Các nhân tố tác động đến công tác quản lý tài chính tại doanh nghiệp vừa và nhỏ trong xây dựng

TS. NGUYỄN TỐ TÂM (Khoa Quản trị Kinh doanh - Trường Đại học Điện lực) và TRẦN LÊ HUY (Học viên cao học Trường Đại học Điện lực)

TÓM TẮT:

Bài viết tìm hiểu về các nhân tố tác động đến công tác quản lý tài chính (QLTC) trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) trong xây dựng. Nghiên cứu được thực hiện thông qua tổng hợp các nghiên cứu trước về công tác quản lý tài chính, phân tích đặc điểm DNVVN trong xây dựng. Từ đó, nhóm tác giả xác định các nhân tố tác động đến công tác quản lý tài chính của các DNVVN trong xây dựng là cơ sở để các nhà quản trị doanh nghiệp xem xét khi đưa ra các quyết định tài chính.

Từ khóa: Quản lý tài chính, doanh nghiệp vừa và nhỏ trong xây dựng.

1. Giới thiệu

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, các doanh nghiệp cần được đối xử bình đẳng trên một sân chơi chung, “mạnh thắng, yếu thua” là quy luật tất yếu của nền kinh tế nhiều cơ hội nhưng cũng đầy thách thức. Sự đào thải khắc nghiệt ấy đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải xem xét thận trọng từng bước đi, từng yếu tố ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của mình, trong đó “tài chính” là vấn đề quan trọng hàng đầu, có tính chất quyết định đến sự tồn tại, phát triển hay suy vong của một doanh nghiệp. Một doanh nghiệp phát triển và thành công trong kinh doanh bao giờ cũng phải đi kèm với tình hình tài chính vững mạnh và hiệu quả, bởi lẽ để hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đạt hiệu quả thì nhà quản lý cần nhanh chóng nắm bắt được những tín hiệu của thị trường, xác định đúng nhu cầu và sử dụng vốn hợp lý đạt hiệu quả cao nhất và những điều thiết yếu đó chỉ có được trong công tác quản lý tài chính doanh nghiệp. Như vậy, công tác quản lý tài chính là khâu vô cùng quan trọng trong hệ thống quản lý doanh nghiệp.

Năm 2016, ngành Xây dựng của nước ta có triển vọng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tập trung chủ yếu từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Trung Quốc, EU, Hoa Kỳ và Canada. Trong đó, Nhật Bản được dự đoán là một trong những nhà đầu tư hàng đầu vào nước ta. Bởi chính đặc điểm này sẽ thúc đẩy các nhà đầu tư vừa và nhỏ chuyển đầu tư từ Trung Quốc hoặc Thái Lan sang nước ta. Từ nay tới năm 2020, Việt Nam cần thu hút khoảng 202.000 tỷ đồng/năm để phát triển hạ tầng giao thông vận tải và khoảng 125.000 tỷ đồng/năm cho các dự án hạ tầng điện.

Để ngành Xây dựng có thể tận dụng hiệu quả những cơ hội sẽ đến trong những năm tới, các doanh nghiệp cần học hỏi và phát triển, sử dụng công cụ quản trị hiện đại để tăng sức cạnh tranh. Với các DNVVN trong ngành Xây dựng, công tác quản lý tài chính công ty cũng phải đổi mới để có thể tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường và tận dụng thời cơ để phát triển doanh nghiệp lớn mạnh, giảm thiểu rủi ro tài chính.

Bài viết tập trung làm rõ các nhân tố ảnh hưởng đến công tác quản lý tài chính trong các DNVVN trong lĩnh vực xây dựng, để từ đó tạo cơ sở cho nhà quản trị doanh nghiệp khi đưa ra các quyết định tài chính.

