TÓM TẮT:
Nghiên cứu này được thực hiện nhằm xác định và đo lường mức độ ảnh hưởng của các yếu tố đến ý định khởi nghiệp của sinh viên Trường Đại học An Giang (ĐHAG). Kết quả phân tích hồi quy cho thấy, yếu tố Môi trường khởi nghiệp có tác động lớn nhất đến ý định khởi nghiệp của sinh viên, kế đến là yếu tố Giáo dục khởi nghiệp ở trường đại học, tiếp theo là yếu tố Nhận thức kiểm soát hành vi, Chuẩn chủ quan, Xu hướng chấp nhận rủi ro và yếu tố ít ảnh hưởng nhất là Sự tự tin. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu cũng đã tìm thấy có sự khác biệt có ý nghĩa về ý định khởi nghiệp của sinh viên Trường Đại học An Giang theo giới tính, khoa sinh viên đang tham gia học và thành phần gia đình.
Từ khóa: Yếu tố ảnh hưởng, ý định khởi nghiệp, sinh viên Trường Đại học An Giang.
1. Mở đầu
Khởi nghiệp đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ở Việt Nam, hệ thống giáo dục ngày càng được chuẩn hóa các kiến thức để giảng dạy về kinh doanh. Đối với tỉnh An Giang, hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đã được triển khai, trong đó là sự liên kết tổ chức của Tỉnh Đoàn và Vườn ươm doanh nghiệp tỉnh An Giang như các hội thảo thúc đẩy ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo, hội thảo hệ sinh thái khởi nghiệp, cuộc thi tuyển chọn ý tưởng khởi nghiệp… Tuy nhiên, các hoạt động khởi nghiệp chủ yếu từ Vườn ươm doanh nghiệp tỉnh An Giang vẫn ở tần suất thấp, thiếu sự đa dạng, thiếu sự tham gia của nhiều tổ chức, đặc biệt các trường học và nhà đầu tư. Các ý tưởng khởi nghiệp chưa thực sự dựa vào các tiến bộ của khoa học và công nghệ để xây dựng ý tưởng mà chỉ ở mức lập nghiệp. Đối chiếu theo thang đánh giá tại công văn số 1919/BKHCN-PTTTDN, ký ngày 13/6/2017, cấp độ khởi nghiệp và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh An Giang đang ở cấp độ 1 - cấp độ mới hình thành.
Trường ĐHAG luôn chú trọng đến vấn đề khởi nghiệp trong sinh viên. Trường kết hợp với những đơn vị chức năng của Tỉnh để tổ chức hội thảo, khóa tập huấn, các cuộc thi nhằm khuyến khích tinh thần khởi nghiệp trong sinh viên, giúp sinh viên thể hiện được tính năng động, tinh thần sáng tạo, ham học hỏi và bản lĩnh thanh niên. Tuy nhiên, theo kết quả báo cáo thực trạng việc làm của sinh viên tốt nghiệp của Trường ĐHAG năm 2018 từ Phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng, tỷ lệ sinh viên tìm được việc làm sau 6 tháng tốt nghiệp chiếm 73,5%, trong đó có 49,2% sinh viên tốt nghiệp làm trong các doanh nghiệp/công ty cổ phần hay trách nhiệm hữu hạn, 12,5% các cơ quan nhà nước, 4,8% làm trong các tổ chức nước ngoài, 1,8% tự tạo việc làm.
Qua số liệu thống kê cho thấy, chỉ có 1,8% sinh viên tốt nghiệp tự tạo cơ hội khởi nghiệp cho bản thân. Đa số sinh viên có xu hướng nộp đơn tuyển dụng vào các doanh nghiệp đang hoạt động. Họ còn khá rụt rè trong việc lên ý tưởng khởi nghiệp cũng như chưa đủ tự tin bắt đầu việc kinh doanh của bản thân, cho dù là việc kinh doanh nhỏ. Xuất phát từ thực tế trên, bài viết này được thực hiện nhằm xác định rõ các yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của sinh viên, cũng như mức độ ảnh hưởng của chúng. Đối tượng khảo sát là sinh viên bậc đại học hệ giáo dục chính quy năm thứ tư của Khoa Kinh tế - QTKD, Nông nghiệp - TNTN, Khoa Kỹ thuật - Công nghệ - Môi trường, Khoa Công nghệ thông tin, khoa Du lịch và VHNT có ý định khởi nghiệp.
