TÓM TẮT:
Nghiên cứu xác định và phân tích các nhân tố của nguồn lực tổ chức ảnh hưởng đến kết quả gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp. Kết quả cho thấy, các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp gồm: cam kết của lãnh đạo, lòng tin, giao tiếp, cơ chế quản lý, danh tiếng của đối tác, hiểu biết lẫn nhau.
Từ khóa: kết quả, gắn kết, nhà trường, doanh nghiệp.
1. Đặt vấn đề
Theo đánh giá từ Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đang là nước thiếu lực lượng lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao. Số lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao thì lại có khuynh hướng hiểu biết lý thuyết khá tốt nhưng lại yếu về năng lực thực hành và khả năng thích nghi trong môi trường cạnh tranh công nghiệp. Trước những hạn chế trên cùng với xu thế hội nhập và phát triển, các cơ sở đào tạo giáo dục cần linh hoạt trong việc thay đổi chương trình, mục tiêu đào tạo; nâng cao hoạt động hợp tác, liên kết với doanh nghiệp là một trong những xu thế tất yếu và có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của nhà trường và doanh nghiệp.
Đánh giá các hoạt động liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp đã trở thành một chủ đề nghiên cứu thu hút được sự quan tâm lớn từ các nhà khoa học, những người làm nghiên cứu trong nhà trường và doanh nghiệp du lịch bởi tính khả thi, vai trò quyết định và những giá trị mang lại cho sự phát triển của mối gắn kết này [5].
2. Mô hình nghiên cứu đề xuất
Thông qua quá trình lược khảo tài liệu từ các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước trước đây, nghiên cứu mở rộng để phát triển mô hình nghiên cứu sau:
Hình 1: Mô hình nghiên cứu
Các giả thuyết nghiên cứu:
H1: Cam kết của lãnh đạo tác động tích cực đến kết quả gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp.
H2: Lòng tin tác động tích cực đến kết quả gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp.
H3: Giao tiếp tác động tích cực đến kết quả gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp.
H4: Danh tiếng tốt của đối tác tác động tích cực đến kết quả gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp.
H5: Hiểu biết giữa hai bên có tác động tích cực đến kết quả gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp.
H6: Cơ chế quản lý tác động tích cực đến kết quả gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp.
3. Phương pháp nghiên cứu
Nhóm tác giả sử dụng phương pháp nghiên cứu hỗn hợp, kết hợp cả định tính và định lượng. Chi tiết được mô tả như sau:
3.1. Đo lường
Thang đo được kế thừa từ các nghiên cứu nước ngoài Plewa & ctg (2013), Mora-Valentin E. M., và ctg (2004), Tseng F., Huang M., Chen D. (2020) [6, 10, 13]. Nhóm tác giả thiết kế một quy trình nghiên cứu với 3 giai đoạn để tiến hành cuộc khảo sát. Trước tiên, nhóm thực hiện phỏng vấn sâu với 8 chuyên gia có nhiều trải nghiệm trong hoạt động liên kết với nhà trường để xác định các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp. Sau đó, bằng công cụ thảo luận nhóm, các chuyên gia đề xuất một số điều chỉnh bảng hỏi để tránh sai sót và làm phù hợp với bối cảnh Việt Nam.
3.2. Thu thập và xử lý dữ liệu
Nhóm tác giả đã tiến hành khảo sát với 432 bảng hỏi. Tất cả những người trả lời được xác định là đã từng hợp tác với nhà trường. Khảo sát tiến hành từ tháng 8 đến tháng 11/2021. Sau khi thực hiện xử lý dữ liệu, đã có 299 quan sát đảm bảo phù hợp và được sử dụng để phân tích dữ liệu. Quy trình xử lý dữ liệu gồm 4 bước: (i) Thống kê mô tả; (ii) Kiểm định độ tin cậy của thang đo; (iii) Phân tích nhân tố khám phá; (iv) Phân tích hồi quy đa biến bằng phần mềm SPSS 22.
4. Kết quả phân tích
4.1. Mô tả đặc điểm đối tượng khảo sát
Biều đồ 1: Tỉ lệ về giới tính của người tham gia khảo sát
Về giới tính: Từ kết quả của biểu đồ 1 cho thấy trong 229 người tham gia trả lời hợp lệ thì giới tính nam chiếm số lượng cao với số lượng là 127/229 chiếm tỷ lệ 55,5% và 102 là giới tính nữ (chiếm 44,5%).
Biểu đồ 2: Tỉ lệ về nhóm tuổi của người tham gia khảo sát
Về nhóm tuổi: Theo biểu đồ 2 cho thấy nhóm tuổi của những người được khảo sát chiếm tỉ lệ cao nhất là 46,29% với 106 người có độ tuổi từ 35 đến dưới 45 tuổi; nhóm tuổi từ 25 đến dưới 35 tuổi chiếm 40,17% với số lượng là 92 người và cuối cùng là nhóm từ 45 tuổi trở lên với số lượng là 31 người (chiếm 13,54%).