2. Tổng quan nghiên cứu

Một số nghiên cứu trong nước và quốc tế về quản lý tài chính hoặc các nhân tố tác động đến quản lý tài chính, như:

Theo Nguyễn Thị Minh (2014) chỉ ra các nhân tố tác động đến kết quả quản lý tài chính của DNVVN trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Nghiên cứu đã chỉ ra năm yếu tố chính thuộc quá trình quản lý tài chính nhằm đạt được mục tiêu tối đa hóa giá trị tài sản cho các chủ sở hữu trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa đó là: lựa chọn cơ hội đầu tư, tổ chức huy động vốn, quản lý chi phí và hạch toán chi phí, phân tích tài chính và hoạch định tài chính, phân phối lợi nhuận và tái đầu tư. Tác giả chỉ ra kết quả quản lý tài chính của DNNVV trên 4 phương diện, gồm: (1) các tỷ số thanh khoản (đánh giá năng lực thanh toán), (2) các chỉ số hoạt động (đánh giá năng lực kinh doanh), (3) các tỷ số đòn bẩy - cân nợ (đánh giá năng lực cân đối vốn), và (4) các chỉ số về lợi nhuận (đánh giá năng lực thu lợi). Từ đó, đề xuất 4 mô hình phù hợp trong quản lý tài chính theo kết quả tài chính.

Phan Hồng Mai (2012) đề cập vấn đề quản lý tài sản, nhân tố ảnh hưởng và thực trạng quản lý tài sản tại 104 công ty cổ phần thuộc ngành Xây dựng niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội từ năm 2006 đến năm 2010. Luận án đã đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường quản lý tài sản như: Đánh giá tác động của quản lý tài sản tới ROA, ROE và chỉ số Z; ứng dụng mô hình Miller - Orr để quản lý quỹ; giải pháp về nguồn nhân lực, huy động vốn,…

Fredrick K.N (2016) đề cập đến ba nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả tài chính trong các DNVVN tại Kenya là: Quản trị doanh nghiệp, nguồn nhân lực và tiếp cận nguồn vốn. Trong đó, tiếp cận nguồn vốn cho hoạt động có ảnh hưởng quyết định đến hiệu quả hoạt động của các DNVVN. Việc tiếp cận nguồn vốn từ phía các tổ chức tín dụng dễ dàng sẽ làm tăng hiệu quả tài chính và giảm chi phí sử dụng vốn cho DNVVN. Việc quản trị công ty cần có những quy định của chính phủ để từ đó tăng cường hiệu quả tài chính trong các DNVVN.

3. Cơ sở lý luận về quản lý tài chính trong doanh nghiệp vừa và nhỏ ngành Xây dựng

3.1. Doanh nghiệp vừa và nhỏ ngành Xây dựng

Doanh nghiệp vừa và nhỏ là cơ sở kinh doanh đã đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật, được chia thành ba cấp: siêu nhỏ, nhỏ, vừa theo quy mô tổng nguồn vốn (tổng nguồn vốn tương đương tổng tài sản được xác định trong bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp) hoặc số lao động bình quân năm (tổng nguồn vốn là tiêu chí ưu tiên) (Chính phủ, 2009). Trong ngành Công nghiệp và Xây dựng, DNVVN được xác định như sau:

Theo thống kê, ngoài 500.000 DNVVN, cả nước còn có khoảng 3 triệu hộ kinh doanh thương mại. Thực tế các DNVVN ở Việt Nam có quy mô rất nhỏ. Doanh nghiệp vừa có số vốn từ 20 - 100 tỷ đồng (tương đương 1 - 5 triệu USD) sử dụng cao nhất 300 lao động; còn doanh nghiệp nhỏ chỉ có vốn nhiều nhất 20 tỷ đồng, sử dụng nhiều nhất 200 lao động… Dù vậy, các DNVVN, đặc biệt ở khu vực tư nhân có hiệu quả đầu tư khá cao so với các khu vực khác. Các DNVVN không chỉ đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế của đất nước mà còn giúp tạo ra hơn một triệu việc làm mới mỗi năm cho số lao động phần lớn chưa qua đào tạo; góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng cường an sinh xã hội… Hiện các doanh nghiệp này sử dụng trên 50% lao động xã hội VINASME (2011).

Các DNVVN có quy mô nhỏ, ít vốn, nhạy cảm với những biến động của thị trường, số lượng và chất lượng lao động trong DNVVN thấp. Xuất phát từ nguồn gốc hình thành, tính chất, quy mô,… các nhà quản trị DNVVN thường nắm bắt, bao quát và quán xuyến hầu hết các mặt của hoạt động kinh doanh trong doanh nghiệp.

