Chính sách kinh tế nổi bật thời kỳ Tổng thống Mỹ - Joe Biden

ThS. LƯU VĂN ANH DŨNG (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Nghiên cứu sinh Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Sự xuất hiện và tàn phá khủng khiếp của đại dịch Covid-19 đã góp phần thay đổi hành vi của người tiêu dùng ở các quốc gia trên thế giới. Đồng thời, nhận thức về - sự phát triển bền vững đã chính thức trở thành mục tiêu của thời đại mới. Với vị thế là một siêu cường với nền kinh tế số một thế giới - Mỹ vẫn đang tiên phong trong vấn đề này, đặc biệt dưới thời Tổng thống thứ 46 - Joe Biden. Bài viết phân tích về những chính sách kinh tế nổi bật thời kỳ Tổng thống Mỹ - Joe Biden.

Từ khóa: chính sách kinh tế, phát triển bền vững, đại dịch Covid-19, thời kỳ Tổng thống Mỹ - Joe Biden, Hoa Kỳ.

1. Bối cảnh hiện nay

Sau cuộc khủng hoảng 2008, nền kinh tế toàn cầu đã trải qua giai đoạn phục hồi chậm chạp từ đáy trước khi có những tín hiệu khả quan vào năm 2016, 2017 và những tháng đầu năm 2018. Tốc độ tăng trưởng kinh tế dần phục hồi hoặc duy trì trạng thái ổn định tại các nền kinh tế lớn (Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc và Nhật Bản), tỷ lệ thất nghiệp giảm, hoạt động thương mại sôi động trở lại, nợ công ổn định sau thời kỳ tăng mạnh. Nền kinh tế thế giới hồi phục kéo theo các thị trường tài sản như chứng khoán, bất động sản toàn cầu tăng trưởng tốt cộng thêm xu hướng bình thường hóa tiền tệ của các NHTW trên thế giới khiến mặt bằng lãi suất gia tăng.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng khắp toàn cầu đã đốn gục toàn bộ nền kinh tế trong năm 2020, châm ngòi cho cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ Đại suy thoái 1930. Phần lớn các nền kinh tế năm qua đều tăng trưởng âm, ngoại trừ Trung Quốc (GDP tăng 2,3%), Ai Cập (GDP tăng 2,8%) và Việt Nam (tăng 2,91%). Với sự lây lan nhanh và nghiêm trọng ở hơn 200 nước trên thế giới, đại dịch Covid-19 đã gây ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu; làm giảm tổng cầu thị trường dầu mỏ thế giới, làm đổ vỡ các hợp đồng kinh tế; thu hẹp hoặc làm mất đi cơ hội kinh doanh vi mô và vĩ mô; tăng rủi ro cho cổ phiếu và trái phiếu của cả các doanh nghiệp to, nhỏ ở cả nước phát triển hay nước đang phát triển, không phân biệt thể chế chính trị và mô hình kinh doanh. Sức tàn phá ghê gớm của đại dịch Covid -19 là đòn giáng “chí mạng” vào nền kinh tế thế giới, mọi hoạt động kinh tế - xã hội từ công nghiệp, giao thông vận tải đến các lĩnh vực dịch vụ, vui chơi giải trí kéo theo lực lượng lao động ước tính hơn 3 tỷ người đồng loạt bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Cũng trong năm 2020, cả thế giới bàng hoàng chứng kiến cuộc khủng hoảng của ngành Dầu mỏ. Cụ thể, giá hợp đồng dầu kỳ giao tháng 5 tại Mỹ giảm sâu xuống dưới 0 USD và kết thúc ở mức giá âm 37,63 USD/thùng vào ngày đáo hạn 21/4/2020 - mức giảm mạnh nhất kể từ sau chiến tranh vùng vịnh năm 1991. Nguyên nhân là do nhu cầu năng lượng toàn cầu đã sụt giảm nghiêm trọng sau khi thị trường nhập khẩu dầu thô lớn nhất là Trung Quốc buộc phải tạm dừng các hoạt động sản xuất do sự bùng phát của dịch bệnh. Bên cạnh đó, Nga và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) không thể thống nhất việc cắt giảm sản lượng, khiến giá dầu ngay lập tức bốc hơi khoảng 20% chỉ trong 1 ngày.

