TÓM TẮT:
Nghiên cứu xem xét các yếu tố có thể ảnh hưởng đến việc một nữ sinh viên quyết định khởi nghiệp. Nhóm tác giả đã tiến hành phỏng vấn sâu một nhóm 20 cựu sinh viên và 10 sinh viên. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các yếu tố quyết định một nữ sinh viên có trở thành doanh nhân hay không vượt xa các tiêu chuẩn lựa chọn công việc thông thường, bao gồm nhiều khía cạnh từ việc kiếm tiền, tự do trong công việc đến mong muốn phát triển cá nhân và phúc lợi. Đáng chú ý, yếu tố quan trọng nhất khiến nữ sinh viên quyết định khởi nghiệp chính là dám tin tưởng vào bản thân trong việc nhận thức đúng đắn và sẵn sàng làm chủ cơ hội kinh doanh.
Từ khóa: Khởi nghiệp, nữ giới, nữ sinh viên, nữ doanh nhân.
1. Đặt vấn đề
Trên phương diện quản lý nguồn nhân lực, sự gia tăng của nữ doanh nhân là rất quan trọng đối với nền kinh tế Alvarado và Lynham (2005). Rất nhiều nền kinh tế và tổ chức đã phải gánh chịu nhiều tổn thất khi những người phụ nữ tài giỏi và tài năng rời bỏ công việc của họ (Hewlett và Luce, 2005). Bởi vậy, một trong những chỉ số trung thực phản ánh thành công kinh tế của đất nước là khuyến khích phụ nữ tham gia khởi nghiệp, trong đó các nữ sinh viên là một nguồn lực quan trọng. Điều này không chỉ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm, mà còn là con đường cho sự thể hiện vai trò và giải phóng tiềm năng của phụ nữ (Eddleston và Powell, 2008).
Tại các nước phát triển, phụ nữ sở hữu và quản lý tới 1/3 tổng số doanh nghiệp và vẫn có xu hướng gia tăng. Tại Việt Nam, tỷ lệ này còn thấp mặc dù bình đẳng giới đã được thừa nhận rộng rãi, phụ nữ hay nam giới bình đẳng trong việc làm và tham gia phát triển kinh tế. Dù mong muốn khởi nghiệp của bộ phận nữ giới Việt Nam rất cao với chỉ số khởi nghiệp là 15,5%, trong khi của nam giới là 11,6% (VCCI, 2015). Tuy vậy, số doanh nghiệp Việt Nam thực sự do phụ nữ điều hành hoặc sở hữu còn thấp và chưa tương xứng với con số này. Có thể nói, nữ doanh nhân là nguồn lực chưa được khai thác hiệu quả và đóng góp còn hạn chế so với tiềm năng để thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng.
Nghiên cứu sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính thông qua việc phỏng vấn sinh viên và cựu sinh viên nữ để khám phá tác động của các yếu tố tới việc ra quyết định sáng lập và quản lý doanh nghiệp. Trong các cựu sinh viên nữ, một nhóm là chủ sở hữu, điều hành và một nhóm lao động thông thường đại diện cho hai cực quan điểm về khởi nghiệp, điều này giúp nghiên cứu so sánh tác động của các yếu tố được rõ nét.
2. Tổng quan nghiên cứu
Theo Verheul (2006), những người phụ nữ sáng tạo, chủ động hoặc áp dụng một hoạt động kinh doanh là những nữ doanh nhân. Nữ doanh nhân xuất hiện trong xã hội chủ yếu vì hai lý do, hoặc do hoàn cảnh thay đổi hoặc đến từ chính tham vọng và sự lựa chọn chủ động. Một số phụ nữ tham gia vào lĩnh vực kinh doanh chỉ đơn thuần là do các hoàn cảnh tình cờ. Nhưng, một số lại có các mục đích thực hiện sự nghiệp kinh doanh rõ ràng và khởi nghiệp kinh doanh trở thành là lựa chọn chủ động và duy nhất của họ. Có khá nhiều nghiên cứu đã thảo luận về các yếu tố cụ thể quyết định khả năng thực hiện sự nghiệp kinh doanh của nữ giới.
Một số nghiên cứu tiếp cận lý thuyết đã nhấn mạnh tầm quan trọng của xã hội hóa doanh nhân gắn liền với lý thuyết học tập xã hội (Bandura, 1977) như một cách làm rõ hành vi kinh doanh và tăng trưởng kinh doanh. Học tập xã hội có khả năng xảy ra khi hành vi của người khác được quan sát và những người khác thường được gọi là mô hình vai trò. Lý thuyết học tập xã hội để làm sáng tỏ các lựa chọn nghề nghiệp kinh doanh đã được phát hiện trong các nhà nghiên cứu khác nhau. Hisrich and Brush (1989) cũng mô tả cách cha mẹ có thể thực hiện tác động tích cực đến các doanh nhân nữ.
