Các yếu tố ảnh hưởng đến xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang châu Âu theo mô hình trọng lực

TS. TRẦN THỊ BÍCH NHUNG (Giảng viên Bộ môn Quản trị kinh doanh và Tài chính Kế toán, Trường Đại học Ngoại thương Cơ sở II - TP. Hồ Chí Minh) - DƯƠNG QUỐC HÒA (Sinh viên Chuyên ngành Kinh tế đối ngoại, Trường Đại học Ngoại thương Cơ sở II - TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Bài viết vận dụng mô hình trọng lực để nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang thị trường EU. Bài viết sử dụng dữ liệu bảng gồm 240 quan sát trong giai đoạn từ 2005 đến 2020, giữa Việt Nam và 15 nước đối tác nhập khẩu thuộc khu vực EU. Kết quả nghiên cứu cho thấy: quy mô dân số Việt Nam có ảnh hưởng lớn nhất tới kim ngạch xuất khẩu hạt điều Việt Nam đến EU, tiếp đến là tỷ giá hối đoái thực, GDP quốc gia nhập khẩu và sự gia nhập WTO.

Từ khóa: mô hình trọng lực, xuất khẩu hạt điều, Việt Nam, EU.

1. Đặt vấn đề

Xuất khẩu hạt điều đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của quốc gia, bởi ngành này không những tạo một lượng lớn công ăn việc làm cho người lao động, tăng thu ngoại tệ, mà còn góp phần phát triển các lĩnh vực khác trong nền kinh tế như: ngân hàng, tín dụng, bảo hiểm,… Trong các thị trường xuất khẩu, EU là một trong những thị trường rất quan trọng trong việc xuất khẩu hạt điều của Việt Nam. Theo số liệu thống kê, năm 2021, EU là thị trường xuất khẩu hạt điều lớn thứ 2 của Việt Nam, tỷ trọng xuất khẩu chiếm 23% tổng lượng và 22% tổng giá trị của cả ngành. Cụ thể, xuất khẩu hạt điều sang thị trường EU đạt 135 nghìn tấn, trị giá 816 triệu USD, tăng 16,5% về lượng và tăng 8% về giá trị so với năm 2020. Số liệu trên cho thấy, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang thị trường EU đã có sự tăng trưởng về lượng và chất, góp phần không nhỏ trong quá trình tăng trưởng chung của ngành. Ngoài ra, Hiệp hội Điều Việt Nam VINACAS cho biết nhu cầu tiêu thụ hạt điều tại những quốc gia EU như Hà Lan và Đức không ngừng tăng cao bởi nhu cầu lớn từ những ngành công nghiệp chế biến thực phẩm và nhu cầu tiêu dùng cuối cùng của người dân. Điều này cho thấy, khu vực EU đang là một thị trường giàu tiềm năng và có nhiều cơ hội phát triển. Chính vì vậy, việc nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến việc xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang thị trường EU là rất quan trọng và cần thiết.

2. Cơ sở lý thuyết và mô hình nghiên cứu đề xuất

2.1. Lý thuyết về lực hấp dẫn trong thương mại quốc tế

Mô hình trọng lực là mô hình được dùng để dự đoán thương mại 2 chiều phụ thuộc vào khoảng cách giữa những nền kinh tế và quy mô của chúng. Theo CIEM (2016), “mô hình lực hấp dẫn được sử dụng trong phân tích thương mại, đầu tư, lao động giữa các quốc gia với nhau”, đã và đang được vận dụng phổ biến ở nghiên cứu hiện đại nhằm lý giải thương mại giữa 2 nước, bởi những mô hình cổ điển khác hay những lý thuyết kinh tế hiện đại vẫn chưa đủ sức đánh giá mức độ của luồng thương mại. Và nó khai sinh từ định luật vạn vật hấp dẫn được Newton tìm thấy ở thế kỷ XVII.

