TÓM TẮT:
Trong bối cảnh hiện nay, chính sách pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đóng vai trò quan trọng, tạo hành lang pháp lý vững chắc, đặt nền móng cho sự thành công và phát triển của các DNNVV ở nước ta. Bài viết trình bày nội dung, thực trạng và đề xuất một số giải pháp tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng hiệu quả trong việc triển khai chính sách pháp luật về hỗ trợ DNNVV ở Việt Nam hiện nay.
Từ khóa: chính sách pháp luật, hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, Việt Nam.
1. Những nội dung cơ bản về chính sách pháp luật về hỗ trợ DNNVV
Luật Hỗ trợ DNNVV được Quốc hội Việt Nam thông qua năm 2017 (Luật số 04/2017/QH14) là dấu mốc quan trọng khẳng định cam kết của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về ưu tiên phát triển DNNVV, doanh nghiệp khu vực tư nhân trong nước trở thành động lực quan trọng cho phát triển kinh tế. Theo số liệu thống kê, DNNVV hiện chiếm 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, đóng góp tới 45% vào GDP, 31% vào tổng số thu ngân sách và thu hút hơn 5 triệu lao động. Khu vực DNNVV ngày càng hoạt động hiệu quả trong việc huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển và đóng góp vào ngân sách nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia, tạo sự năng động và cạnh tranh cho nền kinh. Với vai trò đóng góp như trên, năm 2020, số lượng doanh nghiệp (trong đó có DNNVV) đăng ký thành lập mới giảm, số lượng doanh nghiệp giải thể và ngừng kinh doanh tăng so với cùng kỳ năm 2019 sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Trong 4 tháng đầu năm 2021 có nhiều dấu hiệu tích cực với gần 19,3 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, cho thấy khả năng ứng phó linh hoạt của các doanh nghiệp đối với tình hình dịch bệnh ngày càng cải thiện rõ rệt, là những tín hiệu tích cực về triển vọng phát triển doanh nghiệp trong thời gian tới.
Sự ra đời của Luật Hỗ trợ DNNVV 2017 đã thiết lập ra khung pháp lý cao nhất đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của hoạt động hỗ trợ DNNVV, góp phần hình thành khu vực DNNVV, doanh nghiệp tư nhân năng động, sáng tạo, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Sau 3 năm kể từ ngày Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu lực (từ ngày 01/01/2018), Chính phủ và các Bộ, ngành đã có những chỉ đạo quyết liệt, ban hành 5 Nghị định, 13 Thông tư và nhiều văn bản hướng dẫn khác để triển khai các nội dung theo quy định của Luật.
Luật Hỗ trợ DNNVV chia làm 2 nhóm nội dung hỗ trợ, gồm: nhóm chính sách hỗ trợ chung và nhóm chính sách hỗ trọng tâm (hỗ trợ DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị). Nội dung nhóm chính sách hỗ trợ chung theo Luật Hỗ trợ DNNVV bao gồm: hỗ trợ tiếp cận tín dụng; bảo lãnh tín dụng cho DNNVV; hỗ trợ thuế và kế toán; hỗ trợ mặt bằng sản xuất; hỗ trợ công nghệ; hỗ trợ cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung; hỗ trợ mở rộng thị trường; hỗ trợ thông tin, tư vấn, pháp lý; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực. Thực hiện quy định của Luật, hiện nay có một số địa phương đã ban hành Đề án, Chương trình, Kế hoạch hỗ trợ thông tin, tư vấn, pháp lý; hỗ trợ công nghệ, hỗ trợ cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung; hỗ trợ mặt bằng sản xuất; có hoạt động bảo lãnh tín dụng cho DNNVV; hỗ trợ mở rộng thị trường;... Đối với nội dung hỗ trợ trọng tâm theo Luật Hỗ trợ DNNVV đã có nhiều địa phương ban hành Đề án, Chương trình, Kế hoạch hỗ trợ DNNVV hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo (với 41 địa phương chiếm tỷ lệ 71%); có một số địa phương ban hành hỗ trợ DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh và hỗ trợ DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị,...
