Các nhân tố ảnh hưởng đến ý định áp dụng kế toán quản trị môi trườngtại doanh nghiệp sản xuất, xây lắp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

ThS. PHẠM VĂN CÀ - ThS. NGUYỄN THỊ PHÚC (Khoa Kinh tế - Luật, Trường Đại học Trà Vinh) - ThS. PHAN THỊ KIỀU (Cục Thống kê tỉnh Trà Vinh)

TÓM TẮT:

Bài nghiên cứu kiểm định mối liên hệ giữa các nhân tố đến ý định áp dụng kế toán quản trị môi trường (KTQTMT) tại doanh nghiệp sản xuất, xây lắp (DNSX, XL) khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Kết quả cho thấy, áp lực từ các bên có liên quan, chiến lược môi trường, nhận thức của nhà quản trị, nhận thức về sự biến động của môi trường kinh doanh, trình độ của nhân viên kế toán, nhận thức về lợi ích vận dụng có ảnh hưởng trực tiếp và cùng chiều đến ý định áp dụng KTQTMT. Ngoài ra, biến động môi trường kinh doanh còn có ảnh hưởng gián tiếp đến ý định áp dụng KTQTMT thông qua vai trò trung gian của áp lực từ các bên có liên quan và chiến lược môi trường.

Từ khóa: Kế toán quản trị môi trường, áp lực từ các bên có liên quan, sản xuất xây lắp.

1. Đặt vấn đề

Môi trường là một vấn đề mang tính thời sự, nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Áp lực về các vấn đề môi trường phát sinh từ hoạt động sản suất, kinh doanh buộc nhà quản trị doanh nghiệp phải sử dụng gia tăng các công cụ, để quản lý hoạt động môi trường trong đó có KTQTMT. KTQTMT (Environmental Management Accounting - EMA) là một bộ phận của hệ thống kế toán doanh nghiệp với chức năng giúp cho nhà quản trị doanh nghiệp trong việc ra các quyết định kinh doanh cải thiện được hiệu quả kinh tế và môi trường, đồng thời giúp doanh nghiệp kiểm soát chi phí để đạt được lợi ích kinh tế - môi trường tốt nhất. Như vậy, với các lý do nêu trên, đề tài nghiên cứu: Các nhân tố ảnh hưởng đến ý định vận dụng KTQTMT tại  DNSX,XL: Trường hợp cho các tỉnh ĐBSCL” thực sự thiết thực và cần thiết.

2. Cở sở lý thuyết

2.1. Khái niệm kế toán quản trị môi trường

Theo Staniskis và Staiskiene (2006), "KTQTMT  là một trong những công cụ hiệu quả hỗ trợ thực hiện các sáng kiến đổi mới, hỗ trợ thực hiện hệ thống quản lý môi trường, giúp xây dựng các thông tin môi trường cho doanh nghiệp và lựa chọn các chỉ tiêu về hiệu quả hoạt động môi trường".

2.2. Các nhân tố ảnh hưởng đến ý định áp dụng KTQTMT

(1) Áp lực từ các bên có liên quan: Là việc các tổ chức phải chịu các sức ép chính thức hoặc không chính thức từ các thể chế quyền lực bên ngoài, khiến các tổ chức phải thay đổi hệ thống và quy trình thủ tục để tuân thủ các quy định liên quan đến môi trường và trách nhiệm xã hội [4]. Ngoài ra, doanh nghiệp chịu áp lực từ vấn đề tuân thủ các chuẩn mực kế toán, các quy định, nguyên tắc và đạo đức nghề nghiệp theo luật kế toán [1].

(2) Chiến lược môi trường (CLMT): Là một kế hoạch tổng thể liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội của tổ chức, tuân thủ quy định về môi trường theo hệ thống kiểm soát, xây dựng các giải pháp bảo vệ môi trường, định hướng việc cung cấp sản phẩm thân thiện với môi trường và đạt được các chứng nhận về môi trường. Do vậy, CLMT sẽ có ảnh hưởng đến việc áp dụng KTQTMT. Các nghiên cứu thực nghiệm đã phát hiện ảnh hưởng của CLMT đến việc thực hiện KTQTMT, như nghiên cứu của Ferreira và cộng sự (2010), Katherine và cộng sự (2013) và Al Kisher (2013).