Các nhà nghiên cứu đã phát triển lý thuyết này để dự đoán những khuynh hướng thương mại, ảnh hưởng từ những FTA (hiệp định thương mại tự do), FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài),… Mô hình này lần đầu tiên được Tinbergen (1962) và Poyhonen (1963) trình bày. GM được xây dựng nhằm đo lường giá trị kim ngạch xuất khẩu giữa 2 nước. Mô hình biểu thị cho thương mại đơn giản và cơ bản nhất do Tinbergen (1962) đề xuất giữa 2 nền kinh tế A và B được thể hiện qua công thức dưới đây:

xuất khẩu hạt điều

Trong đó:

EXPORT là giá trị kim ngạch xuất khẩu giữa 2 quốc gia, Y là quy mô nền kinh tế ở 2 nước, được đo lường bằng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của từng quốc gia, φ là một hằng số, D là khoảng cách địa lý giữa hai quốc gia, được giả định là tỷ lệ nghịch với quy mô luồng hàng hóa. Khoảng cách địa lý được tính từ trung tâm kinh tế hay thủ đô, tượng trưng cho thời gian giao hàng cũng như chi phí vận tải.

Tiến hành lấy Logarit cả 2 vế của phương trình, ta có thể biến đổi thành 1 công thức tuyến tính áp dụng vào phân tích kinh tế lượng dưới đây:

lnEXPORTij = φ  + β1lnGDPi + β2lnGDPj + β3lbDISij + ε

Trong đó: GDP là quy mô nền kinh tế của 2 nước; DIS là khoảng cách địa lý giữa 2 quốc gia. Khoảng cách địa lý được tính từ thủ đô hoặc trung tâm kinh tế, tượng trưng cho thời gian giao hàng và chi phí vận tải; β1, β2, β3 là hệ số hồi quy riêng của mỗi yếu tố ở mô hình; ε là sai số ngẫu nhiên với logarit tự nhiên theo phân phối chuẩn hay E(lne) = 0.

Tuy mô hình này ban đầu bị đánh giá là không có cơ sở thuyết phục, nhưng các nghiên cứu sau đó như Anderson (1979), Bergstrand (1985), Helpman (1987), Bergstrand (1989),… đã thêm nền tảng lý thuyết và thực nghiệm vào mô hình, cụ thể: Bergstrand (1985) đã bổ sung thêm nhóm các yếu tố thúc đẩy hoặc cản trở đối với hoạt động xuất khẩu hàng hóa giữa 2 quốc gia i với j; Linneman (1966) đã hệ thống lại những yếu tố chi phối thương mại thành 3 nhóm: (1) yếu tố tác động tới nguồn cung xuất khẩu từ quốc gia xuất khẩu (GDP, GNP, dân số nước xuất khẩu, FDI vào nước xuất khẩu và GDP, GNP bình quân đầu người ở quốc gia xuất khẩu), (2) yếu tố tác động tới cầu nhập khẩu tại quốc gia nhập khẩu (GDP, GNP, dân số nước nhập khẩu và GDP, GNP bình quân đầu người quốc gia nhập khẩu) và (3) yếu tố ngoại tác tượng trưng cho “sức cản” hay “thúc đẩy” thương mại (tỷ giá hối đoái thực giữa 2 quốc gia, văn hóa và ngôn ngữ của các nước, độ mở thương mại ở các nước, hạn ngạch thuế quan và hàng rào kỹ thuật, vị trí địa lý, khoảng cách địa lý và biên giới). Cho đến nay, mô hình này vẫn được sử dụng khá phổ biến.