Theo quan điểm về liên kết mạng, tinh thần kinh doanh được nhúng trong một mạng lưới phức tạp của các mối quan hệ xã hội. Aldrich và Zimmer (1986) đã gợi ý trong các mạng lưới như vậy, tinh thần kinh doanh được hỗ trợ hoặc ngăn chặn bởi các kết nối giữa các doanh nhân, vốn và cơ hội khao khát. Quan điểm này cho thấy hiệu suất của các doanh nhân bị ảnh hưởng bởi sự hiện diện hoặc vắng mặt của các mạng, chẳng hạn như thành viên trong các tổ chức, điều này rất quan trọng cho sự phát triển của một doanh nghiệp. Tuy nhiên, một số phân chia và ràng buộc nhất định có thể hạn chế quyền truy cập của phụ nữ vào mạng, điều này có thể gây ra những cản trở đáng kể cho sự xuất hiện của các doanh nhân nữ (Aldrich, 1989).
Một số nghiên cứu khác đã cho thấy, các yếu tố môi trường ảnh hưởng đến tinh thần kinh doanh của phụ nữ. Có một số yếu tố quyết định chủ yếu, như cấu trúc khác biệt về cơ hội, địa điểm, hoạt động ngành và các biến số chính trị - xã hội (tức là, tiếp cận hỗ trợ của chính phủ) trong hoạt động của các doanh nhân. Theo Lerner et al. (1997), các yếu tố môi trường tích cực cải thiện hiệu suất của các doanh nhân nữ. Ngoài ra, giới tính, cùng với nhân khẩu học xã hội, ảnh hưởng đến việc tiếp cận các hình thức vốn khác nhau và vốn, ảnh hưởng đến thành công của doanh nhân. Khung lý thuyết của Bourdieu tập trung vào ảnh hưởng của quá trình xã hội hóa và vốn văn hóa trong việc phát triển nguyện vọng của cá nhân (1993).
Vốn xã hội đề cập đến các mạng xã hội, các tiêu chuẩn về sự có đi có lại, hỗ trợ lẫn nhau và sự tin cậy của họ (Putnam và Feldstein, 2003). Các khía cạnh của vốn xã hội được xác định bởi Narayan và Cassidy (2001) về đặc điểm nhóm, chuẩn mực chung, sự gắn kết, xã hội hàng ngày, kết nối khu phố, tình nguyện và niềm tin. Như vậy, các nghiên cứu thực nghiệm nhằm phân tích các yếu tố hoạt động khởi nghiệp của nữ giới thường xuyên nhấn mạnh các yếu tố sau: Giáo dục; Gia đình; Xã hội; Các yếu tố cá nhân; Môi trường và các chính sách hỗ trợ.
Các nghiên cứu cho thấy việc mong muốn và quyết định khởi nghiệp trở thành nữ doanh nhân gồm cả các yếu tố môi trường bên trong và bên ngoài. Tuy vậy, trong các nghiên cứu này, việc quyết định được xem xét là lựa chọn của cá nhân trong bối cảnh các thể chế kinh tế thị trường phát triển sớm và đầy đủ. Những kết luận trên có thể không đủ tin cậy trong điều kiện thể chế kinh tế thị trường phát triển chưa đầy đủ, môi trường kinh doanh biến động cùng với sự thiếu thốn về thông tin. Hơn thế nữa, tới nay có rất ít nghiên cứu đi sâu vào quá trình ra quyết định khởi nghiệp của nữ sinh viên.
Khi thiếu những điều kiện thể chế thị trường, văn hóa có những đặc thù, việc quyết định khởi nghiệp của nữ sinh viên có thể chịu sự chi phối khác biệt bởi các yếu tố này. Có thể có nhiều yếu tố khó thay đổi như văn hóa, tập quán, nhưng cũng có nhiều yếu tố có thể cải thiện như thông tin, giáo dục,… Việc hiểu rõ câu trả lời này có ý nghĩa quan trọng, cho phép xác định rõ các hành động hợp lý để cải thiện thực trạng khởi nghiệp của nữ sinh viên nói riêng và nữ giới nói chung tại Việt Nam.
