Các yếu tố tác động đến thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài ở vùng kinh tế đồng bằng sông Hồng

TS. NGUYỄN ĐỨC NHUẬN (Trường Đại học Thương mại)

TÓM TẮT:

Mục tiêu của bài viết này nhằm nghiên cứu các yếu tố tác động đến thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các địa phương ở vùng đồng bằng sông Hồng. Kết quả nghiên cứu cho thấy có nhiều yếu tố tác động đến thu hút đầu tư vào các địa phương ở vùng đồng bằng sông Hồng, trong đó có 8 yếu tố cơ bản sau tác động nhiều đến quyết định đầu tư vào các địa phương này như sau: (1) Cơ sở hạ tầng; (2) Nguồn nhân lực; (3) Chất lượng dịch vụ công; (4) Lợi thế ngành đầu tư; (5) Thương hiệu địa phương; (6) Chính sách đầu tư; (7) Môi trường sống và làm việc; (8) Chi phí đầu vào cạnh tranh. Trong 8 yếu tố này, yếu tố về chính sách đầu tư và nguồn nhân lực là 2 yếu tố có tác động nhiều nhất đến các nhà đầu tư.

Từ khóa: Đầu tư trực tiếp nước ngoài, vùng kinh tế đồng bằng sông Hồng, chính sách đầu tư, nguồn nhân lực...

1. Đặt vấn đề

Trong những năm đầu của thập kỷ 80, Việt Nam đã từng là một trong những nước nghèo nhất trên thế giới, đối phó với những khó khăn nội bộ như siêu lạm phát, nghèo đói và khủng hoảng kinh tế. Để kích thích phát triển kinh tế, kiềm chế lạm phát và bắt kịp nhanh chóng với các nước khác trong khu vực, Việt Nam bắt đầu chuyển đổi nền kinh tế từ kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước từ năm 1986. Kể từ khi đổi mới nền kinh tế và đặc biệt với Luật Đầu tư nước ngoài ban hành ngày 26/11/2014 đến nay, Việt Nam đã đạt được những kết quả khá quan trọng trong việc thu hút dòng vốn FDI. Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Thống kê (2016), dòng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đã gia tăng một cách ngoạn mục từ 341,7 triệu USD năm 1988 lên 24.115,0 triệu USD vào cuối năm 2015 (tăng hơn 70 lần) và hiện xếp thứ 3 trong khu vực.

Từ những vấn đề thực tiễn nêu trên, rất cần một nghiên cứu thực nghiệm nhằm xác định và lượng hóa các yếu tố tác động đến thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài: Nghiên cứu cứu trường hợp điển hình tại các địa phương ở vùng đồng bằng sông Hồng (chiếm khoảng 25,6% so với tổng số vốn đăng ký cả nước). Trên cơ sở đó, đề xuất một số gợi ý chính sách nhằm gia tăng dòng vốn FDI vào Việt Nam nói chung và các địa phương ở vùng đồng bằng sông Hồng nói riêng.

2. Cơ sở lý thuyết

2.1. Khái niệm

Theo khái niệm của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1987: Đầu tư trực tiếp nước ngoài là việc tổ chức, cá nhân nước ngoài đưa vào Việt Nam vốn bằng tiền nước ngoài hoặc bất kỳ tài sản nào được Chính phủ Việt Nam chấp thuận để hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng hoặc thành lập xí nghiệp liên doanh hoặc doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài theo quy định của luật này.

Theo Luật Đầu tư của Việt Nam (2014), FDI được hiểu là việc nhà đầu tư nước ngoài,là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài đưa vốn bằng tiền hoặc bất cứ hình thức tài sản nào vào Việt Nam để tiến hành hoạt động đầu tư, và có tham gia quản lý hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Ở đây hoạt động FDI có khác với các hình thức đầu tư nước ngoài khác là có sự trực tiếp tham gia quản lý hoạt động đầu tư.

Theo Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF, đầu tư trực tiếp nước ngoài được xem như là một khoản đầu tư với những quan hệ, theo đó một tổ chức trong một nền kinh tế (nhà đầu tư trực tiếp) thu được lợi ích lâu dài từ một doanh nghiệp đặt tại nền kinh tế khác. Mục đích của nhà đầu tư trực tiếp là muốn có nhiều ảnh hưởng trong việc quản lý doanh nghiệp đặt tại một nền kinh tế khác đó.