Biểu đồ 3: Tỉ lệ về thu nhập của người tham gia khảo sát
Về thu nhập: Tỷ lệ đối tượng khảo sát có mức thu nhập như sau: tỷ lệ người có mức thu nhập trên 20 triệu đồng chiếm 41,9%; từ 10 triệu đồng đến dưới 20 triệu đồng chiếm 34,9% và từ 7 đến dưới 10 triệu đồng chiếm 23,2%. Tỷ lệ này cho thấy người tham gia khảo sát là các nhà quản lý có mức thu nhập khá ổn định.
Biểu đồ 4: Tỉ lệ về chức vụ của người tham gia khảo sát
Về chức vụ: Tỷ lệ chức vụ của người tham gia phỏng vấn chiếm 62,45% đối với các nhà quản lý cấp trung, kế đến là 20,52% là các nhà quản lý cấp cao và cuối cùng là chủ sở hữu chiếm 17,03%. Từ kết quả này cho thấy, khi tiếp cận với các nhà quản lý càng có chức vụ cao thì càng khó tiếp cận.
Biểu đồ 5: Tỉ lệ về lĩnh vực hoạt động của người tham gia khảo sát
Về lĩnh vực doanh nghiệp đang hoạt động: Theo kết quả nghiên cứu từ biểu đồ 5 cho thấy trong 229 mẫu khảo sát thì kết quả thu được như sau: 39,74% là lĩnh vực khách sạn, 37,12% là lĩnh vực nhà hàng, 13,1% là lĩnh vực lữ hành, 5,24% là resort và cuối cùng là 4,8% thuộc lĩnh vực vui chơi, giải trí.
Biểu đồ 6: Tỉ lệ của người tham gia khảo sát
về quy mô hoạt động doanh nghiệp
Về quy mô doanh nghiệp đang hoạt động: Qua kết quả khảo sát ở biểu đồ 6 cho thấy người tham gia khảo sát chủ yếu là ở các doanh nghiệp có quy mô lớn với tỉ lệ là 47,16%, quy mô vừa chiếm 20,52%, quy mô nhỏ chiếm 21,83% và quy mô siêu nhỏ là 10,48%.
Từ các kết quả trên cho thấy những người tham gia khảo sát được thống kê và mô tả về các yếu tố nhân khẩu học mà họ đã cung cấp, đồng thời làm nền tảng để đánh giá các đối tượng được khảo sát đến từ các doanh nghiệp có tầm cỡ quy mô và thời gian liên kết với nhà trường như thế nào và có phù hợp với mục tiêu nghiên cứu của đề tài không.
4.2. Phân tích độ tin cậy thang đo
Bảng 1. Kết quả kiểm định thang đo
Kết quả thể hiện trong Bảng 1 cho thấy, 22 biến trong thành phần thang đo đều đạt yêu cầu, không có biến quan sát nào bị loại. Các biến quan sát đều thỏa mãn các điều kiện trong phân tích độ tin cậy của thang đo thông qua hệ số Alpha> 0.6 và tương quan biến tổng - tổng > 0.3 [7]. Vì vậy, các biến đo lường trong thành phần đều được chấp nhận, và toàn bộ các biến này sẽ được sử dụng trong phân tích nhân tố khám phá EFA tiếp theo.
4.3. Phân tích nhân tố khám phá (EFA)
Kết quả EFA cho thấy hệ số KMO đạt yêu cầu (0,86) và trích được 7 nhân tố tại Eigenvalue là 1,018 và tổng phương sai trích được 76,30% với trọng số nhân tố của các biến quan sát đều đạt yêu cầu (> 0,5) [1].
4.4. Phân tích hồi quy
Quá trình phân tích hồi qui được thực hiện qua các bước: kiểm tra tương quan giữa các biến, xây dựng và kiểm định mô hình hồi quy. Kết quả phân tích hồi quy cho thấy, mô hình 6 thành phần giải thích được 76,30% sự biến thiên của kết quả gắn kết. Như vậy, EFA cho thấy các nhân tố mô hình là phù hợp với tập dữ liệu thu được trong phạm vi nghiên cứu của đề tài, phương trình hồi quy đa biến thể hiện các nhân tố ảnh hưởng đến kết quả gắn kết của doanh nghiệp và nhà trường như sau:
KQ = 0,128*CC + 0,167*LT + 0,183*GT + 0,150*DT + 0,149*HB + 0,172*QL
Bảng 2. Kiểm định giả thuyết
Kết quả nghiên cứu trong Bảng 2 cho thấy cả 6 các giả thuyết H1, H2, H3, H4, H5, H6 trong mô hình nghiên cứu được chấp nhận. Các nhân tố là cam kết của lãnh đạo, lòng tin vào tổ chức, khả năng giao tiếp, cơ chế quản lý, danh tiếng và hiểu biết về đối tác đều ảnh hưởng tích cực đến kết quả gắn kết của doanh nghiệp. Giao tiếp có tác động mạnh nhất với hệ số Beta chuẩn hóa đạt 0.189. Tóm lại, tất cả các giả thuyết đều được chấp nhận.
