TÓM TẮT:
Bài viết này phân tích, đánh giá một số nội dung nổi bật trong hành lang pháp lý hiện tại của Việt Nam về hoạt động kinh doanh Fintech và có một số đề xuất hoàn thiện khung hành lang pháp lý này.
Từ khóa: Fintech, hoạt động kinh doanh Fintech, cơ chế thử nghiệm Sandbox, hành lang pháp lý, đề xuất.
1. Đặt vấn đề
Đại dịch Covid-19 như một “phép thử khắc nghiệt” với nền kinh tế nói chung. Nhưng chính trong phép thử đó, vào năm 2021, nền kinh tế lại chứng kiến một sự vươn lên mãnh liệt của hoạt động kinh doanh Fintech ở Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Dấu ấn này được đánh giá như một bước tạo đà cho quá trình số hóa nền kinh tế. Hiện nay, Việt Nam đang được đánh giá là một trong những quốc gia mà hoạt động Fintech phát triển nhanh nhất và nằm trong top đầu khu vực Đông Nam Á bên cạnh Singapore và Indonesia.[1] Từ thực tế đó đặt ra một nhu cầu cần có một hành lang pháp lý Sandbox (cơ chế thử nghiệm) cho hoạt động kinh doanh Fintech ở Việt Nam, hướng tới thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra một “sân chơi” công bằng cho các doanh nghiệp Fintech “chân chính”, qua đó bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng.
Tỷ lệ dân số trẻ và am hiểu công nghệ cao khiến Việt Nam trở thành một thị trường “màu mỡ” và “nóng bỏng” cho các công ty khởi nghiệp, sáng tạo như Fintech. Tuy nhiên, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài chưa “mặn mà” với thị trường Việt Nam. Nguyên nhân vì hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có một hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ quy định về hoạt động kinh doanh Fintech cho các công ty này. Vấn đề đặt ra: Hành lang pháp lý cần như thế nào để doanh nghiệp Fintech có thể thỏa sức sáng tạo, đổi mới, đột phá, nhưng vẫn nằm trong vùng an toàn của quản lý nhà nước đối với nền kinh tế số ở Việt Nam hiện nay?
2. Khái niệm về Sandbox và hoạt động kinh doanh công nghệ tài chính Fintech
2.1. Sandbox
Sandbox dịch ra có nghĩa là "hộp cát"[2]. Lúc đầu, “sandbox” để chỉ những hộp chứa cát thực tế để trẻ em vừa vui chơi, vừa an toàn, vừa thúc đẩy sự sáng tạo. Trẻ con có thể thoải mái vui đùa như đắp núi, đào sông, xây nhà, trồng cây… mà không sợ cát văng ra ngoài. Tuy nhiên, sau đó, thuật ngữ này được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Sandbox là một môi trường thử nghiệm (chạy thử) trong hệ thống máy tính, trong đó phần mềm mới hoặc chưa được thử nghiệm có thể được chạy một cách an toàn, không ảnh hưởng đến hệ điều hành toàn hệ thống. Trong lĩnh vực pháp lý, sandbox (tên gọi đầy đủ là regulatory sandbox) được hiểu là khung pháp lý riêng để tiến hành thử nghiệm những khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới[3]. Khung pháp lý riêng này cho phép các doanh nghiệp Startup thử nghiệm các công nghệ mới, các mô hình kinh doanh mới trong môi trường thực tiễn và có giới hạn thời gian, phạm vi và đối tượng khách hàng dưới sự giám sát của nhà nước[4]. Năm 2016, lần đầu tiên Sandbox được giới thiệu ở Anh, sau đó lan tỏa ra nhiều nước khác, trong đó có cả các nước Đông Nam Á. Đến năm 2020, theo thống kê của Ngân hàng Thế giới có 57 quốc gia áp dụng Sandbox và hiện có 73 loại Sandbox cho các công ty Fintech[5]. Hiểu một cách đơn giản, Sandbox là một môi trường thử nghiệm đặc biệt và được ví như “vườn ươm” cho những ý tưởng được tự do sáng tạo trong khuôn khổ cho phép, từ đó tạo ra sự trải nghiệm và giá trị riêng.