2. Thực trạng triển khai chính sách pháp luật về hỗ trợ DNNVV giai đoạn 2018 - 2020
Sau khi Luật Hỗ trợ DNNVV có hiệu lực, Chính phủ và các Bộ, ngành đã chủ động ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn thi hành các nội dung hỗ trợ của Luật. Đến nay, khuôn khổ pháp lý để triển khai Luật Hỗ trợ DNNVV cơ bản đã được hoàn thiện với 5 Nghị định, 13 Thông tư và nhiều văn bản hướng dẫn khác để triển khai các nội dung theo quy định của Luật.
Tính đến ngày 31/3/2021, theo thống kê chưa đầy đủ (58 địa phương) đã ban hành 581 Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch, Đề án, Văn bản hướng dẫn hỗ trợ DNNVV theo các nội dung của Luật. Có 14 địa phương ban hành Đề án, Chương trình, Kế hoạch riêng hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh; 41 địa phương ban hành Đề án, Chương trình, Kế hoạch riêng hỗ trợ doanh khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo tại địa phương; 13 địa phương ban hành Đề án, Chương trình, Kế hoạch riêng hỗ trợ doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; 11 địa phương ban hành Đề án, Chương trình, Kế hoạch riêng hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.
Ở cấp địa phương, một số tỉnh, thành phố đã rất chủ động và sáng tạo ban hành các chính sách đặc thù nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn về phát triển DNNVV trên địa bàn; thể hiện ở số lượng các Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch, Đề án, văn bản hướng dẫn của các địa phương năm sau tăng so với năm trước. Nhiều địa phương cũng đã chủ động tổ chức các buổi phổ biến và hướng dẫn triển khai Luật và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn. Để nâng cao hiệu quả công các triển khai Luật, hầu hết các địa phương đã tích cực chỉ đạo các Sở, ban, ngành đăng tải Luật Hỗ trợ DNNVV và các văn bản hướng dẫn lên Cổng thông tin, Trang thông tin điện tử của địa phương và cơ quan, đơn vị; đồng thời, chỉ đạo cơ quan báo chí, truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền thông qua việc xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề, cẩm nang, ấn phẩm, tờ rơi,… tuyên truyền mục đích, ý nghĩa, mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp nâng cao hiệu quả hỗ trợ DNNVV của địa phương. Đặc biệt, TP. Hồ Chí Minh còn sáng tạo thực hiện tuyên truyền qua hình thức sân khấu hóa. Trong 3 năm qua, 100% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thực hiện các hoạt động tuyên truyền, phổ biến Luật trên địa bàn.
Điểm sáng trong công tác triển khai Luật Hỗ trợ DNNVV là sự vào cuộc của một số tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi Chính phủ, Hiệp hội doanh nghiệp như Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội DNNVVViệt Nam, Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam. Các tổ chức đã tích cực phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành và chính quyền địa phương tổ chức hàng trăm Hội thảo, Hội nghị tuyên truyền và phổ biến Luật. Nhìn chung, việc tuyên truyền, phổ biến Luật đã đạt kết quả khá tốt; giúp nâng cao nhận thức của xã hội đối với công tác hỗ trợ DNNVV; đặc biệt tập trung hỗ trợ DNNVV tại các địa phương đang được hình thành ngày càng rõ nét.
Cùng với việc đồng loạt đẩy mạnh ban hành các văn bản hướng dẫn, Đề án, Chương trình, Kế hoạch triển khai Luật từ Trung ương tới địa phương; kết hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật, công tác hỗ trợ DNNVV đã nhận được sự quan tâm, chủ động triển khai tại các địa phương hơn bao giờ hết. Luật đã xây dựng được ý thức, hiểu biết và sự quan tâm của xã hội, chính quyền các cấp cũng như đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ Trung ương đến địa phương trong công tác hỗ trợ DNNVV và được cụ thể hóa bằng những Chương trình, Đề án, Kế hoạch hành động cụ thể. Bên cạnh đó, các DNNVV cũng đã có sự chủ động hơn trong việc tìm hiểu quy định pháp lý; chủ động tiếp cận các cơ quan, tổ chức để được thụ hưởng chính sách hỗ trợ; đồng thời, các DNNVV cũng tự hoàn thiện, nâng cao năng lực để đủ điều kiện nhận được hỗ trợ.