Từ những khái niệm trên, có thể hiểu một cách khái quát về đầu tư trực tiếp nước ngoài như sau: Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại một quốc gia là việc các nhà đầu tư ở một nước khác đưa vốn bằng tiền hoặc bất cứ tài sản nào vào quốc gia đó để được quyền sở hữu và quản lý, hoặc quyền kiểm soát một thực thể kinh tế tại quốc gia đó với mục tiêu tối đa hóa lợi ích của mình.

2.2. Các yếu tố tác động đến thu hút các nhà đầu tư

Khi thực hiện nghiên cứu về đầu tư trực tiếp nước ngoài, tác giả Dunning (1977) cho rằng, doanh nghiệp thực hiện đầu tư trực tiếp ra nước ngoài khi hội đủ 03 điều kiện: (i) doanh nghiệp phải sở hữu lợi thế so với các doanh nghiệp khác, như về: quy mô, công nghệ, mạng lưới tiếp thị, khả năng tiếp cận nguồn vốn với năng suất thấp; (ii) nội vi hóa: việc sử dụng những lợi thế đó trong nội bộ doanh nghiệp có lợi hơn là bán cho doanh nghiệp khác hay cho doanh nghiệp khác thuê; (iii) sản xuất tại nước tiếp nhận đầu tư có chi phí thấp hơn sản xuất tại nước sở tại.

Các nghiên cứu lý thuyết về hành vi đầu tư của tác giả Romer (1986) cho thấy, hành vi của nhà đầu tư chịu tác động trực tiếp bởi: (i) sự thay đổi trong nhu cầu; (ii) lãi suất; (iii) mức độ phát triển của hệ thống tài chính; (iv) đầu tư công; (v) nguồn nhân lực; (vi) các dự án đầu tư khác trong cùng ngành hay trong các ngành có mối liên kết; (vii) tình hình phát triển công nghệ, khả năng tiếp thu và vận dụng công nghệ; (viii) mức độ ổn định của môi trường đầu tư; (ix) các quy định về thủ tục và (x) mức độ đầy đủ về thông tin.

Thực tế thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tại các địa phương đã chỉ ra rằng, sự hài lòng của doanh nghiệp nói lên mức độ thỏa mãn của doanh nghiệp khi tiến hành đầu tư vào một địa phương thường chịu tác động chịu tác động bởi 03 yếu tố: (i) nhóm các yếu tố thuộc về cơ sở hạ tầng; (ii) nhóm các yếu tố về chế độ chính sách, dịch vụ đầu tư và kinh doanh; (iii) nhóm các yếu tố về môi trường sống và làm việc.

2.3. Mô hình và các giả thuyết nghiên cứu đề xuất

Xuất phát từ thực tiễn trong triển khai thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và từ các nghiên cứu về đầu tư trực tiếp nước ngoài của các tác giả đã cho thấy, khi các nhà đầu tư nước ngoài quyết định bỏ vốn của mình vào các dự án ở các quốc gia, họ thường quan tâm đến nhiều các yếu tố về kinh tế - xã hội của quốc gia và các vùng miền, địa phương mà họ có dự định đầu tư. Để thu hút được các nhà đầu tư, cần thiết phải làm cho họ thỏa mãn (tức là hài lòng) về công việc đầu tư của họ. Đồng thời, sự thỏa mãn của nhà đầu tư chịu tác động của nhiều yếu tố, mà trong đó có 8 yếu tố cơ bản sau: (1) cơ sở hạ tầng; (2) chế độ chính sách đầu tư; (3) môi trường sống và làm việc; (4) lợi thế ngành đầu tư; (5) chất lượng dịch vụ công; (6) thương hiệu địa phương; (7) nguồn nhân lực; (8) chi phí đầu vào.

+ Cơ sở hạ tầng đầu tư:

Cơ sở hạ tầng là yếu tố cơ bản và quan trọng cho việc phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và các địa phương. Cơ sở hạ tầng (bao gồm các yếu tố về hạ tầng cơ bản như điện, nước, giao thông, mặt bằng và các yếu tố hạ tầng kỹ thuật như thông tin liên lạc, hệ thống ngân hàng,…) là một trong những yếu tố có ảnh hưởng nhiều đến sản xuất - kinh doanh của mỗi doanh nghiệp [1],[6]. Các nghiên cứu đã cho thấy, cơ sở hạ tầng là một yếu tố có tác động đến sự thỏa mãn của nhà đầu tư. Vì vậy, tác giả đã đưa ra giả thuyết H1 như sau:

H1: Cơ sở hạ tầng có tác động cùng chiều đến sự thỏa mãn của các nhà đầu tư (kỳ vọng +)

+ Chế độ chính sách đầu tư:

Chế độ chính sách đầu tư thể hiện qua chính sách của chính quyền địa phương về ưu đãi đối với đầu tư; tính năng động của chính quyền trong hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư về thủ tục hành chính, pháp lý, thuế; các văn bản, chính sách rõ ràng, minh bạch và được triển khai nhanh đến doanh nghiệp để cán bộ công quyền không thể trục lợi hay nhũng nhiễu doanh nghiệp [2],[7]. Những nghiên cứu của các tác giả đã cho thấy, chế độ chính sách đầu tư là yếu tố có tác động đến sự thỏa mãn của nhà đầu tư. Vì vậy, tác giả đã đưa ra giả thuyết H2 như sau:

H2: Chế độ chính sách đầu tư có tác động cùng chiều đến sự thỏa mãn của các nhà đầu tư (kỳ vọng +)

+ Môi trường sống và làm việc

Môi trường sống và làm việc thể hiện qua các yếu tố về văn hóa, giáo dục, y tế, chất lượng môi trường sống, vui chơi, sinh hoạt, sự hòa hợp và chi phí hợp lý thể hiện một môi trường sống chất lượng và phù hợp với nhà đầu tư và người lao động để có thể hoạt động hiệu quả và gắn bó lâu dài với địa phương [2],[7]. Các kết quả nghiên cứu đã cho thấy, môi trường sống và làm việc là một trong những yếu tố tác động đến sự thỏa mãn của các nhà đầu tư. Vì vậy, tác giả đưa ra giả thuyết H3 như sau:

H3: Môi trường sống và làm việc có tác động cùng chiều đến sự thỏa mãn của các nhà đầu tư (kỳ vọng +)

+ Lợi thế ngành đầu tư của doanh nghiệp:

Doanh nghiệp đầu tư vào địa phương để tận dụng lợi thế của ngành. Các lợi thế đó là gần thị trường nguyên liệu chính cho sản xuất hay gần thị trường tiêu thụ chính, gần các doanh nghiệp bạn hàng để giảm chi phí vận chuyển, tăng tính liên kết hoặc cạnh tranh với đối thủ cạnh tranh chính để duy trì sự hiện diện, chiếm lĩnh thị phần [2],[7]. Những nghiên cứu của các tác giả đã cho thấy lợi thế ngành đầu tư là một trong những yếu tố tác động đến sự thỏa mãn của các nhà đầu tư. Vì vậy, tác giả đưa ra giả thuyết H4 như sau:

H4: Lợi thế ngành đầu tư của doanh nghiệp có tác động cùng chiều đến sự thỏa mãn của các nhà đầu tư (kỳ vọng +)

+ Chất lượng dịch vụ công

Một địa phương có chất lượng dịch vụ công tốt nhà đầu tư có thể dễ dàng tuân thủ theo chính sách của nhà nước, tiết kiệm thời gian và tiền bạc trong giải quyết các thủ tục hành chính cần thiết trong hoạt động đầu tư và sản xuất - kinh doanh, cũng như hưởng lợi từ những hỗ trợ của Nhà nước ở những khu vực mà Nhà nước có lợi thế và doanh nghiệp khó có khả năng tự tiếp cận. Để thu hút đầu tư, các tỉnh đồng bằng sông Hồng cần cung cấp cho các nhà đầu tư các dịch vụ công có chất lượng, như: thủ tục hải quan nhanh gọn; hỗ trợ thông tin xuất nhập khẩu, quảng cáo; sở hữu công nghiệp; xúc tiến thương mại [2], [7]. Thông qua các nghiên cứu trên của các tác giả đã cho thấy chất lượng dịch vụ công tại địa phương là một trong những yếu tố tác động đến sự thỏa mãn của các nhà đầu tư. Và tác giả đã đưa ra giả thuyết H5 như sau:

H5: Chất lượng dịch vụ công có tác động cùng chiều đến sự thỏa mãn của các nhà đầu tư (kỳ vọng +)