5. Thảo luận kết quả nghiên cứu và hàm ý quản trị
Kết quả nghiên cứu cho thấy, 6 nhân tố thuộc nguồn lực tổ chức: cam kết của lãnh đạo, lòng tin vào tổ chức, khả năng giao tiếp, cơ chế quản lý, danh tiếng và hiểu biết ảnh hưởng đến kết quả gắn kết của nhà trường và doanh nghiệp.
Yếu tố cam kết của lãnh đạo tác động tích cực đến kết quả gắn kết với hệ số là 0,166. Để nâng cao hiệu quả gắn kết với doanh nghiệp đòi hỏi sự nỗ lực của tất cả các cá nhân và đặc biệt từ đội ngũ quản lý để doanh nghiệp cảm thấy thực sự hài lòng và muốn gắn kết lâu dài với nhà trường. Nhà trường cần có tầm nhìn, sứ mệnh và chiến lược phát triển thể hiện qua thỏa thuận phù hợp với các mục tiêu liên kết nhằm thỏa mãn tối đa nhu cầu của hai bên, tạo sự gắn bó mật thiết với nhau và luôn ưu tiên nâng cao chất lượng của kết quả gắn kết.
Yếu tố lòng tin tác động tích cực đến kết quả gắn kết với hệ số là 0,181. Lòng tin là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến kết quả gắn kết của nhà trường và doanh nghiệp. Vì vậy, cả phía nhà trường và doanh nghiệp phải luôn gìn giữ các mối quan hệ mật thiết, sự gắn bó về niềm tin và sự tin cậy trong việc liên kết đào tạo. Xây dựng được lòng tin sẽ giúp nhà trường và doanh nghiệp duy trì được sự tin cậy và đem lại hiệu quả cho mối gắn kết của mình.
Yếu tố danh tiếng tác động tích cực đến kết quả gắn kết với hệ số là 0,168. Kết quả cho thấy yếu tố danh tiếng tác động tích cực, thúc đẩy đến kết quả gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp mở rộng giữa doanh nghiệp và nhà trường sẽ phụ thuộc nhiều vào yếu tố danh tiếng của tổ chức với tiêu chuẩn phục vụ chuyên nghiệp, đẳng cấp, đối tượng thụ hưởng của sự gắn kết này sẽ nhận được nhiều cơ hội học tập, trải nghiệm và đào tạo kỹ năng thực hành tốt.
Yếu tố giao tiếp tác động tích cực đến kết quả gắn kết với hệ số là 0,189. Yếu tố giao tiếp có tác động mạnh nhất đến kết quả gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp. Cho nên, nhà trường cần chú ý tới các hoạt động: truyền thông, chia sẻ định hướng, chiến lược phát triển, quyền lợi và nghĩa vụ, và công tác chuyên môn như chương trình đào tạo, công trình nghiên cứu liên quan hoạt động doanh nghiệp, thông qua các buổi hội thảo, hội nghị.
Yếu tố hiểu biết tác động tích cực đến kết quả gắn kết với hệ số là 0,174. Kết quả nghiên cứu cho thấy, hiểu biết về đối tác sẽ góp phần quan trọng trong kết quả của việc liên kết đào tạo và điều này sẽ gián tiếp ảnh hưởng đến quyết định liên kết với đối tác. Vì vậy, sự hiểu biết của các nhà quản lý là yếu tố rất quan trọng có ảnh hưởng đến quyết định gắn kết của nhà trường và doanh nghiệp.
Yếu tố cơ chế quản lý tác động tích cực đến kết quả gắn kết với hệ số là 0,156. Cơ chế quản lý của đơn vị triển khai bao gồm các nội dung như cấu trúc tổ chức của đơn vị; nhân sự phụ trách trong việc gắn kết; nội dung hợp đồng hợp tác giữa hai bên thể hiện qua quyền lợi và nghĩa vụ; họp định kỳ về việc rà soát, đánh giá hoạt động gắn kết và phương hướng hoạt động tiếp theo,… đã có tác động tích cực đến hoạt động gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp.