Kinh tế thế giới bỗng chốc cũng bốc hơi hàng nghìn tỷ USD, không ít thành quả gây dựng trong nhiều năm qua bị tiêu tan. Sử dụng các dự báo trước đại dịch để làm cơ sở so sánh, IMF đưa ra một kết luận khá sốc rằng đến năm 2025, thiệt hại mà đại dịch Covid-19 này gây ra cho nền kinh tế có thể lên tới 28 nghìn tỷ USD, tương đương với khoảng 1/3 quy mô nền kinh tế toàn cầu trong năm 2019.

Hơn thế nữa, Mỹ và châu Âu là những tâm điểm chính của diễn biến đại dịch, cũng là nơi thực trạng tăng trưởng kinh tế và thương mại tồi tệ nhất trong năm 2020. Trong quý 2/2020, nền kinh tế Mỹ giảm 31,4% - mạnh nhất trong lịch sử - do ảnh hưởng từ đợt phong tỏa đầu tiên để chống dịch. Trong quý 3, kinh tế Mỹ hồi phục mạnh, tăng trưởng 33,4% (phần lớn thành quả này là do gói hỗ trợ trị giá hơn 2.000 tỷ USD của chính phủ Mỹ) nhưng vẫn không đủ để bù đắp cho đợt giảm của quý 2. Quý 4, tiêu dùng ở Mỹ tăng 2,5%, so với mức tăng 41% trong quý 3, sự giảm tốc này phản ánh những biện pháp phong tỏa mới và số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh trong 3 tháng cuối năm 2020. Chính thức chấm dứt chuỗi tăng trưởng kéo dài 11 năm liên tiếp - giai đoạn tăng trưởng dài nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Theo các chuyên gia, không thể phủ nhận tác dụng của những gói kích thích từ các chính phủ đã phần nào nâng thể trạng của nền kinh tế. Bên cạnh đó, vắcxin ngừa Covid -19 sẽ là nhân tố mấu chốt giúp thúc đẩy đà phục hồi kinh tế toàn cầu. Con đường phía trước sẽ sáng hơn, nhưng vẫn còn mong manh và nhiều thách thức khó đoán định.

2. Chính sách kinh tế nổi bật thời kỳ Tổng thống Mỹ - Joe Biden

Năm 2020, nền kinh tế Hoa Kỳ đã suy giảm 3,5% - mức tồi tệ nhất kể từ năm 1946 và là năm đầu tiên GDP Mỹ suy giảm kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007-2009 bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đẩy hàng triệu người Mỹ vào cảnh mất việc làm và nghèo đói; gần như tất cả mọi lĩnh vực đều đi xuống. Mỹ chính thức rơi vào suy thoái từ tháng 2/2020; đại dịch đến nay đã khiến hơn 31,4 triệu người tại quốc gia này lây nhiễm, trong đó hơn 563.000 người tử vong.

Tất cả sự kiện trên đã góp phần dẫn đến một cuộc chuyển giao lịch sử giữa cựu Tổng thống Donald Trump và tân Tổng thống Joseph Robinette Biden với nhiệm vụ khôi phục nền kinh tế lớn nhất thế giới là Hoa Kỳ trong giai đoạn 2021-2025.

Ngay từ khi nhậm chức, ông Biden đã khẳng định việc chống lại đại dịch Covid-19 và cuộc suy thoái mà nó gây ra là ưu tiên cao nhất trong kế hoạch hành động của mình. Cụ thể, Tổng thống Biden cam kết sẽ cung cấp đủ 100 triệu liều vắcxin trong vòng 100 ngày đầu làm Tổng thống Mỹ của ông. Thực tế cho thấy, tính đến ngày 24/3/2021, đã có 130 triệu liều vắcxin được cung cấp cho người dân Mỹ. Niềm tin của người dân vào ông gia tăng đáng kể, đáp lại, Biden đã tăng cam kết của mình lên 200 triệu liều vắcxin cho đến cuối tháng 4 với hy vọng mang lại một mùa hè bình thường mới cho người dân của mình.