2. Nội dung
2.1. Cơ sở lý thuyết và mô hình nghiên cứu
Theo mô hình nghiên cứu của Ambad và Damit (2016), có 5 yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của sinh viên, đó là: Giáo dục kinh doanh; Cơ chế chính sách; Đặc điểm tính cách; Chuẩn chủ quan; Nhận thức kiểm soát hành vi. Trong đó, Đặc điểm tính cách có ảnh hưởng mạnh nhất đến ý định khởi nghiệp của sinh viên. Do đó, tác giả đề xuất yếu tố Đặc điểm tính cách cá nhân vào mô hình nghiên cứu. Thật vậy, sinh viên Trường ĐHAG có sức trẻ, nhiệt huyết, năng động, sáng tạo, nhưng môi trường đại học lại thiếu sân chơi dành cho những người có nhu cầu khởi nghiệp.
Do đó, khi có cơ hội kinh doanh, điều trước tiên cần là họ có đủ can đảm chấp nhận rủi ro, có đủ tự tin để bước vào khởi sự doanh nghiệp cho bản thân, họ sẵn sàng đương đầu với thử thách khởi nghiệp của bản thân, họ dám nghĩ dám làm. Từ đó, họ có những trải nghiệm của bản thân cho dù trải nghiệm đó chưa mang đến thành công. Ngoài ra, Liňan and Chen (2009) cho rằng, để hình thành ý định khởi nghiệp, sinh viên cần có những nhận định và phân tích khả năng cũng như mức độ khả thi để thực hiện kế hoạch kinh doanh, đó là Nhận thức kiểm soát hành vi. Nhận định này phù hợp với tình hình của sinh viên Trường ĐHAG. Do họ chưa có nhiều cơ hội và kinh nghiệm để khởi sự kinh doanh, họ cần khả năng phân tích vấn đề và đánh giá khả năng kinh doanh, tính khả thi của kế hoạch, mức độ thu được lợi nhuận. Vì vậy, tác giả quyết định chọn và tách yếu tố đặc điểm tính cách thành 2 yếu tố, đó là Xu hướng chấp nhận rủi ro và Nhận thức kiểm soát hành vi.
Kết quả nghiên cứu của Dinis và cộng sự (2013) đã nhận định Sự tự tin ảnh hưởng tích cực đến ý định khởi nghiệp. Đồng thời, đối với sinh viên Trường ĐHAG mặc dù có ý tưởng kinh doanh, được sự hỗ trợ từ phía Nhà trường và gia đình, nhưng nếu sinh viên không đủ tự tin vào khả năng của bản thân, sẽ khó có thể bắt đầu khởi sự kinh doanh. Do đó, tác giả quyết định bổ sung yếu tố Sự tự tin vào mô hình nghiên cứu.
Hơn nữa, với ảnh hưởng của truyền thống Nho giáo như tại Việt Nam và với đặc điểm về văn hóa tổ chức, văn hóa gia đình, các cá nhân thường xem xét ý kiến của người xung quanh trước khi hành động. Và Liňán and Chen (2009) cũng đã khẳng định yếu tố Chuẩn chủ quan đóng vai trò quan trọng trong việc xem xét mối quan hệ giữa các nhân tố tác động đến ý định khởi nghiệp. Vì vậy, tác giả đề xuất yếu tố Chuẩn chủ quan vào mô hình nghiên cứu.
