TÓM TẮT:
Với hơn 1,4 triệu dân, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất và tiềm năng nhất thế giới. Chính vì vậy, có sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường gạo Trung Quốc giữa các nước xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam và Thái Lan. Việt Nam được đánh giá là nước có lợi thế so sánh về gạo cao hơn so với Thái Lan kể từ năm 2011. Tuy nhiên, lợi thế này của Việt Nam có xu hướng giảm dần so với Thái Lan. Bài báo tập trung làm rõ khả năng cạnh tranh của gạo Thái Lan và Việt Nam trên thị trường gạo Trung Quốc, đồng thời đề xuất một số giải pháp nâng cao khả năng cạnh tranh của gạo Việt Nam trên thị trường khổng lồ này.
Từ khóa: cạnh tranh, xuất khẩu gạo, Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc, kim ngạch, giá gạo, lợi thế so sánh.
1. Đặt vấn đề
Gạo là loại lượng thực chính của hơn 3,5 tỉ người dân trên toàn thế giới, đặc biệt là ở châu Á, châu Mỹ Latin và một phần của châu Phi. Trong đó, Trung Quốc hiện đang là nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới, với kim ngạch nhập khẩu đạt 1,46 tỷ đôla, chiếm 5,84% tổng kim ngạch nhập khẩu gạo của toàn thế giới. Chính vì vậy, có sự cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu gạo, trong đó có Thái Lan và Việt Nam, trên thị trường Trung Quốc. Số liệu thống kê cho thấy, Việt Nam có lợi thế hơn Thái Lan về kim ngạch, giá xuất khẩu và hệ số biểu thị lợi thế so sánh trên thị trường gạo Trung Quốc kể từ năm 2011. Tuy nhiên, lợi thế này của Việt Nam có xu hướng giảm dần so với Thái Lan trong những năm gần đây. Để nâng cao khả năng cạnh tranh của gạo Việt Nam trên thị trường Trung Quốc đòi hỏi Việt Nam phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.
2. Cạnh tranh giữa gạo Thái Lan và Việt Nam trên thị trường Trung Quốc
2.1. Kim ngạch xuất khẩu gạo của Thái Lan và Việt Nam sang Trung Quốc
Thái Lan và Việt Nam là các nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 và thứ 3 thế giới với kim ngạch xuất khẩu năm 2020 tương ứng là 3,69 tỷ USD và 3,12 tỷ USD, lần lượt chiếm 15,07% và 12,75% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của thế giới. Đồng thời, Việt Nam và Thái Lan cũng đang giữ vị trí số 1 và số 3 trong số các nước xuất khẩu gạo nhiều nhất sang thị trường Trung Quốc. Ngược lại, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu quan trọng đối với gạo Thái Lan và Việt Nam. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Thái Lan kể từ năm 2005 – 2018,nhưng đến năm 2020 lại bị tụt xuống vị trí thứ 3 sau Mỹ và Nam Phi. Đối với Việt Nam, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất trong giai đoạn 2012 - 2018 và là thị trường lớn thứ 3, sau Philippines và Bờ Biển Ngà, vào năm 2020.
Số liệu thống kê trong Hình 1 và Hình 2 cho thấy có sự cạnh tranh gay gắt giữa Việt Nam và Thái Lan trên thị trường gạo nhập khẩu của Trung Quốc. Trước năm 2011, Thái Lan là nước xuất khẩu gạo lớn nhất sang Trung Quốc với kim ngạch hàng năm dao động trong khoảng 100 - 255 triệu USD, chiếm gần 100% tổng kim ngạch nhập khẩu gạo hàng năm của thị trường này. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Quốc trước năm 2009 là không đáng kể, dưới 1 triệu USD/năm, chiếm dưới 0,52% tổng kim ngạch nhập khẩu gạo của nước này.