Tiếp đó, trong tháng 1/2021, Tổng thống Biden đã đặt bút ký ban hành Kế hoạch hành động mang tên “The American Rescue Plan” trị giá 1,9 nghìn tỷ USD nhằm đưa Mỹ trở lại thời kỳ huy hoàng, với các nội dung đáng chú ý sau:

- Đối phó với đại dịch Covid-19: Tổng thống Biden dành 1 nghìn tỷ USD nhằm viện trợ trực tiếp cho các cá nhân chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch; 20 tỷ USD cho chương trình tiêm chủng quốc gia nhằm giúp thành lập các trung tâm tiêm chủng cộng đồng, triển khai các đơn vị tiêm chủng lưu động đến các cộng đồng vùng sâu vùng xa; và khoản hỗ trợ 50 tỷ USD cho hệ thống xét nghiệm Covid-19, mở rộng năng lực phòng thí nghiệm, hỗ trợ các trường học và chính quyền địa phương thực hiện xét nghiệm thường xuyên.

- Phục hồi kinh tế, tạo công ăn việc làm: Theo kế hoạch 400 tỷ USD sẽ được dùng để mua các hàng hóa, dịch vụ của Mỹ nhằm thúc đẩy gia tăng sản xuất, phục hồi chuỗi cung ứng, giải quyết vấn đề việc làm và kích thích chi tiêu tiêu dùng. Trong đó, 300 tỷ USD sẽ được phân bổ trong vòng 4 năm dành cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D).

Điểm nổi bật nhất trong chuỗi kế hoạch của ông Biden là sẽ cung cấp 1.400 USD cho mỗi cá nhân đủ điều kiện nhận trợ cấp (thu nhập ít hơn 75.000 USD/năm), thay vì là 600 USD đã được Quốc hội Mỹ phê duyệt vào tháng 12/2020. Kế hoạch cũng mở rộng trợ cấp thất nghiệp cho những người có nhu cầu, bao gồm cả những người lao động hợp đồng trước đây không đủ điều kiện. Hơn 1 triệu doanh nghiệp nhỏ bị ảnh hưởng nặng nề nhất có thể tiếp cận khoản tài trợ 15 tỷ USD và khoản vay lên tới 175 tỷ USD nhằm giúp họ phục hồi và phát triển.

Vào ngày 27/1/2021, các nhà lập pháp đảng Dân chủ đã đề xuất Đạo luật Tăng tiền lương năm 2021. Nếu được Thượng viện thông qua, ban đầu sẽ tăng mức lương tối thiểu 7,25 USD lên 9,50 USD/giờ, với các mức tăng cụ thể được lên kế hoạch mỗi năm đến năm 2025. Điều này hàm ý, ông Biden muốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng cách tăng thu nhập cho người lao động, từ đó kích thích họ chi tiêu nhiều hơn.

Ở khía cạnh khác, việc gia tăng mức lương tối thiểu lên 15 USD/giờ đã làm cho những người trẻ tuổi chưa có trình độ chuyên môn khó lòng kiếm được việc làm hay giữ được việc làm hiện tại của mình đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch, bởi vì người sử dụng lao động với cùng số tiền 15 USD/giờ, họ có xu hướng lựa chọn những người lao động chất lượng cao hơn thay vì là người trẻ chưa có kinh nghiệm, điều này trực tiếp ảnh hưởng đến cơ hội được tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng làm việc của giới trẻ. Dưới góc nhìn khách quan hơn, điều này sẽ tạo động lực cho người trẻ chủ động nâng cao năng lực bản thân, dần dần sẽ cải thiện chất lượng nguồn lao động trẻ tại quốc gia này.