(3) Nhận thức của nhà quản trị: Các nghiên cứu thực nghiệm của Premkumar và Potter (1995) về nhận thức của nhà điều hành thể hiện trách nhiệm đối với môi trường song hành với giảm thiểu chi phí và tiết kiệm nguồn lực cho doanh nghiệp. Nhà quản lý thể hiện sự quyết tâm triển khai áp dụng KTQTMT với các nội dung cơ bản gồm hoạch định chính sách, mục tiêu, cam kết về môi trường, đồng thời chuẩn bị đầy đủ và kịp thời các nguồn lực về tài chính lẫn con người. Các nghiên cứu của Hoàng Thị Bích Ngọc (2017, Al Kisher (2013) đều phát hiện rằng nhận thức của nhà quản trị ảnh hưởng thuận chiều tới việc áp dụng KTQTMT.

(4) Nhận thức về sự biến động của môi trường kinh doanh (MTKD): Là mức độ doanh nghiệp không thể kiểm soát và dự đoán chính xác các trạng thái trong tương lai về biến động của MTKD [3].

(5) Trình độ của nhân viên kế toán: KTQTMT về cơ bản gồm trình tự thu thập, xử lý và cung cấp thông tin được thực hiện như kế toán quản trị truyền thống, nhưng đòi hỏi kỹ thuật và phương pháp xử lý có sự khác biệt. Do vậy, để đảm bảo thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của mình, kế toán viên phải có trình độ kiến thức chuyên môn và kỹ thuật xử lý linh hoạt.

(6) Nhận thức về lợi ích vận dụng KTQTMT: KTQTMT không chỉ giúp cải thiện hình ảnh của tổ chức mà còn gia tăng mối quan hệ với cộng đồng và các bên liên quan, tuân thủ pháp luật về môi trường tránh được những khoản phạt, khoản bồi thường và khắc phục sự cố môi trường (IAFC, 2005).

2.3. Mô hình và giả thuyết nghiên cứu

Thông qua tổng quan cơ sở lý thuyết và các nghiên cứu trước, tác giả tiến hành tổng kết các nhân tố ảnh hưởng đến ý định áp dụng KTQTMT. Mô hình nghiên cứu này xem xét cả ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp của các biến độc lập (Biến X) đến biến phụ thuộc (Biến Y). Trong đó, nếu biến X1, X2 cùng ảnh hưởng đến Y và biến X1 ảnh hưởng đến biến X2, thì biến X1 vừa có ảnh hưởng trực tiếp đến Y, vừa có ảnh hưởng gián tiếp đến Y thông qua vai trò trung gian của biến X2 (Nguyễn Đình Thọ, 2013).

Hình 1: Mô hình nghiên cứu đề xuất

Mô hình nghiên cứu đề xuất

3. Phương pháp nghiên cứu

3.1. Nguồn dữ liệu

Bài nghiên cứu sử dụng số liệu thu thập thông qua khảo sát trực tiếp 250 DNSX, XL khu vực ĐBSCL. Đối tượng khảo sát là những cá nhân có sự am hiểu về các thông tin liên quan đến KTQTMT, kế toán tài chính trong doanh nghiệp, bao gồm: Kế toán trưởng, kế toán tổng hợp, kế toán quản trị, giám đốc tài chính, trưởng bộ phận kiểm soát nội bộ.

3.2. Phương pháp xử lý số liệu

Dữ liệu thu thập được xử lí trên SPSS 20 và AMOS 20 thông qua 5 bước gồm: (1) Làm sạch dữ liệu thu thập, (2) kiểm định độ tin cậy thang đo thông qua Cronbach’s Alpha, (3) phân tích nhân tố khám phá EFA, (4) phân tích nhân tố khẳng định CFA và (5) kiểm định giả thuyết nghiên cứu bằng mô hình cấu trúc tuyến tính SEM.