Tuy nhiên, tình hình đã đảo ngược lại khi kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam dần tăng lên kể từ năm 2010 và vượt qua Thái Lan bắt đầu từ năm 2011. Việt Nam đã vươn lên trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất sang Trung Quốc với kim ngạch đạt 616 - 1,022 triệu USD, chiếm 46,21 - 60,6% tổng kim ngạch nhập khẩu gạo của thị trường khổng lồ này trong giai đoạn 2012 - 2017. Cũng trong giai đoạn này, kim ngạch xuất khẩu gạo của Thái Lan sang Trung Quốc chỉ ở mức 200 - 544 triệu USD với thị phần giảm xuống còn 22,34 - 32,52%. Từ năm 2018, xuất khẩu gạo của Việt Nam và Thái Lan sang Trung Quốc bắt đầu giảm dần. Trong năm 2020, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam và Thái Lan sang Trung Quốc giảm xuống chỉ còn 452 triệu USD và 242 triệu USD, với thị phần giảm xuống còn lần lượt là 30,97% và 16,61%. Nguyên nhân của xu hướng giảm này là do từ năm 2018, Trung Quốc đã áp dụng nhiều rào cản đối với mặt hàng gạo. Trung Quốc đã đưa ra những yêu cầu khắt khe hơn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Mức thuế nhập khẩu gạo ngoài hạn ngạch của Trung Quốc tăng từ 5% lên 50% vào năm 2019 và lên đến 65% vào năm 2020. Hạn ngạch nhập khẩu gạo của Trung Quốc trong năm 2020 là 5.320.000 tấn, trong đó 50% hạn ngạch được cấp cho các nước ASEAN [3]. Ngoài ra, giá gạo của Việt Nam và Thái Lan ở mức cao nên Trung Quốc chuyển hướng sang nhập khẩu gạo giá rẻ hơn từ các nước khác như Pakistan, Myanmar và Campuchia. Hiện nay, Myanmar, Pakistan và Campuchia lần lượt là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2, thứ 4 và thứ 5 trên thị trường Trung Quốc, với thị phần tương ứng là 22,21%, 12,84% và 10,86%.
2.2. Giá gạo xuất khẩu của Thái Lan và Việt Nam
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam có xu hướng gia tăng theo thời gian trong giai đoạn từ tháng 2/2016 đến tháng 2/2021. Giá gạo trắng 5% tấm tăng từ 374 USD/MT lên 520 USD /MT; giá gạo trắng 15% tấm tăng từ 365 USD/MT lên 510 USD/MT; và giá gạo trắng 25% tấm tăng từ 345 USD/MT lên 495 USD/MT. Chất lượng gạo được chú trọng cải thiện, chủng loại gạo xuất khẩu dần chuyển sang những loại gạo có giá trị gia tăng cao, cước phí tàu biển tăng, một số hãng tàu thu thêm phí trong mùa cao điểm và doanh nghiệp thiếu vỏ container rỗng để đóng hàng do ảnh hưởng của đại dịch Covid - 19 là nguyên nhân chính đẩy giá gạo Việt Nam tăng mạnh, vượt mức 460 USD/MT từ tháng 8/2020.
Số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cho thấy giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong giai đoạn từ tháng 6/2016 đến tháng 2/2021 luôn thấp hơn giá gạo của Thái Lan nhưng thường cao hơn giá gạo của Ấn Độ và Pakistan. Tuy nhiên, từ đầu tháng 2/2021, giá gạo của Việt Nam đã cao hơn một chút so với giá gạo Thái Lan. Nguyên nhân của tình trạng này là do nguồn cung gạo của Việt Nam bị hạn chế trong giai đoạn giao mùa và cước phí vận tải tăng, trong khi nguồn cung gạo của Thái Lan được dự báo gia tăng nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi. Giá gạo cao hơn so với các nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới khác là một bất lợi đối với Việt Nam khi một số bạn hàng trong đó có Trung Quốc bắt đầu chuyển hướng sang nhập khẩu gạo có giá rẻ hơn từ các nước xuất khẩu gạo khác. (Bảng 1)
2.3. Lợi thế so sánh của gạo Thái Lan và Việt Nam
thị lợi thế so sánh trong xuất khẩu sản phẩm j của nước i; Xkij là kim ngạch xuất khẩu sản phẩm k của nước i sang nước j; Xij là tổng kim ngạch xuất khẩu của nước i sang nước j; Xkwj là kim ngạch xuất khẩu sản phẩm k của toàn thế giới sang nước j; Xwj là tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn thế giới sang nước j. Nếu RCA < 1, nước i không có lợi thế so sánh đối với sản phẩm j. Nếu RCA > 1, nước i có lợi thế so sánh đối với sản phẩm j.