6. Kết luận
Đứng trước thách thức về môi trường cạnh tranh, yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, nhà trường cần có sự phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp trong suốt quá trình đào tạo nhằm tạo điều kiện cho sinh viên thực tập tốt nghiệp, cọ sát thực tiễn để hạn chế tối đa vấn đề đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, chưa đi sát với thực tế công việc. Từ phương trình hồi quy của nghiên cứu cho thấy, 6 yếu tố đều tác động đến kết quả gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp, trong đó yếu tố Giao tiếp là yếu tố có sự ảnh hưởng mạnh nhất đến kết quả gắn kết. Giao tiếp giúp doanh nghiệp quyết định lựa chọn đối tác để liên kết vì họ hiểu rõ nhu cầu và yêu cầu của nhau thông qua những cuộc đối thoại chia sẻ thông tin 2 chiều.
Chính vì vậy, nhà trường cần tổ chức hội thảo với sự tham gia của doanh nghiệp để truyền tải các kiến thức mới vào nội dung giảng dạy; mời các cán bộ kỹ thuật, chuyên gia có kinh nghiệm thực tế đến từ các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động giảng dạy, tham gia vào các hội đồng chuyên môn của nhà trường nhằm tư vấn chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tiễn của ngành.
Doanh nghiệp cũng cần thiết lập bộ phận chuyên trách về liên kết, hợp tác với các cơ sở giáo dục đào tạo để có thể chủ động cung cấp các thông tin về nhu cầu lao động; phối hợp với nhà trường trong việc xây dựng các chương trình đào tạo, mở các ngành/nghề mới, biên soạn giáo trình, nội dung và phương pháp giảng dạy, hướng dẫn thực tập tốt nghiệp tại doanh nghiệp,... góp phần cải thiện chất lượng đào tạo, giúp cho chương trình đào tạo đáp ứng với nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Nguyễn Đình Thọ (2013). Phương pháp nghiên cứu khoa học trong kinh doanh. Hà Nội: NXB Tài chính.
- Ankrah S., AL-Tabbaa O. (2015). Universities-industry collaboration: A systematic review. Scandinavian Journal Management, 31(3), 387-408.
- Geisler, E., Furino, A., Kiresuk, T.J. (1990). Factors in the success or failure of industry-university cooperative research centers. Interfaces, 20 (6), 99 - 109.
- Geisler, E., Furino, A., Kiresuk, T.J. (1991). Toward a conceptual model of cooperative research: patterns of development and success in university-industry alliances. IEEE Transactions on Engineering Management, 38 (2), 136 - 145.
- Mitev, N., & Venters, W. (2009). Reflexive evaluation of an academic-industry research collaboration: can mode 2 management research be achieved? Journal of Management Studies, 46(5), 733-754.
- Mora-Valentin E. M., Montoro-Sanchez A. & Guerras-Martin, L. A. (2004). Determining factors in the success of R&D cooperative agreements between firms and research organizations. Research Policy, 33(1), 17-40.
- Nannally, J.C and Burnstein, I.H. (1994). Psychometric Theory. Newyork: McGraw-Hill.
- Perkmann M., Tartari V., McKelvey M., Autio E., et. al. (2013), Academic engagement and commercialisation: a review of the literature on university-industry relations. Research Policy, 42(2), 423-442.
- Pizam, A., Okumus, F. và Hutchinson, J. (2013). Forming a long-term industryuniversity partnership: The case of Rosen College of Hospitality Management. Worldwide Hospitality and Tourism Themes, 5(3), 244-254
- Plewa C., Korff N., Baaken T., & Macpherson. (2013). University-industry linkage evolution: An empirical investigation of relational success factors. R&D Management, 43(4), 365-380.
- Rajalo, S., & Vadi, M. (2017). University-industry innovation collaboration: Reconceptualization. Technovation, 62, 42-54.
- Rybnicek. (2019). What makes industry-university collaboration succeed? Asystematic review oftheliterature. Journal of Business Economics, 89 (2), 221-250.
- Tseng F, Huang M, Chen D. (2020). Factors of university-industry collaboration affecting university innovation performance. Journal of Technology Transfer, 45(2), 560-577.
- Weckowska, D. M. (2015). Learning in university technology transfer offices: Transactions-focused and relations-focused approaches to commercialization of academic research. Technovation, 41, 62-74.
FACTORS AFFECTING THE ENGAGEMENT
BETWEEN THE SCHOOL AND THE ENTERPRISE:
CASE STUDY IN HO CHI MINH CITY
• NGUYEN XUAN NHI1
• NGUYEN THI MY HANG1
1Nguyen Tat Thanh University
ABSTRACT:
This study identifies and analyzes the factors of organizational resources affecting the engagement between the school and the enterprise. The study finds out that the engagement between the school and the enterprise is affected by the commitment of leaders, trust, communication, management mechanism, reputation of partners, and mutual understanding.
Keywords: outcomes, engagement, schools, businesses.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 28, tháng 12 năm 2021]