- Môi trường, biện pháp chống biến đổi khí hậu: Trong ngày đầu tiên trên cương vị Tổng thống Mỹ, Biden đã hủy bỏ các lệnh hành pháp dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, coi chống biến đổi khí hậu là một ưu tiên quốc gia. Đồng thời, tạm dừng việc cho thuê dầu khí ở Bắc Cực, thu hồi giấy phép đường ống dẫn dầu Keystone XL, tái gia nhập Hiệp định Paris.

Ngoài ra, Tổng thống Biden dự định sẽ đầu tư vào đổi mới cơ sở hạ tầng, giao thông công cộng, điện sạch, ngành công nghiệp xe điện, nhà ở và nông nghiệp:

+ Đạt được không phát thải vào năm 2050.

+ Chi tiêu 400 tỷ USD hàng năm cho nghiên cứu và phát minh về năng lượng sạch.

+ Tăng gấp 2 lần sản lượng gió ngoài khơi năm 2030.

+ Giảm 50% lượng khí thải carbon trong ngành Điện vào năm 2035.

+ Thêm 500.000 trạm sạc xe điện vào năm 2030 và ưu đãi thuế xe điện.

- Khu vực nông thôn: Theo kế hoạch, trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Biden tập trung phát triển khu vực nông thôn, trong đó dự kiến đầu tư 20 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng băng thông rộng, tạo việc làm, tái đầu tư vào nghiên cứu lĩnh vực nông nghiệp, cải thiện khả năng tiếp cận các nguồn lực liên bang, các quỹ tài trợ cho nông nghiệp và hộ kinh doanh nhỏ lẻ, mở rộng các chương trình và dịch vụ y tế.

- Lĩnh vực giáo dục: Ngày 20/1/2021, Tổng thống Biden đã quyết định tiếp tục gia hạn các khoản vay của sinh viên với mức lãi suất 0%, khuyến khích mở cửa lại các trường học và cơ sở giáo dục, gia tăng khoản tài trợ 170 tỷ USD cho hệ thống giáo dục K-12 (từ mẫu giáo đến lớp 12), tăng gấp 3 lần các khoản tài trợ đối với những gia đình có thu nhập thấp qua đó tăng lương cho giáo viên.

Ông Biden cũng có kế hoạch tăng gấp 2 lần số lượng nhân viên y tế trong trường học, đặc biệt tập trung vào sức khỏe tinh thần; sẽ có một chương trình phổ cập mầm non cho tất cả trẻ em 3 và 4 tuổi, với nỗ lực giảm gánh nặng tài chính và tinh thần cho các bậc cha mẹ trên khắp đất nước.

Đối với bậc đại học, tổng thống Biden dự định miễn học phí đối với những gia đình có thu nhập dưới 125.000 USD khi theo học tại các trường Cao đẳng cộng đồng hay Đại học công lập. Bên cạnh đó, ông cũng cam kết sẽ đầu tư 8 tỷ USD vào cơ sở vật chất tại các trường Cao đẳng cộng đồng và 50 tỷ USD đào tạo lực lượng lao động tại các trường học.

- Thuế quan: Theo ước tính thì kế hoạch thuế của tổng thống Biden sẽ giúp tăng doanh thu liên bang thêm 3,3 nghìn tỷ USD trong 10 năm bằng cách gia tăng thuế suất đối với các tổ chức, công ty có mức thu nhập cao. Cụ thể, ông sẽ đánh thuế an sinh xã hội 12,4% đối với những người kiếm được hơn 400.000 USD/năm; tăng thuế suất thuế TNDN lên 28%; đồng thời sẽ đánh thuế phần thu nhập từ đầu tư vốn dài hạn và thu nhập từ cổ tức trên 1 triệu USD với mức thuế suất 39,6%; đánh thuế tối thiểu 15% đối với thu nhập sổ sách của các công ty lớn (thu nhập ròng hàng năm ít nhất 100 triệu USD).

Trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Biden ưu tiên biểu thuế lũy tiến, có nghĩa là những người có thu nhập cao hơn sẽ phải chịu mức thuế suất cao hơn những người có thu nhập thấp.

Ngoài ra, theo “The American Rescue Plan”, Tổng thống Biden sẽ gia tăng các khoản khấu trừ thuế, ưu đãi thuế cho người lao động cao tuổi, gia đình có con nhỏ và những người sở hữu căn nhà đầu tiên. Cụ thể, các gia đình có trẻ em dưới 6 tuổi sẽ nhận được trợ cấp tối đa 3.600 USD mỗi trẻ; trong khi các gia đình có trẻ em từ 17 tuổi trở xuống sẽ nhận được khoản tín dụng 3.000 USD mỗi trẻ.

Nhìn chung, mức thuế suất thuế TNDN sau khi tăng từ 21% lên 28% thì vẫn còn thấp hơn mức cao nhất 35% trước năm 2017, nhưng điều này hứa hẹn sẽ đưa Hoa Kỳ trở lại vị trí dẫn đầu trong số các nền kinh tế lớn. Với mức thuế suất tối thiểu 21% đối với các công ty Hoa Kỳ hoạt động và phát sinh lợi nhuận, tuy nhiên không phải nộp thuế ở nước ngoài sẽ giúp hạn chế việc các doanh nghiệp có xu hướng chuyển lợi nhuận sang nước ngoài và cũng đủ sức cạnh tranh đối với các tập đoàn đa quốc gia khác.

Tuy nhiên, việc gia tăng thuế suất sẽ làm giảm lợi tức đầu tư, từ đó ảnh hưởng đến việc mở rộng đầu tư, tăng cường sản xuất - kinh doanh bởi vì một đồng lợi nhuận tăng thêm nay bị đánh thuế nhiều hơn. Thực tế có nhiều dự án rất hấp dẫn với mức thuế suất 21% nhưng lại trở nên kém hấp dẫn hoặc thậm chí thua lỗ với mức thuế suất 28%. Bên cạnh đó, việc chính quyền Joe Biden quy định mức thuế suất tối thiểu sẽ gây ảnh hưởng đến các chính sách ưu đãi thuế mà Quốc hội đã thông qua, ví dụ như khuyến khích đầu tư vào R&D, năng lượng tái tạo.

- Thương mại: Tổng thống Biden dự kiến đầu tư 300 tỷ USD để khôi phục vị thế dẫn đầu của Hoa Kỳ trong các ngành công nghệ trọng điểm; ưu tiên lĩnh vực năng lượng sạch, trí tuệ nhân tạo và công nghệ pin của xe điện.

Ngoài ra, chính quyền Tổng thống Biden đã hiện thực hóa chiến lược phát triển bền vững bằng Kế hoạch hành động - mang tên “Kế hoạch cơ sở hạ tầng” đã được công bố ngày 31/3/2021, với số tiền khổng lồ 2.300 tỷ USD tập trung vào năng lượng sạch, phương tiện công cộng không phát thải; hứa hẹn sẽ tạo ra hàng triệu việc làm lương cao trong bối cảnh nước Mỹ dần ngưng sử dụng nhiên liệu hóa thạch, đối phó với nguy cơ biến đổi khí hậu và hủy hoại môi trường.

“Kế hoạch cơ sở hạ tầng” sẽ bao gồm 621 tỷ USD đầu tư cho đường xá, cầu cống, giao thông công cộng, trạm sạc xe điện và các hạ tầng giao thông khác; 111 tỷ USD sẽ dành để thay thế ống nước và nâng cấp hệ thống nước thải; 100 tỷ USD đầu tư Internet băng thông rộng trên khắp nước Mỹ, bao gồm cả mạng không dây 5G; và 100 tỷ USD đầu tư nâng cấp lưới điện, chuyển sang sử dụng điện sạch; 174 tỷ USD đầu tư vào lĩnh vực xe điện, cũng như ưu đãi thuế cho các cá nhân mua xe điện.