3.2. Quản lý tài chính doanh nghiệp vừa và nhỏ

Đối với DNVVN, do đặc điểm về kinh tế, kỹ thuật, tổ chức và quản lý có những nét đặc thù so với doanh nghiệp lớn nên quản lý tài chính DNVVN cũng có những nét riêng biệt.

Do quy mô sản xuất kinh doanh không lớn, tài chính hạn chế và sản phẩm tiêu thụ không nhiều nên các DNVVN khó thu hút được các nhà quản lý giỏi, thường không có giám đốc tài chính trong doanh nghiệp. Với doanh nghiệp nhỏ thì đơn vị kế toán và tài chính thường có chuyên môn thấp, mang tính đa nhiệm. Doanh nghiệp không thực hiện đầy đủ các nội dung quản lý tài chính dẫn đến quản lý kém, hiệu quả hoạt động không tốt. Các hạn chế trong quản lý tài chính là một trong các nguyên nhân khiến hầu hết các DNVVN rất khó nhận được các khoản vay từ ngân hàng thương mại.

Các nội dung cơ bản trong công tác quản lý tài chính DNVVN gồm: Quản lý nguồn vốn sản xuất kinh doanh, quản lý doanh thu, quản lý chi phí, quản lý lợi nhuận và phân phối lợi nhuận.

3.3. Đặc điểm của doanh nghiệp vừa và nhỏ lĩnh vực xây dựng

Ngành kinh doanh xây dựng có đặc điểm chính là:

(i) Điều kiện và tình hình sản xuất trong xây dựng thiếu tính ổn định, luôn biến động theo địa bàn và giai đoạn thi công. Đặc điểm này gây khó khăn cho việc tổ chức sản xuất, làm phát sinh nhiều chi phí cho khâu di chuyển lực lượng sản xuất, đòi hỏi các tổ chức xây dựng phải chú ý tính cơ động, linh hoạt và gọn nhẹ về mặt trang bị tài sản cố định sản xuất, đội ngũ lao động cũng như các yếu tố đầu vào khác.

(ii) Quá trình sản xuất xây dựng rất phức tạp, các đơn vị tham gia xây dựng công trình phải đến công trường thi công với diện tích có hạn để thực hiện phần việc của mình theo một trình tự nhất định về thời gian và không gian. Đặc điểm này đòi hỏi các tổ chức phải có trình độ phối hợp cao trong sản xuất, coi trọng công tác chuẩn bị và thiết kế tổ chức thi công, phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức xây dựng tổng thầu hay thầu chính và các tổ chức thầu phụ.

(iii) Chu kỳ sản xuất (thời gian thi công công trình xây dựng) thường rất dài, chịu ảnh hưởng rất lớn về khí hậu, thời tiết. Điều này làm cho vốn đầu tư xây dựng công trình và vốn sản xuất của doanh nghiệp xây dựng thường bị ứ đọng lâu dài tại công trình đang được xây dựng. Các tổ chức xây dựng thường dễ gặp phải rủi ro ngẫu nhiên theo thời gian, công trình xây dựng xong dễ bị hao mòn vô hình do tiến bộ của khoa học công nghệ. Sản xuất xây dựng phải tiến hành theo đơn đặt hàng cho từng trường hợp cụ thể thông qua hình thức ký kết hợp đồng sau khi trúng thầu vì sản phẩm xây dựng rất đa dạng có tính cá biệt cao, chi phí lớn. Điều này có nghĩa quá trình mua bán xảy ra trước lúc bắt đầu sản xuất. Sản xuất xây dựng chịu ảnh hưởng rất lớn của lợi nhuận chênh lệch do điều kiện của địa điểm xây dựng đem lại. Cùng một loại xây dựng nhưng nếu nó được đặt ở nơi có sẵn nguồn nguyên liệu, nhân công, thì người nhận thầu có nhiều cơ hội giảm bớt chi phi sản xuất và thu được lợi nhuận cao hơn.

(iv) Việc tiêu thụ sản phẩm xây dựng được tiến hành trực tiếp giữa người mua và người bán, không qua khâu trung gian. Quá trình cung và cầu xây dựng xảy ra tương đối không liên tục như các ngành khác. Thị trường xây dựng phụ thuộc chặt chẽ vào thị trường đầu tư, nhất là lãi suất tín dụng để đầu tư và vào mức thu lợi đạt được của đầu tư. Trong xây dựng không có giá cả thống nhất cho sản phẩm toàn vẹn. Chính sách và chiến lược giá cả của chủ thầu xây dựng thường khó linh hoạt.