4. Kết quả nghiên cứu

4.1. Thống kê mô tả

Kết quả khảo sát cho thấy các DN có quy mô tài sản từ 20 - 50 tỷ chiếm 7,6%; 22% DN có quy mô tài sản từ 50 - 100 tỷ và có 8% DN có quy mô tài sản trên 100 tỷ, dưới 20 tỷ có 62,4%.

Đối với thời gian hoạt động cho thấy đa phần dưới 10 năm trở lại chiếm 67,2%, từ 10 - 15 năm chiếm 18,4% và chỉ có 14,4% trên 15 năm thâm niên hoạt động. Bên cạnh đó, kết quả khảo sát về loại hình sở hữu cho thấy chủ yếu công ty TNHH, công ty cổ phần không có vốn nhà nước chiếm 68%, chỉ có 1,6% DN nhà nước, và công ty TNHH, công ty cổ phần có vốn nhà nước chiếm 10,8%, còn lại loại hình khác chiếm 12,8%. Đối với lĩnh vực kinh doanh, các DN trong mẫu nghiên cứu chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chiếm 11,2%; lĩnh vực khai khoáng chiếm 36,4%, lĩnh vực khác như xây dựng, xây lắp chiếm 48,8%.

4.2. Kiểm định thang đo

Kết quả cuối cùng gồm có 39 biến quan sát cho 7 thang đo được đưa vào phân tích nhân tố khẳng định.

Bảng 1. Kiểm định thang đo

Kiểm định thang đo

Nguồn: Tổng hợp kết quả nghiên cứu, 2019

4.3. Phân tích nhân tố khám phá EFA

Bảng 2. Kết quả kiểm định KMO và Bartlett's

Kết quả kiểm định KMO và Bartlett's

Nguồn: Kết quả xử lý, 2019

Kết quả phân tích nhân tố khám phá cho thấy hệ số KMO = 0,839 với giá trị Sig. = 0,000, các hệ số tải nhân tố đều lớn hơn 0,5 và chênh lệch giữa các hệ số tải nhân tố giữa các biến đều nhỏ hơn 0,3; giá trị Eigenvalues dừng ở nhân tố thứ 7 là 1,27 > 1 và tổng phương sai trích = 71,48% > 50%. Vì vậy, kết quả phân tích nhân tố khám phá là phù hợp.

4.4. Phân tích nhân tố khẳng định CFA

Sau quá trình phân tích nhân tố khám phá, có 7 khái niệm với 39 biến quan sát sẽ được tiếp tục đưa vào phân tích nhân tố khẳng định. Các tiêu chuẩn được sử dụng trong nghiên cứu này khi thực hiện phân tích CFA là: CMIN/df < 3, TLI, CFI > 0,9 và RMSEA < 0,08 (Nguyễn Đình Thọ, 2013) nhằm đánh giá mô hình có phù hợp với dữ liệu thị trường hay không. Kết quả phân tích CFA của mô hình tới hạn cho thấy các chỉ số đều đạt yêu cầu đặt ra. Cụ thể, CMIN/df = 1,134 < 3; TLI = 0,931, CFI= 0,937 đều lớn hơn 0,9 và RMSEA = 0,023 < 0,08.