+ Thương hiệu địa phương

Thương hiệu địa phương: có thể coi là một trong những yếu tố tác động đến sự thỏa mãn của khách hàng đầu tư đối với địa phương. Doanh nghiệp quyết định đầu tư vào địa phương khi họ hoạt động có hiệu quả tại địa phương đó. Một doanh nghiệp có thể coi là hoạt động hiệu quả khi các mục tiêu mà nó đề ra đạt được như ý muốn. Trong đó, hai mục tiêu quan trọng nhất là tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận theo ý muốn. Các nhà đầu tư thường tìm đến những địa phương có thương hiệu để đầu tư vì họ có thể tiết kiệm được chi phí tìm hiểu môi trường đầu tư và tránh được rủi ro [2],[7]. Các nghiên cứu này đã cho thấy thương hiệu địa phương là một trong những yếu tố tác động đến sự thỏa mãn của các nhà đầu tư. Và tác giả đã đưa ra giả thuyết H6 như sau:

H6: Thương hiệu địa phương có tác động cùng chiều đến sự thỏa mãn của các nhà đầu tư (kỳ vọng +)

+ Nguồn nhân lực

Nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng mà một doanh nghiệp phải cân nhắc khi quyết định có đầu tư vào địa phương hay không. Nguồn nhân lực dồi dào, giá rẻ là yếu tố hấp dẫn để thu hút các doanh nghiệp có trình độ công nghệ không cao và thâm dụng lao động; lao động có kỹ năng và có kỷ luật thích hợp cho những dây chuyền sản xuất công nghiệp; và đặc biệt là lao động quản lý, lao động kỹ thuật có trình độ ngoại ngữ làm việc cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài [2], [7]. Một địa phương có nguồn nhân lực dồi dào, đa dạng luôn là yếu tố hấp dẫn các doanh nghiệp đầu tư. Những nghiên cứu trên đã xác định nguồn nhân lực là một trong những yếu tố tác động đến sự thỏa mãn của các nhà đầu tư. Và tác giả đã đưa ra giả thuyết H7 như sau:

H7: Nguồn nhân lực có tác động cùng chiều đến sự thỏa mãn của các nhà đầu tư (kỳ vọng +).

+ Chi phí đầu vào cạnh tranh:

Chi phí đầu vào cạnh tranh là yếu tố cơ bản liên quan trực tiếp đến hiệu quả đầu tư của một doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể tăng tính cạnh tranh hoặc tìm kiếm mức lợi nhuận cao hơn khi có chi phí đầu vào thấp. Một chí phí cạnh tranh bên cạnh mức giá hợp lý còn phải luôn đi kèm với chất lượng của sản phẩm dịch vụ đảm bảo [2],[7]. Trên cơ sở các nghiên cứu của các tác giả trên cho thấy chi phí đầu vào cạnh tranh là một trong những yếu tố quan trọng tác động đến sự thỏa mãn của các nhà đầu tư. Và tác giả đã đưa ra giả thuyết H8 như sau:

H8: Chi phí đầu vào cạnh tranh có tác động cùng chiều đến sự thỏa mãn của các nhà đầu tư (kỳ vọng +).

+ Sự thỏa mãn nhà đầu tư:

Nhà đầu tư sẽ quyết định đầu tư vào những hoạt động sản xuất kinh doanh mà họ cảm thấy được thuận lợi và tiến triển theo mong muốn. Hiệu quả trong hoạt động đầu tư cũng thể hiện được mức độ quyết định đầu tư của nhà đầu tư. Nhà đầu tư quyết định đầu tư vào địa phương thường có xu hướng tiếp tục đầu tư sản xuất - kinh doanh lâu dài ở địa phương cũng như giới thiệu địa phương cho các nhà đầu tư khác.

3. Phương pháp nghiên cứu

3.1. Về quy trình nghiên cứu

Nghiên cứu này kết hợp giữa nghiên cứu định tính và nghiên cứu định lượng. Nghiên cứu định tính được thực hiện thông qua 01 cuộc thảo luận nhóm với 11 đáp viên là các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài tại 11 tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng. Nghiên cứu chính thức được thực hiện bằng phương pháp định lượng thông qua khảo sát 330 đáp viên là các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài vào vùng đồng bằng sông Hồng theo phương pháp lấy mẫu phân tầng thuận tiện bằng kỹ thuật phỏng vấn trực tiếp thông qua bảng câu hỏi để kiểm định mô hình và các giả thuyết nghiên cứu.

