Các yếu tố ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng trong hoạt động kinh doanh xăng dầu tại thành phố Hồ Chí Minh

LÊ NGỌC (Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL))

TÓM TẮT:

Mục tiêu của bài báo là nghiên cứu các yếu tố bên trong ảnh hưởng đến kết quả hoạt động chuỗi cung ứng xăng dầu tại Công ty Kinh doanh Xăng dầu đóng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Mô hình nghiên cứu đề xuất bao gồm các yếu tố: độ tin cậy (Reliability), tính linh hoạt (Flexibility), quản lý tài sản (Assets management), quản lý tồn kho (Inventory Management), thời gian (Time). Từ các kết quả nghiên cứu, tác giả đề xuất các hàm ý quản trị nhằm giúp các doanh nghiệp có những giải pháp phù hợp để chuỗi cung ứng xăng dầu hoạt động tốt hơn.

Từ khóa: chuỗi cung ứng, quản lý tài sản, tính linh hoạt, tồn kho, hoạt động kinh doanh xăng dầu, TP. Hồ Chí Minh.

1. Đặt vấn đề

Tốc độ phát triển kinh tế nhanh của nước ta trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế trong 10 năm gần đây (2011 - 2020) đã khiến nhu cầu năng lượng nói chung và xăng dầu nói riêng tăng mạnh. Một hãng chuyên về phân tích năng lượng Wood Mackenzie cũng dự báo tiêu thụ xăng dầu năm 2020 tại Việt Nam sẽ đạt 22.4 triệu tấn và năm 2025 sẽ đạt 29.9 triệu tấn. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong những năm này. Nguyên nhân trước hết là do số lượng đơn vị đầu mối kinh doanh xăng dầu những năm qua tăng nhanh, trong lúc giá dầu thô có những biến động lớn và khó lường. Thêm vào đó là sự chuyển đổi năng lượng từ xăng dầu sang nguồn năng lượng tái tạo trên toàn thế giới ngày càng sâu rộng hơn. Những khó khăn trên xuất phát từ những yếu tố khách quan và chủ quan, nhưng trước mặt, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cần phải tự chấn chỉnh lại các hoạt động của chuỗi cung ứng xăng dầu trên cơ sở nguồn lực bên trong và lòng tin của khách hàng.

2. Cơ sở lý luận

Chuỗi cung ứng là sự liên kết với các công ty nhằm đưa sản phẩm hay dịch vụ vào thị trường. Theo Chopra Sunil và Pter Meindl (2001), chuỗi cung ứng không chỉ gồm nhà sản xuất và nhà cung cấp, mà còn là nhà vận chuyển, kho, người bán lẻ và khách hàng. Hay theo Ganesham và cộng sự (1995), chuỗi cung ứng là một mạng lưới các lựa chọn sản xuất và phân phối, nhằm thực hiện các chức năng thu mua nguyên liệu, chuyển đổi nguyên liệu thành bán thành phẩm và thành phẩm và phân phối chúng cho khách hàng.

Theo Kaplan và Norton (1997), các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả hoạt động chuỗi cung ứng (CCƯ) gồm tài chính, quy trình nội bộ, đổi mới và sự cải tiến, khách hàng. Theo Beamon (1999), các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả hoạt động CCƯ là thời gian, tận dụng nguồn tài nguyên, đầu ra và sự linh hoạt. Hay theo Gunasekaran và cộng sự (2001), các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả hoạt động CCƯ là nhà cung cấp, vận chuyển, khách hàng, tồn kho và chi phí. Các yếu tố ảnh hưởng kết quả hoạt động CCƯ được nhóm lại thành 4 biến độc lập, gồm: tính linh hoạt, thời gian phản ứng, chất lượng và chi phí (Van Landeghem, R. and Persoons, K. 2001). Thêm vào đó, theo Beamon (1998), các yếu tố này gồm: khách hàng, khả năng đáp ứng, tồn kho và chi phí. Trên cơ sở lý thuyết và lược khảo, kế thừa một số nghiên cứu như trên, tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu lý thuyết các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả hoạt động CCƯ bao gồm 5 yếu tố: quản lý tồn kho (TK), tính linh hoạt (LH), quản trị tài sản (TS), sự tin cậy (TC) và thời gian (TG). Biến phụ thuộc là kết quả hoạt động chuỗi cung ứng (CCƯ).

3. Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp nghiên cứu là phương pháp nghiên cứu định tính kết hợp với phương pháp nghiên cứu định lượng. Phương pháp nghiên cứu định tính được tác giả tiến hành thông qua kỹ thuật phỏng vấn 3 chuyên gia và thảo luận 2 nhóm khách hàng 10 người. Kết quả nghiên cứu định tính đã thiết kế được thang đo với 33 biến quan sát cho 5 biến độc lập. Sau đó, tác giả tiến hành nghiên cứu định lượng với khảo sát sơ bộ 100 khách hàng để hiệu chỉnh bảng câu hỏi. Kết quả sau khi hiệu chỉnh bảng câu hỏi, còn 25 biến quan sát cho 5 biến độc lập, tác giả tiến hành khảo sát 226 đối tượng là các đại lý xăng dầu, khách hàng công nghiệp, nhượng quyền bán lẻ tại TP. Hồ Chí Minh. Dữ liệu thu thập được xử lý qua phần mềm SPSS 20.0.

4. Kết quả nghiên cứu

4.1. Kiểm định độ tin cậy

Kiểm định độ tin cậy các biến độc lập và phụ thuộc cho kết quả các thang đo đạt độ tin cậy cao vì hệ số Cronbachs Alpha tổng biến của tất cả các biến đều > 0.6. Bên cạnh đó, hệ số Cronbachs Alpha tương quan biến tổng có giá trị nhỏ nhất của các biến độc lập đều có giá trị > 0.3. Từ đó, nghiên cứu kết luận các thang đo đều đạt độ tin cậy tốt.

Bảng 1. Kết quả kiểm định độ tin cậy biến độc lập và phụ thuộc

ết quả kiểm định độ tin cậy biến độc lập và phụ thuộc

Nguồn: Trích từ SPSS

4.2. Phân tích EFA

Kết quả chạy EFA lần 4, loại 3 biến quan sát cho hệ số KMO = 0.85 thỏa mãn điều kiện 0.5 < KMO < 1, có nghĩa là phân tích nhân tố khám phá thích hợp với dữ liệu thực tế. Kiểm định Bartlett có Sig. < 0.05, nghĩa là các biến quan sát có tương quan tuyến tính với nhân tố đại diện.

Trong vùng Extraction Sums of Squared Loadings của bảng tổng phương sai trích, được giải thích từ EFA trong Bảng 2, tại cột Commulative cho biết trị số phương sai trích là 59.075% > 50%. Điều này có nghĩa 59.075% thay đổi của các nhân tố được giải thích bởi 22 biến quan sát. Từ 5 khái niệm độc lập ban đầu, thông qua EFA rút trích vẫn duy trì 5 nhân tố và 5 nhân tố được trích tại Initial Eigenvalues lớn hơn 1.

Bảng 2. Kết quả phân tích EFA lần 4

Kết quả phân tích EFA lần 4

Nguồn: Trích từ SPSS

Phân tích EFA cho biến phụ thuộc là Kết quả hoạt động chuỗi cung ứng (CCƯ) cho thấy kết quả phù hợp với thực tế dữ liệu khảo sát. Bảng kiểm định KMO và Bartlett đối với biến phụ thuộc bên dưới cho thấy, hệ số KMO = 0.656 thỏa mãn điều kiện 0.5 < KMO < 1, phân tích nhân tố khám phá thích hợp với dữ liệu thực tế. Kiểm định Bartlett có Sig. <  0.05, nghĩa là các biến quan sát có tương quan tuyến tính với nhân tố đại diện. Phương sai trích đối với thang đo biến phụ thuộc là 58.948%, lớn hơn 50%, nên thang đo phù hợp. Có 3 biến quan sát trong thang đo có trọng số nhân tố lớn hơn 0.50.

4.3. Phân tích tương quan, hồi qui

Bảng 3. Tương quan biến phụ thuộc với các biến độc lập

ương quan biến phụ thuộc với các biến độc lập

Nguồn: Trích từ SPSS

Bảng 3 cho thấy, hệ số tương quan giữa biến phụ thuộc và các biến độc lập khá cao, nằm trong khoảng từ 0.497 đến 0.638. Giá trị Sig của các yếu tố đều nhỏ hơn 0.05. Điều này chỉ ra rằng, mô hình có sự tương quan giữa biến phụ thuộc và biến độc lập khá mạnh và việc đưa các biến độc lập vào mô hình là đúng, vì nó có ảnh huởng nhất định đến biến phụ thuộc. Điều này cho ta thấy rằng chuỗi cung ứng chủ yếu bị tác động bởi 5 nhân tố nêu trên.