3. Phương pháp nghiên cứu
3.1. Thiết kế nghiên cứu
Dựa trên tổng quan nghiên cứu, nhóm tác giả có đủ luận cứ để đưa ra giả thuyết các nhóm yếu tố được cho là ảnh hưởng tới việc nữ sinh viên sẽ tiến hành khởi nghiệp và trở thành doanh nhân.
Phương pháp nghiên cứu định tính (cụ thể là phỏng vấn sâu) là cách tiếp cận phù hợp nhất cho những dự án nghiên cứu khám phá như loại nghiên cứu này. Phương pháp nghiên cứu định tính được sử dụng để tiến hành thu thập các minh chứng, luận cứ để làm rõ và kiểm định các giả thuyết, đồng thời khám phá, giải thích ý nghĩa hiện thực tại sao một nữ sinh viênquyết định khởi nghiệp còn người khác thì không. Với mục tiêu đặt ra như trên, nghiên cứu chú trọng đến các trải nghiệm cá nhân của đối tượng khảo sát nhằm khám phá ý nghĩa nhận thức, quan điểm, niềm tin của đối tượng.
Phương pháp thu thập dữ liệu chủ yếu là tiến hành phỏng vấn sâu, kết hợp quan sát (Hành vi, lời nói) và tìm hiểu lịch sử đối tượng. Nhóm tác giả muốn thu thập các thông tin phong phú về quy trình ra quyết định và hiểu rõ hơn các yếu tố này được sử dụng bởi ai, theo cách nào và ở mức độ nào. Phương pháp phỏng vấn sâu cho phép theo sát được luồng suy nghĩ của người được phỏng vấn, giúp đưa ra những câu hỏi phù hợp để làm sáng tỏ các lựa chọn của họ.
3.2. Mẫu phỏng vấn
Nghiên cứu lựa chọn một nhóm 8 cựu sinh viên nữ đang là chủ sở hữu doanh nghiệp và một nhóm 12 cựu sinh viên nữ đang là lao động nữ tác nghiệp đại diện cho các hướng quyết định của cá nhân. Cùng với đó là 10 sinh viên nữ đang học năm cuối tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Tác giả và đội ngũ cộng sự trực tiếp tiếp xúc với đối tượng, giới thiệu tóm tắt với họ bản chất của nghiên cứu này, và xin phép được phỏng vấn. Sau khi được sự đồng ý, các cuộc phỏng vấn được thực hiện trong khoảng thời gian từ tháng 10 năm 2019 đến tháng 01 năm 2020. Với nhóm chủ sở hữu, giám đốc doanh nghiệp, mẫu bao gồm 5 người làm việc tại Hà Nội, 1 người ở Hải Phòng và 2 người tại Hải Dương. Mẫu phỏng vấn lao động tác nghiệp bao gồm 10 người làm việc tại các doanh nghiệp ở các quận, huyện khác nhau tại Hà Nội.
3.3. Thu thập dữ liệu
Các cuộc phỏng vấn được thực hiện dưới hình thức phỏng vấn bán cấu trúc. Phần thứ nhất của nội dung phỏng vấn là các câu hỏi liên quan đến thông tin chung về người được phỏng vấn, bao gồm cả lịch sử nghề nghiệp. Phần thứ hai tập trung vào các yếu tố dẫn tới quyết định nghề nghiệp hiện tại. Phần thứ ba tập trung các quyết định nghề nghiệp trong tương lai.
Qua quá trình phỏng vấn, những ý tưởng và phát hiện mới từ các cuộc phỏng vấn trước sẽ được đưa vào các cuộc phỏng vấn tiếp sau và cuối cùng tất cả các ý tưởng và phát hiện mới được sử dụng cho việc phân tích dữ liệu. Hoạt động phỏng vấn dừng lại khi không còn khái niệm hay ý tưởng mới phát sinh thêm. Do đó, kết quả phỏng vấn sẽ phản ánh đầy đủ hành vi khởi nghiệp. Các phỏng vấn được ghi âm và sao chép gần đúng nguyên văn trong vòng 24 tiếng kể từ cuộc phỏng vấn, với thời lượng từ 60 đến 90 phút, trung bình khoảng 70 phút.
3.4. Phân tích dữ liệu
Trước hết, đối với mỗi phỏng vấn, tác giả ghi nhận cẩn thận các nhận định mà một nữ sinh viên/cựu sinh viên khẳng định sẽ có vai trò nhất định tới việc khởi nghiệp, sau đó chúng được phân theo các nhóm theo nội hàm dựa vào các kết quả của các nghiên cứu sẵn có và kết quả phỏng vấn. Một số cộng tác viên có kinh nghiệm cùng tác giả sử dụng kết quả phân loại này để kiểm tra lại từng cuộc phỏng vấn. Mỗi cuộc phỏng vấn đều đánh dấu sự hiện diện của mỗi yếu tố, sau đó, so sánh các kết quả kiểm tra, những điểm chưa thống nhất sẽ được thảo luận và điều chỉnh lại.