2.2. Hoạt động kinh doanh Fintech
Fintech = Finance (tài chính, tiền tệ) + Technology (công nghệ)
Vì vậy, “FinTech” được hiểu là công nghệ tài chính. Hiểu một cách cụ thể, Fintech là ứng dụng những cải tiến sáng tạo, thông minh của công nghệ thông tin vào trong các hoạt động, các dịch vụ tài chính[6]. Tuy nhiên, hiện nay, trên thế giới chưa có một khái niệm chuẩn nào về Fintech. Fintech được bắt nguồn từ đầu những năm 1990, do Citigroup[7] khởi sướng được gọi là “Hiệp hội Công nghệ Dịch vụ Tài chính” với mục đích tạo điều kiện cho các hoạt động hợp tác về công nghệ. Sau đó, Fintech phát triển rất nhanh và như một ngành công nghiệp lớn tại Mỹ. Fintech trở thành một hiện tượng, một cuộc cách mạng, một xu thế phát triển của tài chính hiện đại, nhận được nhiều sự quan tâm của rất nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp, các nhà đầu tư cũng như Chính phủ nhiều quốc gia trên thế giới.
Hoạt động kinh doanh công nghệ tài chính Fintech được hiểu việc doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo sẽ thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công nghệ tài chính Fintech trên thị trường nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận.[8]
2.3. Tác động của hoạt động kinh doanh Fintech với nền kinh tế số
Fintech ở Việt Nam có tiềm năng lớn trong việc giải quyết các thách thức, trở ngại do đại dịch Covid-19 gây ra, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế một cách bền vững trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0… Năm 2021, Việt Nam đứng thứ ba trong ASean về nguồn vốn tài trợ cho Fintech với 375 triệu USD, chiếm 11% tổng vốn đầu tư của 6 nền kinh tế hàng đầu khu vực (UOB và cộng sự, 2021)[9]. Tiềm năng để phát triển Fintech càng có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn khi Việt Nam đang trải qua thời kỳ bùng nổ về thanh toán số và hoạt động thương mại điện tử trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19. Các ứng dụng của Fintech đã và đang tác động tích cực đến hầu hết các lĩnh vực hoạt động của hệ thống tài chính nói riêng và nền kinh tế số nói chung.
Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực của Fintech đối với nền kinh tế số vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro như: tội phạm công nghệ, phát tán mã độc, gian lận tài chính, lỗ hổng bảo mật thông tin khách hàng… Thiết nghĩ, trong thời gian sắp tới, rất cần một hành lang pháp lý điều chỉnh hoạt động kinh doanh Fintech này.