Hình 3 cho thấy, cả Việt Nam và Thái Lan đều có lợi thế so sánh cao về gạo trên thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, vị thế của hai nước có sự thay đổi theo thời gian. Trước năm 2011, gạo Việt Nam có lợi thế cạnh tranh thấp hơn hẳn so với gạo Thái Lan. Hệ số biểu thị lợi thế so sánh của gạo Thái Lan trong giai đoạn này rất cao (42,55 - 73,77), trong khi RCA của Việt Nam dù cũng ở mức cao nhưng cũng chỉ đạt 0,99 - 29,44. Tình hình đảo ngược lại khi RCA của Thái Lan giảm xuống chỉ còn 5,47-12,78, trong khi RCA của Việt Nam vượt cao hơn Thái Lan trong giai đoạn 2012 2017. Tuy nhiên, cũng trong giai đoạn này, lợi thế so sánh của gạo Việt Nam có xu hướng giảm xuống từ 67,81 vào năm 2012 xuống còn 19,07 vào năm 2017. Việt Nam đã không duy trì được lợi thế cạnh tranh của mình khi RCA của gạo Việt Nam tiếp tục giảm xuống và ở mức thấp hơn so với gạo Thái Lan kể từ năm 2018. RCA của gạo Việt Nam chỉ đạt mức 9,43 vào năm 2019, thấp hơn nhiều so với RCA của gạo của Thái Lan (17,55).
3. Giải pháp nâng cao khả năng cạnh tranh của gạo Việt Nam trên thị trường Trung Quốc
Để nâng cao khả năng cạnh tranh của gạo Việt Nam trên thị trường Trung Quốc, Việt Nam cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần thường xuyên cập nhật thông tin thị trường, chính sách thương mại, các quy định về chất lượng sản phẩm và thị hiếu của người tiêu dùng Trung Quốc để có thể cung cấp gạo phù hợp cho thị trường này. Do Trung Quốc hiện đang thực hiện nghiêm các biện pháp quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc đối với gạo nhập khẩu nên các doanh nghiệp Việt Nam cần áp dụng công nghệ tiên tiến trong chế biến, bảo quản gạo, để đảm bảo đáp ứng các quy định về kiểm dịch, xông hơi khử trùng, quy cách bao bì, đóng gói,… của Trung Quốc, cũng như chú ý tới việc đăng ký mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Các doanh nghiệp cần đầu tư vào công nghệ, các quy trình sản xuất hiện đại, đạt tiêu chuẩn VietGap hay Global Gap và các đầu vào cho sản xuất lúa gạo để có thể nâng cao năng suất, chất lượng gạo. Chú trọng đầu tư phát triển các giống gạo chất lượng cao, xây dựng thương hiệu gạo chuyên nghiệp sẽ giúp các doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh của gạo Việt Nam trên thị trường Trung Quốc. Để phù hợp với việc sống ở nhà cao tầng của nhiều người dân Trung Quốc, các doanh nghiệp Việt Nam nên xuất khẩu gạo được đóng gói hút chân không, với trọng lượng nhỏ từ 5 - 10kg, có nhãn mác, logo. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tích cực quảng cáo sản phẩm trên website của công ty, tham gia các sàn giao dịch nông sản, hội trợ quốc tế và hội chợ quy mô lớn để tìm cơ hội kinh doanh và có được mối liên hệ trực tiếp với các nhà nhập khẩu gạo của Trung Quốc.
Chính phủ Việt Nam, thông qua cơ quan thương mại của mình tại Trung Quốc, cần tổng hợp và hệ thống hóa những quy định và yêu cầu chất lượng đối với gạo nhập khẩu, những điều khoản trong hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc, tổ chức bộ phận thông tin một cửa hiệu quả cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam. Chính phủ cần kết nối các chính quyền địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp gạo, các nhà bán buôn, hệ thống phân phối của Việt Nam với Trung Quốc để thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu gạo của Trung Quốc. Việc Chính phủ giúp các doanh nghiệp quảng cáo các mẫu gạo chất lượng tới cho các nhà nhập khẩu, hệ thống siêu thị, các nhà bán buôn ở Trung Quốc sẽ giúp họ hiểu rõ hơn về chất lượng gạo của Việt Nam, từ đó có nhiều đơn đặt hàng nhập khẩu gạo Việt Nam hơn.