Bên cạnh đó, trong “Kế hoạch cơ sở hạ tầng”, Tổng thống Biden cũng sẽ đầu tư hàng trăm tỷ USD vào phát triển lực lượng lao động và hoạt động R&D; 50 tỷ USD cho Quỹ khoa học quốc gia để tập trung nghiên cứu về chất bán dẫn và siêu máy tính; 213 tỷ USD đầu tư sửa chữa, cải tạo và xây dựng mới các loại hình nhà ở công cộng giá cả phải chăng; và đặc biệt là 100 tỷ USD để nâng cấp và xây dựng các trường công lập mới, bên cạnh 12 tỷ USD để nâng cấp cơ sở hạ tầng cho các trường Cao đẳng cộng đồng.

Rút kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 - khi mà chính phủ các quốc gia đã quá rụt rè trong việc vực dậy nền kinh tế một cách kịp thời; khi đại dịch Covid-19 xảy ra, sau gói kích thích “The American Rescue Plan” trị giá 1,9 nghìn tỷ USD, tổng số tiền Hoa Kỳ chi tiêu liên quan đến đại dịch đã đạt 6 nghìn tỷ USD. Theo kế hoạch, Fed sẽ tiếp tục rót khoảng 2,5 nghìn tỷ USD vào hệ thống ngân hàng trong năm nay, với mức lãi suất gần bằng 0%. Mỹ đang thực hiện một thử nghiệm kinh tế 3 mũi nhọn không thể đoán trước kết quả với các gói kích thích tài khóa lịch sử, thái độ khoan dung hơn của Fed đối với lạm phát tạm thời và khoản tiết kiệm khổng lồ bị dồn nén trong người dân.

Chỉ trong vòng vài tháng đầu năm 2021, tất cả chính sách, các gói kích thích của Tổng thống Biden đều đánh dấu một bước ngoặt lớn của chính sách kinh tế với niềm tin rằng Chính phủ là động lực chính cho tăng trưởng bền vững, đối phó với vấn đề biến đổi khí hậu, khiếm khuyết của thị trường và chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế trên diện rộng. Đó là một nỗ lực nhằm hiệu chỉnh lại các giả định đã định hình chính sách kinh tế Mỹ từ những năm 1980 rằng khu vực công vốn đã kém hiệu quả hơn khu vực tư nhân, thời kỳ mà trường phái kinh tế học cổ điển nổi lên với công trình vĩ đại củaAdam Smithđược xuất bản năm 1776 dưới tên “Của cải của các quốc gia” (The Wealth of Nations) cùng lý thuyết “bàn tay vô hình” để miêu tả cơ chế thị trường sẽ tự động cân bằng mà không cần đến sự can thiệp của Chính phủ.

Một số nhà kinh tế học coi kế hoạch chi tiêu mới nhất của Mỹ là một phản ứng quá mức cần thiết đối với những tác động tạm thời, mặc dù là nghiêm trọng, đến từ đại dịch và các đợt đóng cửa. Họ cảnh báo sự gia tăng lớn trong chi tiêu và vay nợ của chính phủ có thể dẫn đến sự quay trở lại tình trạng trì trệ lạm phát cao, lãi suất phi mã vào cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980. Theo thuyết khối lượng tiền tệ (với đồng nhất thức MV = PQ) Milton Friedman cho rằng nếu tốc độ lưu thông của tiền (V) lớn, thì sẽ cần một khối lượng tiền (M) thấp đưa vào lưu thông. Và ngược lại, nếu nền kinh tế thiếu năng động, tiền lưu thông chậm thì cần phải tăng khối lượng tiền để đảm bảo cân đối kinh tế. Cũng theo phương trình, lạm phát là nguyên nhân của việc có thừa tiền trong lưu thông: tích số MV lớn hơn mức cần thiết. Kết quả là với số lượng hàng hóa không đổi (Q cố định), giá (P) sẽ phải tăng một cách tất yếu. Friedman kết luận lạm phát mọi nơi và mọi lúc chỉ là một hiện tượng tiền tệ, diễn ra khi chính phủ không quản lý được khối lượng tiền. Hậu quả nặng nề nhất của lạm phát là ở việc nó làm xói mòn giá trị, gây ra ảo giác về sự giàu có, nói như Friedman, lạm phát đối với một quốc gia giống như một thứ thuốc làm người nghiện có cảm giác đê mê, khi hết thuốc, người ta lại tìm mọi cách để có nó trở lại; trong khi đó cơ thể họ đã suy sụp một cách nghiêm trọng vì không được chăm sóc đúng đắn.