Trong quá trình triển khai Luật Hỗ trợ DNNVV, một số chính sách đạt được kết quả nổi bật, trong đó có chính sách hỗ trợ tiếp cận tín dụng. Cụ thể Ngân hàng Nhà nướcvà các Ngân hàng thương mại đã chủ động cải thiện thủ tục, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV triển khai thủ tục vay vốn, thanh toán. Kết quả là chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể. Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh 2020 do Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 24/10/2019, chỉ số tiếp cận tín dụng là 1 trong 5 chỉ số được nâng hạng, tăng 5 điểm và tăng 7 bậc so với báo cáo trước (vượt mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 01/NQ - CP là tăng ít nhất 1 bậc trong năm 2019); đứng thứ 2 trong các nước ASEAN (sau Brunei) và đứng thứ 25/190 nền kinh tế.
Một số chính sách khác cũng được xem là có kết quả đáng ghi nhận, trong đó phải kể đến những chính sách như:
- Hỗ trợ mặt bằng sản xuất: theo đó nhiều địa phương đã tích cực, chủ động ban hành các chủ trương chính sách hỗ trợ giá thuê mặt bằng cho DNNVV tại khu công nghiệp, CCN trên địa bàn.
- Hỗ trợ mở rộng thị trường: Điểm mới trong công tác này là hoạt động hướng dẫn DNNVV tham gia ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại (PVTM) của nước ngoài và sử dụng công vụ PVTM để bảo vệ sản xuất trong nước phù hợp với cam kết quốc tế.
- Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực: Mặc dù ngân sách nhà nước cấp Trung ương bố trí còn hạn chế nhưng công tác đào tạo hỗ trợ DNNVV được triển khai tương đối tốt. Ở Trung ương, hằng năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, tổ chức và Hiệp hội tổ chức hàng trăm lớp đào tạo khởi sự kinh doanh, quản trị kinh doanh và đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp thu hút hàng vạn lượt lao động tham gia; một số thành phố lớn như TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác này.
Một số địa phương triển khai tốt các hoạt động hỗ trợ DNNVV, tiêu biểu như tại TP. Hồ Chí Minh, Chương trình đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của thành phố đến nay đã thu hút 200 dự án KNST vào các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp. TP. Hồ Chí Minh cũng triển khai hiệu quả Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”; tích cực hỗ trợ DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị như đẩy mạnh liên kết vùng và tổ chức kết nối cung - cầu hàng hóa; triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ DNNVV do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ như đào tạo kỹ năng quản lý, giới thiệu vay vốn với lãi suất hợp lý.
Bên cạnh những thành công đã đạt được, việc triển khai chính sách pháp luật về hỗ trợ DNNVV vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục, đó là:
(1) Chậm xây dựng, ban hành kế hoạch, đề án hỗ trợ DNNVV; tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho các cơ quan ban ngành ở trung ương và địa phương; kết quả hỗ trợ chưa đồng đều, có sự chênh lệch giữa các địa phương, vùng miền.
(2) Một số chính sách hỗ trợ DNNVV chưa triển khai được trên thực tế do quy định pháp lý chưa hoàn thiện như: Các chính sách pháp luật hỗ trợ về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế cho nhà đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, miễn giảm thuế, bù lãi suất,... Chính sách pháp luật về hỗ trợ cho DN siêu nhỏ các cơ chế hỗ trợ tiếp cận vốn cho DNNVV thông qua bảo lãnh của quỹ bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ vốn của Quỹ phát triển DNNVV thời gian qua chưa đạt được như kỳ vọng.
(3) Một số chính sách chưa đủ hấp dẫn, nguồn lực hỗ trợ chưa đủ để triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đó là: các chính sách hỗ trợ, đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh chưa đủ hấp dẫn để khuyến khích các hộ kinh doanh có động lực chuyển đổi lên doanh nghiệp.
