Thông tin từ Cổng Thông tin điện tử Quốc hội cho biết, tiếp tục Kỳ họp bất thường lần thứ 9 Quốc hội khóa XV, sáng 14/2/2025, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội nghe Chính phủ và cơ quan thẩm tra của Quốc hội báo cáo về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
![Cần thiết ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận](https://imgcdn.tapchicongthuong.vn/thumb/w_1000/tcct-media/25/2/14/can-thiet-ban-hanh-cac-co-che--chinh-sach-dac-thu-day-nhanh-tien-do-xay-dung-nha-may-dien-hat-nhan-ninh-thuan_67aee3d0875db.jpg)
Báo cáo về cơ chế, chính sách đặc thù xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, thực hiện Nghị quyết số 174/2024/QH15 của Quốc hội, trong đó có nội dung về tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban tại Quyết định số 72/QĐ-TTg ngày 10/01/2025 để chỉ đạo các Bộ ngành khẩn trương triển khai, sớm đưa dự án điện hạt nhân Ninh Thuận vào vận hành đáp ứng nhu cầu điện năng cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Ban Chỉ đạo đã họp Phiên thứ nhất ngày 15/01/2025 và Phiên thứ hai ngày 04/02/2025 và thống nhất đưa vào vận hành trong năm 2030 để đảm bảo an ninh cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Để đạt được mục tiêu đưa dự án vào vận hành trong năm 2030, Chính phủ nhận thấy cần thiết phải có các cơ chế, chính sách đặc thù cho Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận (thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Văn bản số 893/VPCP-CN ngày 06/02/2025 của Văn phòng Chính phủ).
![Cần thiết ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận](https://imgcdn.tapchicongthuong.vn/thumb/w_1000/tcct-media/25/2/14/can-thiet-ban-hanh-cac-co-che--chinh-sach-dac-thu-day-nhanh-tien-do-xay-dung-nha-may-dien-hat-nhan-ninh-thuan_67aee3ddec8ad.jpg)
Trước mắt, để triển khai đồng thời, song song các giai đoạn trong công tác chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án, trên cơ sở ý kiến của các Bộ, ngành liên quan, Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách.
Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo thẩm tra về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Theo đó, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thống nhất với sự cần thiết phải ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Tuy nhiên, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Chính phủ làm rõ hơn về các nội dung: cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn đối với sự cần thiết, tính cấp bách ban hành các cơ chế, chính sách; Quan điểm và nguyên tắc ban hành các cơ chế, chính sách trong dự thảo Nghị quyết.
![Cần thiết ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận](https://imgcdn.tapchicongthuong.vn/thumb/w_1000/tcct-media/25/2/14/can-thiet-ban-hanh-cac-co-che--chinh-sach-dac-thu-day-nhanh-tien-do-xay-dung-nha-may-dien-hat-nhan-ninh-thuan_67aee3e84b264.jpg)
Về thời điểm đề nghị thông qua Nghị quyết, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, Chính phủ đề xuất đưa dự án điện hạt nhân Ninh Thuận vào vận hành trong năm 2030, do đó, đề nghị nghiên cứu kỹ lưỡng và bổ sung giải pháp để bảo đảm mục tiêu hoàn thành dự án theo đề xuất của Chính phủ. Vì vậy, Ủy ban đề nghị Chính phủ chỉ đạo bổ sung thông tin về cơ sở chính trị, pháp lý, chỉ đạo của cấp có thẩm quyền về mốc tiến độ để nêu bật cần thiết phải ban hành Nghị quyết ở thời điểm hiện tại thay vì ban hành cùng với Nghị quyết của Quốc hội phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận và dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) (dự kiến trình tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, tháng 05/2025).
Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cơ bản nhất trí về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội về việc có được áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù tại Nghị quyết này đối với dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận sau khi được điều chỉnh hay không.
Bên cạnh đó, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, Nghị quyết của Quốc hội chỉ quy định chung về các cơ chế, chính sách đặc thù. Nghị quyết này sẽ là cơ sở để Thủ tướng Chính phủ giao chủ đầu tư thực hiện các dự án, do vậy, chưa nên quy định tên gọi chủ đầu tư cụ thể.
Về sự phù hợp với quy định của hệ thống pháp luật và tính tương thích với điều ước quốc tế, cam kết, thỏa thuận quốc tế, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Chính phủ chỉ đạo làm rõ sự phù hợp của các chính sách với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, đồng thời, đề nghị rà soát các nội dung quy định tại dự thảo Nghị quyết bảo đảm tuân thủ đúng và đầy đủ Quy định 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị. Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát các nội dung đề xuất trong dự thảo Nghị quyết để bảo đảm đúng thẩm quyền của Quốc hội, hợp lý, khả thi, chính xác, tránh trùng lặp...
![Cần thiết ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận](https://imgcdn.tapchicongthuong.vn/thumb/w_1000/tcct-media/25/2/14/can-thiet-ban-hanh-cac-co-che--chinh-sach-dac-thu-day-nhanh-tien-do-xay-dung-nha-may-dien-hat-nhan-ninh-thuan_67aee40239a55.jpg)
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng đưa ra một số kiến nghị đối với Quốc hội và Chính phủ.
Theo đó, Ủy ban kiến nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc ban hành Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.
Đối với Chính phủ, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường kiến nghị Chính phủ xin ý kiến của Cơ quan có thẩm quyền về các cơ chế, chính sách liên quan theo quy định; chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khi được ban hành, đảm bảo đúng chủ trương, chính sách của Đảng; hoàn thiện, ban hành các cơ chế, chính sách liên quan, trong đó có việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, sửa đổi Luật Năng lượng nguyên tử và các cơ chế, chính sách đặc thù khác (nếu có).
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề xuất một số nội dung trọng tâm để thảo luận, xin ý kiến về: Cơ sở pháp lý của việc ban hành Nghị quyết; Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; Tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của các quy định trong dự thảo Nghị quyết; Về các cơ chế, chính sách cụ thể của dự thảo Nghị quyết; Các vấn đề khác Đại biểu Quốc hội quan tâm...