TÓM TẮT:
Nghiên cứu đã nhận diện và đo lường mức độ ảnh hưởng của các yếu tố ảnh hưởng đến rủi ro tín dụng của khách hàng doanh nghiệp (KHDN) tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Trà Vinh (BIDV Trà Vinh). Kết quả mô hình hồi quy Binary logistic cho thấy rủi ro tín dụng của KHDN vay vốn tại BIDV Trà Vinh bị ảnh hưởng bởi các yếu tố được sắp xếp theo mức độ từ cao đến thấp lần lượt là: lịch sử vay vốn, kiểm tra giám sát khoản vay, xếp hạng doanh nghiệp, kinh nghiệm của cán bộ tín dụng, ROA, nợ phải trả/vốn chủ sở hữu, loại hình doanh nghiệp. Điều này cho thấy BIDV Trà Vinh cần quan tâm đến các chỉ tiêu trên để đánh giá khả năng trả nợ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, các chỉ tiêu thường có mối liên hệ mật thiết với nhau, nên BIDV Trà Vinh cần xem xét các tiêu chí khác, như: dư nợ tín dụng/tổng tài sản, nợ xấu/tổng dư nợ, tỷ lệ nợ quá hạn, khả năng bù đắp rủi ro,…
Từ khóa: BIDV Trà Vinh, khách hàng doanh nghiệp, rủi ro tín dụng.
1. Đặt vấn đề
Nhận thức và quản lý rủi ro hoạt động ngân hàng nói chung và BIDV Trà Vinh nói riêng đang là vấn đề cấp thiết. BIDV Trà Vinh là một chi nhánh ngân hàng lớn tại tỉnh Trà Vinh được thành lập từ năm 1992. Tính đến ngày 31/12/2022, các chỉ tiêu kinh doanh của BIDV Trà Vinh đều đạt kế hoạch của Hội sở chính (HSC) giao: Tổng tài sản đạt 5.415 tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2021; Tổng nguồn vốn huy động đạt 4.622 tỷ đồng, tăng 8,88%; Tổng dư nợ tín dụng đạt 5.561 tỷ đồng, tăng 8,63%. Nguồn vốn tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo hướng bền vững, dư nợ bán lẻ chiếm tỷ trọng 63,33% và dư nợ bán buôn chiếm tỷ trọng 36,67%. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát ở mức 0,32%, giảm 0,59% so với năm 2021, thực hiện trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định. Lợi nhuận đạt 156 tỷ đồng, vượt kế hoạch do HSC giao. Các sản phẩm, dịch vụ của Ngân hàng luôn đảm bảo an toàn, hiệu quả, dễ tiếp cận, tính bảo mật cao, không ngừng cải tiến, đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục, giảm bớt phiền hà cho khách hàng vay vốn nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay, qua đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, hoạt động tín dụng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro với nợ nhóm 2 là 100 tỷ đồng (trong đó, KHDN là 85,6 tỷ đồng), nợ xấu là 18 tỷ đồng (trong đó, KHDN là 6,3 tỷ đồng). Hoạt động tín dụng đã và đang là một trong những hoạt động kinh doanh chính mang lại thu nhập chủ yếu cho BIDV Trà Vinh. Tuy nhiên, tín dụng là sự đánh đổi giữa rủi ro và lợi nhuận trong hoạt động kinh doanh của BIDV Trà Vinh. Quản trị rủi ro tín dụng tốt tức là tối ưu hóa sự đánh đổi giữa rủi ro tín dụng và khả năng sinh lời từ hoạt động tín dụng của BIDV Trà Vinh. Thực tiễn hoạt động tín dụng của BIDV Trà Vinh trong thời gian qua cũng cho thấy rủi ro tín dụng trong cho vay chưa được kiểm soát một cách hiệu quả. Chính vì vậy, yêu cầu cấp bách đặt ra là rủi ro tín dụng phải được quản lý và kiểm soát chặt chẽ để hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro có thể xảy ra, giảm thiểu các thiệt hại phát sinh từ rủi ro tín dụng và tăng lợi nhuận cho BIDV, góp phần nâng cao uy tín và tạo ra lợi thế của BIDV Trà Vinh trong cạnh tranh. Vì vậy, việc nhận diện và phân tích “Các nhân tố ảnh hưởng đến rủi ro tín dụng khách hàng doanh nghiệp tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Trà Vinh” nhằm phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến rủi ro tín dụng của KHDN tại BIDV Trà Vinh và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tín dụng KHDN tại đây là hết sức cần thiết.
2. Cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu
2.1. Cơ sở lý thuyết
2.1.1. Khái niệm rủi ro tín dụng
Theo Fitch (1997): “Tủi ro tín dụng là loại rủi ro xảy ra khi người vay không thanh toán được nợ theo thỏa thuận hợp đồng dẫn đến sai hẹn trong nghĩa vụ trả nợ. Cùng với rủi ro lãi suất, rủi ro tín dụng là một trong những rủi ro chủ yếu trong hoạt động cho vay của ngân hàng”.
Heffernan (1996) lại cho rằng, rủi ro tín dụng là loại rủi ro trong đó một tài sản hoặc một khoản vay không thể thu hồi lại được do không trả nợ đúng hạn, hoặc trì hoãn việc hoàn trả khoản vay. Rủi ro tín dụng cũng có thể được hiểu là khi một nhóm khách hàng quan trọng trì hoãn việc trả nợ dẫn tới một khoản tổn thất rất lớn và do đó có thể dẫn đến tình trạng mất thanh khoản của ngân hàng (Bessis, 2002). Rủi ro tín dụng có thể phát sinh từ những khoản nợ quá hạn của khách hàng vay vốn và điều này có thể dẫn đến việc mất khả năng thanh toán, hoặc việc không sẵn sàng thanh toán cho khoản vay khi đến hạn (Allen và Saunders, 2002).
Jorion (2009) lập luận rằng, cơ chế dẫn đến rủi ro tín dụng xuất phát từ tính không chắc chắn về khả năng của người vay trong việc thực hiện các nghĩa vụ quy định trong hợp đồng tín dụng. Kết quả không chắc chắn hình thành nên những tổn thất do khách hàng vay không trả được nợ, hoặc sự giảm sút chất lượng tín dụng của khoản vay. Nói một cách khác, rủi ro tín dụng là khả năng người vay không thực hiện, hay thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ trả nợ. Đây được xem như là tổn thất kinh tế do bên đối tác không thể thực hiện đầy đủ nghĩa vụ được quy định trong hợp đồng tín dụng được ký kết giữa các bên.
Tại Việt Nam, theo Thông tư số 11/2021/TT-NHNN ngày 30/07/2021 giải thích rõ “Rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng là khả năng xảy ra tổn thất đối với nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài do khách hàng không có khả năng trả được một phần hoặc toàn bộ nợ của mình theo hợp đồng hoặc thỏa thuận với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”.
2.1.2. Nguyên nhân dẫn đến rủi ro tín dụng
Theo Ghosh (2012), “có nhiều nguyên nhân dẫn đến rủi ro tín dụng, bao gồm nguyên nhân bên ngoài và bên trong ngân hàng. Các nguyên nhân phổ biến từ phía NHTM có thể kể đến như: quyết định tín dụng quá dễ dàng, quản trị tín dụng kém hiệu quả, những sự kiện bất ngờ không lường trước được và sự ngoan cố không trả nợ xuất phát từ phía khách hàng. Các yếu tố bên ngoài bắt nguồn từ sự suy yếu của kinh tế vĩ mô, tình trạng xấu đi của các điều kiện kinh tế và sự phát triển kém của thị trường bên ngoài. Mối quan hệ nghịch chiều từ điều kiện kinh tế vĩ mô ảnh hưởng đến người đi vay, khi nó làm suy giảm nguồn thu nhập và tăng khả năng không trả được nợ của họ. Các yếu tố bên ngoài như sự thay đổi của chính sách tài khóa, cung tiền, chính sách xuất nhập khẩu, chính sách hạn chế thương mại hoặc sự biến đổi của thị trường tài chính cũng sẽ ảnh hưởng đến danh mục tín dụng của ngân hàng”.