Ngoài ra, ý định khởi nghiệp còn chịu sự tác động của yếu tố bên ngoài, theo Lüthje và Franke (2004), đó là Giáo dục khởi nghiệp và Môi trường khởi nghiệp. Đối với yếu tố Giáo dục khởi nghiệp ở trường đại học, theo Arenius và Minniti (2005), các cá nhân được đào tạo bài bản sẽ có nhiều khả năng để theo đuổi các cơ hội kinh doanh. Từ các chương trình đào tạo, các hoạt động giáo dục tại trường học, có tác động tích cực tới khả năng khởi nghiệp kinh doanh của sinh viên. Trong môi trường đại học, sinh viên được thỏa sức sáng tạo, đưa ra các ý tưởng và thực hiện các ý tưởng đó mà không ngại rủi ro, thất bại. Những gì họ tiếp nhận được trong quá trình học tập tại trường có tác động lớn tới việc hình thành suy nghĩ, quan điểm sống của họ sau này. Dựa vào tình hình thực tế của Trường ĐHAG chưa có các hoạt động sôi nổi mang tính chất khởi nghiệp dành cho sinh viên, tác giả đề xuất bổ sung yếu tố bên ngoài là giáo dục khởi nghiệp trong mô hình nghiên cứu.
Bên cạnh đó, nghiên cứu của Grimaldi và Gradi (2005) cho rằng, môi trường khởi nghiệp có ảnh hưởng tích cực đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp đang trong giai đoạn khởi nghiệp. Radas và Bozic (2009); Ambad và Damit (2016) cho thấy, các chính sách được hỗ trợ từ chính phủ đã góp phần làm gia tăng các nhà khởi sự doanh nghiệp năng động, cũng như khuyến khích các doanh nghiệp trong giai đoạn đầu sau khi khởi nghiệp.
Nhìn thực trạng khởi nghiệp của tỉnh An Giang cho thấy, môi trường khởi nghiệp ở Tỉnh luôn tạo điều kiện thuận lợi để sinh viên phát triển ý tưởng khởi nghiệp. Tỉnh đã phát động các chương trình, các hội thi liên quan đến khởi nghiệp và Tỉnh Đoàn cũng đã thành lập Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Tuy nhiên, những thuận lợi trên vẫn chưa đủ để sinh viên, đặc biệt là với sinh viên Khoa Kinh tế - QTKD có thể thực hiện ước mơ khởi nghiệp. Họ còn thụ động trong việc tự tạo lập công việc kinh doanh cho bản thân. Họ chưa có những trải nghiệm thực tiễn, cũng như chưa lường trước được những khó khăn về sự biến động của thị trường, thủ tục thành lập công ty hay nguồn lực tài chính, sự hỗ trợ tư vấn từ các tổ chức, sự đánh giá của công chúng đối với công ty bắt đầu khởi nghiệp. Vì vậy, sinh viên rất cần sự hỗ trợ đảm bảo từ phía Nhà nước và các đơn vị có liên quan về mặt chính sách, nguồn vốn, tư vấn đào tạo, tiếp cận thị trường… Do đó, để hiểu rõ thực trạng này, tác giả quyết định bổ sung yếu tố Môi trường khởi nghiệp theo Lüthje và Franke (2004) trong mô hình nghiên cứu.
Từ cơ sở nhận định trên, mô hình nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của sinh viên Trường ĐHAG dựa trên mô hình nghiên cứu của Ambad and Damit (2016) gồm các yếu tố: Chuẩn chủ quan, Giáo dục khởi nghiệp ở trường đại học, Đặc điểm tính cách (bao gồm Nhận thức kiểm soát hành vi và Xu hướng chấp nhận rủi ro) kết hợp bổ sung yếu tố Sự tự tin của Dinis và cộng sự (2013) và yếu tố Môi trường khởi nghiệp của Lüthje và Franke (2004). (Hình 1)
2.2. Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu sử dụng các phương pháp nghiên cứu qua các giai đoạn như sau:
- Phương pháp nghiên cứu định tính sử dụng kỹ thuật thảo luận nhóm tập trung với sự tham gia của 2 nhóm (1 nhóm gồm 6 giảng viên và 2 cán bộ thuộc Trung tâm của Tỉnh; 1 nhóm gồm 20 sinh viên năm thứ tư thuộc các khoa), nhằm thẩm định mô hình các yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của sinh viên và thang đo (nháp 1). Các yếu tố này do tác giả đề xuất trên cơ sở tổng kết lý thuyết và các nghiên cứu trước.