2.4. Sự cần thiết phải có hành lang pháp lý Sandbox cho hoạt động kinh doanh Fintech ở Việt Nam hiện nay
Có nhiều cách quản lý nhà nước khác nhau với hoạt động kinh doanh công nghệ tài chính Fintech. Vì sao Sandbox lại là lựa chọn tối ưu của nhiều quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Mỗi nước sẽ có những điều chỉnh khác nhau, nhưng đều có một mục đích chung trong thiết lập khung pháp lý Sandbox là phải đảm bảo sự cân bằng giữa khuyến khích đổi mới sáng tạo và kiểm soát rủi ro để dự phòng cho sự thất bại. Sandbox là không gian thử nghiệm để doanh nghiệp vận hành, trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ mới và cũng là không gian để cơ quan quản lý quan sát, học hỏi, hiểu rõ hơn những gì doanh nghiệp đang làm, từ đó có phương án cho các văn bản điều chỉnh phù hợp. Trước đó, cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý chưa dự liệu hết những tác động của sản phẩm, dịch vụ tới đời sống kinh tế - xã hội. Khi doanh nghiệp tốt nghiệp lớp Sandbox, cũng là thời điểm cơ quan quản lý tốt nghiệp lớp đó. Nhưng vì là cùng học, nên doanh nghiệp sẽ được giảm nhẹ, miễn trừ một số thủ tục pháp lý. Khi tốt nghiệp, ra thị trường, họ sẽ quyết định tiếp tục hay không, nhưng nếu hoạt động thì bình đẳng với các doanh nghiệp khác, chịu sự điều chỉnh của các văn bản pháp luật mà cơ quan quản lý đã đúc rút và thiết kế sau quá trình đồng hành với sự thử nghiệm của doanh nghiệp. [10]
Ở Việt Nam, Sandbox cho hoạt động kinh doanh Fintech mới ở giai đoạn đề nghị Chính phủ xây dựng Nghị định và đang trong giai đoạn dự thảo lấy ý kiến. Chính vì sự chậm trễ ban hành cơ chế Sandbox cho Fintech nên các công ty trong nước đang gặp thiệt thòi trên chính “sân nhà”. Nhiều ứng dụng của Việt Nam lại bị Apple loại bỏ, hoặc đã lên rồi bị gỡ bỏ với lý do ứng dụng của Việt Nam chưa được cấp phép và cũng chưa có cơ chế cấp phép từ Ngân hàng Nhà nước. Đây là thua thiệt vô cùng lớn.
3. Thực trạng khung hành lang pháp lý cho hoạt động kinh doanh công nghệ tài chính Fitech ở Việt Nam hiện nay
Nhận thấy được những rào cản trên cũng như sự cần thiết phải có một cơ chế sandbox, ngày 6 tháng 9 năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 100/NQ-CP thông qua đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ về cơ chế thử nghiệm (sandbox) có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính Fintech trong lĩnh vực ngân hàng. Chính phủ đang yêu cầu NHNN chủ trì soạn thảo và cố gắng xây dựng dự thảo sanbox cho Fintech để trình Chính phủ trong quý IV năm 2021.
Ngày 01 tháng 4 năm 2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có bản dự thảo lần 2 Nghị định quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng và đang trong giai đoạn lấy ý kiến góp ý mở rộng của các cá nhân, doanh nghiệp để hoàn thiện dự thảo. Bản dự thảo được coi như một trong những “viên gạch” đầu tiên, đặt nền móng cho việc xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động Fintech tại Việt Nam.
Lĩnh vực Fintech được tham gia thử nghiệm trong dự thảo này dự kiến có 6 lĩnh vực: thanh toán, tín dụng; chấm điểm tín dụng; chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng (API); cho vay ngang hàng (P2P Lending); ứng dụng công nghệ chuỗi khối, sổ cái phân tán (Blockchain Technology, DLT); ứng dụng các công nghệ đổi mới sáng tạo khác trong hoạt động ngân hàng.[11].
3.1. Về đối tượng tham gia cơ chế thử nghiệm Sandbox cho hoạt động kinh doanh công nghệ tài chính Fintech
Về cơ bản, đối tượng tham gia cơ chế thử nghiệm Sandbox cho hoạt động Fintech là các tổ chức tín dụng và các công ty công nghệ tài chính Fintech có nhu cầu tham gia cơ chế thử nghiệm có kiểm soát. Các tổ chức tín dụng và công ty Fintech phải là pháp nhân được thành lập và hoạt động hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam; không đang trong quá trình chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi, giải thể, phá sản theo quyết định đã được ban hành.