Các yếu tố bên ngoài ảnh hưởng có thể dẫn tới suy thoái kinh tế, trong suốt thời kỳ khủng hoảng, hoạt động nền kinh tế bị chậm lại, sản lượng và doanh thu của doanh nghiệp suy giảm, cầu về hàng hóa dịch vụ thấp hơn. Sự biến động của thị trường cũng làm ảnh hưởng đến suy giảm giá trị danh mục tín dụng của ngân hàng. Ngược lại, trong thời kỳ bùng nổ của nền kinh tế, số lượng sản phẩm được tạo ra nhiều hơn, nhu cầu hàng hóa dịch vụ cao hơn, doanh nghiệp thu được nhiều lợi nhuận hơn. Như vậy, người đi vay sẽ dễ dàng trả nợ cho ngân hàng và rủi ro vỡ nợ giảm xuống. Trong thời kỳ suy thoái, rủi ro tín dụng tăng lên và ngược lại trong thời kỳ bùng nổ, rủi ro tín dụng giảm đi (Ghosh, 2012).
Theo Ghosh (2012), “những yếu tố nội bộ từ phía người đi vay và việc kinh doanh của họ là những yếu tố ảnh hưởng đến rủi ro tín dụng của ngân hàng. Các yếu tố như rủi ro kinh doanh, quản trị tài chính, hạn chế về quy trình kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý, quản lý hàng tồn kho kém là một trong những yếu tố phổ biến làm suy giảm hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm, làm suy giảm trong thu nhập của người đi vay, tăng xác suất vỡ nợ. Bên cạnh đó, sự thiếu trung thực, thái độ phi đạo đức của người đi vay cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra rủi ro tín dụng. Như vậy, nguyên nhân từ các yếu tố bên ngoài hoặc bên trong, từ phía người đi vay có tác động đến rủi ro tín dụng. Ngoài ra, các nguyên nhân như hiệu quả của hệ thống pháp luật, môi trường kinh tế, chính trị ảnh hưởng đến việc cấp tín dụng”.
Các chỉ tiêu để đo lường rủi ro tín dụng (RRTD) là:
Tỷ lệ nợ xấu: Tỷ lệ nợ xấu = Nợ xấu/Dư nợ tín dụng
Đây là “chỉ tiêu quan trọng để đo lường RRTD của NHTM. Tỷ lệ nợ xấu càng cao thì RRTD càng lớn. Nguy cơ khách hàng không trả được nợ cho ngân hàng rất lớn, ngân hàng có thể mất vốn, suy giảm doanh thu và lợi nhuận” (Ghosh, 2012).
2.2. Phương pháp nghiên cứu
2.2.1. Phương pháp thu thập số liệu thứ cấp
Số liệu thứ cấp được thu thập từ các báo cáo tại BIDV Trà Vinh trong giai đoạn 2020 - 2022. Bên cạnh đó, tác giả còn sử dụng số liệu từ các báo cáo chuyên đề, các tạp chí khoa học đã được công bố, các bài báo có liên quan đến đề tài trên internet.
2.2.2. Phương pháp thu thập số liệu sơ cấp
- Phương pháp xác định cỡ mẫu: Theo Tabachnick & Fidell (1996), kích thước mẫu tối thiểu cần đạt trong phân tích hồi quy được tính theo công thức: n > 8m + 50, trong đó: n: kích thước mẫu; m: số biến độc lập đưa vào mô hình nghiên cứu. Trong mô hình đề xuất có 9 biến độc lập nên kích thước mẫu tối thiểu là 122 quan sát. Do đó, kích thước mẫu được chọn là 140 KHDN, đủ đại diện để thực hiện phân tích thống kê.
- Phương pháp khảo sát số liệu sơ cấp: Số liệu được thu thập tại BIDV Trà Vinh. Hồ sơ tín dụng của KHDN được thu thập ngẫu nhiên từ danh sách hồ sơ KHDN có hợp đồng tín dụng và còn dư nợ đến ngày 31/12/2022. Tổng số 140 hồ sơ được chọn để thu thập các thông tin cần thiết cho mô hình. Các thông tin cần thu thập bao gồm: khả năng tài chính doanh nghiệp, quy mô doanh nghiệp, xếp hạng doanh nghiệp, lịch sử tín dụng, cán bộ tín dụng (CBTD) thẩm định,… được thu thập từ hồ sơ vay của doanh nghiệp. Dữ liệu được thu thập để kiểm định mô hình nghiên cứu gồm 140 quan sát được chọn lọc từ tổng thể tính đến thời điểm ngày 31/12/2022, số khách hàng còn dư nợ tín dụng tại BIDV Trà Vinh là 359 quan sát. Mẫu được chọn từ tổng thể với bước nhảy là 1 từ danh sách KHDN. Dữ liệu có được từ thông tin trên hồ sơ tín dụng của từng KHDN, trong đó những doanh nghiệp chưa phát sinh kỳ hạn trả nợ gốc và lãi được loại khỏi mẫu nghiên cứu.