- Phương pháp nghiên cứu định lượng được thực hiện nhằm đánh giá độ tin cậy và giá trị (giá trị hội tụ và phân biệt) của các thang đo các yếu tố ảnh hưởng đến đến ý định khởi nghiệp của sinh viên Trường ĐHAG; kiểm định mô hình nghiên cứu và các giả thuyết nghiên cứu; kiểm định sự khác biệt về mức độ ảnh hưởng của các yếu tố theo các đặc điểm cá nhân của sinh viên. Mẫu được chọn theo phương pháp chọn mẫu hệ thống kết hợp định mức theo nhóm với kích thước n = 400. Dữ liệu sau khi thu thập sẽ được xử lý và thực hiện thông qua việc phân tích Cronbach’s Alpha để kiểm tra độ tin cậy và giá trị của thang đo và loại bỏ các biến quan sát không đạt độ tin cậy; Phân tích hồi quy tuyến tính nhằm kiểm định mô hình nghiên cứu, các giả thuyết nghiên cứu và đo lường mức độ tác của các yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp; Kiểm định sự khác biệt về ý định khởi nghiệp theo đặc điểm cá nhân của sinh viên về giới tính, khoa đang theo học bằng T-Tests và ANOVA.
3. Kết luận nghiên cứu và thảo luận
3.1. Thông tin về mẫu nghiên cứu
Quá trình khảo sát được thực hiện từ ngày 10/8/2019 đến ngày 25/8/2019. Với 430 bảng câu hỏi phát ra, kết quả thu về được 418 bảng câu hỏi. Sau khi loại bỏ những phiếu trả lời không đạt yêu cầu, số bảng câu hỏi còn lại là 400. Trong số 400 sinh viên được khảo sát, có 152 sinh viên Khoa Kinh tế, 92 sinh viên Khoa Nông nghiệp - Tài nguyên thiên nhiên, 64 sinh viên Khoa Công nghệ thông tin, 34 sinh viên Khoa Du lịch và Văn hóa nghệ thuật, chiếm tỉ lệ lần lượt là 38%, 23%, 14,3%, 16,2% và 8,5%. Về giới tính, nữ là 232, chiếm tỉ lệ 58%; nam là 168, chiếm tỉ lệ 42%.
3.2. Đánh giá độ tin cậy bằng Cronbach’s Alpha
Kết quả kiểm định bằng Cronbach’s Alpha cho thấy tất cả các thang đo đều có hệ số Cronbach’s Alpha ≥ 0,6. Trong đó, thang đo CCQ có hệ số 0,892; GDKN là 0,795; MTKN là 0,904; KSHV là 0,934; CNRR là 0,793; STT là 0,744. Tuy nhiên, biến STT1 của thang đo yếu tố Sự tự tin có tương quan biến tổng (= 0,143) <0,3 nên không đạt yêu cầu; Đồng thời. sau khi loại biến này, hệ số Cronbach’s Alpha tăng cao (từ 0,725 lên 0,798). Dựa vào kết quả trên, tác giả quyết định loại biến STT1 trước khi đưa vào phân tích nhân tố khám phá EFA trong bước tiếp theo.
Ngoài ra, biến GDKN5 của thang đo yếu tố Giáo dục khởi nghiệp ở trường đại học có hệ số Cronchbach Alpha = 0,812 > hệ số Cronchbanch Alpha của nhóm yếu tố Giáo dục khởi nghiệp ở trường đại học (0,795) nên tác giả quyết định loại biến GDKN5 trước khi đưa vào phân tích nhân tố khám phá EFA trong bước tiếp theo.
3.3. Phân tích nhân tố khám phá EFA
Kết quả phân tích EFA bằng phương pháp trích Principal components và phép quay Varimax cho thấy: 32 biến quan sát (sau khi loại biến STT1 và GDKN5 trong quá trình Cronbach’s Alpha) đo lường 6 yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp kinh doanh của sinh viên Trường ĐHAG được rút trích vào 6 nhân tố nguyên gốc với hệ số KMO=0,871>0,5; Sig=0,000<0,05, Eigenvalue= 1,028 > 1, Phương sai trích = 65,658%. Tuy nhiên, biến quan sát CNRR5 và CNRR6 của thang đo yếu tố Xu hướng chấp nhận rủi ro có hệ số tải nhân tố < 0,5, nên 2 biến này bị loại. Đồng thời, biến quan sát GDKN4 của yếu tố Giáo dục khởi nghiệp ở trường đại học có hệ số tải nhân tố < 0,5, nên biến này cũng bị loại.
