Đến nay, dù năng suất lúa ngày càng cao, nhưng thu nhập của người trồng lúa vẫn thấp hơn các ngành canh tác khác. Vì vậy, Nhà nước cũng đã có chủ trương giảm diện tích canh tác lúa để dành đất cho các cây trồng khác, nhằm nâng cao thu nhập cho người trồng lúa. Về lý thuyết thì đây là chủ trương đúng. Tuy nhiên việc chuyển đổi của cây, con chuyển đổi phải có thị trường tiêu thụ thì mới mang lại hiệu quả mong muốn.
Với điều kiện ở ĐBSCL, vùng đất phù hợp với cây lúa nhưng với cây trồng cạn thì cần được kiến thiết lại cơ sở hạ tầng, rất tốn kém. Dù vậy, đã có nhiều nông dân thực hiện chuyển đổi đất lúa sang trồng các loại cây ăn quả hay rau màu có giá trị cao.
Tuy nhiên do thiếu thị trường, đồng thời thiếu hệ thống chế biến, bảo quản sau thu hoạch nên sản phẩm bị hư hỏng, giảm phẩm cấp, hiệu quả kinh tế không bằng trồng lúa. 5 năm qua có trên 300.000ha đất được chuyển đổi qua cây trồng khác, nông dân cũng đã tốn kém khá nhiều chi phí để đầu tư, nhưng khi giá lúa lên cao, không ít bà con tại ĐBSCL lại san đất để trồng lại cây lúa.
Hiện nay, đất canh tác lúa trên cả nước chỉ còn 3,849.000ha, nếu giữ lại 3,5 triệu ha chỉ dôi ra 349.000ha để chuyển đổi. Trong số diện tích đất lúa nói trên, tại ĐBSCL có 1,67 triệu ha, phần lớn thuộc loại đất trồng 2 vụ lúa ăn chắc, Đông Xuân là 1.603.000ha và Hè Thu là 1.605.000ha, trong đó có một số diện tích trồng 3 vụ, ngoài ra còn có 687.000ha lúa Thu Đông, không kể diện tích lúa tôm.
Tổng diện tích đất gieo trồng lúa chỉ có 3.895.000ha. Dầu vậy, hàng năm, ĐBSCL đã đóng góp 20-21 triệu tấn thóc và gần 90% lượng gạo xuất khẩu cũng có nguồn gốc từ đây.
Giải pháp canh tác lúa thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm tiết kiệm hơn nữa đầu vào và tăng chất lượng hạt gạo để tăng thu nhập đầu ra nhằm tăng thu nhập trên đất lúa được được Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền cùng với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, các Trung tâm Khuyến nông và bà con nông dân của 13 tỉnh ĐBSCL thực hiện từ năm 2016 đến nay đã cho kết quả khả quan.
Về mặt tiết kiệm đầu tư, bà con nông dân tham gia trong chương trình đều thừa nhận rằng họ đã tiết kiệm trung bình được 45-50kg giống cho 1 ha, chỉ cần thử tính trong phạm vi ĐBSCL, nếu cả 3.895.000 ha gieo trồng lúa đều thực hiện biện pháp canh tác lúa thông minh thì mỗi năm đã tiết kiệm được được 194.750 tấn thóc.
Về phân bón cũng giảm được 30-45 kg NPK nói chung, đặc biệt giảm được từ 25 đến 55 kg phân Ure/ha. Nếu giảm 30 kg Ure/ha thì với 3.895.000ha lúa sẽ tiết kiệm được 116.850 tấn Ure. Tham gia chương trình bà con cũng giảm được 2-3 lần phun thuốc/1 vụ.
Nông dân tham gia chương trình lại biết sử dụng nước có hiệu quả hơn, tiết kiệm công chăm bón, nhưng năng suất lúa lại cao hơn từ 200-800 kg thóc/ha, tính bình quân cho cả vùng ĐBSCL cao hơn đến 350 kg/ha, dẫn đến lợi nhuận bình quân mang lại cao hơn đối chứng từ 2,5 triệu đến 5,5 triệu đồng/ha, có tỉnh thu lợi đến trên 10 triệu đồng/ha.
Trong chương trình cũng khuyến khích trồng các giống lúa có chất lượng cao như ST25, ST24, OM18, Đài thơm 8, OM4900, Hương Châu 6. Vì vậy, khi giá gạo xuất khẩu tăng bà con nông dân cũng được trả giá lúa cao hơn 15-30% so với giá thu mua của nhiều năm trước.
Thông qua chương trình “Giải pháp canh tác lúa thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu” người trồng lúa cũng được trang bị thêm kỹ thuật sản xuất lúa tiên tiến để đạt được thương hiệu lúa gạo theo tiêu chuẩn an toàn, môi trường sinh thái được cải thiện tốt hơn. Về mặt trồng các giống lúa chất lượng cao cũng đã thực sự góp phần làm cho giá gạo xuất khẩu tăng lên.
Năm 2020, tỷ lệ lúa có chất lượng cao trong sản xuất cả nước đã cao hơn 74%, so với năm 2015 tăng hơn 50%. Và chiếm trên 85% trong tổng số lượng gạo xuất khẩu. Nhờ vậy, giá bán cũng tăng so với nhiều năm trước. Năm 2019 gạo cùng phẩm cấp bán được 440 USD/tấn thì năm 2020 giá này là 496 USD/tấn cao hơn 56 USD. Đồng thời với tiến bộ nói trên làm cho giá gạo cùng phẩm cấp đều cao hơn gạo của Thái Lan từ 15-30USD/tấn.
Nhờ vậy mà hạt gạo Việt Nam đã có mặt ở các thị trường khó tính nhiều hơn các năm trước. Do vậy, dù diện tích lúa giảm xuống còn 3,5 triệu ha nước ta vẫn bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu, lợi nhuận thu không kém khi diện tích lúa là 4,5 triệu ha.