2.2. Mô hình nghiên cứu đề xuất

 Trên cơ sở nghiên cứu lý thuyết về lực hấp dẫn trong thương mại quốc tế như trình bày trên và thực trạng xuất khẩu hạt điều của Việt Nam, bài viết đề xuất mô hình nghiên cứu như sau:

Hình 1: Mô hình nghiên cứu đề xuất

xuất khẩu hạt điều

Nguồn: Đề xuất của tác giả

Từ đó, tác giả đề xuất mô hình lực hấp dẫn mở rộng để lượng hóa yếu tố tác động tới kim ngạch xuất khẩu hạt điều của Việt Nam dưới đây:

EX = A*GDPimβ1*POPexβ2*AREAβ3*DISTβ4*RERβ5*eβ6HAR + β7WTO

Lấy logarit 2 vế và đặt lnA = β0 để đưa mô hình về dạng tuyến tính với mục đích ước lượng hồi quy, ta được mô hình sau:

lnEX = β0 + β1lnGDPim + β2lnPOPex + β3lnAREA + β4lnDIST
+ β5lnRER + β6HAR + β7WTO + ε

Trong đó: β0 là hằng số cố định m bi là hệ số hồi quy biểu thị mức độ ảnh hưởng của yếu tố i thuộc mô hình (I = 1, 2, …,7); ε là sai số ngẫu nhiên của mô hình.

3. Phương pháp nghiên cứu

3.1. Nguồn và phương pháp thu thập dữ liệu

Bài viết sử dụng dữ liệu bảng (panel data) chứa 240 quan sát trong giai đoạn 16 năm từ 2005 đến 2020, giữa nước ta và 15 nước đối tác nhập khẩu thuộc khu vực EU: Bulgaria, Cyprus, Bỉ, Hy Lạp, Đức, Pháp, Hungary, Latvia, Ý, Lithuania (Litva), Hà Lan, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Vương quốc Anh và Ba Lan (tất cả quan sát đều theo từng năm).

Dữ liệu thứ cấp được thu thập từ: UN Comtrade, Trademap, World Bank, Tổng cục Thống kê, OECD, International Financial Statistics (IFS), WTO, www.timeanddate.com, www.marinetraffic.com.

Do không có sẵn nguồn dữ liệu cho tỷ giá hối đoái thực giữa những nước nhập khẩu và Việt Nam nên tác giả sẽ dùng tới công thức tính toán dưới đây:

xuất khẩu hạt điều

Trong đó: ER là tỷ giá hối đoái danh nghĩa của đồng tiền nước nhập khẩu và VND, ER = Eex/Eim với Eex là tỷ giá 1 USD tương ứng với bao nhiêu VND, Eim là tỷ giá 1 USD tương ứng với bao nhiêu đồng tiền nước nhập khẩu. CPIim là chỉ số giá tiêu dùng của nước nhập khẩu. CPIex là chỉ số giá tiêu dùng Việt Nam.

3.2. Phương pháp phân tích dữ liệu

Bài viết sử dụng phân tích hồi quy với bộ số liệu thu thập được từ mô hình (Pooled) OLS cơ bản nhất, sau đó đến lượt FEM và REM. Tiếp theo, nhằm kiểm định sự thích hợp của những phương pháp hồi quy với những dữ liệu này, tác giả đi theo những bước kiểm định lần lượt là: F test, LM test và Hausman test.

4. Kết quả nghiên cứu

4.1. Thống kê mô tả các biến trong mô hình

Bảng 1. Thống kê mô tả dữ liệu những biến của mô hình

xuất khẩu hạt điều

Nguồn: Kết quả tính toán từ Stata

4.2. Kiểm định đa cộng tuyến

Trong dữ liệu bảng, giữa những biến hay có sự tương quan cao có thể xuất hiện đa cộng tuyến, do đó, bộ dữ liệu cho bài viết cần được triển khai phân tích bổ sung với phân tích nhân tử phóng đại phương sai (VIF) nhằm củng cố về độ tin cậy. Các giá trị VIF thu được của những biến độc lập không quá cao và đều thấp hơn 10, thế nên không tồn tại vấn đề nghiêm trọng về đa cộng tuyến giữa những biến độc lập ở mô hình nghiên cứu. Như vậy, bộ dữ liệu phù hợp cho nghiên cứu của tác giả.