Phương trình hồi qui chuẩn hóa:

CCƯ = 0,321TC + 0,246TS + 0,175LH + 0,173 (TG) + 0,157TK

Kết quả hồi qui cho thấy yếu tố Sự tin cậy của khách hàng có ảnh hưởng lớn nhất đến chuỗi cung ứng (Beta = 0.321), yếu tố Quản trị tài sản có ảnh hưởng lớn thứ 2 với hệ số Beta = 0.246, ảnh hưởng lớn thứ 3 là Linh hoạt (Beta = 0.175), yếu tố Thời gian ảnh hưởng lớn thứ 4 và thứ 5 là Quản lý tồn kho với hệ số Beta = 0.157.

Bảng 4. Kết quả hồi qui

Kết quả hồi qui

Nguồn: Trích từ SPSS

4.4. Kiểm định sự khác biệt - Giới tính

Kiểm định Levenes Test cho giá trị Sig là 0.681 > 0.05 cho thấy phương sai giữa 2 nhóm giới tính không khác nhau. Tại hàng Equal variances assumed, giá trị Sig T-Test (Sig. (2-tailed)) là 0.497 > 0.05, cho thấy không có sự khác biệt về đánh giá kết quả hoạt động của chuỗi cung ứng xăng dầu theo giới tính.

- Độ tuổi, trình độ, thời gian kinh doanh

Kiểm định Levene theo các nhóm độ tuổi, trình độ, thời gian làm việc lần lượt có giá trị sig từ 0.412 - 0.890 > 0.05, nên phương sai theo đặc điểm của các nhóm khách hàng không khác nhau, đủ điều kiện để phân tích Anova.

Bảng 5. Kiểm định Homogeneity biến quan sát và kiểm định ANOVA nhóm

Kiểm định Homogeneity biến quan sát và kiểm định ANOVA nhóm

Nguồn: Kết quả SPSS

Kiểm định ANOVA giữa nhóm theo các nhóm độ tuổi, trình độ, thời gian kinh doanh của các nhóm khách hàng khác nhau lần lượt có giá trị sig từ 0.129 - 0.736 > 0.05 cho thấy không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về đánh giá kết quả hoạt động của chuỗi cung ứng xăng dầu theo các đặc điểm của các nhóm khách hàng trên.

5. Đề xuất hàm ý quản trị và hạn chế

5.1. Hàm ý quản trị

Sự tin cậy: Sự tin cậy là nhân tố có ảnh hưởng lớn nhất đến chuỗi cung ứng, có giá trị trung bình = 3.21. Điều này chứng tỏ khách hàng chưa thật sự tin cậy vào chuỗi cung ứng xăng dầu, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cần có những biện pháp cải thiện lòng tin của khách hàng về chất lượng sản phẩm, số lượng hàng giao nhận và cung cách phục vụ, giao dịch.

Quản trị tài sản: Quản trị tài sản là nhân tố có ảnh hưởng lớn thứ hai đến đến chuỗi cung ứng, có giá trị trung bình = 3.56 > 3.5, chứng tỏ khách hàng đánh giá công tác quản trị tài sản khá chặt chẽ. Cụ thể,việc quản lý phương tiện vận chuyển, hệ thống công nghệ xăng dầu như bồn chứa nhiên liệu, đường ống xăng dầu, các máy móc thiết bị,… tại các kho và cửa hàng xăng dầu phục vụ cho việc giao nhận xăng dầu,… được kiểm tra, kiểm kê và bảo trì, bảo dưỡng định kỳ. Các doanh nghiệp nên duy trì khâu này, lên kế hoạch kiểm tra, bảo dưỡng một cách đồng bộ với việc đánh giá, khấu hao tài sản cố định.

Linh hoạt: Linh hoạt là nhân tố có ảnh hưởng lớn thứ ba đến chuỗi cung ứng, có giá trị trung bình = 3.17 < 3.5, chứng tỏ khách hàng đánh giá mức độ linh hoạt của chuỗi cung ứng ở mức độ trung bình. Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cần linh hoạt hơn nữa trong việc xử lý đơn hàng, giao nhận hàng hóa, cần nâng cao nghiệp vụ chuyên môn ở từng bộ phận giao dịch của chuỗi cung ứng, nâng cao ý thức trách nhiệm, tôn trọng khách hàng trong từng nhân viên và tăng khả năng giải quyết tình huống một cách nhanh chóng.