Sau khi loại 3 biến CNRR5, CNRR6, GDKN4, kết quả phân tích EFA lần 2 cũng rút trích được 6 nhân tố nguyên gốc với Hệ số KMO = 0,859, với mức ý nghĩa Sig. = 0,000, phương sai trích = 69,090%, tại hệ số Eigenvalue = 1,028. Tất cả biến có hệ số tải nhân tố đạt yêu cầu > 0,5; chênh lệch hệ số tải nhân tố > 0,3. Kết quả kiểm tra lại Cronbach’s Alpha đều đạt yêu cầu (> 0,6). Do đó, kết quả EFA lần 2 sử dụng được cho phân tích hồi qui ở bước tiếp theo.
3.4. Phân tích hồi qui tuyến tính
Kết quả hệ số tương quan Pearson giữa các biến độc lập với nhau và giữa chúng với biến phụ thuộc cho thấy, tương quan giữa các biến độc lập với biến phụ thuộc và tương quan giữa các biến độc lập với nhau có hệ số Pearson nhỏ hơn 0,8 và đều có Sig=0,000, chứng tỏ các biến độc lập có mối quan hệ khá chặt chẽ với biến phụ thuộc và có nhiều khả năng giải thích cho biến phụ thuộc. Do đó, ít có khả năng xảy ra hiện tượng đa cộng tuyến, đồng thời các biến độc lập đạt giá trị phân biệt.
Kết quả phân tích hồi qui cho thấy mô hình được lựa chọn gồm tất cả biến độc lập: Chuẩn chủ quan (CCQ); Môi trường khởi nghiệp (MTKN); Giáo dục khởi nghiệp ở trường đại học (GDKN); Nhận thức kiểm soát hành vi (KSHV); Xu hướng chấp nhận rủi ro (CNRR); Sự tự tin (STT) có hệ số R2 điều chỉnh = 50,3 % (< R2 = 51,0%). Nghĩa là, 6 yếu tố của mô hình giải thích được 50,3% sự biến thiên của biến phụ thuộc (ý định khởi nghiệp của sinh viên Trường ĐHAG).
Đồng thời, mức độ ảnh hưởng của các yếu tố (trong điều kiện các yếu tố khác không đổi) đến ý định khởi nghiệp của sinh viên Trường ĐHAG sắp xếp theo thứ tự từ cao xuống thấp là: Môi trường khởi nghiệp (MTKN); Giáo dục khởi nghiệp ở trường đại học (GDKN); Nhận thức kiểm soát hành vi (KSHV); Chuẩn chủ quan (CCQ); Xu hướng chấp nhận rủi ro (CNRR); Sự tự tin (STT). (Bảng 3)
3.5. Kiểm định sự khác biệt theo các đặc điểm nhân khẩu xã hội học
3.5.1. Kiểm định sự khác biệt theo giới tính
Kết quả kiểm định sự khác biệt về ý định khởi nghiệp của sinh viên theo giới tính cho thấy, giá trị Sig của kiểm định Levene = 0,095> 0,05 nên phương sai giữa hai giới tính giống nhau, nhưng Sig của kiểm định t = 0,000 < 0,05, nghĩa là có sự khác biệt về ý định khởi nghiệp giữa sinh viên nam và sinh viên nữ. Từ kết quả trên cho thấy, có sự khác biệt về ý định khởi nghiệp giữa nhóm sinh viên nữ và nhóm sinh viên nam ở Trường Đại học An Giang, trong đó sinh viên nam (Mean = 3,9420) có ý định khởi nghiệp cao hơn nữ (Mean = 3,5388). Sự khác biệt này có thể do xuất phát từ đặc điểm tính cách, nam dám đương đầu sự rủi ro cao hơn nữ, cũng như sự tự tin ở nam cũng cao hơn nữ.
