Quy hoạch điện VII điều chỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016 đặt ra mục tiêu chủ yếu:
Về công suất nguồn điện: Tổng công suất nguồn điện khoảng 60.000 MW đến năm 2020; 96.500 MW đến năm 2025 và 129.500 MW đến năm 2030.
Về điện năng: Tổng điện sản xuất và nhập khẩu khoảng 265 tỷ kWh vào năm 2020; khoảng 400 tỷ kWh vào năm 2025 và 572 tỷ kWh đến năm 2030.
Thực tế trong giai đoạn 2016-2020, các nguồn điện truyền thống là nhiệt điện (chủ yếu là nhiệt điện than) thực hiện được khá thấp, chỉ đạt 57,6% so với quy hoạch.
Tổng công suất nguồn điện của hệ thống năm 2019 đạt khoảng 56.000 MW, thấp hơn khoảng 4.000MW so với con số được duyệt trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Rà soát tiến độ nguồn điện cho thấy, trong các năm từ 2020 đến 2023, công suất nguồn nhiệt điện thiếu hụt liên tục tăng.
Đến hết năm 2023, công suất nhiệt điện thiếu hụt so với quy hoạch lên tới 12.690 MW. Tình trạng thiếu hụt công suất được cải thiện trong các năm 2024 và 2025. Mặc dù vậy, đến hết năm 2025, tổng nguồn công suất nhiệt điện thiếu hụt trong giai đoạn 2020-2025 vẫn còn khoảng 7.250 MW.
Cân đối cung cầu điện giai đoạn 2021-2025 cho thấy nguy cơ thiếu điện trong giai đoạn 2021-2024 là hiện hữu. Lượng điện thiếu hụt sẽ tăng từ 400 triệu kWh năm 2021, lên cao nhất đến 13,3 tỷ kWh vào năm 2023.
Năm 2024, sản lượng điện thiếu hụt giảm còn khoảng 11 tỷ kWh và đến năm 2025 hệ thống điện có thể đáp ứng nhu cầu phụ tải nếu tiến độ các chuỗi dự án khí - điện sử dụng khí Lô B, khí Cá Voi Xanh và các dự án nguồn điện sử dụng khí LNG đáp ứng tiến độ.
Đánh giá tình hình thực hiện Quy hoạch điện cho thấy việc thiếu hụt công suất nguồn điện liên tục tăng và nguy cơ thiếu điện giai đoạn 2021-2024 là rõ ràng.
Một trong các giải pháp quan trọng để đảm bảo cung cấp điện là đẩy mạnh phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo (chủ yếu là điện gió, điện mặt trời).
Đây là giải pháp khả thi, hiệu quả để bổ sung kịp thời nguồn điện, phù hợp với cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo hiện hành của Chính phủ.
Bên cạnh đó cũng cần bổ sung các nguồn điện khác như nguồn điện sử dụng LNG để thay thế cho các nguồn điện không triển khai, chậm tiến độ, nhằm đa dạng hóa nguồn điện, hỗ trợ tích hợp nguồn năng lượng tái tạo quy mô lớn, đảm bảo an ninh năng lượng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Theo các quy định của pháp luật về điện lực, về đầu tư xây dựng, dự án điện được phép triển khai đầu tư xây dựng khi đã có quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Trong bối cảnh quy hoạch điện mới (Quy hoạch điện VIII) chưa được xây dựng và phê duyệt, việc điều chỉnh, bổ sung các dự án điện là cần thiết để đảm bảo cung cấp điện.