Tại Điều 9, Điều 13, Điều 14 Dự thảo lần 2 của Nghị định thì đối tượng tham gia cơ chế thử nghiệm Sandbox cho hoạt động Fintech chia là 2 nhóm:
Nhóm 1: Đối với lĩnh vực thanh toán, tín dụng; chấm điểm tín dụng; chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng (API); ứng dụng công nghệ chuỗi khối, sổ cái phân tán (Blockchain Technology, DLT); ứng dụng các công nghệ đổi mới sáng tạo khác trong hoạt động ngân hàng thì người đại diện theo pháp luật, Tổng Giám đốc (Giám đốc) của các công ty Fintech đề nghị tham gia Cơ chế thử nghiệm phải có trình độ chuyên môn hoặc kinh nghiệm thực tế trong quản trị kinh doanh hoặc lĩnh vực phụ trách. Đội ngũ cán bộ thực hiện giải pháp Fintech thử nghiệm có trình độ chuyên môn về lĩnh vực đảm nhiệm. Các tổ chức, công ty kinh doanh trong lĩnh vực này không thuộc nhóm tổ chức tín dụng đang được kiểm soát đặc biệt theo Luật Các tổ chức tín dụng.
Nhóm 2: Đối với lĩnh vực cho vay ngang hàng (P2P Lending), để tránh những biến tướng cho vay nặng lãi trá hình, tại Giấy phép thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của các công ty Fintech không có nội dung hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Người đại diện theo pháp luật, Tổng giám đốc (Giám đốc) của công ty Fintech này phải không có án tích, không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và an ninh mạng.
Tuy nhiên, có một điều đáng chú ý là việc các tổ chức, công ty Fintech được tham gia Cơ chế thử nghiệm không đồng nghĩa với việc tổ chức tham gia thử nghiệm sẽ được cấp Giấy phép hoạt động chính thức hoặc giải pháp Fintech được chính thức công nhận để cung ứng ra thị trường.[12] Ngoài ra, các doanh nghiệp Fintech tham gia Cơ chế Sandbox phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực của thông tin trong hồ sơ đăng ký, tuân thủ các quy định của Nghị định, thường xuyên rà soát và phát hiện các nghi vấn liên quan đến hoạt động vi phạm pháp luật, báo cáo theo quy định với nhà nước và chủ động đánh giá rủi ro trong quá trình thử nghiệm[13].
3.2. Về các giải pháp công nghệ tài chính Fintech được tham gia cơ chế thử nghiệm Sandbox
Giải pháp Fintech trong lĩnh vực ngân hàng đề nghị tham gia Cơ chế thử nghiệm phải thỏa mãn các tiêu chí[14]:
Thứ nhất, là giải pháp mà nội dung kỹ thuật và nghiệp vụ hoàn toàn chưa được quy định tại bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào hoặc quy định pháp lý hiện hành chưa có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng cho việc triển khai, áp dụng.
Thứ hai, là giải pháp có tính đổi mới sáng tạo, đem lại lợi ích, giá trị gia tăng cho người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam, đặc biệt là các giải pháp hỗ trợ và thúc đẩy mục tiêu phổ cập tài chính.
Thứ ba, là giải pháp đã thiết kế, xây dựng được khung quản lý rủi ro, hạn chế tác động tiêu cực tới hệ thống ngân hàng và hoạt động ngân hàng - tiền tệ - ngoại hối; đã xây dựng phương án hợp lý về xử lý, khắc phục các rủi ro xảy ra trong quá trình thử nghiệm phù hợp.
Thứ tư, là giải pháp đã được tổ chức tham gia Cơ chế thử nghiệm thực hiện các biện pháp rà soát, đánh giá đầy đủ, trên các khía cạnh hoạt động và chức năng, công dụng, tính hữu ích.
Thứ năm, là giải pháp có tính khả thi để có thể cung ứng ra thị trường sau khi hoàn thành quá trình thử nghiệm.
3.3. Về phạm vi thử nghiệm các giải pháp công nghệ tài chính Fintech [15]
Về thời gian thử nghiệm các giải pháp Fintech tối đa 2 năm tùy từng giải pháp và lĩnh vực cụ thể tính từ thời điểm được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy chứng nhận tham gia Cơ chế thử nghiệm. Căn cứ vào tình hình thực hiện thử nghiệm thực tế, Ngân hàng Nhà nước có thể điều chỉnh thời gian thử nghiệm. Trong thời gian này, các công ty Fintech triển khai mô hình kinh doanh của mình dưới sự giám sát của cơ quan có thẩm quyền và hết thời hạn được quy định trên, các công ty Fintech sẽ thoát khỏi khung pháp lý riêng biệt này và hoạt động dựa trên sự điều chỉnh của hệ thống pháp luật hiện hành.