Bảng 2. Kết quả kiểm định đa cộng tuyến

xuất khẩu hạt điều

Nguồn: Kết quả tính toán từ Stata

4.3. Kiểm định hồi quy

Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 6 biến có ý nghĩa về mặt thống kê. Những biến độc lập có ý nghĩa thống kê lần lượt là biến lnGDPim, lnPOPex, lnAREA, lnRER, HAR, WTO. Các biến lnGDPim, lnPOPex, lnAREA, lnRER có ý nghĩa thống kê ở mức 1%, biến HAR có ý nghĩa thống kê tại mức 5% và biến WTO có ý nghĩa thống kê tại mức 10%.

Bảng 3. Kết quả hồi quy mô hình trọng lực những yếu tố tác động

tới xuất khẩu hạt điều Việt Nam đến khu vực EU giai đoạn 2005-2020

xuất khẩu hạt điều

Chú thích: ***, ** và * chỉ mức ý nghĩa thống kê lần lượt là 1%, 5% và 10%

Nguồn: Kết quả tính toán từ Stata

4.4. Một số thảo luận về kết quả nghiên cứu

4.4.1. Quy mô nền kinh tế của nước nhập khẩu

Hệ số biến lnGDPim mang giá trị dương là 0,6533414, cùng p-value có giá trị 0,000 cho thấy, biến lnGDPim về mặt thống kê có ý nghĩa tại mức 1%. Việt Nam có khuynh hướng xuất khẩu sang những nước có GDP lớn, điều này cũng phù hợp với thực trạng về thị trường xuất khẩu của hạt điều Việt Nam. Trong số những quốc gia này, nhiều quốc gia có nền kinh tế vô cùng phát triển cùng với GDP cao như Đức, Anh, Hà Lan, Pháp, Tây Ban Nha, Bỉ,… Kết quả này tương thích những nghiên cứu tiền nhiệm như của Trần Trung Hiếu và Phạm Thị Thanh Thuỷ (2010), Trần Thanh Long và Phan Thị Quỳnh Hoa (2015) hay Nguyen và cộng sự (2020).

4.4.2. Quy mô dân số Việt Nam

Kết quả nghiên cứu cho thấy, hệ số biến lnPOPex mang giá trị dương là 18,58849 với p-value ở mức 0,000, vì thế đây có thể xem là biến giải thích rất tốt của mô hình hồi quy. Xét tới lao động, Việt Nam thực sự là nước với tốc độ tăng năng suất lao động cao ở ASEAN, dân số đông - quy mô lớn, tháp dân số tương đối trẻ và đang chuẩn bị tiến đến thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” cùng lượng nhân lực dồi dào tính từ trước cho tới nay. Hiện nay, ngành Hạt điều Việt Nam đã có nhiều thành tựu về công nghệ sản xuất cũng như xây dựng quy trình chế biến theo tiêu chuẩn của các nước phát triển như BRC, HACCP,… đảm bảo chất lượng xuất khẩu theo những yêu cầu cao của các nước trên thế giới (theo VINACAS), do đó khi dân số tăng thì lượng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật tham gia vào sản xuất điều cũng sẽ tăng và góp phần làm tăng nguồn cung xuất khẩu. Kết quả này tương đồng với những nghiên cứu như của Đỗ Thị Hòa Nhã và Nguyễn Thị Thu Hà (2019), Bekele và Mersha (2019).

4.4.3. Diện tích cho sản phẩm hạt điều

Kết quả nhận được cho thấy, biến lnAREA về mặt thống kê có ý nghĩa với p-value = 0,008. Tuy nhiên, hệ số của biến này lại mang dấu âm với giá trị là -1,119543. Với hệ số này, khi diện tích cho sản phẩm hạt điều tăng lên 1% thì kim ngạch xuất khẩu hạt điều Việt Nam sang EU sẽ giảm đi 1,119543%.

