đi lại và nơi ở để học tập, mức học phí, thời hạn đóng học phí). Tất cả những thông tin này, Nhà trường đều công bố rộng rãi, đầy đủ và chính xác trong quá trình tư vấn tuyển sinh cũng như những kênh thông tin tuyên truyền như: Website nhà trường, Facebook, Zalo, báo đài... sinh viên hoàn toàn có thể tiếp cận theo nhiều phương thức khác nhau. Đồng thời, sinh viên có thể tham khảo ý kiến các cựu sinh viên của Trường qua các buổi họp mặt cựu sinh viên, giao lưu sinh viên, họp mặt kỷ niệm ngày ra trường tại các trường phổ thông,… để hiểu rõ hơn.

- Đối với Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh: Những năm qua, công tác tư vấn tuyển sinh và quảng bá tuyển sinh Nhà trường đã thực hiện khá tốt, sinh viên theo học các ngành đào tạo của Trường tăng lên hàng năm, tuy nhiên ngành TCNH chưa có mức tăng đáng kể. Do đó, công tác tuyển sinh cần chú trọng cung cấp thông tin về ngành TCNH nhiều hơn. Khoa TCNH cũng cần đẩy mạnh công tác quảng bá tuyển sinh, tham gia tư vấn tuyển sinh (tại các địa phương, sự kiện truyền thông) mạnh mẽ hơn để sinh viên có đầy đủ thông tin hơn nhằm tạo thuận lợi cho sinh viên mạnh dạn chọn học ngành TCNH. Đồng thời, công tác củng cố uy tín, thương hiệu của Trường cũng phải duy trì và phát triển hơn trong thời gian tới.

Ghi chú: Nghiên cứu này là sản phẩm của đề tài số T2019.02.3 được tài trợ của Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Ajzen, I. (1991). The Theory of Planned Behavior, Organizational Behavior and Human Decision Processes, 50(2), 179-211.
  2. Anderson, J. C., & Gerbing, D. W. (1988). Structural equation modeling in practice: A review and recommended two-step approach. Psychological Bulletin, 103(3), 411-423.
  3. Beggs, J.M., Bantham, J.H., & Taylor, S. (2008). Distinguishing the factors influencing college students’ choice of major. College Student Journal, 42(2), 381-394.
  4. Chapman, D.W. (1981). A Model of Student College Choice, The Journal of Higher Education, 52(5), 490-505.
  5. Chính phủ (2018). Quyết định Số 986/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030” của Thủ tướng Chính phủ, ban hành ngày 08/8/2018.
  6. Hair, J. F., Black, W. C., Babin, B. J., & Anderson, R.E. (2010). Multivariate Data Anlysis. 7th ed. Upper Saddle River, New Jersey: Prentice Hall.
  7. Hoàng Trọng & Chu Nguyễn Mộng Ngọc (2013). Phân tích dữ liệu với SPSS, tập 1, NXB Đại học Kinh tế.
  8. Huỳnh Gia Xuyên (2020). Lý do chọn Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh để học đại học hình thức đào tạo từ xa, Tạp chí khoa học Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh, 15(4), 54-65.
  9. Kim, D., Markham, F.S. & Cangelos, J.D. (2002). Why students pursue the business degree: A comparison of business majors across universities. Journal of Education for Business, 78(1), 28-32.
  10. Kniveton, B.H. (2004). The influences and motivations on which students base their choice of career. Research in Education, 72, 47-57.
  11. Kotler, P. (2011). Philip Kotler's Contributions to Marketing Theory and Practice, Malhotra, N.K. (Ed.) Review of Marketing Research: Special Issue - Marketing Legends (Review of Marketing Research, Vol. 8). Bingley: Emerald Group Publishing Limited.
  12. Nguyễn Minh Hà, Huỳnh Gia Xuyên, Huỳnh Thị Kim Tuyết (2011). Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến việc sinh viên chọn Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh, Tạp chí khoa học Trường Đại học Mở TP Hồ Chí Minh, 6(3), 97-107.
  13. Worthington, A. & Higgs, H. (2003). Factors explaining the choice of a finance major the role of students’ characteristics, personality and perceptions of the profession. Accounting Education, 12, 261-281.

FACTORS AFFECTING THE STUDENT’S DECISION

IN CHOOSING TO STUDY THE FINANCE - BANKING PROGRAM

OF HO CHI MINH CITY OPEN UNIVERSITY 

• Master. PHAN NGOC THUY NHU

• Ph.D NGUYEN KIM PHUOC

Ho Chi Minh City Open University

ABSTRACT:

After graduating from the high school, choosing a right field of study and a good higher educational institution are important decisions for each student. This study is to examine the factors affecting the student’s decision in choosing to study the finance - banking program of Ho Chi Minh City Open University. This study employed the behavioral theory, the theory of reasoned action and the theory of individual decision-making to propose a research model. Based on the study’s findings, some recommendations are made to help Ho Chi Minh City Open University attract more students in the coming time.

Keyword: student, finance and banking sector, university, Ho Chi Minh City Open University.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 1, tháng 1 năm 2021]