TÓM TẮT: Kể từ khi hình thành và phát triển cho đến nay, thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán Việt Nam đã phát triển nhanh chóng và đạt những thành tựu quan trọng. Bằng phương pháp thống kê mô tả, thống kê so sánh, đánh giá độ tin cậy Cronbach's Alpha, kỹ thuật phân tích nhân tố khám phá (EFA), phân tích hồi quy đã được sử dụng. Nghiên cứu này nhằm mục đích xác định các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn dịch vụ kế toán của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), để từ đó đưa ra những đề xuất nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ kế toán. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, quyết định lựa chọn dịch vụ kế toán của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại quận Gò Vấp - TP.HCM chịu ảnh hưởng bởi 6 yếu tố, bao gồm: Sự hỗ trợ, Năng lực, Độ tin cậy, Chi phí, Sự giới thiệu và Tính hữu hình. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, tác giả đề xuất một số hàm ý nhằm nâng cao khả năng quyết định lựa chọn dịch vụ kế toán của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại quận Gò Vấp - TP.HCM. Từ khóa: Yếu tố ảnh hưởng, quyết định lựa chọn, Dịch vụ kế toán, doanh nghiệp nhỏ và vừa, quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh. |
1. Giới thiệu
Quận Gò Vấp là quận nội thành của TP. Hồ Chí Minh, nằm ở phía Tây Bắc của Thành phố này, giáp ranh các quận: Phú Nhuận, Bình Thạnh, Quận 12 và huyện Hóc Môn. Quận Gò Vấp có cơ sở hạ tầng thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Đại Lộ Phạm Văn Đồng được hình thành, làm nhịp nối giao thông phát triển với các khu vực công cộng. Rất nhiều trung tâm mua sắm sầm uất, các khu cao ốc, căn hộ cao cấp cũng nhanh chóng hình thành và rộng mở như Lotte Mart, Emat, Big C, Co.op Mart (UBND quận Gò Vấp, 2017). Chỉ trong vòng 5 trở lại đây, tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội của Quận đã đạt nhiều thành tựu có ý nghĩa. Trong lĩnh vực kinh tế, Quận đã xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2011 - 2015, trong đó định hướng, giới thiệu phát triển các ngành nghề dịch vụ có giá trị kinh tế cao trên các tuyến đường chính, các trục động lực; Triển khai thực hiện có hiệu quả các quyết định hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của thành phố; giới thiệu mô hình sản xuất hiệu quả, tập huấn, hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật để nông dân học tập, nâng cao hiệu quả chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp (UBND quận Gò Vấp, 2017).
Tình hình kinh tế của Quận tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng; tốc độ tăng giá trị sản xuất các ngành kinh tế bình quân đạt 12,33%/năm. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng định hướng “dịch vụ - công nghiệp” với tỷ trọng thương mại - dịch vụ bình quân đạt 63,65% trong cơ cấu kinh tế; tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán ra thị trường xã hội bình quân tăng 20,38%, đã góp phần từng bước giảm dần hộ nghèo, tăng hộ khá, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, thu hút đông lao động đến địa bàn, bộ mặt đô thị Quận ngày càng khang trang hơn (Cục Thống kê TP. HCM, 2018). Theo số liệu thống kê từ việc nộp thuế doanh nghiệp năm 2017 có khoảng hơn 20 ngàn doanh nghiệp có trụ sở tại quận Gò Vấp, trong đó có trên dưới 19 ngàn doanh nghiệp nhỏ và vừa và vừa chiếm tỷ lệ xấp xỉ 95 % tổng số doanh nghiệp tại khu vực (Cục Thống kê TP. HCM, 2018). Tốc độ tăng trưởng số lượng doanh nghiệp cao nhờ sự hình thành của các trung tâm thương mại lớn như Lotte, Emat, Big C, Co.op Mart đang đóng góp đáng kể vào số lượng và cơ cấu của các doanh nghiệp tại quận Gò Vấp.
Số doanh nghiệp đăng ký thành lập năm 2016 (tính đến hết ngày 20/12/2016) trên cả nước đạt kỷ lục cao chưa từng có là 110.100 đơn vị, tăng 16,2% so với năm ngoái, theo số liệu thống kê từ Cơ sở Dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư). có 36.442 doanh nghiệp đăng ký mới tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM, quận Gò Vấp có khoảng xấp xỉ 3000 doanh nghiệp đăng ký mới, trong đó 100% là doanh nghiệp nhỏ và vừa (Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM, 2017).