Tại Hội nghị Phát triển ngành Điều Việt Nam năm 2018, báo cáo của Cục Trồng trọt về hiện trạng ngành Điều Việt Nam cho biết diện tích điều cả nước không ngừng giảm trong suốt 8 năm (2007 - 2015), từ gần 440.000 ha xuống 290.000 ha. Tuy diện tích giảm, nhưng sản lượng điều vẫn không ngừng gia tăng. Cây điều không đem đến thu nhập cao và thường xuyên chịu tác động từ thời tiết, dịch bệnh. Do vậy, ngành Nông nghiệp xác định đến năm 2030 sẽ chú trọng tái cơ cấu ngành Điều thay vì mở rộng diện tích, và phía doanh nghiệp cũng cần tập trung chế biến sâu, thâm canh đúng quy trình, tái cơ cấu, xây dựng mô hình và ổn định đầu ra. Như vậy, điều kiện thực tế tại Việt Nam về môi trường tự nhiên và chính sách đã dẫn đến tác động ngược chiều của diện tích cho sản phẩm hạt điều đến kim ngạch xuất khẩu hạt điều. Trong giới hạn tìm kiếm của tác giả, có các nghiên cứu của Erdem và Nazlioglu (2008), Shahriar và Kea (2019) đi đến kết quả tác động tiêu cực của yếu tố diện tích tới KNXK.

4.4.4. Khoảng cách địa lý

Hệ số hồi quy của biến lnDIST theo kết quả thu được mang dấu âm với giá trị bằng -0,8917256 đúng với kỳ vọng, nhưng với p-value = 0,404 thì biến này về mặt thống kế lại không có hề ý nghĩa.

4.4.5. Tỷ giá hối đoái thực

Hệ số biến lnRER theo kết quả nhận được mang giá trị dương khá cao là 0,7704357, và đi cùng p-value bằng 0,000 thì biến này có ý nghĩa thống kê tại mức 1%. Điều này cũng đúng với thực tế khi áp dụng chính sách tăng tỷ giá hối đoái thực sẽ góp phần làm tăng xuất khẩu đối với nhiều ngành và mặt hàng, khiến cho hàng hóa trong nước trở nên rẻ hơn tương đối so với hàng hóa nước ngoài. Như vậy, xuất khẩu hạt điều vào EU sẽ càng có lợi khi hạt điều Việt Nam đã trở thành một sản phẩm dinh dưỡng, phù hợp với xu hướng ăn uống có lợi cho sức khỏe của người dân EU và được họ tin dùng. Kết quả đúng với lý thuyết mà tác giả đã trình bày ở các chương trước, đồng thời cũng giống với nhiều nghiên cứu như của Krutskykh (2012), Dương Thị Thanh Thái (2019), Santosa và Saputra (2019).

4.4.6. Quốc gia có đường bờ biển

Hệ số biến giả HAR có giá trị âm là -2,177882 và có ý nghĩa thống kê tại mức 5% với p-value = 0,034. Thực tế, thông tin từ CBI cho biết hạt điều nhập khẩu từ thế giới vào châu Âu qua những cảng quan trọng như Rotterdam (Hà Lan), Hamburg (Đức) hay Felixstowe và Tilbury (Vương quốc Anh). Từ đây, hạt điều được phân phối tới những thị trường tại EU. Do đó, cảng biển giữ vai trò thiết yếu đối với những nước EU trong hoạt động nhập khẩu hạt điều nói riêng và nông sản nói chung. Những nghiên cứu do Carrere (2006), Sadeghi và cộng sự (2019) thực hiện cũng chỉ ra sự không thuận lợi ở nước mà không có đường bờ biển. Kết quả của bài viết này trái ngược với kỳ vọng có thể do trong phạm vi 15 nước nghiên cứu tại EU chỉ có duy nhất  Hungary không có đường bờ biển, khiến cho tác động từ yếu tố này chưa được phản ánh đúng đắn.