Thời gian: Thời gian là nhân tố ảnh hưởng thứ tư đến đến chuỗi cung ứng, có giá trị trung bình = 3.46 < 3.5. Điều này chứng tỏ khách hàng đánh giá hoạt động chuỗi cung ứng ở mức độ trung bình. Cụ thể, các thủ tục giao dịch còn chậm trễ, việc giao nhận xăng dầu còn chưa đúng cam kết. Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cần kiểm tra, điều chỉnh lại quy trình cung cấp xăng dầu sao cho nhanh nhất, tăng thời gian xuất hàng trong ngày, rút gọn quy trình xuất nhập hàng, thông báo cụ thể cho khách hàng thời gian vận chuyển, giao nhận xăng dầu.

Quản lý hàng tồn kho: Quản lý tồn kho là nhân tố có ảnh hưởng thấp nhất đến chuỗi cung ứng xăng dầu tại TP. Hồ Chí Minh, có giá trị trung bình = 3.67 > 3.5, chứng tỏ nhân viên đánh giá hoạt động quản lý hàng tồn kho của chuỗi cung ứng khá tốt. Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tiếp tục nghiên cứu, khảo sát nhu cầu thị trường để có những dự báo chính xác, làm cơ sở cho việc ra quyết định lượng xăng dầu dự trữ, tồn kho. Điều này quyết định đến chi phí hàng tồn kho cao hay thấp, có đáp ứng được nhu cầu của thị trường đầy biến động trong kinh doanh.

5.2. Hạn chế

Thứ nhất, do kích thước mẫu có 226, nên nghiên cứu chưa thể hiện tính đại diện cao.

Thứ hai, việc khảo sát chỉ tập trung vào các đối tượng là đại lý phân phối, bán buôn, khách hàng công nghiệp và nhượng quyền bán lẻ tại TP. Hồ Chí Minh,  nên không thể hiện được tính bao phủ thị trường của chuỗi cung ứng. Điều này cũng ảnh hưởng nhất định đến chất lượng kết quả khảo sát.

Thứ ba, hệ số R2 = 0.603, nên mô hình với 5 yếu tố trên chỉ giải thích được 60.3%. Do đó, còn nhiều yếu tố mới khác nếu bổ sung thêm, mô hình sẽ có mức giải thích cao hơn n

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Beamon, B.M. (1998). Supply chain design and analysis: models and methods. International Journal of Production Economics, 55(3), 281-294.
  2. Beamon, B.M. (1999). Measuring supply chain Performance. International Journal of Operations and Production Management, 19(3), 275-292.
  3. Chopra Sunil & Peter Meindl. (2001). Supply chain Management. USA: Pearson Prentice Hall.
  4. Ganeshan, Ran & Terry P. Harrison. (1995). An Introduction to Supply Chain Management. [Online] Available at http://lcm.csa.iisc.ernet.in/scm/supply_chain_intro.html
  5. Gronroos, C., (1996). Relationship marketing logic. Asia-Australia Marketing Journal, 4(1), 7-18.
  6. Gunasekaran, A., Patel, C and Tirtiroglu, E. (2001). Performance measurement and metrics in supply chain environment. International Journal of Operation & Production Management, 21(1/2), 71-87.
  7. Kaplan, R.S. and Norton, D. (1997). Translating Strategy into Action. In Book: The Balanced Score Card. Boston, MA: HBS Press.
  8. Van Landeghem, R. and Persoons, K. (2001). Benchmarking of logistical operations based on a causal model. International Journal of Operations & Production Management, 21(1/2), 254-267.

FACTORS AFFECTING THE PERFORMANCE

OF GASOLINE SUPPLY CHAIN IN HO CHI MINH CITY

LE NGOC

PetroVietnam Oil

ABSTRACT:

This study examines the internal factors affecting the performance of Petroleum Trading Companys gasoline supply chain in Ho Chi Minh City. The studys proposed research model includes the following factors: reliability, flexibility, asset management, inventory management, and time. Based on the studys findings, some management implications are proposed to help enterprises have appropriate solutions to improve the performance of their gasoline supply chains.

Keywords: supply chain, asset management, flexibility, inventory, gasoline business, Ho Chi Minh City.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 24, tháng 10 năm 2021]