Về phạm vi hoạt động, tùy thuộc vào các giải pháp Fintech cụ thể và đề xuất cụ thể của tổ chức đăng ký tham gia thử nghiệm tại hồ sơ, Ngân hàng Nhà nước sẽ quyết định phạm vi hoạt động của các giải pháp bao gồm, nhưng không giới hạn một hoặc một số yếu tố sau: về địa lý, về hạn mức giao dịch, về số lượng khách hàng tham gia sử dụng giải pháp và không thay đổi trong thời gian thử nghiệm.
4. Một số đề xuất hoàn thiện khung hành lang pháp lý cho hoạt động kinh doanh công nghệ tài chính Fintech ở Việt Nam hiện nay
Trong bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin thì cơ chế quản lý thử nghiệm có kiểm soát (Sandbox) là một hướng đi linh hoạt, sáng tạo trong việc đảm bảo lợi ích của các bên liên quan như nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Cơ chế thử nghiệm Sandbox cho hoạt động Fintech đã và đang tạo ra một “hệ sinh thái” khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo đầy năng động, đầy cởi mở - nơi mà các bên tham gia “cuộc chơi” cùng tồn tại có tương tác, cùng học hỏi, cùng quan sát và cùng rút ra bài học và hướng đi cho mình.
Hiện nay, khung hành lang pháp lý Sandbox cho hoạt động Fintech mới đang trong quá trình Dự thảo và lấy ý kiến, tuy nhiên mới bắt đầu điều chỉnh ở một lĩnh vực ngân hàng. Vì vậy, tác giả xin phép được đề xuất một số quan điểm cá nhân để hoàn thiện hơn nữa khung hành lang pháp lý cho hoạt động kinh doanh công nghệ tài chính Fintech ở Việt Nam trong tương lai gần. Cụ thể:
- Cần xem xét mở rộng cơ chế thử nghiệm Sandbox cho nhiều lĩnh vực khác nhau của hoạt động kinh doanh công nghệ tài chính trong tương lai
Hiện nay, hoạt động Fintech bao gồm rất nhiều lĩnh vực của thị trường tài chính và được dự báo sẽ phát triển mạnh trong lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán, gọi vốn… Là một quốc gia đi sau, thiết nghĩ, trong tương lai, Việt Nam cần xây dựng Sandbox cho FinTech bao trùm các lĩnh vực, thay vì chỉ gói gọn trong hoạt động ngân hàng như dự thảo đã công bố. Nói cách khác, cần có cơ chế sandbox riêng cho mỗi lĩnh vực để thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đồng thời đáp ứng nhu cầu và sự phát triển của thị trường. Sandbox cần phải lấy nguyên tắc tôn trọng quyền tự do kinh doanh - mọi người được quyền làm những gì pháp luật không cấm để làm trụ cột. Vì vậy, theo quan điểm tác giả, Sandbox cho hoạt động Fintech không cần giới hạn lĩnh vực mà chỉ cần xây dựng tiêu chí và xác định những “vùng cấm địa” để bảo vệ những giá trị chung, đảm bảo sự phát triển chung của xã hội. Ở các lĩnh vực khác nhau thì mô hình Sandbox cho hoạt động Fintech nên theo chuẩn chung là có cấp phép, có kiểm soát, có “cởi mở” để vẫn khuyến khích sự sáng tạo mà vẫn kiểm soát được rủi ro với nền kinh tế số.