4.5. Đánh giá sự phù hợp của mô hình bằng mô hình cấu trúc tuyến tính

Sau khi phân tích CFA đạt yêu cầu, nghiên cứu tiến hành kiểm định mô hình lý thuyết theo mô hình cấu trúc SEM. Kết quả kiểm định mô hình cấu trúc SEM cho thấy mô hình có df = 692 bậc tự do, Chi-Square = 818,950; TLI = 0,905; CFI = 0,912; như vậy, các chỉ số này đều lớn hơn 0,9; chỉ số RMSEA = 0,027 < 0,08 và CMIN/df  = 1,183 < 3; P = 0,000. Kết quả này cho thấy mô hình lý thuyết phù hợp với dữ liệu nghiên cứu. Các hệ số ước lượng trong mô hình cấu trúc SEM đều dương, điều này thể hiện các mối quan hệ cùng chiều giữa các biến với ý định áp dụng EMA. Tất cả các mối quan hệ này đều có ý nghĩa thống kê ở mức ý nghĩa 5%.

Hình 2: Mô hình cấu trúc tuyến tính SEM đã chuẩn hóa

Mô hình cấu trúc tuyến tính SEM đã chuẩn hóa

Nguồn: Kết quả xử lý của tác giả, 2019

4.6. Kiểm định mối quan hệ nhân quả giữa các khái niệm trong mô hình

Bảng 3. Kiểm định mối quan hệ giả thuyết giữa các khái niệm

trong mô hình

Kiểm định thang đo

Nguồn: Kết quả xử lý của tác giả, 2019

Kết quả ước lượng hệ số β chuẩn hóa được cho như Bảng 3. Trong đó hệ số β chuẩn hóa cao nhất thuộc về mối quan hệ giữa CLMT và Lợi ích khi vận dụng KTQTMT (β chuẩn hóa = 0,381). Tiếp theo là hệ số b chuẩn hóa của mối quan hệ giữa CLMT và Biến động MTKD (β chuẩn hóa = 0,319). Xét theo mối quan hệ giữa các nhân tố với ý định áp dụng KTQTMT thì CLMT và MTKD là 2 nhân tố có ảnh hưởng mạnh nhất đến KTQTMT do các hệ số b chuẩn hóa là cao nhất. Các hệ số này lần lượt là 0,260 và 0,114.

5. Thảo luận kết quả và các hàm ý

Thứ nhất, áp lực từ các bên có liên quan: Kết quả phân tích hồi quy trong mô hình cấu trúc SEM cho thấy áp lực từ các bên có liên quan có ảnh hưởng cùng chiều và đáng kể đến ý định áp dụng KTQTMT (b chuẩn hóa = 0,193). Thực tế cho thấy khi một đơn vị thành viên áp dụng KTQTMT được cho thành công hoặc uy tín so với những thành viên khác, áp lực về nhận thức sẽ tạo ra động cơ để các đơn vị khác áp dụng. Như vậy, việc tạo ra luồng thông tin trao đổi giữa các doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực kinh doanh có thể là cách thức để gia tăng áp lực ý định áp dụng KTQTMT.

Thứ hai, CLMT: Kết quả nghiên cứu cho biết CLMT có ảnh hưởng mạnh nhất đến ý định thực hiện KTQTMT tại DNSX,XL ở các khu vực ĐBSCL (b chuẩn hóa = 0,260). Kết quả này hàm ý rằng, CLMT là biến số quan trọng nhất góp phần thực hiện KTQTMT tại DNSX,XL ở  khu vực ĐBSCL. Như vậy để gia tăng ý định áp dụng KTQTMT, trước hết doanh nghiệp cần phải đặt ra các mục tiêu và chính sách chung về môi trường song song việc cung cấp các sản phẩm thân thiện với môi trường, cam kết tuân thủ các quy định về môi trường và đưa ra các giải pháp quản lý và bảo vệ môi trường.

Thứ ba, nhận thức của nhà quản trị: Biến nhận thức của nhà quản trị có ảnh hưởng cùng chiều đến ý định áp dụng KTQTMT tại các DNSX,XL (b chuẩn hóa = 0,184), kết quả nghiên cứu là phù hợp với Al Kisher (2013). Thực vậy, nhận thức của nhà quản trị được xem là yếu tố ảnh hưởng đến ý định áp dụng KTQTMT. Bởi nhà quản trị là người có thẩm quyền trong việc ra các quyết định, người nằm bắt toàn bộ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, họ quyết định các mục tiêu được đề xuất cũng như các chính sách được thực thi.