3.2. Về thang đo

Trong nghiên cứu này, tác giả sử dụng mô hình và thang đo từ các nghiên cứu trước của các tác giả Nguyễn Đình Thọ và Nguyễn Thị Mai Trang (2009), Đinh Phi Hổ (2011).

4. Kết quả nghiên cứu

4.1. Kết quả phân tích độ tin cậy của thang đo

Phân tích độ tin cậy của các khái niệm nghiên cứu thông qua hệ số CronbachAlpha. Điều kiện để đạt độ tin cậy là hệ số CronbachAlpha > 0,6 và tương quan biến tổng > 0,3 (Nunnally & Burnstein, 1994).

Kết quả kiểm định cho thấy: Chỉ có biến quan sát CLDV3 (CLDV3: thủ tục hải quan nhanh gọn) là có hệ số tương quan giữa biến với tổng nhỏ hơn 0,3 nên bị loại. Còn các biến quan sát khác đều thỏa mãn yêu cầu về kiểm định độ tin cậy thông qua hệ số Cronbachs Alpha. Kết quả nghiên cứu được thể hiện như Bảng 1.

4.2. Kết quả phân tích các yếu tố tác động đến sự thỏa mãn của nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài theo phương pháp phân tích EFA (Exploratory Factor Analysis)

Phương pháp phân tích EFA, giúp chúng ta đánh giá hai loại giá trị quan trọng của thang đo là giá trị hội tụ và giá trị phân biệt. Phương pháp phân tích nhân tố EFA thuộc nhóm phân tích đa biến phụ thuộc lẫn nhau, dựa vào mối tương quan giữa các biến với nhau. Phương pháp phân tích EFA dùng để rút gọn một tập k biến quan sát thành một tập F (F<k) các nhân tố có ý nghĩa hơn. Cơ sở của việc rút gọn này dựa vào mối quan hệ tuyến tính của các nhân tố với các biến quan sát.

Các tác giả Mayers, L.S., Gamst, G., Guarino A.J. (2000) đề cập rằng: Trong phân tích nhân tố, phương pháp trích yếu tố Pricipal Components Analysis đi cùng với phép xoay Varimax là cách thức được sử dụng phổ biến nhất.

Theo Hair & ctg (1998, 111), Factor loading (hệ số tải nhân tố hay trọng số nhân tố) là chỉ tiêu để đảm bảo mức ý nghĩa thiết thực của EFA: Factor loading > 0.3 được xem là đạt mức tối thiểu; Factor loading > 0.4 được xem là quan trọng; Factor loading > 0.5 được xem là có ý nghĩa thực tiễn.

Điều kiện để phân tích nhân tố khám phá là phải thỏa mãn các yêu cầu:

Hệ số tải nhân tố (Factor loading ) > 0.5

Kết quả phân tích EFA các yếu tố tác động đến sự thỏa mãn của nhà đầu tư được trình bày trong Bảng 2 cho thấy: 39 biến quan sát dùng để đo lường các khái niệm nghiên cứu sau khi phân tích EFA thì được rút thành 8 nhân tố với tổng phương sai trích được là 58,962% tại điểm dừng khi trích các yếu tố Eigenvalue = 2,043.

Về kết quả EFA yếu tố sự thỏa mãn của nhà đầu tư:

Kết quả phân tích EFA sự thỏa mãn của nhà đầu tư được trình bày trong Bảng 3 cho thấy: Từ 5 biến quan sát dùng để đo sự thỏa mãn của nhà đầu tư sau khi sử dụng phương pháp phân tích EFA được rút thành 01 nhân tố, với tổng phương sai trích được là 57,712% tại điểm dừng khi trích các yếu tố Eigenvalue = 2,886.

4.3. Kiểm định mức độ phù hợp của mô hình và các giả thuyết nghiên cứu

- Mức độ giải thích của mô hình:

Kết quả nghiên cứu cho thấy: R2 hiệu chỉnh là 0,635. Như vậy, 63,5% thay đổi về sự thỏa mãn của nhà đầu tư được giải thích bởi các biến độc lập. Kết quả kiểm định được trình bày trong Bảng 4.

- Mức độ phù hợp của mô hình:

Kết quả kiểm định cho thấy: Mức ý nghĩa Sig < 0,05. Do vậy, có thể kết luận rằng mô hình đưa ra phù hợp với dữ liệu thu thập từ thị trường. Hay nói cách khác, các biến độc lập có tương quan tuyến tính với biến phụ thuộc với mức ý nghĩa 5%, độ tin cậy 95%. Kết quả được trình bày trong Bảng 5.