Với những thông tin trên thì khu vực quận Gò Vấp là một thị trường mới cho các đối tượng cung cấp dịch vụ kế toán phát triển để gia tăng doanh số và lợi nhuận.
2. Phương pháp nghiên cứu
2.1. Cơ sở lý thuyết và mô hình nghiên cứu
Một công ty lựa chọn một doanh nghiệp dịch vụ kế toán cụ thể thường gắn với việc phát sinh chi phí quản lý. DeAngelo (1981) cho rằng chi phí quản lý của doanh nghiệp có thể biến đổi cũng như nhu cầu về mức chất lượng của giám sát bên ngoài cũng có thể thay đổi. Chính vì thế, lựa chọn một doanh nghiệp dịch vụ kế toán không phải là quyết định đơn giản đối với một nhà quản lý. Quyết định lựa chọn dịch vụ kế toán là một quyết định mà nhà quản lý cần phải so sánh giữa lợi ích biên và chi phí biên của việc thuê một doanh nghiệp dịch vụ kế toán mang lại. Việc nghiên cứu kỹ lưỡng ngay từ đầu là hoàn toàn cần thiết trước khi ra quyết định lựa chọn một dịch vụ kế toán. Trong nghiên cứu của Alkinson, Kaplan & Young, (2008) thì bên cạnh việc đề cập đến công tác quản lý kế toán, kế toán trách nhiệm, trong đó, kế toán trách nhiệm gồm: Trách nhiệm thu thập thông tin, lập báo cáo và đánh giá hệ thống thông tin mang nội bộ và cung cấp cho các cấp quản lý về hoạt động sản xuất kinh doanh trong doanh nghiệp. Trong nghiên cứu này cũng đã chỉ ra việc thực hiện dịch vụ kế toán đối với công ty nhỏ và vừa chủ yếu dựa vào các yếu tố chi phí, dịch vụ sự tin cậy. Thông qua lược khảo các tài liệu nghiên cứu trong và ngoài nước và thảo luận nhóm (nghiên cứu định tính) với 20 chuyên gia, chúng tôi đã xây dựng được mô hình nghiên cứu được cho là có ảnh hưởng đến công tác tổ chức kế toán.
2.2. Phương pháp nghiên cứu
Việc phân tích được tiến hành qua 3 bước: Bước 1: Sử dụng hệ số tin cậy Cronbachs Alpha để kiểm định mức độ chặt chẽ của các thang đo tương quan với nhau; Bước 2: Sử dụng phương pháp phân tích nhân tố khám phá (EFA) để kiểm định các nhân tố ảnh hưởng và nhận diện các nhân tố được cho là phù hợp với việc phân tích mức độ hài lòng của người dân; Bước 3: Sử dụng mô hình hồi quy đa biến để đánh giá ảnh hưởng của từng nhân tố đến công tác tổ chức kế toán.
Dữ liệu của nghiên cứu được thu thập theo phương pháp chọn mẫu thuận tiện trong khoảng thời gian từ tháng 3/2018 đến tháng 6/2018. 12826 (Hair và cộng sự, 1992). Thang đo Likert 5 mức độ được sử dụng để đo lường các khái niệm nghiên cứu trong mô hình phân tích nhân tố với mức độ từ 1 đến 5 (với 1: Rất không đồng ý, 5: Rất đồng ý).