Nhìn sang người đi trước như Anh, Singapore, Thái Lan, những quốc gia này đều định hướng xây dựng cơ chế thử nghiệm Sandbox rất đa dạng, bao trùm tất cả các lĩnh vực trong nền kinh tế số; tất cả các đối tượng Fintech từ nhỏ đến lớn, từ rủi ro thấp đến cao. Khi đại dịch Covid-19 sảy ra, Anh đã sử dụng “Digital Sandbox” như một công cụ để điều tiết chính sách đồng thời thúc đẩy sáng kiến trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn. Những hướng đi trên đều tác động tích cực đến môi trường đổi mới sáng tạo trong nền kinh tế số của những quốc gia này. Đây là điều Việt Nam nên xem xét và học hỏi trong tương lai để vận dụng linh hoạt với sự phát triển thị trường Fintech ở Việt Nam trong tương lai.
- Cần sớm ban hành cơ chế thử nghiệm Sandbox cho hoạt động công nghệ tài chính Fintech trước tiên ở lĩnh vực ngân hàng ở ngay thời điểm hiện tại giai đoạn 2022 - 2023
Trong năm 2023, Chính phủ cần ban hành càng sớm càng tốt Nghị định Cơ chế thử nghiệm hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng, làm tiền đề để xây dựng các Sandbox trong các lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm… Tuy nhiên, các nhà làm luật khi xây dựng cơ chế Sandbox cho hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng cần xác định mục tiêu chính của Sandbox là mục tiêu thử nghiệm chính sách hay mục tiêu tạo ra sản phẩm đổi mới vì lợi ích của người dùng. Tác giả cũng đồng tình với quan điểm của TS. Cấn Văn Lực thì Việt Nam nên lựa chọn mục tiêu thử nghiệm chính sách như Thái Lan và Singapore từ đó tuyển chọn kỹ lưỡng số lượng tổ chức tham gia vào thử nghiệm (khoảng 10 tổ chức, doanh nghiệp trên một lĩnh vực Sandbox). Như vậy, sẽ phù hợp với nguồn lực giám sát của ngân hàng nhà nước hiện nay[16].
Tuy nhiên, khi triển khai cơ chế thử nghiệm Sandbox cho hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng, Ngân hàng nhà nước cần nghiên cứu các giải pháp để đảm bảo an toàn bảo mật thông tin khi chia sẻ dữ liệu giữa Ngân hàng và các công ty Fintech. Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét thử nghiệm ban hành chuẩn dữ liệu mở (open data) - loại dữ liệu có thể được sử dụng một cách rộng rãi, bởi bất kỳ ai đều cần xin bản quyền hay giấy phép để sử dụng chúng hoặc thành lập Trung tâm cơ sở dữ liệu chung giữa các ngân hàng và Fintech để tránh rủi ro trong quá trình chia sẻ dữ liệu.
- Cần có nguyên tắc trong việc đánh giá và quyết định phạm vi thử nghiệm cho các giải pháp Fintech trong quá trình tham gia cơ chế Sanbox
Theo tinh thần của Điều 12 của Dự thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm Sandbox cho Fintech trong lĩnh vực ngân hàng thì Ngân hàng Nhà nước sẽ quyết định phạm vi hoạt động của các giải pháp Fintech nhưng không giới hạn một hoặc một số yếu tố sau: về địa lý, về hạn mức giao dịch, về số lượng khách hàng tham gia sử dụng giải pháp. Từ đó, có thể hiểu, địa lý, hạn mức giao dịch và số lượng khách hàng tham gia chỉ là một trong các yếu tố của phạm vi hoạt động. Theo quan điểm của tác giả thì quy định pháp luật này chưa cụ thể, rõ ràng và có thể sẽ gây khó khăn trong việc áp dụng cơ chế thử nghiệm sanbox cho các giải pháp Fintech. Vì vậy, thiết nghĩ, các nhà làm luật cần làm rõ hơn một số khái niệm học thuật sử dụng trong Điều 12 như “phạm vi hoạt động của giải pháp” là gì và bao gồm những yếu tố nào. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước nên xem xét quy định những nguyên tắc khi đánh giá và quyết định phạm vi thử nghiệm cho các giải pháp Fintech. Khi có các nguyên tắc trong đánh giá thì các quyết định về phạm vi thử nghiệm cho các giải pháp Fintech sẽ minh bạch và chính xác hơn.