3.5.2. Kiểm định sự khác biệt theo các khoa
Từ kết quả kiểm định cho thấy, sinh viên thuộc Khoa Kinh tế - QTKD có ý định khởi nghiệp thấp hơn so với 4 khoa còn lại. Kết quả này được giải thích dựa trên với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang khóa X, nhiệm kỳ 2015 - 2010, ngày 22/10/2015, đó là tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế, đặc biệt trong 2 lĩnh vực đầu tư mũi nhọn của kinh tế Tỉnh là nông nghiệp công nghệ cao và du lịch. Chính điều này tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên đang tham gia học ở các khoa: Nông nghiệp - TNTN, Du lịch, Kỹ thuật - Công nghệ - Môi trường có nhiều cơ hội khởi nghiệp kinh doanh hơn.
4. Kết luận
Kết quả cho thấy cả 6 yếu tố trong mô hình lý thuyết đều có ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của sinh viên Trường ĐAG được sắp xếp theo trình tự mức độ quan trọng từ cao xuống thấp, bao gồm: Môi trường khởi nghiệp (MTKN); Giáo dục khởi nghiệp ở trường đại học (GDKN); Nhận thức kiểm soát hành vi (KSHV); Chuẩn chủ quan (CCQ); Xu hướng chấp nhận rủi ro (CNRR); Sự tự tin (STT). Đồng thời, cũng đã tìm thấy có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về ý định khởi nghiệp của sinh viên TĐAG theo các đặc điểm: Giới tính; Khoa đang tham gia học; Thành phần gia đình.
Hạn chế của bài viết là chưa kiểm định được mối quan hệ tương tác giữa các yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của sinh viên Trường Đại học An Giang. Để kiểm định mối quan hệ giữa các yếu tố trong mô hình nghiên cứu, nên sử dụng công cụ kiểm định mô hình cấu trúc tuyến tính SEM sẽ cho kết quả nghiên cứu chính xác cao hơn. Hơn nữa, Trường Đại học An Giang có tổng số8 khoa, nhưng trong bài viết này, đối tượng sinh viên được khảo sát chỉ tập trung vào 5 khoa. Do đó, các nghiên cứu tiếp theo có thể mở rộng đối tượng khảo sát đối với sinh viên đang theo học ở khoa còn lại.
Tóm lại, mặc dù còn nhiều hạn chế, nhưng tác giảhy vọng, bài viết sẽ đóng góp một phần vào sự hiểu biết về các yếu tố tác động đến ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên năm thứ tư Trường ĐHAG, một lĩnh vực còn khá mới mẻ ở Trường.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Ambad, S. N. A and Ag Damit, D. H. D. 2016. Determinants of Entrepreneurial Intention Among Undergraduate Students in Malaysia. Procedia Economics and Finance, 37, 108 - 114.
- Arenius, P. and Minniti, M. 2005. Perceptual variables and nascent entrepreneurship. Small Business Economics. 24 (3). 233-247.
- Dinis, A., do Paco, A., Ferreira, J., Raposo, M., & Gouveia Rodrigues, R. 2013. Psychological characteristics and entrepreneurial intentions among secondary students. Education+ Training, 55(8/9), 763-780.
- Grimaldi, R. and Gradi, A. 200). Business incubators and new venture creation; an assessmant of incubating models. Technovation, Vol. 25 No.2, 111-121.
- Liñán, F., and Chen, Y. W. 2009. Development and cross–cultural application of a specific instrument to measure entrepreneurial intentions. Entrepreneurship theory and practice, 33(3), 593-617.
- Luthje, C., & Franke, N. 2004. ‘The making of an entrepreneur: testing a model of entrepreneurial intent among engineering students at MIT’. R&D Management, 33, (2), 135-147.
Factors impacting the intention of starting a new business of students at An Giang University
Chau Thi Ngoc Thuy
Faculty of Economics - Business Administration, An Giang University
Master. Huynh Le Thien Truc
Faculty of Foreign Languages, An Giang University
ABSTRACT:
This study is to identify and measure factors related to the intention of starting a new business of students at An Giang University. The study’s regression analysis shows that the students’ intention of starting a new business is impacted by several factors. These impacting factors, which are listed in descending order of impacting level, include the startup environment, the startup education at university, tthe cognitive behavioral control, the subjective standard, the risk-accepting attitude, the confidence of students. In addition, the study also finds that there is a significant difference in the intention of starting a new business of students at An Giang University by gender, students’ faculty and students’ family background.
Keywords: Impacting factors, intention of staring a business, students of An Giang University.