3. Kết quả nghiên cứu và thảo luận
3.1. Thông tin mẫu nghiên cứu
Trong 260 mẫu nghiên cứu hợp lệ thu về, nghiên cứu cho thấy tỷ lệ theo loại hình thương mại dịch vụ trong mẫu nghiên cứu gồm có tỷ lệ 63,12% tương ứng với 178 nhân viên; doanh nghiệp sản xuất chế biến chiếm 23,05% tương ứng với 65 nhân viên; doanh nghiệp công nghiệp xây dựng chiếm tỷ lệ 13,83% tương ứng 39 nhân viên. Về thâm niên hoạt động của doanh nghiệp được khảo sát cho thấy doanh nghiệp từ 2 đến 5 năm là cao nhất chiếm 56.03% tương ứng với 158 doanh nghiệp; doanh nghiệp từ 6 đến 10 năm là 21.99% tương ứng với 62 doanh nghiệp; tiếp theo là doanh nghiệp dưới 1 năm chiếm 13.48% tương ứng với 38 doanh nghiệp và thấp nhất là doanh nghiệp có thời gian hoạt động trên 10 năm chiếm 8.5% tương ứng với 24 doanh nghiệp. Điều này khá đúng với thực tế vì số lượng doanh nghiệp hoạt động từ 2 năm đến 5 năm chiếm tỷ lệ lớn nhất trong số các doanh nghiệp khác, đồng thời loại hình thương mại cũng là loại hình chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số các doanh nghiệp được thành lập tại Việt Nam. Như vậy, mẫu khảo sát có tính đại diện cho đám đông tương đối cao (mẫu tổng thể mẫu từng nhóm theo đặc điểm để phân tích thống kê).
3.2. Kết quả kiểm định độ tin cậy của thang đo
Kết quả kiểm định độ tin cậy của thang đo đã cho thấy: Thang đo các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định chọn lựa dịch vụ kế toán tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại quận Gò Vấp - TP. HCM, hệ số Cronbachs Alpha tổng các thang đo thành phần đa số đều lớn hơn 0,7 (> 0,7), thấp nhất là yếu tố thuộc thang do sự giới thiệu (SGT - 0,709), cho thấy thang đo được sử dụng là tốt (Hoàng Trọng và Chu Nguyễn Mộng Ngọc, 2008). Sau khi kiểm định các nhân tố, thang đo NL4 và THH4 có hệ số tương quang < 0.5, ta loại 2 thang đo này và kiểm định lại, thì kết quả cho thấy các hệ số tương quan biến - tổng đều lớn hơn 0,3, trong đó thấp nhất là yếu tố thuộc chi phí (CP2 = 0,651 > 0,3). Do vậy, mô hình được chấp nhận để phân tích EFA.
3.3. Kết quả phân tích nhân tố
Phân tích nhân tố khám phá (EFA) cho biến phụ thuộc là quyết định lựa chọn dịch vụ kế toán đều có hệ số tin cậy Cronbachs Alpha > 0.8, các biến quan sát này được đưa vào phân tích nhân tố khám phá EFA. Kết quả sau khi phân tích EFA cho thấy hệ số KMO của nhóm biến tổ chức kế toán là 0.892, thỏa điều kiện 0.5 < KMO < 1 với mức ý nghĩa là Sig.= 0.000 trong kiểm định Barletts (Sig<0.05) (Nguyễn Đình Thọ, 2011). Điểm dừng khi rút trích các nhân tố tại eigenvalues =3.033>1. Phương sai trích là 75.834% > 50% là đạt yêu cầu, 28 biến quan sát đều có hệ số tải nhân tố > 0.5; điều này thể hiện kết quả phân tích nhân tố là phù hợp và số nhân tố trích được là 1 hoàn toàn phù hợp với lý thuyết về quyết định lựa chọn dịch vụ kế toán.
Phân tích EFA cho 6 biến độc lập được thực hiện với giả thuyết H0: Các biến quan sát không có sự tương quan nhau trong tổng thể. Kết quả phân tích thu được tóm tắt như sau: Kiểm định Barlett: Sig = 0.000 < 5%: Bác bỏ giả thuyết H0, các biến quan sát trong phân tích EFA có tương quan với nhau trong tổng thể. Dựa vào kết quả phân tích EFA, các nhân tố rút trích ra của các giả thuyết nghiên cứu chính đều đạt yêu cầu. Do đó, mô hình nghiên cứu để đánh giá các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn dịch vụ kế toán của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại quận Gò Vấp - TP. HCM, gồm 6 biến thành phần là: (1) Sự hỗ trợ, (2) Năng lực, (3) Chi phí, (4) Độ tin cậy, (5) Sự giới thiệu, (6) Tính hữu hình được chấp nhận.