Lần đầu tiên kể từ năm 1946, nợ liên bang Hoa Kỳ đã đạt 100% GDP mà con số này được dự báo sẽ tăng lên 107% vào năm 2031. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hoa Kỳ, Chủ tịch Fed và các cố vấn kinh tế đều khẳng định họ có đủ công cụ và kinh nghiệm để in tiền liên tục và cùng lúc kiểm soát việc phá giá tiền tệ, lạm phát và hỗn loạn kinh tế. Họ bắt đầu ủng hộ và áp dụng triệt để “Lý thuyết tiền tệ hiện đại - MMT” - một lý thuyết đang gây nhiều tranh cãi trên phạm vi toàn cầu, rằng các chính phủ có thể tăng cung ứng nguồn tiền bao nhiêu tùy thích, bất kể việc đó sẽ dẫn đến thâm hụt ngân sách và nợ công ở quy mô lớn. Lý do là bởi vì các chính phủ kiểm soát nguồn cung ứng tiền tệ thuộc chủ quyền của riêng họ, họ có thể in bao nhiêu tùy thích mà không sợ vỡ nợ. MMT tập trung vào chính sách tài khóa nhiều hơn là chính sách tiền tệ với mục tiêu chủ đạo là hướng đến toàn dụng lao động và giá cả ổn định. Vì vậy, thay vì tăng lãi suất để ứng phó với lạm phát, Chính phủ Mỹ đi theo quan điểm của MMT - tăng thuế, vì thế các ngân hàng rất có thể đang tự chuyển hóa thành các tiện ích công cộng.

3. Kết luận

Trong viễn cảnh lạc quan, nền kinh tế Mỹ sẽ phục hồi theo mô hình chữ V với những dấu hiệu tích cực như số ca nhiễm Covid-19 giảm mạnh thời gian gần đây, chương trình tiêm chủng quốc gia đạt nhiều thành quả tích cực; cùng với đó là hàng ngàn tỉ USD được chính quyền Joe Biden bơm ra nền kinh tế và lượng tiền mặt khổng lồ đang được tích trữ trong người dân.

Tuy nhiên, nếu thử nghiệm kinh tế 3 mũi nhọn của Hoa Kỳ thất bại, tình trạng lạm phát, nợ công trầm trọng sẽ gây suy yếu đồng USD; đồng thời với sự ra đời đồng tiền kỹ thuật số CBDC của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng lớn đến vị trí số 1 thế giới của Hoa Kỳ.

