Bảy tháng đầu năm nay, xuất khẩu (XK) tôm Việt Nam sang EU đạt 320,1 triệu USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Nửa đầu tháng 8/2021, XK sang thị trường này đạt 15,5 triệu USD, giảm 47% so với cùng kỳ. Tính tới 15/8/2021, XK tôm Việt nam sang EU đạt 335,7 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2020.
Tính từ đầu năm đến nay, tốc độ tăng trưởng XK tôm Việt Nam sang EU khá tốt, chỉ sau thị trường Mỹ. EU là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 3 của Việt Nam, sau Mỹ và Nhật Bản, chiếm 14,6% tổng giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam đi các thị trường.
Các chuyên gia cho rằng, xuất khẩu tôm của Việt Nam tới thị trường EU tăng mạnh ở mức 2 con số nhờ dịch Covid-19 tại Việt Nam được kiểm soát tốt trong giai đoạn đầu năm, góp phần quan trọng khiến hoạt động nuôi trồng và chế biến xuất khẩu ổn định, thuận lợi hơn.
Hơn nữa, các sản phẩm tôm của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh tốt hơn trước nhờ được hưởng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định EVFTA. Đồng thời, nhu cầu tiêu dùng và nhập khẩu tôm của EU tăng trở lại trong giai đoạn nửa đầu năm 2021.
So sánh các nguồn cung tôm tại châu Á cho thị trường EU, trước năm 2019, Ấn Độ luôn dẫn đầu, tiếp đó là Việt Nam và Bangladesh, Indonesia. Đến năm 2020, Việt Nam trở thành nguồn cung tôm tại châu Á lớn nhất cho EU, tiếp đó là Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia.
Nguyên nhân Ấn Độ đã mất vị trí số 1 về cung cấp tôm cho EU vào tay Việt Nam là do nước này chưa thể thuyết phục hoàn toàn được khách hàng châu Âu về vấn đề chất lượng và an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, nhìn trên tổng thể các nguồn cung, Ecuador, một nước thuộc châu Mỹ đang nổi lên là một đối thủ cạnh tranh mạnh với các nguồn cung tôm của Việt Nam. Ecuador có lợi thế giá tôm thấp và vận chuyển dễ dàng.
Theo số liệu thống kê của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), giá nhập khẩu tôm của EU từ Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2021 đạt bình quân 7,82 EUR/kg, giảm 0,78 USD/kg so với cùng kỳ năm 2020.
Trong khi đó, giá tôm nhập khẩu của EU từ Ecuador cũng trong 4 tháng đầu năm 2021 ở mức 5,05 EUR/kg. Đây là lý do khiến cho thị phần tôm của Việt Nam tại EU chưa tăng mạnh mặc dù đã được hưởng ưu đãi từ EVFTA. Do vậy, Việt Nam vẫn là thị trường cung cấp tôm cho EU đứng sau Ecuador, chiếm 8% về lượng và chiếm 10,5% về trị giá.
Theo đánh giá của VASEP, nhu cầu từ các thị trường có nhiều tín hiệu tích cực. Thị trường Mỹ và EU đã nới lỏng giãn cách, mở cửa trở lại và vaccine được tiêm diện rộng. Nhu cầu NK tôm từ các thị trường này rất cao từ nay đến tháng 11 để phục vụ Noel, nhất là nhu cầu NK tôm cỡ lớn. Doanh nghiệp Việt Nam liệu có tận dụng được cơ hội này để tăng mạnh thị phần vào thị trường EVFTA?
Việt Nam XK chủ yếu sang EU những sản phẩm như tôm sú PD hấp đông lạnh, tôm thẻ Nobashi đông lạnh, tôm thẻ HLSO tươi đông lạnh, tôm thẻ Nobashi đông lạnh, tôm thẻ chân trắng, lột vỏ, luộc sushi đông lạnh, tôm sú tươi PD đông lạnh, tôm thẻ sushi luộc đông lạnh, tôm sú tươi đông lạnh, tôm sú bỏ đầu PTO, tươi đông lạnh, tôm sú PD đông lạnh, tôm sắt luộc đông lạnh IQF, tôm thẻ PTO luộc cấp đông, tôm chân trắng PD,IQF tươi đông lạnh, tôm chân trắng tẩm vị xiên que…