2.2.3. Phương pháp phân tích số liệu
a. Phương pháp định tính
Nghiên cứu định tính được sử dụng trong phần nghiên cứu sơ bộ, thông qua phương pháp phỏng vấn khách hàng vay vốn tại BIDV Trà Vinh, hỏi ý kiến chuyên gia: Ban lãnh đạo BIDV Trà Vinh (như GĐ Chi nhánh, PGĐ Chi nhánh và các Trưởng, Phó phòng) để tìm ra các yếu tố ảnh hưởng đến RRTD của KHDN.
Thông tin thu thập từ nghiên cứu định tính được tổng hợp, thống kê và phân tích nhằm xây dựng, điều chỉnh và bổ sung các yếu tố ảnh hưởng đến RRTD của KHDN.
Nguồn dữ liệu về RRTD của KHDN để tổng hợp lý thuyết phục vụ cho nghiên cứu được lấy từ những bài báo được công bố trên các tạp chí chính thống trong nước và ngoài nước.
b. Phương pháp định lượng
Để tìm ra và đo lường mức độ tác động của từng yếu tố ảnh hưởng đến RRTD của KHDN tại BIDV Trà Vinh, đề tài sử dụng mô hình hồi quy Binary logistic nhị phân.
Mô hình hồi quy Binary logistic có dạng như sau:
Ln [p/(1-p)] = b0 + b1KNGHIEM + b2NOPT + b3ROA + b4QUYMO + b5XEPHANG
+ b6LSU + b7KNCBTD + b8TSĐB + b9KTGS + ε
Trong đó:
Biến Y là biến phụ thuộc thể hiện RRTD của KHDN tại BIDV Trà Vinh (nhận giá trị 1 nếu có RRTD và nhận giá trị 0 nếu không RRTD). Một hồ sơ khách hàng bất kỳ có thể phân loại vào 1 trong 5 nhóm nợ (phân loại theo Thông tư số 11/2021/TT-NHNN ngày 30/7/2021 của NHNN Việt Nam). Đề tài nghiên cứu này sử dụng mô hình Binary logistic nhị phân dùng để phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến RRTD (nhận giá trị 1 có rủi ro đối với các hồ sơ nợ nhóm 2 đến nhóm 5; nhận giá trị 0 đối với các hồ sơ nợ nhóm 1 không có RRTD xảy ra).
Các biến KNGHIEM, NOPT, ROA, QUYMO, XEPHANG, LSU, KNCBTD, TSĐB, KTGS là các biến độc lập.
2.2.4. Giả thuyết nghiên cứu
H1: Kinh nghiệm của người đứng đầu doanh nghiệp tương quan nghịch với RRTD.
H2: Nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp tương quan thuận với RRTD.
H3: ROA của doanh nghiệp tương quan nghịch với RRTD.
H4: Nếu doanh nghiệp có quy mô vừa thì RRTD thấp hơn doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ.
H5: Nếu doanh nghiệp xếp hạng tín dụng hạng A thì RRTD thấp hơn so với doanh nghiệp xếp hạng khác.
H6: Nếu doanh nghiệp có lịch sử trả nợ từng bị chuyển quá hạn thì RRTD cao hơn so với doanh nghiệp chưa từng bị quá hạn.
H7: Nếu doanh nghiệp do CBTD có kinh nghiệm từ 3 năm trở xuống trực tiếp thẩm định thì RRTD cao hơn so với doanh nghiệp do CBTD có kinh nghiệm trên 3 năm.
H8: Nếu tỷ lệ giá trị tài sản bảo đảm trên tổng dư nợ tương quan nghịch với RRTD.