Về kết quả kiểm định các giả thuyết nghiên cứu:

Kết quả kiểm định các giả thuyết nghiên cứu được trình bày trong Bảng 6 cho thấy: 8 giả thuyết đều được chấp nhận ở mức ý nghĩa 5%, độ tin cậy 95%.

5. Thảo luận kết quả và hàm ý nghiên cứu

5.1. Về thảo luận kết quả nghiên cứu

Kết quả nghiên cứu cho thấy: Có 08 nhân tố đo lường mức độ ảnh hưởng đến sự thỏa mãn của nhà đầu tư như phương trình sau:

SAT = 0,138*MTS + 0,468*CSDT + 0,412*NNL + 0,182*CSHT + 0,224*THDP + 0,229*LTDT + 0,141*CPCT + 0,267*CLDV.

Như vậy, kết quả nghiên cứu cho thấy trong 8 yếu tố tác động đến sự thỏa mãn của nhà đầu tư thì yếu tố cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực là các yếu tố tác động nhiều nhất. Điều này có nghĩa là, chính sách đầu tư và nguồn nhân lực là 2 yếu tố mà các nhà đầu tư quan tâm, xem xét nhiều nhất rồi sau đó mới đến các yếu tố như chất lượng dịch vụ, lợi thế ngành,… trước khi đưa ra quyết định đầu tư. Vì vậy, để thu hút các nhà đầu tư quyết định bỏ vốn đầu tư vào vùng đồng bằng Sông Hồng, bên cạnh việc quan tâm đến tất cả các yếu tố mang lại sự thỏa mãn cho các nhà đầu tư thì lãnh đạo địa phương cần quan tâm nhiều hơn 2 yếu tố chính sách đầu tư và nguồn nhân lực. Trên cơ sở đó sẽ tạo động lực để thu hút các nhà đầu tư.

5.2. Về hàm ý chính sách

Dựa vào kết quả nghiên cứu, một số gợi ý về mặt chính sách, về nguồn nhân lực, và vì đây là các yếu tố được các nhà đầu tư quan tâm khi quyết định đầu tư vào các khu công nghiệp tại vùng kinh tế đồng bằng sông Hồng, nên đề xuất một số chính sách cụ thể như sau:

- Về Chính sách đầu tư

Kết quả nghiên cứu cho thấy: Chính sách đầu tư là yếu tố được các nhà đầu tư quan tâm tâm nhất. Chính vì vậy, một số gợi ý chính sách nhằm cải thiện hơn nữa về chính sách đầu tư nhằm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Cụ thể như:

Một là, chính quyền địa phương cần thực hiện chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư về thuế, chính sách,…

Hai là, chính quyền địa phương thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà đầu tư trong các thủ tục hành chính, trong việc tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng và các tổ chức tín dụng.

Ba là, chính quyền địa phương cần thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại cùng doanh nghiệp FDI nhằm tháo gỡ các khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình đầu tư.

Bốn là, có chính sách quy hoạch và phát triển cơ sở hạ tầng của địa phương, phát triển các ngành dịch vụ như ngân hàng, điện, nước, viễn thông, luôn nâng cao chất lượng và cung ứng kịp thời các dịch vụ cho các nhà đầu tư.

- Về nguồn nhân lực

Kết quả nghiên cứu cho thấy: Nguồn nhân lực là yếu tố được các nhà đầu tư quan tâm thứ 2 khi thực hiện đầu tư quan tâm. Chính vì vậy, một số gợi ý chính sách nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm thu hút thêm các nhà đầu tư. Cụ thể như:

Một là, các cơ sở đào tạo cần đổi mới chương trình đào tạo gắn với thực tiễn ngay từ nhà trường; bên cạnh đó, khuyến khích doanh nghiệp tạo điều kiện cho sinh viên, học viên của các trường này tham gia thực tập, thực hành nghề nghiệp để tiếp cận được với môi trường làm việc, tiếp cận với trang thiết bị và công nghệ hiện đang được sử dụng tại doanh nghiệp.

Hai là, kết nối giữa doanh nghiệp với các trường cũng như các trung tâm đào tạo ngoại ngữ để mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ cho người lao động. Điều này sẽ giúp người lao động tiếp cận được với các tài liệu, các quy trình quản lý và sử dụng các trang thiết bị, công nghệ hiện đại.