3.4. Đặc điểm công tác quản lý tài chính trong doanh nghiệp vừa và ngành Xây dựng

Các DNVVN trong lĩnh vực xây dựng có nhu cầu về vốn lớn, vốn dùng để mua sắm về tài sản cố định như máy móc, các thiết bị vận chuyển, dây chuyền sản xuất,… Vốn dưới dạng dự trữ nguyên liệu, vật liệu; sản phẩm đang chế tạo, bán thành phẩm; ứng trước tiền lương lao động; hình thức như mua bán trả chậm, hàng đổi hàng hay liên doanh liên kết giữa các đối tác.

Chu kỳ kinh doanh dài nên vốn tuần hoàn không liên tục, chỉ hoàn thành luân chuyển sau một chu kỳ kinh doanh, giá trị dịch chuyển vào sản phẩm mới ở cuối chu kỳ. Vấn đề huy động vốn của DNVVN có nhiều hạn chế do các nguyên nhân: rất ít người sáng lập doanh nghiệp có đủ 100% vốn để đầu tư vào doanh nghiệp của mình nên phải huy động từ các kênh khác, cơ sở vật chất còn yếu kém không đáp ứng đủ các điều kiện vay vốn của ngân hàng.

Ngành Xây dựng có nhiều tài sản cố định hữu hình nên sử dụng nhiều nợ vay do có nhu cầu về vốnlớn. Lĩnh vực xây dựng là lĩnh vực đặc thù. Số lượng khách hàng tuy ít nhưng doanh thu trên một khách hàng là rất lớn. Với các doanh nghiệp khác khi mất một, hai khách hàng hoặc một vài khách hàng không thanh toán theo đúng tiến độ thì mức độ ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp không nhiều. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp xây dựng thì chỉ một vài khách hàng từ bỏ, hoặc không thiện chí thanh toán có thể gây ra thiệt hại nặng nề thậm chí đẩy doanh nghiệp vào tình trạng phá sản.

Sự vận động của các quy luật kinh tế thị trường trong xây dựng cơ bản có một số đặc điểm khác với các ngành khác nên chiến lược marketing về sản phẩm, về giá, về tiêu thụ, cạnh tranh, chiến lược thị trường cũng có những đặc điểm riêng biệt.

4. Một số nhân tố ảnh hưởng đến công tác quản lý tài chính của doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành Xây dựng

4.1. Nhân tố khách quan

Các nhân tố khách quan ảnh hưởng đến công tác quản lý tài chính của DNVVN trong ngành Xây dựng gồm:

Thứ nhất, môi trường kinh tế vĩ mô.

Môi trường kinh tế vĩ mô đang thay đổi rất nhanh và thậm chí sẽ còn thay đổi nhanh hơn sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Hiện đã tồn tại tình trạng cạnh tranh khốc liệt: quá trình toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại đang đe dọa tất cả các ngành kinh doanh. Đối với các DNVVN trong lĩnh vực xây dựng thì càng bị ảnh hưởng lớn, do sức ảnh hưởng còn hạn chế, năng lực thị trường còn non kém…

Hiện nay vấn đề tác động nhanh, mạnh đến doanh nghiệp là lãi suất và lạm phát. Lãi suất và lạm phát cao đang trở thành một gánh nặng cho doanh nghiệp nói chung và DNVVN nói riêng. Thực tế, DNNVV rất thiếu vốn sản xuất kinh doanh. Dù Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thực hiện các biện pháp điều chỉnh chính sách tiền tệ để kiểm soát hoạt động của các tổ chức tín dụng theo hướng tập trung phục vụ các nhu cầu vốn đối với các DNVVN, lãi suất đã giảm, nhưng việc tiếp cận mức lãi suất thấp còn khó khăn, phần lớn doanh nghiệp vẫn phải chi trả lãi suất cao hơn mức niêm yết của các ngân hàng. Ngay cả khi tiếp cận được vốn vay lãi suất cao, thời gian vay vốn ngắn khiến các doanh nghiệp khó quay vòng. Theo báo cáo của Hiệp hội DNNVV Việt Nam, năm 2015, chỉ có khoảng gần 40% DN vay vốn được từ các ngân hàng, nhưng phần lớn ở mức lãi suất cao (Nguyễn Thị Quỳnh, 2016).