H9: Nếu doanh nghiệp được ngân hàng kiểm tra, giám sát từ 2 lần/năm trở xuống thì RRTD cao hơn so với doanh nghiệp được ngân hàng kiểm tra giám sát từ 3 lần trở lên.
3. Kết quả và đánh giá
Tác giả đã thực hiện các kiểm định đa cộng tuyến và phương sai sai số thay đổi cho thấy không có hiện tượng đa cộng tuyến và phương sai sai số thay đổi trong mô hình.
Kết quả ước lượng mô hình hồi quy Binary logistic như sau:
Bảng 1. Kết quả mô hình hồi quy Binary logistic
(Ghi chú: ***, ** lần lượt là mức ý nghĩa 1%, 5%)
Nguồn: Kết quả chạy số liệu bằng phần mềm thống kê
Kết quả Bảng 1 cho thấy:
- Giá trị kiểm định LR chi2 = 75,56; Prob > chi2 = 0,0000 < 0,01, chứng tỏ mô hình có mức ý nghĩa rất cao ở mức 1%.
- Tỷ lệ dự báo đúng của mô hình hồi quy Binary logistic là 78,57%. Điều đó chứng tỏ mô hình nghiên cứu được lựa chọn phù hợp.
- Có 3 biến có ý nghĩa thống kê với mức ý nghĩa 1% và 4 biến có ý nghĩa thống kê với mức ý nghĩa 5%. Trong đó, RRTD của KHDN vay vốn tại BIDV Trà Vinh bị ảnh hưởng bởi các yếu tố được sắp xếp theo mức độ từ cao đến thấp lần lượt là: “lịch sử vay vốn, kiểm tra giám sát khoản vay, xếp hạng doanh nghiệp, kinh nghiệm của CBTD, ROA, nợ phải trả/vốn chủ sở hữu, loại hình doanh nghiệp”. Còn lại biến Kinh nghiệm của người đứng đầu doanh nghiệp và giá trị tài sản bảo đảm/tổng dư nợ không có ý nghĩa về mặt thống kê trong mô hình nghiên cứu. Trong điều kiện các yếu tố khác không đổi, sự thay đổi của từng yếu tố sẽ tác động đến RRTD của KHDN vay vốn tại BIDV Trà Vinh.
Lịch sử vay vốn (LSU): Hệ số tương quan dương ở mức ý nghĩa 1%, nghĩa là khi doanh nghiệp có lịch sử vay vốn đã từng chuyển nợ quá hạn thì RRTD sẽ cao hơn so với các doanh nghiệp chưa từng bị nợ quá hạn. Theo Phan Đình Khôi và Nguyễn Việt Thành (2017), “lịch sử vay vốn tác động thuận chiều đến RRTD, các khách hàng đã từng bị nợ quá hạn có nhiều khả năng tái diễn nợ quá hạn cho món vay tiếp theo”. Kết quả này trùng với kết quả nghiên cứu của Lê Khương Ninh và Lâm Thị Bích Ngọc (2012), Đỗ Năng Thắng và Nguyễn Văn Huân (2019); Phan Đình Khôi & ctg (2017). Trong các điều kiện khác không đổi, nếu các doanh nghiệp từng bị chuyển nợ quá hạn có xác suất xảy ra RRTD cao hơn các doanh nghiệp chưa từng bị chuyển nợ quá hạn là 36,1%.
Kiểm tra, giám sát khoản vay (KTGS): Hệ số tương quan âm ở mức ý nghĩa 1%, nghĩa là khi doanh nghiệp được ngân hàng kiểm tra, giám sát từ 2 lần/năm trở xuống thì RRTD sẽ cao hơn so với các doanh nghiệp được ngân hàng kiểm tra, giám sát trên 2 lần/năm. Kết quả này tương đồng với nghiên cứu của Phan Đình Khôi và Nguyễn Việt Thành (2017), Trương Đông Lộc và Nguyễn Thị Tuyết (2011). Theo Bùi Hữu Phước và Ngô Văn Toàn (2017), khi số lần kiểm tra, giám sát tăng thì RRTD giảm. Trong các điều kiện khác không đổi, nếu các doanh nghiệp được ngân hàng kiểm tra, giám sát từ 2 lần/năm trở xuống có xác suất xảy ra RRTD cao hơn các doanh nghiệp được ngân hàng kiểm tra, giám sát trên 2 lần/năm là 32,8%.