5. Kết luận
Muốn thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bản thân chính sách, cơ chế cũng phải thoáng, phải mở và phải sáng tạo. Đó cũng chính là lý do rất nhiều các quốc gia trên thế giới lựa chọn cơ chế thử nghiệm có kiểm soát Sandbox với hoạt động công nghệ tài chính Fintech như một cách ứng xử đầy linh hoạt của nhà nước trong nền kinh tế số. Sẽ còn quá sớm để khẳng định việc áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát tại Việt Nam có khả thi hay không. Tuy nhiên, việc nghiên cứu và tìm ra những điểm có thể áp dụng tại Việt Nam dựa trên mô hình regulatory sandbox của những quốc gia đi trước thành công như: Anh, Singapore, Trung Quốc, Ấn Độ… là rất cần thiết với Việt Nam. Trong tương lai, nếu muốn thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, hành lang pháp lý về hoạt động Fintech của Việt Nam cần chi tiết hơn và đầy đủ hơn để đáp ứng nhu cầu phát triển của kinh tế - xã hội và góp phần thiết lập một hệ sinh thái phát triển Fintech rực rỡ hơn, kết nối hơn và số hóa hơn. Hy vọng, nhiều “kỳ lân công nghệ” sẽ lớn lên ở Việt Nam bởi cách tiếp cận khung pháp lý vừa mở, vừa linh động, vừa khích lệ của Nhà nước thông qua cơ chế Sandbox ở nhiều lĩnh vực khác nhau trong tương lai.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
[1] Mai Linh (2022). Đón đầu xu hướng tài chính trong lĩnh vực Fintech tại Việt Nam. Truy cập tại: https://mof.gov.vn/webcenter/portal/vclvcstc/pages_r/l/chi-tiet-tin?dDocName=MOFUCM226063.
[2] Sanbox. Truy cập tại: https://translate.google.com.vn/?sl=en&tl=vi&text=SANDBOX%0A&op=translate.
[3] Chu Thị Hoa (2019). Sandbox - Cơ chế thử nghiệm áp dụng trong phạm vi hạn chế - Kinh nghiệm quốc tế và một số gợi ý cho Việt Nam. Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 16 (391).
[4] Khoản 3, Điều 3 Dự thảo lần 2 Nghị định Quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng công bố ngày 01/4/2022.
[5] Nguyệt Minh (2021). Cần có cơ chế sandbox riêng cho mỗi lĩnh vực để thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Tạp chí Điện tử thông tin truyền thông. Truy cập tại: https://ictvietnam.vn/can-co-co-che-sandbox-rieng-cho-moi-linh-vuc-de-thuc-day-khoi-nghiep-doi-moi-sang-tao-20211022174257838.htm.
[6] FinFan (2020). Công nghệ tài chính Fintech là gì? Fintech Việt Nam 2020.Truy cập tại: https://finfan.vn/news/cong-nghe-tai-chinh-fintech-la-gi-fintech-viet-nam-2020-finfan-1092.
[7] Citigroup Inc, là một ngân hàng đầu tư đa quốc gia và công ty dịch vụ tài chính đa quốc gia có trụ sở tại thành phố
New York. Công ty được thành lập bởi sự hợp nhất của ngân hàng khổng lồ Citicorp và Tập đoàn Tài chính Travellers
Group vào năm 1998.
[8] Khoản 21, Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2020, có hiệu lực ngày 01/01/2021.
[9] Trường Thịnh (2021). Thị trường Fintech Việt Nam 2021: Tiềm năng của công nghệ đầu tư tài chính. Truy cập tại: https://dantri.com.vn/kinh-doanh/thi-truong-fintech-viet-nam-2021-tiem-nang-cua-cong-nghe-dau-tu-tai-chinh-20211108131226658.htm.
[10] Chu Thị Hoa, Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp (2022). Truy cập tại: https://vietnamnet.vn/noi-buon-tu-duy-sandbox-2005991.html.