Chính phủ cần ban hành những chính sách hướng người nông dân, các cơ sở sản xuất và các doanh nghiệp áp dụng các mô hình sản xuất hiện đại hơn để sản xuất gạo có chất lượng, phát triển các giống gạo chất lượng cao đáp ứng các yêu cầu nhập khẩu ngày càng khắt khe của Trung Quốc; quy hoạch các vùng trồng lúa tiềm năng, thúc đẩy các địa phương xây dựng mã số vùng trồng để thuận tiện cho việc truy xuất nguồn gốc cũng như các chính sách hỗ trợ vốn thuận lợi cho người nông dân và các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu gạo. Chính phủ cần đàm phán với chính phủ Trung Quốc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam có một “giai đoạn chuyển đổi” để có thể đáp ứng được những quy định nhập khẩu mới của Trung Quốc. Mời các chuyên gia Trung Quốc phổ biến các quy trình sản xuất đáp ứng các quy định đối với gạo nhập khẩu hoặc tổ chức cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam tham quan các dây chuyền sản xuất, chế biến gạo đáp ứng tiêu chuẩn của Trung Quốc.
Bản thân người nông dân Việt Nam cũng cần thay đổi theo hướng áp dụng công nghệ tiến tiến khi trồng lúa, tuân thủ nghiêm các quy trình sản xuất đảm bảo chất lượng từ khâu chọn giống, gieo hạt, chăm sóc, thu hoạch, chế biến và bảo quản gạo.
4. Kết luận
Xuất khẩu gạo hiện là ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và Trung Quốc là thị trường xuất khẩu gạo quan trọng của Việt Nam trong nhiều năm qua. Xét về kim ngạch, giá xuất khẩu và hệ số biểu thị lợi thế so sánh, gạo Việt Nam có tính cạnh tranh cao hơn so với gạo Thái Lan trên thị trường Trung Quốc kể từ năm 2011. Tuy nhiên, lợi thế cạnh tranh của gạo Việt Nam có xu hướng giảm dần so với gạo Thái Lan. Để nâng cao khả năng cạnh tranh của gạo Việt Nam trên thị trường Trung Quốc, Việt Nam cần triển khai nhiều giải pháp, trong đó đặc biệt chú trọng nắm vững những quy định đối với gạo nhập khẩu của Trung Quốc, nâng cao chất lượng, quy trình sản xuất đảm bảo chất lượng, quy cách bao bì, đóng gói, truy xuất nguồn gốc của gạo xuất khẩu, đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại với Trung Quốc.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- International Trade Centre (ITC): http://www.intracen.org/. Ngày truy cập 1/5/2021.
- Hải quan Việt Nam: https://www.customs.gov.vn/. Ngày truy cập 1/5/2021.
- USDA (2021), https://www.fas.usda.gov/data/grain-world-markets-and-trade. Ngày truy cập 10/5/2021.
- Balassa, B. (1989). Comparative advantage, trade policy, and economic development. New York, NY: New York University Press.
The competition between Thailand and Vietnam in the Chinese rice market
Ph.D. VU DIEP ANH
Faculty of Economics and Business Administration
Hanoi University of Mining and Geology
ABSTRACT
With the population of more than 1.4 billion, China is the biggest and the most potential rice market in the world. Thus, there is a fierce competition among rice exporters including Vietnam and Thailand in the Chinese rice market. Since 2011, Vietnamese rice has higher comparative advantages than Thai rice. However, these advantages tend to decrease. This paper analyzes the competitiveness of Thailand’s and Vietnam’s rice in the Chinese market and proposes some solutions to enhance the competitiveness of Vietnamese rice in this vast market.
Keywords: competitiveness, rice export, Vietnam, Thailand, export turnover, rice price, comparative advantage.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 15, tháng 6 năm 2021]