Thứ hai, pháp luật và chính sách nhà nước.

Chính phủ đã triển khai các chính sách, chương trình hỗ trợ vốn cho các DNVVN như bảo lãnh tín dụng và hỗ trợ tín dụng. Tuy nhiên, khó khăn nhất cho các DNVVN là thiếu vốn cho sản xuất, kinh doanh. Điều kiện vay vốn hiện nay chưa phù hợp với DNVVN, rất ít các DN đáp ứng được điều kiện không được nợ thuế quá hạn, không nợ lãi suất quá hạn.

Thứ ba, môi trường thuế và quy định về khấu hao tài sản cố định.

Đối với DNVVN, nếu thu nhập chịu thuế thấp sẽ tiết kiệm được thuế, do vậy các doanh nghiệp có xu hướng đưa khấu hao và lãi vay lớn vào chi phí để tiết kiệm thuế, tuy nhiên, chi phí lãi vay và khấu hao lại bị hạn chế vởi các quy định của Nhà nước. Trong khi đó, doanh nghiệp xây dựng lại sở hữu rất nhiều tài sản cố định có giá trị lớn. Điều này gây khó khăn không nhỏ cho các DNVVN trong ngành Xây dựng và việc quản lý thuế của Nhà nước.

Thứ tư, môi trường tài chính.

Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp xây dựng cần rất nhiều vốn, thậm chí thiếu hụt vốn trong thời gian dài. Do đó, doanh nghiệp cần tìm nguồn tài trợ để bù đắp thiếu hụt nhằm đảm bảo cho hoạt động xây dựng được liên tục và hoàn thành đúng thời hạn.

4.2. Các nhân tố chủ quan

Các nhân tố chủ quan ảnh hưởng đến công tác quản lý tài chính của DNVVN trong ngành Xây dựng gồm:

Thứ nhất, quản trị doanh nghiệp.

Mỗi doanh nghiệp có quy mô, hình thức khác nhau sẽ có phương pháp quản trị khác nhau. Ở những DNVVN, công tác tài chính thường do các nhân viên kế toán đảm nhiệm mà không có các phòng ban quản lý tài chính riêng biệt chuyên nghiệp. Bộ phận kiểm tra độc lập thiếu vắng do vấn đề chi phí, nhân sự.

Thứ hai, ảnh hưởng của tính thời vụ và chu kỳ sản xuất kinh doanh.

Tính thời vụ và chu kỳ sản xuất kinh doanh có ảnh hưởng trước hết đến nhu cầu vốn sử dụng và doanh thu tiêu thụ sản phẩm. Sản phẩm xây dựng mang tính riêng lẻ, đơn chiếc. Mỗi sản phẩm xấy lắp có yêu cầu về mặt thiết kế kỹ thuật, kết cấu, hình thức, địa điểm xây dựng khác nhau. Sản phẩm xây dựng có giá trị lớn, kết cấu phức tạp, thời gian thi công kéo dài. Trong quá trình xây dựng chưa tạo ra sản phẩm cho xã hội nhưng lại sử dụng nhiều vật tư, nhân lực, vốn. Do đó, việc quản lý đòi hỏi phải lập dự toán thiết kế và thi công để theo dõi, kiểm tra quá trình sản xuất, thi công, đảm bảo sử dụng vốn tiết kiệm đảm bảo chất lượng công trình.

Sản xuất xây dựng thường diễn ra ngoài trời, chịu sự tác động trực tiếp của thiên nhiên, thời tiết nên việc thi công ở mức độ nào đó mang tính thời vụ. Do đặc điểm này, trong quá trình thi công cần quản lý lao động, vật tư chặt chẽ, thi công nhanh, đúng tiến độ khi điều kiện môi trường, thời tiết thuận lợi. Trong điều kiện thời tiết không thuận lợi ảnh hưởng đến chất lượng công trình có thể phải đi làm lại và các thiệt hại phát sinh do ngừng sản xuất. doanh nghiệp cần có chế độ điều độ cho phù hợp, nhằm tiết kiệm chi phí, hạ giá thành.