[11] Điều 7 Dự thảo lần 2 Nghị định Quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực Ngân hàng của Chính phủ công bố ngày 01/4/2022.
[12] Điều 24 Dự thảo lần 2 Nghị định Quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực Ngân hàng của Chính phủ công bố ngày 01/4/2022.
[13] Điều 24 Dự thảo lần 2 Nghị định Quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực Ngân hàng của Chính phủ công bố ngày 01/4/2022.
[14] Khoản 3, Điều 9 Dự thảo lần 2 Nghị định Quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng của Chính phủ công bố ngày 01/4/2022.
[15] Điều 12, Dự thảo lần 2 Nghị định Quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực Ngân hàng của Chính phủ công bố ngày 01/4/2022.
[16] Hội thảo quốc tế Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp, Đại sứ quán Anh tổ chức tại Hà Nội (2022). Truy cập tại: https://quochoi.vn/tintuc/Pages/danh-sach-tin-tuc.aspx?ItemID=62156&CategoryId=0.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Chính phủ (2022). Dự thảo lần 2 Nghị định Quy định cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng. Truy cập tại: https://chinhphu.vn/?pageid=30187&vbid=4880&title=du-thao-nghi-dinh-quy-dinh-ve-co-che-thu-nghiem-co-kiem-soat-hoat-dong-cong-nghe-tai-chinh-trong.
- Đỗ Quang Trị (2021). Cơ hội và thách thức phát triển Fintech tại Việt Nam. Tạp chí Công Thương, số 27, tháng 12. Truy cập tại: https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/co-hoi-va-thach-thuc-phat-trien-fintech-tai-viet-nam-86436.htm.
- Trần Đắc Hiến, Trần Thị Thu Hà, Trần Mạnh Quân, Nguyễn Lê Hằng, Phùng Anh Tiến (2021). Regulatory Sandbox: Áp dụng cơ chế thử nghiệm ở một số nền kinh tế trên thế giới hiện nay và hàm ý chính sách cho Việt Nam. Tổng luận Khoa học công nghệ kinh tế, số 6.
- Vương Minh Giang, Lê Thị Như Quỳnh (2021). Tác động của Fintech đến hệ thống ngân hàng. Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Mối quan hệ tương tác giữa hệ thống ngân hàng và các công ty Fintech trong thị trường dịch vụ tài chính - Kinh nghiệm các nước và gợi ý chính sách cho Việt Nam, tr. 57-67.
- CIEM (2018). Phát triển nền kinh tế số nhìn từ kinh nghiệm một số nước châu Á và hàm ý đối với Việt Nam. Chuyên đề Số 4. Findexable (2021). Global Fintech Rankings Report 2021: Bridging the Gap. Truy cập tại: https://findexable.com/wp-content/uploads/2021/06/Global-Fintech-Rankings-2021-v1.2_30_June.pdf.
- ISEV (2020). Fintech trong ASEAN: Từ khởi nghiệp đến lớn mạnh. Truy cập tại: http://dean844.most.gov.vn/fintech-trong-asean-tu-khoi-nghiep-den-lon-manh.htm.
- Phạm Đức Anh, Nguyễn Nhật Minh (2022). Tác động của Fintech đối với hệ thống ngân hàng - Một số hàm ý chính sách cho Việt Nam. Truy cập tại: https://tapchinganhang.gov.vn/tac-dong-cua-fintech-doi-voi-he-thong-ngan-hang-mot-so-ham-y-chinh-sach-cho-viet-nam.htm.
The need of developing a Sandbox for Fintech businesses
in Vietnam
Master. NGUYEN THI LIEU
Faculty of Economics, Da Nang Architecture University
ABSTRACT:
This paper analyzes some major contents of Vietnam's current legal corridor for Fintech businesses, and makes some recommendations to improve this corridor.
Keywords: Fintech, Fintech business, Sandbox, legal corridor, recommendations.