3.4. Kết quả phân tích hồi quy tuyến tính
Kết quả phân tích hồi quy tuyến tính được trình bày ở Bảng 1.1 cho thấy hệ số R2 hiệu chỉnh là 0,629, điều đó có nghĩa là 62,9% được giải thích bởi các nhân tố được đưa vào mô hình nghiên cứu. Hệ số mức ý nghĩa của mô hình (Sig.F = 0,000) < mức ý nghĩa 5%. Điều đó có ý nghĩa là sự kết hợp của các biến độc lập hiện có trong mô hình có thể giải thích được sự biến thiên của biến phụ thuộc.
Mô hình hồi quy tuyến tính đã xây dựng là phù hợp với tập dữ liệu hiện có. Hệ số Durbin-Watson và hệ số VIF của mô hình cho thấy hiện tượng tự tương quan và đa cộng tuyến không đáng kể. Kết quả phân tích còn cho thấy, các biến đưa vào mô hình thì đều có ý nghĩa thống kê ở mức 1% (Sig. < 1%).
Mô hình nghiên cứu xác định các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn dịch vụ kế toán của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại quận Gò Vấp - TP. HCM với Beta chưa chuẩn hóa được thiết lập có dạng hàm như sau:
QD = - 14,9737+ 0,307*NL + 0,239*HT + 0,277* CP + 0,336* SGT + 0, 290*DTC + 0,461*THH + Ui
Theo kết quả bảng thông số thống kê của từng biến trong mô hình hồi quy cho thấy tầm quan trọng của các biến này trong mô hình đối với các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn dịch vụ kế toán của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại quận Gò Vấp - TP. HCM.
4. Kết luận và đề xuất
Kết quả thu được cho thấy các nhân tố ảnh hưởng đến các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn dịch vụ kế toán của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại quận Gò Vấp - TP. HCM có 6 yếu tố chính là: Năng lực, Chi phí, Sự hỗ trợ, Độ tin cậy, Sự giới thiệu, Tính hữu hình.
Trong đó nhân tố có tác động mạnh nhất đến công tác tổ chức kế toán là“ Tính hữu hình” với hệ số Beta là (0,461); thứ hai là “Sự giới thiệu” với hệ số Beta là (0,336); thứ ba là nhân tố “Năng lực” có hệ số Beta là (+0.307); thứ tư là nhân tố “Độ tin cậy” (Hệ số Beta là 0.290); thứ năm là nhân tố “Chi phí” (Hệ số Beta là 0,277) và thứ sáu là nhân tố “Sự hỗ trợ” (Hệ số Beta là 0,239). Phân tích ANOVA cũng cho ta kết quả có sự khác biệt trong quyết định lựa chọn dịch vụ kế toán của các doanh nghiệp nhỏ và vừa có phân loại tự chủ khác nhau. Đây là cơ sở quan trọng để tác giả đề xuất một số hàm ý nhằm nâng cao hơn nữa trong quyết định lựa chọn dịch vụ kế toán của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại quận Gò Vấp - TP. HCM trong thời gian tới.
Một là, tính hữu hình quan trọng trong việc quyết định chọn dịch vụ kế toán là các điều kiện, trang thiết bị cho việc áp dụng công nghệ thông tin. Như vậy, để có tính hữu hình tốt nhằm gia tăng quyết định lựa chọn dịch vụ kế toán của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đơn vị cung cấp DVKT luôn phải thường xuyên nâng cấp máy móc thiết bị, cập nhật các phần mềm xử lý để đảm bảo viêc xử lý số liệu được nhanh chóng, kịp thời…;
Hai là, các doanh nghiệp kế toán cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng hoạt động kế toán bằng các quy định, quy trình nghiệp vụ đối với người hành nghề và hoàn thiện các quy trình kiểm soát chất lượng, như: quy trình tuyển dụng nhân viên có đầy đủ chứng chỉ hành nghề, có trình độ cao và có phẩm chất đạo đức; quy trình đào tạo định kỳ, tập huấn nghiệp vụ; quy trình cung cấp dịch vụ từ đầu vào đến thực hiện đến đầu ra của sản phẩm dịch vụ cung cấp phải đúng quy trình và có kiểm soát chất lượng dịch vụ;
Ba là, xây dựng được các chính sách động viên nhân viên và khuyến khích sự gắn bó lâu dài với doanh nghiệp vì đặc thù dịch vụ kế toán gắn bó lâu dài với khách hàng nên duy trì ổn định nhân viên có trình độ chuyên môn cao giúp khách hàng càng tin tưởng và gắn bó với các công ty kế toán;