Thứ tư, biến động MTKD: Kết quả nghiên cứu cho thấy nhận thức về sự biến động của MTKD đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thực hiện KTQTMT (b chuẩn hóa = 0,117). Mặt khác, ngoài ảnh hưởng trực tiếp thì nhận thức về sự biến động của MTKD còn có ảnh hưởng gián tiếp đến ý định áp dụng KTQTMT, thông qua vai trò trung gian của nhân tố CLMT. Điều này hàm ý rằng, nhận thức về sự biến động của MTKD ảnh hưởng đến CLMT, tiếp theo CLMT ảnh hưởng đến ý định áp dụng KTQTMT.

Thứ năm, trình độ nhân viên kế toán: Kết quả nghiên cứu cho thấy, nếu trình độ của nhân viên càng cao thì ý định thực hiện KTQTMT sẽ gia tăng (b chuẩn hóa = 0,114). Điều này hàm ý rằng muốn gia tăng ý định áp dụng KTQTMT thì các DNSX,XL khu vực ĐBSCL cần chú trọng công tác đào tạo trình độ chuyên môn nghiệp vụ về thực hiện KTQTMT cho đội ngũ nhân viên.

6. Kết luận

Phát hiện của nghiên cứu này cho thấy có mối quan hệ cùng chiều và có ý nghĩa thống kê giữa tất cả các biến đến ý định áp dụng KTQTMT tại các DNSX,XL khu vực ĐBSCL. Các kết quả cũng có thể được sử dụng để cung cấp thông tin cho nhà quản trị hoặc người ra quyết định, để xem xét ý định thực hiện KTQTMT, nhằm gia tăng lợi ích kinh tế, phát triển bền vững và thể hiện trách nhiệm xã hội.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Al Kisher, Al Tohami Otman (2013). Factors influencing environment management accounting adoption in oil and manufacturing firms in Libya (Doctoral dissertation, University Utara Malaysia).

2. Bennett, M. and James, P. (2000), The Green Bottom Line: Environmental Accounting for Management: Current Practice and Future Trends, 2nd ed., Greenleaf Publishing, Sheffield.

3. Hoàng Thị Bích Ngọc (2017), KTQTMT trong các doanh nghiệp chế biến dầu khí thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Luận án tiến sĩ Kinh tế, Trường Đại học Thương mại.

4. Nguyễn Thị Hằng Nga (2018), Các nhân tố ảnh hưởng đến thực hiện KTQTMT tại các doanh nghiệp sản xuất ở Việt Nam: Nghiên cứu các tỉnh khu vực phía Nam, Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.

5. Nguyễn Thị Nga (2017), KTQTMT trong các doanh nghiệp sản xuất thép tại Việt Nam, Luận án Kế toán, Trường Đại học Kinh tế quốc dân.

FACTORS AFFECTING THE INTENTION OF DOING

ENVIRONMENTAL MANAGEMENT ACCOUNTING AT

CONSTRUCTION AND MANUFACTURING

ENTERPRISES IN THE MEKONG DELTA

● Master. PHAM VAN CA

● Master. NGUYEN THI PHUC

Faculty of Economics and Law, Tra Vinh University

● Master. PHAN THI KIEU

Department of Statistics - Tra Vinh Province

ABSTRACT:

This research is to examine the relationship among factors related to the intention of doing environmental management accounting at construction and manufacturing enterprises in the Mekong Delta. The research’s results show that the pressure from stakeholders, the environmental strategy, management's perceptions, the awareness of business cycles, the qualification of accountants and the awareness of benefits have a direct and positive effect on the intention of doing environmental management accounting. In addition, the awareness of business cycles also has an indirect effect on the intention of doing environmental management accounting through the intermediary role of pressure from stakeholders and environmental strategy.

Keywords: Environmental management accounting, stakeholders’ pressure, manufacturing and construction.