4.4.7. Tham gia WTO

Biến giả gia nhập WTO có hệ số mang dấu dương là 0,2471255 và p-value = 0.050 nên biến này về mặt thống kê có ý nghĩa trong nghiên cứu tại mức 10%. Do vậy, việc một nước nhập khẩu có tham gia WTO sẽ làm kim ngạch xuất khẩu hạt điều Việt Nam đến khu vực EU tăng thêm 0,2471255%. Kết quả này thỏa mãn được kỳ vọng của tác giả, cũng như những nghiên cứu tiền nhiệm. Thực tế cho thấy, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng liên tục sau khi gia nhập WTO, bình quân ở mức 15%/năm trong giai đoạn 2007 - 2020. Đáng chú ý, kinh tế Việt Nam tuy phải đối mặt với nhiều trở ngại, nhưng vào năm 2010, kim ngạch xuất khẩu vẫn cán mốc 72,2 tỷ USD (tăng 26,4%) và năm 2011 lên đến 96,9 tỷ USD (tăng 34%) (theo Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thống kê). Ở lĩnh vực nông nghiệp, từ lúc trở thành thành viên WTO chính thức và đã có bước tiến vững chắc hơn, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu hạt điều và hạt tiêu xếp số 1 thế giới. Kết quả này tương đồng với nhiều nghiên cứu như của Trần Nhuận Kiên và Ngô Thị Mỹ (2015), Potelwa và cộng sự (2016), Santosa và Saputra (2019).

5. Kết luận

Bài nghiên cứu đã chỉ ra mức độ ảnh hưởng của các yếu tố tới kim ngạch xuất khẩu hạt điều Việt Nam đến EU, theo mức độ giảm dần, đó là: quy mô dân số Việt Nam, tỷ giá hối đoái thực, GDP quốc gia nhập khẩu và sự gia nhập WTO. Ngoài ra, diện tích cho sản phẩm hạt điều và yếu tố có đường bờ biển có tác động âm tới trị giá kim ngạch xuất khẩu lần lượt với mức là -1,119543 và -2,177882, còn biến khoảng cách địa lý không có ảnh hưởng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Anderson, J. E. (1979). A theoretical foundation for the gravity equation, The American economic review, 69(1), 106-16.
  2. Bergstrand, J. H. (1985). The gravity equation in international trade: Some microeconomic foundations and empirical evidence. The review of economics and statistics, 67(3), 474-481.
  3. Bekele, W. T., & Mersha, F. G., (2019). A Dynamic Panel Gravity Model Application on the Determinant Factors of Ethiopias Coffee Export Performance. Annals of Data Science, 6(4), 787-806.
  4. Helpman, E. (1987). Imperfect Competition and International Trade: Evidence from Fourteen Industrial Countries. Journal of the Japanese and International Economies, 1(1), 62-81.
  5. Linneman, H. (1966). An Econometric Study of International Trade Flow, Contributions to Economic Analysis. Amsterdam: North Holland.
  6. Potelwa, X.Y., Lubinga, M.H., & Ntshangase, T. (2016). Factors influencing the growth of South Africas agricultural exports to world markets. European Scientific Journal, 12, 195-204.
  7. Tinbergen, J. (1962). Shaping the world economy; suggestions for an international economic policy. The Economic Journal, 76(301), 92-95.

ANALYZING THE FACTORS AFFECTING VIETNAM'S

CASHEW NUTS EXPORTS TO THE EU BY USING

THE GRAVITY MODEL

Ph.D TRAN THI BICH NHUNG1

• DUONG QUOC HOA2

1Lecturer, Deparment of Business Administration, Finance and Accounting,

Foreign Trade University - Ho Chi Minh City Campus

2Student, Faculty of International Economics,

Foreign Trade University - Ho Chi Minh City Campus 

ABSTRACT:

This paper uses the gravity model to explore the factors affecting Vietnam's cashew nuts exports to the EU market. The paper uses a panel data including 240 observations in the period from 2005 to 2020 between Vietnam and 15 importing partner countries in the EU. This paper’s results show that the population size of Vietnam has the greatest influence on the export of cashew nuts from Vietnam to the EU. This factor is followed by the real exchange rate, the importing country's GDP and the WTO participation.

Keywords: gravity model, cashew nuts exports, Vietnam, the EU.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 19, tháng 8 năm 2022]