Xếp hạng doanh nghiệp (XEPHANG): Hệ số tương quan dương ở mức ý nghĩa 5%, nghĩa là khi doanh nghiệp thuộc nhóm A thì RRTD sẽ thấp hơn so với các doanh nghiệp thuộc nhóm khác. Kết quả này đúng với kỳ vọng của tác giả và tương đồng với nghiên cứu của Lê Khương Ninh và Lâm Thị Bích Ngọc (2012), các doanh nghiệp xếp hạng A có RRTD xảy ra thấp hơn các doanh nghiệp khác, đó là do các doanh nghiệp được xếp hạng tín dụng cao (từ hạng A trở lên) thường có kết quả kinh doanh tốt, nên đủ khả năng trả nợ. Trong các điều kiện khác không đổi, nếu các doanh nghiệp xếp hạng A có xác suất xảy ra RRTD thấp hơn các doanh nghiệp được xếp hạng khác là 25,4%.
Kinh nghiệm của CBTD (KNCBTD): Hệ số tương quan dương ở mức ý nghĩa 5%, nghĩa là khi doanh nghiệp do CBTD có kinh nghiệm làm việc từ 3 năm trở xuống trực tiếp thẩm định thì RRTD sẽ cao hơn so với các doanh nghiệp do CBTD có kinh nghiệm làm việc trên 3 năm trực tiếp thẩm định cho vay. Kết quả này đúng với kỳ vọng của tác giả và tương đồng với nghiên cứu của Bùi Hữu Phước và Ngô Văn Toàn (2017), Trương Đông Lộc và Nguyễn Thị Tuyết (2011). Theo Lê Khương Ninh và Lâm Thị Bích Ngọc (2012), “các doanh nghiệp được thẩm định bởi các CBTD có kinh nghiệm làm việc càng cao thì RRTD càng thấp. Trong các điều kiện khác không đổi, nếu các doanh nghiệp được thẩm định bởi CBTD có thâm niên làm việc từ 3 năm trở xuống có xác suất xảy ra RRTD cao hơn các doanh nghiệp được thẩm định bởi CBTD có thâm niên làm việc trên 3 năm là 24,2%”.
ROA (Lợi nhuận ròng trên tổng tài sản): Hệ số tương quan âm ở mức ý nghĩa 1%, nghĩa là khi doanh nghiệp có ROA càng lớn thì RRTD càng thấp. Kết quả này đúng với kỳ vọng của tác giả và tương đồng với nghiên cứu của Đỗ Năng Thắng và Nguyễn Văn Huân (2019); Miyamoto (2014). Theo Lê Khương Ninh và Lâm Thị Bích Ngọc (2012), “ROA của doanh nghiệp càng tăng thì RRTR càng giảm”. Trong các điều kiện khác không đổi, nếu các doanh nghiệp có ROA tăng 1% thì xác suất xảy ra RRTD giảm 4,9%.
Nợ phải trả/vốn chủ sở hữu: Hệ số tương quan dương ở mức ý nghĩa 5%, nghĩa là khi doanh nghiệp có nợ phải trả/vốn chủ sở hữu càng tăng thì RRTD càng tăng. Kết quả này đúng với kỳ vọng của tác giả và tương đồng với nghiên cứu của Lê Khương Ninh và Lâm Thị Bích Ngọc (2012). Trong các điều kiện khác không đổi, nếu các doanh nghiệp có nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu tăng 1 lần thì xác suất xảy ra RRTD của doanh nghiệp tăng 2,7%.
Loại hình doanh nghiệp (QUYMO): Hệ số tương quan âm ở mức ý nghĩa 5%, nghĩa là doanh nghiệp có quy mô vừa có mức độ RRTD thấp hơn so với doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Kết quả này đúng với kỳ vọng của tác giả và tương đồng với nghiên cứu của Lê Khương Ninh và Lâm Thị Bích Ngọc (2012). Trong các điều kiện khác không đổi, nếu doanh nghiệp quy mô vừa có xác suất xảy ra RRTD thấp hơn doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ 25,9%.
