Dịch bệnh Covid-19 lan rộng đang khiến các doanh nghiệp dịch vụ, du lịch, khách sạn và cả chuỗi các thương hiệu ẩm thực lao đao. Nhiều thương hiệu lớn như Golden Gate, Otoke Chicken, Mr Bean,… đã phải tạm thời đóng cửa một số nhà hàng của mình khi doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, trong khi chi phí mặt bằng, nhân công vẫn phải trả đều.
Tuy nhiên, trái với động thái đóng cửa hàng loạt ấy, một thương hiệu "ẩm thực đường phố" với các kiot bán đồ ăn "nhanh" đã khai trương 10 điểm bán tại Hà Nội từ đầu tháng 1/2020.
Chị Đỗ Hương Ly, nhà sáng lập EM+ chia sẻ ý tưởng: "Những người nhận nhượng quyền thương hiệu thường không được thay đổi mô hình gốc. Tôi muốn tận dụng mặt bằng dư thừa của các cửa hàng, nhà hàng đó để phát triển mô hình tích hợp, nhượng quyền các kiot bán đồ ăn, vừa không ảnh hưởng, vừa trao thêm giá trị cộng sinh cho mô hình nhượng quyền gốc". Theo đó, chủ nhượng quyền các quán trà sữa hay bất kì cửa hàng nào cũng có thể nhận nhượng quyền thương hiệu ẩm thực này để tận dụng khoảng mặt tiền trống đã thuê, tăng thêm doanh thu.
Được định vị là chuỗi đồ ăn nhanh thuần Việt với hy vọng cạnh tranh với các mô hình nhượng quyền nổi tiếng trên thế giới xâm nhập vào thị trường Việt Nam như McDonald, KFC,.. tiêu chí "Nhanh, Gọn, Tiện, Gần Gũi, Chất lượng" là kim chỉ nam trong suốt quá trình nghiên cứu và phát triển sản phẩm của Em+.
Hiện, EM+ đã ra mắt được 10 điểm bán tại Hà Nội, một nửa trong số đó đặt tại mặt tiền các quán trà sữa DingTea. "Tôi đang làm việc sâu hơn với quản lý của DingTea cũng như các chuỗi khác để nhân rộng mô hình hơn. Mục tiêu là trở thành thương hiệu Việt Nam đầu tiên xây dựng văn hóa ẩm thực đường phố". CEO của EM+ chia sẻ.
Nhà sáng lập tự tin rằng với tình hình dịch bệnh có khả năng sẽ kéo dài, EM+ có thể đặt ngay các kiot bán đồ ăn tại những khu vực có người cách ly, phục vụ nhu cầu của người dân.
Theo chia sẻ, hiện 50 cơ sở nhượng quyền đầu tiên sẽ được miễn phí phí nhượng quyền. Người nhận nhượng quyền chỉ mất khoản vốn đầu tư nhỏ, khoảng 20 triệu đồng cho phí tham gia, 30 triệu cho chi phí đầu tư cơ sở vật chất đã có thể vận hành một kiot. Các quy trình đóng gói sản phẩm, vận hành, quản lý đã được công ty chuẩn hóa.
Khai trương trong mùa dịch, nhưng chị Hương Ly cho biết, doanh thu của mỗi điểm bán hiện dao động từ 1,5 – 2,5 triệu đồng/ngày và khá ổn định. Thực đơn được thay đổi theo tuần, phục vụ cả những món ăn nhanh và đặc sản địa phương.
Nữ doanh nhân này cũng tiết lộ: "Mục tiêu là phát triển 3.000 điểm trong vòng 3 năm và xa hơn là 200.000 điểm trên toàn Đông Nam Á. Trước mắt, trong năm đầu tiên là 500 điểm trên toàn quốc. Tôi hy vọng có thể tạo một mô hình kinh doanh cộng sinh, tận dụng được mặt bằng cho ngành F&B".
Với một mô hình chuỗi tăng trưởng nhanh như vậy, thì hệ thống quản trị phải lớn và chuyên nghiệp. Chính vì thế nên tôi tìm đến shark Bình và Quỹ NextTech để tối ưu hệ thống quản trị bằng việc sử dụng các hệ thống phần mềm tiên tiến, tiện lợi.
Về vấn đề chuỗi cung ứng, bếp nấu, chị cho biết đều đã chủ động được và chuẩn hóa quy trình, điều mà những mô hình tương tự trước đó chưa làm được. "Lâu dài EM+ sẽ giống các điểm trung chuyển, đầu vào sẽ mở rộng hợp tác cùng các Bếp có dư thừa nguồn lực”, chị Ly chia sẻ.