Thứ ba, mục tiêu của doanh nghiệp.

Mục tiêu của doanh nghiệp trong từng giai đoạn phát triển quyết định đến công tác quản lý tài chính của doanh nghiệp. Đối với DNVVN, việc chưa xác định được mục tiêu cụ thể dẫn đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh thấp, hàng tồn kho lớn, không tận dụng được về mặt quy mô, dẫn đến chi phí kinh doanh cao, công tác quản lý gặp khó khăn. Do đó, doanh nghiệp có quy mô nhỏ sẽ phải chịu những ảnh hưởng rất lớn.

Thứ tư, uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp.

Uy tín của doanh nghiệp có tác động không nhỏ đến công tác quản lý tài chính doanh nghiệp. Một doanh nghiệp có uy tín, thương hiệu tốt sẽ có nhiều thuận lợi trong công tác huy động vốn, tiêu thụ sản phẩm và ngược lại, một doanh nghiệp có uy tín, thương hiệu kém sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là đối với các doanh nghiệp xây dựng, một ngành hoạt động liên quan trực tiếp đến môi trường, an toàn tính mạng con người.

Thứ năm, năng lực người quản lý doanh nghiệp.

Điều đáng chú ý là đa số các chủ DNVVN, ngay cả những người có trình độ học vấn từ cao đẳng và đại học trở lên cũng ít người được đào tạo về kiến thức kinh tế và quản trị doanh nghiệp, các lớp về pháp luật trong kinh doanh..., điều này có ảnh hưởng lớn đến việc lập chiến lược phát triển, định hướng kinh doanh và quản lý, phòng tránh các rủi ro pháp lý của các doanh nghiệp Việt Nam. Trong ngành Xây dựng, các nội dung về quy định pháp lý, vấn đề hoạch định, dự toán, đấu thầu, thi công, môi trường, con người cần được quan tâm nhiều hơn.

5. Kết luận

Đối với các DNVVN, công tác quản lý tài chính được xác định chịu tác động của các nhân tố khách quan và chủ quan. Các nhân tố được nhà quản trị doanh nghiệp vận dụng trong quá trình ra quyết định nhằm đảm bảo có được nguồn vốn phù hợp với cơ cấu vốn, chi phí sử dụng vốn thấp, giảm thiểu rủi ro trong công tác quản lý tài chính, điều hành hoạt động doanh nghiệp trong lĩnh vực nhiều rủi ro.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Chính phủ (2009), Nghị định số 56/2009/NĐ-CP, ban hành ngày 30/6/2009, Điều 3, Chương 1.

2. Fredrick Kangala Nakhaima (2016), Factors that affect financial performance of small and medium enterprises in Kenya, Project report of United State International University - Africa.

3. Phan Hồng Mai (2012), Quản lý tài sản tại các công ty cổ phần ngành xây dựng niêm yết ở Việt Nam, Luận án tiến sỹ kinh tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

4. Nguyễn Thị Quỳnh, Nguyễn Thị Dung, Nguyễn Thanh Tú (2016), Chính sách tài chính hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Thực trạng và một số kiến nghị, Tạp chí Tài chính kỳ 2 số tháng 6/2016.

5. Nguyễn Thị Minh (2014), Quản lý tài chính DNVVN trên địa bàn Hà Nội, Luận án Tiến sỹ, Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội.

6. VINASME (2011), Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Báo cáo tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, ngày 10 - 11/01/2011.

FACTORS AFFECTING FINANCIAL MANAGEMENT

IN SMALL AND MEDIUM ENTERPRISES IN CONSTRUCTION

● PhD. NGUYEN TO TAM

Faculty of Business Administration – Electric power university

● TRAN LE HUY

Post graduate student – Electric power university

ABSTRACT:

The article explores the factors that influence the financial management of small and medium enterprises (SME) in construction. The study was conducted through the synthesis of previous studies on financial management and the analysis of SME characteristics in construction. From that point of view, the authors identify factors that influence the financial management of SMEs in construction as a basis for business executives to consider when making financial decisions.

Keywords: Financial management, small and medium enterprises in construction.