4. Kết quả nghiên cứu
Quyết định khởi nghiệp là quyết định mang tính khám phá, đánh giá và khai thác hàng hóa, dịch vụ trong tương lai liên quan đến việc nghiên cứu các cơ hội và triển khai thực tế. Với một nữ sinh viên, nghiên cứu đã rút ra một số nhóm yếu tố chính yếu như sau:
Trước tiên là vượt qua định kiến giới: Mặc dù vấn đề bình đẳng giới Việt Nam trở thành một hiện thực rất rõ ràng, hầu hết nữ sinh viên/cựu sinh viên vẫn cho biết họ bị thiệt thòi trong các giao dịch, tiếp cận các đối tác kinh doanh, nhất là các giao dịch có quy mô. Những định kiến như vậy tác động tiêu cực tới khả năng khởi nghiệp của các nữ sinh viên/cựu sinh viên. Hơn nữa, họ cũng cảm nhận kỳ vọng của xã hội và các chuẩn mực phi chính thức tương tự như coi những việc “lớn” phải dành cho nam giới đang hạn chế họ hiện thực hóa sự nghiệp doanh nhân.
Thứ hai là năng lực của bản thân và khả năng nhận thức cơ hội kinh doanh: Sự tích lũy năng lực trong học tập và cả quá trình làm việc sau tốt nghiệp là vấn đề quan trọng liên quan tích cực với việc tự làm chủ và hình thành doanh nghiệp, đó chính là khả năng của nữ sinh viên trong việc tổ chức và thực hiện các hành động cần thiết để đạt được những thành tựu nhất định. Ngoài ra, nó cũng liên quan trực tiếp đến niềm tin, củng cố sự quyết tâm sẽ đạt được thành công của bản thân họ. Khi một sinh viên nữ đủ tin tưởng vào năng lực của bản thân, khả năng trở thành doanh nhân trở nên rõ ràng hơn. Tuy nhiên, một bộ phận lớn người được phỏng vấn đang quan niệm các doanh nghiệp được dẫn dắt bởi nam giới có hiệu quả kinh doanh cao hơn. Điều này có vẻ đang ảnh hưởng tiêu cực tới sự hình thành các nữ doanh nhân Việt Nam.
Về nhận thức cơ hội kinh doanh, một trong những vấn đề hiện nay khiến nữ sinh viên không dám đưa ra quyết định khởi nghiệp là họ không rõ tại sao, khi nào và làm thế nào các cơ hội kinh doanh tồn tại. Nói cách khác họ thiếu hiểu biết một cách đầy đủ về nguồn gốc, cách thức và quy trình mà họ có thể khám phá, đánh giá và khai thác cơ hội kinh doanh. Điều này khiến nhiều nữ sinh viên chấp nhận làm thuê thay vì khởi sự hoặc chấp nhận tự doanh nhỏ lẻ kiểu hộ gia đình. Điều này cũng liên quan trực tiếp tới việc họ có được tiếp cận với môi trường giáo dục có ý nghĩa, giúp họ đủ năng lực nhận ra tiềm năng kinh tế và cơ hội cho riêng mình. Những sinh viên học tập được điều này từ các chương trình giáo dục chính thức hoặc từ sự nghiệp kinh doanh truyền thống của gia đình giúp họ tập hợp được kiến thức, kỹ năng và động lực cao hơn để trở thành doanh nhân.
Thứ ba là động cơ và mục tiêu cá nhân: Động cơ và mục tiêu cá nhân, đặc biệt là mong muốn tự chủ cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến nữ sinh viên trở thành doanh nhân. Động cơ của doanh nhân nữ sẽ không kiếm tiền một cách đơn thuần mà luôn đi cùng với mong muốn được tự do khỏi công việc, phát triển cá nhân và phúc lợi khác. Nếu chỉ mong muốn vượt qua khó khăn tài chính, nữ giới hoàn toàn có thể lựa chọn công việc làm thuê để được trả lương, chỉ khi họ thực sự muốn đạt tới sự tự chủ hoàn toàn về tài chính sẽ thúc đẩy họ sáng lập và sở hữu sự nghiệp kinh doanh riêng.