Tóm lại, dù kết quả có ra sao, sự chuyển dịch sang nền kinh tế xanh, không phát thải, sử dụng năng lượng sạch, lao động chất lượng cao dưới thời Tổng thống Joe Biden vẫn được ghi nhận là một bước đi của thời đại mới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Allison Prang (2021). 15-an-Hour Minimum Wage Could Further Sting Teen Employment, The Wall Street Journal, Accessible at https://www.wsj.com/articles/15-an-hour-minimum-wage-could-further-sting-teen-employment-11616837401.
  2. Tracking Joe Bidens first 100 days (2021), The Economist, United States. Accessible at https://www.economist.com/tracking-joe-biden
  3. Matt Stieb (2021). What Is in Joe Bidens $1.9 Trillion Stimulus Package Plan?, New York Magazine. Accessible at https://nymag.com/intelligencer/2021/03/whats-in-joe-bidens-stimulus-package-plan.html
  4. Richard Rubin (2021). Whats in Bidens $2 Trillion Corporate Tax Plan, The Wall Street Journal. Accessible at https://www.wsj.com/articles/whats-in-bidens-2-trillion-corporate-tax-plan-11617206009
  5. Luis Melgar & Ana Rivas (2021). Bidens Infrastructure Plan Visualized: How the $2.3 Trillion Would Be Allocated, The Wall Street Journal. Accessible at https://www.wsj.com/articles/bidens-infrastructure-plan-how-the-2-3-trillion-would-be-allocated-11617234178
  6. Kate Davidson (2021). Biden Infrastructure Plan Aims to Boost Economys Productivity Over Time, The Wall Street Journal. Accessible at https://www.wsj.com/articles/biden-infrastructure-plan-aims-to-boost-economys-productivity-over-time-11617269403
  7. Phillip Inman (2021). Joe Biden writes a cheque for America - and the rest of the world, The Guardian. Accessible at https://www.theguardian.com/business/2021/mar/13/joe-biden-writes-a-cheque-for-america-and-the -rest-of-the-world.
  8. Kimberly Amadeo (2021). What Are President Bidens Economic Plans and Policies?, The Balance. Accessible at https://www.thebalance.com/what-are-biden-s-economic-policies-5071356
  9. Deborah D'Souza (2021). Joe Biden's Economic Plan, Investopedia. Accessible at https://www.investopedia.com/ joe-biden-s-economic-plan-save-the-middle-class-4769869
  10. Leaders (2021). Joe Bidens stimulus is a high-stakes gamble for America and the world, The Economist. Accessible at https://www.economist.com/leaders/2021/03/13/joe-bidens-stimulus-is-a-high-stakes-gamble-for-america-and-the-world
  11. Jacob M. Schlesinger & Andrew Restuccia (2021). Behind Bidens Big Plans: Belief That Government Can Drive Growth, The Wall Street Journal. Accessible at https://www.wsj.com/articles/behind-bidens-big-plans-belief-that-government-can-drive-growth-11617118656
  12. Jim Tankersley & Jeanna Smialek. (2021). Biden Presses Economic Aid Plan, Rejecting Inflation Fears, The New York Times. Accessible at https://www.nytimes.com/2021/03/05/business/economy/biden-economic-aid-stimulus-inflation.html
  13. Jim Tankersley (2021). To Juice the Economy, Biden Bets on the Poor, The New York Times. Accessible at https://www.nytimes.com/2021/03/06/business/economy/biden-economy.html
  14. Hoa Lan (2020). Đại dịch Covid-19 giúp giảm khí thải, ô nhiễm và bài học sau đó, Báo điện tử Nhân dân, truy cập tại https://nhandan.com.vn/vi-moi-truong-xanh/dai-dich-covid-19-giup-giam-khi-thai-o-nhiem-va-bai-hoc-sau-do-452768/

SPECIAL ECONOMIC POLICIES OF THE US UNDER

THE PRESIDENCY OF JOE BIDEN

• Ph.Ds student, Master. LUU VAN ANH DUNG

University of Social Sciences and Humanities

Vietnam National University - Ho Chi Minh City Campus

ABSTRACT:

The Covid-19 pandemic has severely detrimental impacts on the world and has led changes in consumer behavior. In addition, the pandemic has highlighted the important role of sustainable development. As a superpower and the biggest economy, the USA is at the forefront of the global race for sustainable development, especially under the presidency of Joe Biden. This paper analyzes some special economic policies of the US President Joe Biden.

Keywords: economic policy, sustainable development, Covid-19 pandemic, presidency of Joe Biden, the USA.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 8, tháng 4 năm 2021]