Tóm lại, qua kết quả mô hình hồi quy Binary logistic ta thấy RRTD của KHDN vay vốn tại BIDV Trà Vinh bị ảnh hưởng bởi các yếu tố được sắp xếp theo mức độ từ cao đến thấp lần lượt là: “lịch sử vay vốn, kiểm tra giám sát khoản vay, xếp hạng doanh nghiệp, kinh nghiệm của CBTD, ROA, nợ phải trả/vốn chủ sở hữu, loại hình doanh nghiệp”. Còn lại biến Kinh nghiệm của người đứng đầu doanh nghiệp và giá trị tài sản bảo đảm/tổng dư nợ không có ý nghĩa về mặt thống kê trong mô hình nghiên cứu. Trong điều kiện các yếu tố khác không đổi, sự thay đổi của từng yếu tố sẽ tác động đến RRTD của KHDN vay vốn tại BIDV Trà Vinh.
4. Hàm ý quản trị
Thứ nhất, năng lực tài chính khách hàng: BIDV Trà Vinh cần mở các lớp tập huấn và đánh giá, phân tích khả năng tài chính của khách hàng, cần hoàn thiện các chương trình chấm điểm khách hàng.
Thứ hai, kinh nghiệm CBTD: Tăng cường mở các lớp huấn luyện và đào tạo CBTD, luân chuyển cán bộ giữa các vị trí công tác nhằm nâng cao khả năng thích ứng và am hiểu đối với từng nghiệp vụ của BIDV, mở các buổi tọa đàm, trao đổi chia sẻ kinh nghiệm giữa CBTD trong toàn chi nhánh và mở rộng ra các tỉnh.
Thứ ba, kiểm tra, giám sát vốn vay: CBTD cần tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình sử dụng vốn của khách hàng, thu thập chứng từ hóa đơn và các tài liệu chứng minh mục đích sử dụng vốn vay của khách hàng. Chấp hành và tuân thủ đúng quy định kiểm tra giám sát sử dụng vốn vay tối thiểu 3 tháng/lần và kiểm tra tài sản bảo đảm 6 tháng/lần. Nếu phát hiện khách hàng sử dụng vốn sai mục đích, CBTD cần báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý.
Thứ tư, lịch sử tín dụng: Khách hàng cần trả nợ gốc và lãi đúng thời hạn theo đúng quy định trong hợp đồng tín dụng nhằm tránh lịch sử tín dụng xấu trên CIC. BIDV Trà Vinh cần tăng cường quản lý dư nợ của KHDN, nhắc nợ gốc, lãi, trước ít nhất 10 ngày qua tin nhắn SMS hoặc gọi điện thoại, nhằm giúp khách hàng chuẩn bị tài chính để hoàn thành nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi với ngân hàng.
Thứ năm, loại hình doanh nghiệp: BIDV Trà Vinh cần sử dụng hiệu quả hệ thống thông tin đánh giá khách hàng để phục vụ công tác thẩm định và giám sát sử dụng vốn vay, thu hồi nợ và trong hoạt động xếp hạng tín dụng nội bộ. Đánh giá đúng và đầy đủ năng lực tài chính cũng như quy mô doanh nghiệp. Tăng cường giám sát chặt chẽ nguồn thu nhập chính để trả nợ từ doanh nghiệp.
Thứ sáu, xếp hạng doanh nghiệp: Hoàn thiện công tác thu thập và xử lý thông tin cho công tác xếp hạng tín dụng: Cán bộ tín dụng phải tăng cường việc khai thác và xử lý thông tin từ nhiều nguồn; khai thác triệt để nguồn thông tin do trung tâm CIC cung cấp. Ngân hàng cần lập một tổ hoặc phòng ban riêng chuyên phụ trách về công tác thu thập, nghiên cứu, phân tích và dự báo thông tin. Để thực hiện tốt việc thu thập và lưu giữ thông tin, ban này phải được trang bị đầy đủ các thiết bị hiện đại. Các cán bộ làm việc tại phòng có nhiệm vụ chuyên thu thập các thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, sau đó thực hiện xử lý và lưu giữ chúng. Những thông tin mà cán bộ tín dụng thu thập trong quá trình thẩm định doanh nghiệp cũng sẽ lưu trữ tại đây. Do vậy, thông tin không những đầy đủ, cập nhật, mà còn được lưu trữ một cách khoa học, hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ tín dụng trong việc tìm kiếm. Ngoài ra, nâng cao chất lượng công tác tổ chức phân tích, xếp hạng tín dụng doanh nghiệp vay vốn: chuyên môn hoóa theo các khâu của quy trình tín dụng; nâng cao khả năng quản lý, giám sát chặt chẽ công tác phân tích, đánh giá, xếp hạng tín dụng doanh nghiệp vay vốn. Hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu phân tích: xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng mới áp dụng riêng đối với doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ; điều chỉnh tỷ trọng của bộ chỉ tiêu áp dụng đối với doanh nghiệp phù hợp trong từng lĩnh vực.