Bốn là, các công ty cung cấp dịch vụ kế toán phải gia tăng uy tín, tăng các mối quan hệ sẵn có và phát triển thêm các mối quan hệ khác để được các mối quan hệ này giới thiệu đến các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng dịch vụ kế toán;
Năm là, công ty dịch vụ kế toán cần thực hiện đúng nội dung thực hiện những gì đã giới thiệu đã cam kết của doanh nghiệp với khách hàng. Các công ty kế toán cần tuân thủ đạo đức nghề nghiệp về chuẩn mực chuyên môn kế toán, giáo dục và quản lý tốt nhân viên trong cách ứng xử luôn đồng hành giúp đỡ chuyên môn cho khách hàng bằng cách hướng dẫn nghiệp vụ kế toán - kiểm toán, tập huấn cập nhật chuyên môn cho khách hàng;
Sáu là, đa dạng các mức giá phí để phù hợp với từng loại hình khách hàng, từng nhu cầu của khách hàng. Có chính sách giá linh hoạt, cập nhật phù hợp với thị trường để có thể gia tăng khả năng cạnh tranh và thu hút khách hàng lựa chọn dịch vụ. Bên cạnh đó, thường xuyên cập nhật các quy định mới về kế toán cho khách hàng, cũng như hướng dẫn nhân viên kế toán nội bộ của đơn vị khách hàng các nghiệp vụ cơ bản nhằm giúp doanh nghiệp kiểm soát được hồ sơ, chứng từ và giảm tải rủi ro hành vi vi phạm pháp luật.
Tóm lại, nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn dịch vụ kế toán của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại quận Gò Vấp - TP. HCM sẽ cho chúng ta thấy rõ hơn các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn dịch vụ kế toán của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, từ đó đưa ra các đề xuất và hàm ý quản trị nhằm nâng cao quyết định lựa chọn dịch vụ kế toán của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại quận Gò Vấp - TP.HCM ■
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Alkinson, Kaplan & Young (2008), Management accounting, Prentice Hall, New Jersey.
2. Atkinson, Kaplan & Young (2004), Management Accounting. Prentice Hall. Fouth Edition.
3. Cục Thống kê TP.HCM, 2018. Niên giám thống kê 2017. TP.HCM.
4. DeAngelo, L. E. (1981), “Auditor size and audit quality”, Journal of Accounting and Economics, 3, 183-199.
5. Hoàng Trọng và Chu Nguyễn Mộng Ngọc, 2008. Phân tích dữ liệu nghiên cứu với SPSS. Nhà xuất bản Hồng Đức, tập 1&2.
6. Mai Thị Hoàng Minh, 2010. Kế toán và dịch vụ kế toán Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ. Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.
7. Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM, 2017. Số liệu báo cáo từ 2010 - 2016. TP.HCM
8. UBND Quận Gò Vấp, 2017. Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2016. Gò Vấp.
FACTORS INFLUENCING THE CHOOSING ACCOUNTING SERVICES OF SMALL AND MEDIUM ENTERPRISES IN GO VAP DISTRICT, HO CHI MINH CITY● Assoc.Prof. Ph.D. NGUYEN QUYET THANG Dean of Faculty of Tourism and Hospitality, University of Technology - Ho Chi Minh City ● HOANG THI THUY NGOC Dinh Cao Accounting Services and Tax Consulting JSC ABSTRACT: Since the establishment and development, the market for accounting and auditing services in Vietnam has grown rapidly and achieved important achievements. The descriptive statistics, comparative statistics, Cronbach's Alpha reliability, EFA and regression analysis were used in this research. This research is to determine factors influencing small and medium-sized enterprises (SMEs) in Go Vap Distric, Ho Chi Minh City to choose accounting services. The results show that six factors affecting SMEs in Go Vap Distric, Ho Chi Minh City in choosing accounting services includes (1) Support, (2) Capacity, (3) Reliability, (4) Cost, (5) Referrals and (6) Tangible. Based on the results, the research proposes some implications related to the process of choosing accounting services of SMEs in Go Vap District, Ho Chi Minh City. Keywords: Influencing factors, decision, accounting services, small and medium-sized enterprises, Go Vap district, Ho Chi Minh City. |