Ba là, có những ưu đãi trong chính sách thuế, đặc biệt thuế thu nhập cá nhân cho đội ngũ chuyên gia công tác tại địa phương để thu hút được nguồn lao động có chất lượng cao, có kỹ năng và trình độ quản lý tiên tiến đến làm việc tại địa phương.

- Về hạn chế và hướng nghiên cứu tiếp theo

Đề tài nghiên cứu có một số hạn chế nhất định: (i) đề tài chỉ tập trung khảo sát 300 doanh nghiệp (trong đó 268 phiếu trả lời hợp lệ) nên chưa đại diện hết cho đám đông nghiên cứu; nghiên cứu này thực hiện kỹ thuật chọn mẫu theo phương pháp phân tầng thuận tiện bằng kỹ thuật phỏng vấn trực tiếp các đối tượng khảo sát, điều này làm hạn chế trong việc kiểm định độ tin cậy của các khái niệm nghiên cứu. Vì vậy, độ tin cậy của các thang đo nghiên cứu sẽ cao hơn nếu được chọn mẫu ngẫu nhiên.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Dunning, J. H., (1977), “Trade, location of economic activity and the MNE: A search for an eclectic appraoch. In: B. Ohlin et al. (eds.)”, The International Allocation of Economic Activity. Pp. 395 - 418, Holmes and Meier, London.

2. Đinh Phi Hổ (2011), “Yếu tố ảnh hưởng đến thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp”, Phương pháp nghiên cứu định lượng và những nghiên cứu thực tiễn trong kinh tế phát triển - nông nghiệp, NXB Phương Đông, Trang 67 - 91.

3. Hair, J., Aderson, R., Tatham, P., and Black, W. (2006), “Multivariate Data Analysis”, 6 ed., Prentice- Hall, Upper Saddle River, N.J.

4. IMF (1993), “Balance of payments manual”, Fifth e, IMF.

5. Lam, S.Y., Shankar, V., Erramili, m.K., and Murthy, B. (2004), “Customer value, satisfaction, loyalty, and switching costs: An illustration from a business to business service context”, Journal of Academy of Marketing Science, 32(3), pp. 293 - 311.

6. Lucia, R.E (1988), “On the Mechanics of Economic Development”, Journal of Monetary Economics, 22(1), pp. 3 - 42.

7. Nguyễn Đình Thọ và Nguyễn Thị Mai Trang (2009), “Thuộc tính địa phương và sự hài lòng của doanh nghiệp”, Nghiên cứu khoa học trong quản trị kinh doanh, NXB Thống Kê, Trang 73 - 145.

8. Nunnally, J.C, & Burnstein, I.H (1994), Psychometric Theory, 3rded, NewYork: McGraw - Hill.

9. Quốc hội (2014), Luật Đầu tư.

10. Romer, P.M (1986), “Dynamic Competitive Equilibria with Externalities, Increasing Returns and Unbounded Growth”, Phd Dissertation, University of Chicago, 1983.

11. Stelzer, L., Chungang, M., and Banthin, J., (1992), “Gauging investor satisfaction”, The China Business Review, 19(6), pp. 54 - 56.

12. Tổng Cục Thống kê (2016), Niên giám thống kê Việt Nam năm 2015.

13. Ulaga, W.S and Krish, R. (2002), “Plant location and place marketing: Understand the process from the business customers perpective”, Industrial Marketing Management, 21, pp. 393 - 401.

14. UNCTAD (2017), World Investment Report (WIR). Geneva: United Nations.

FACTORS INFLUENCING THE ATTRACTION OF FOREIGN DIRECT INVESTMENT IN THE RED RIVER DELTA ECONOMIC ZONE

PhD. NGUYEN DUC NHUAN

Thuong Mai University

ABSTRACT:

This paper is to study the factors influencing the attraction of foreign direct investment in the Red River Delta. The study results show that there are many factors influencing the investment attraction in the Red River Delta, including eight major factors: (1) Infrastructure-infrastructure; (2) Human resources; (3) Quality of public services; (4) Advantage of the investment sector; (5) Local brands; (6) Investment policy; (7) Habitat and Work; (8) Competitive input costs. Of these eight factors, investment and human resources factors are the two most influential factors for investors.

Keywords: Foreign direct investment, Red River Delta economic zone, investment policy, human resources.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 08 tháng 07/2017 tại đây.