Thứ bảy, nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu: BIDV Trà Vinh cần xem xét, đánh giá kỹ tỷ lệ nợ (và một số chỉ số tài chính khác) để quyết định có cho doanh nghiệp vay hay không. Tuy nhiên, việc sử dụng nợ cũng có ưu điểm, đó là chi phí lãi vay sẽ được trừ vào thuế thu nhập doanh nghiệp, doanh nghiệp phải cân nhắc giữa rủi ro về tài chính và ưu điểm của vay nợ để đảm bảo một tỷ lệ hợp lý nhất.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Lê Khương Ninh & Lâm Thị Bích Ngọc (2012). Rủi ro tín dụng trong cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam ở đồng bằng sông Cửu Long, Tạp chí Công nghệ ngân hàng, (73), 3-12.
- Bùi Hữu Phước, Ngô Thành Danh và Ngô Văn Toàn (2017). Các yếu tố ảnh hưởng đến rủi ro tín dụng tại Ngân hàng Ngoại thương chi nhánh Kiên Giang, Tạp chí Ngân hàng, (98), 132-144.
- Đỗ Năng Thắng và Nguyễn Văn Huân (2019). Đề xuất cảnh báo rủi ro trong cho vay khách hàng doanh nghiệp của ngân hàng thương mại ở Việt Nam, Tạp Chí Khoa học thương mại, (131), 55-63.
- Allen, L., & Saunders, A. (2002), A survey of cyclical effects in credit risk measurement models, BIS Working Papers, Monetary and Economic Department, 2-27.
- Bessis, J. (2002), Risk Management in Banking, John Willey & Sons.Inc., New York, 3-11.
- Ghosh, A. (2012), Managing risks in commercial and retail banking, John Wiley & Sons, 79-110.
- Heffernan, K. (1996), Eating disorders and weight concern among lesbians, International Journal of Eating Disorders, 19(2), 127-138.
- Jorion, P. (2009), Risk management lessons from the credit crisis, European Financial Management, 15(5), 923-933.
- Miyamoto, M. (2014). Credit risk assessment for a small bank by using a multinomial logistic regression model. International Journal of Finance and Accounting, 3(5), 327-334.
FACTORS AFFECTING THE CREDIT RISK
OF CORPORATE CUSTOMERS AT THE BIDV
- TRA VINH PROVINCE BRANCH
• Ph.D LAM THI MY LAN1
• NGUYEN HOANG LONG2
1Dean, Faculty of Business Administration
School of Economics and Law, Tra Vinh University
2School of Economics and Law, Tra Vinh University
ABSTRACT:
This study identifies and measures the impacts of factors affecting the credit risk of corporate customers at the Joint Stock Commercial Bank for Investment and Development of Vietnam (BIDV) - Tra Vinh Province Branch. The study’s Binary logistic regression model shows that the credit risk of BIDV - Tra Vinh Province Branch’s corporate customers is affected by seven factors. These factors, listed in the descending order of impacting level, are: borrowing history, loan monitoring, business rating, experience of credit officer, return on assets ratio, liabilities to equity ratio, and type of business. It implies that it is necessary for BIDV - Tra Vinh Province Branch to pay attention to these factors to assess the debt repayment ability of small and medium-sized enterprises. However, as these factors are often closely related to each other, the bank needs to consider other criteria such as the credit balance to total assets ratio, the non-performing loan to total outstanding loan ratio, the overdue debt ratio, and the risk compensation ability.
Keywords: BIDV - Tra Vinh Province Branch, corporate customers, credit risk.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 5 tháng 3 năm 2023]