Thứ tư là dám chấp nhận rủi ro: Kinh doanh luôn là một công việc mạo hiểm. Ở nhóm cựu sinh viên đang là doanh nhân và những sinh viên năm cuối muốn trở thành doanh nhân, họ luôn thể hiện rõ sự sẵn sàng chấp nhận thách thức, sẵn sàng phiêu lưu với mong muốn và quyết tâm làm nên sự nghiệp. Ở chiều ngược lại, lý do khiến nữ sinh viên không sẵn sàng khởi nghiệp dù cho họ có khá đầy đủ các điều kiện chính là bởi họ không thích rủi ro. Đây có thể được coi là một rào cản đối với sự phát triển của họ.
Thứ năm là hệ thống chính sách hỗ trợ nữ giới khởi nghiệp: Các chính sách hỗ trợ các các cấp chính quyền và các tổ chức tài chính dành cho nữ sinh viên nói riêng và nữ giới nói chung có thúc đẩy phát triển doanh nhân nữ. Nó có thể tạo ra thuận lợi trong quá trình thành lập, quản lý doanh nghiệp để bước đầu tạo thu nhập cơ bản, rồi dần dần dẫn đến tăng trưởng.
5. Kết luận
Nữ giới Việt Nam nói chung, nữ sinh viên nới riêng về cơ bản đã hội đủ các kỹ năng và tài năng kinh doanh. Nghiên cứu cho thấy, để sinh viên nữ bắt đầu sáng lập các doanh nghiệp giúp có được địa vị tốt hơn trong xã hội, sẽ có nhiều vấn đề cần giải quyết. Ngoài những vấn đề mang tính cá nhân, sự tồn tại và phát triển bền vững của các doanh nghiệp của nữ giới phụ thuộc rất nhiều vào các hỗ trợ bên ngoài như: Tiếp cận giáo dục khởi nghiệp để sở hữu các kỹ năng và kiến thức tiến bộ, sự ủng hộ từ gia đình và xã hội để bắt đầu kinh doanh, đặc biệt là các chương trình hỗ trợ phát triển nữ sinh viên khởi nghiệp như ưu đãi từ chính phủ và tổ chức ngân hàng tài chính. Hiệu quả kết hợp của tất cả những điều này chắc chắn sẽ thúc đẩy quá trình phát triển doanh nhân nữ Việt Nam từ thế hệ sinh viên nữ hiện nay.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Alvarado, M. and Lynham, S.A. (2005), “Experiences of Hispanic executives in the USA workplace: an exploratory overview of current knowledge and understanding”, Proceedings of the Academy of Human Resource Development.
- VCCI (2015), Báo cáo của VCCI Việt Nam năm 2015.
- Bandura, A. (1992), “Exercise of personal agency through the self-efficacy mechanism”.
- Hewlett, S.A. and Luce, C.B. (2005), “Off-ramps and on-ramps: keeping talented women on the road to success”, Harvard Business Review.
- Eddleston, K. and Powell, G. (2008), “The role of gender identity in explaining sex differences in business owners career satisfier preferences”, Journal of Business Venturing.
- McKay, R. (2001). Women entrepreneurs moving beyond family and flexibility. International Journal of Entrepreneurial Behaviour and Research.
- Slovic, P. (2000), The Perception of Risk, Earthscan Publications Ltd, London.
- Shane, S. and Venkataraman, S. (2000), “The promise of entrepreneurship as a field of research”, Academy of Management Review.
- Sequeira, J., Mueller, S.L. and McGee, J. (2007), “The influence of social ties and self-efficacy in forming entrepreneurial intentions and motivating nascent behavior”, Journal of Developmental Entrepreneurship.
- Tominc, P. & Rebernik, M. (2003), The scarcity of women entrepreneurship. University of Maribor, Faculty of economics and business.
- Verheul, I., Van Stel, A. and Thurik, R. (2006), “Explaining female and male entrepreneurship at the country level”, Entrepreneurship and Regional Development.
Factors affecting the entrepreneurial decision of female students: Case study of Hanoi University of Industry’s female students
Ph.D Nguyen Manh Cuong
Ph.D Ha Thanh Cong
Faculty of Business Administration - Hanoi University of Industry
ABSTRACT:
This study examines the factors affecting the decision of female students to start a business. In-depth interviews with 20 alumni and 10 current students were conducted to carry out this study. This study’s findings reveal that the factors affecting the femal students’ entrepreneurial decision exceed common job selection standards in terms of many aspects from making money, seeking freedom in work, achieving personal developments to ensuring personal wellbeing. Remarkably, the most important factor that affects female students to start businesses is the self-belief and the willingness to seize business opportunities.
Keywords: Start-up, women, female students, businesswomen.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 14, tháng 6 năm 2020]