(4) Một số chính sách hỗ trợ DNNVV quy định tại Luật Hỗ trợ DNNVV và các nghị định hướng dẫn thi hành nhưng chưa được ban hành hoặc gặp khó khăn trong triển khai thực hiện như: Chính sách cấp bù lãi suất, hỗ trợ công nghệ, hỗ trợ cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung do chưa có quy định cụ thể nên việc triển khai còn nhiều lúng túng.
(5) Một số nội dung hỗ trợ trọng tâm chưa quy định mức trần hỗ trợ gây khó khăn cho địa phương trong quá trình triển khai thực hiện. Hay như, mạng lưới tư vấn viên hỗ trợ doanh nghiệp chưa được nhiều Bộ quan tâm đúng mức. Đến nay, mới có Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp và Bộ Công Thương ban hành Quyết định về tiêu chí, quy định công nhận cá nhân, tổ chức thuộc mạng lưới tư vấn viên hỗ trợ DNNVV, tuy nhiên công tác triển khai chưa đưa lại hiệu quả do định mức hỗ trợ tư vấn quá thấp, chưa sát giá thị trường, không hấp dẫn được doanh nghiệp.
(6) Kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ DNNVV chưa đáp ứng được kỳ vọng của cộng đồng DNNVV. Công tác tổ chức thực hiện các Chương trình hỗ trợ DNNVV triển khai còn chậm, tản mát, thiếu tập trung.
(7) Việc theo dõi đánh giá tình hình phát triển DNNVV đang gặp khó khăn do cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp và số lao động tham gia bảo hiểm xã hội chưa được quản lý thống nhất.
(8) Khó khăn từ bản thân các DNNVV: các DNNVV Việt Nam quy mô vốn nhỏ, năng lực tài chính, công nghệ hạn chế, trình độ quản trị thấp, thiếu phương án kinh doanh khả thi, nhiều đề xuất của doanh nghiệp chưa trúng với mục tiêu, nội dung của chương trình hỗ trợ,...
(9) Một số địa phương còn lúng túng trong việc cụ thể hóa các chính sách, giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn phù hợp với điều kiện, đặc thù của địa phương.
Nguyên nhân xuất phát từ việc các quy định pháp lý hướng dẫn Luật ban hành còn chậm, chưa hoàn thiện đồng bộ dẫn đến một số chính sách hỗ trợ DNNVV (hỗ trợ về công nghệ, cấp bù lãi suất cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo và tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; chính sách hỗ trợ về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế cho nhà đầu tư khởi nghiệp sáng tạo...) chưa được triển khai trên thực tế. Nguồn lực triển khai hỗ trợ DNNVV chưa được các Bộ, ngành, địa phương quan tâm đúng mức. Công tác phối hợp triển khai hỗ trợ DNNVV giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở cả Trung ương và địa phương chưa chặt chẽ, đồng bộ; đôi khi “mạnh ai nấy làm”, gây lãng phí nguồn lực. Trong khi đó, DNNVV chưa thực sự chủ động nghiên cứu, nắm bắt thông tin các chương trình, đề án, dự án của các cơ quan, tổ chức để được hỗ trợ.
Từ những hạn chế, tồn tại đã nêu ở trên, cần rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:
Thứ nhất, kinh nghiệm của các nước và Việt Nam cho thấy năng lực nội tại của khu vực DNNVV rất hạn chế và công cuộc hỗ trợ các doanh nghiệp này rất khó khăn, vất vả, do đó rất cần sự chung tay vào cuộc của các cấp chính quyền trung ương, địa phương, tổ chức chính trị xã hội, các hiệp hội doanh nghiệp và bản thân các DNNVV.
Thứ hai, chính sách hỗ trợ DNNVV có tính chất đan xen, cắt ngang, liên quan đến nhiều chính sách phát triển ngành công nghiệp, nông nghiệp,... vì vậy, trong công tác hỗ trợ cần đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, lồng ghép hiệu quả với các chính sách phát triển ngành để đạt được kết quả cộng hưởng. Phát huy hơn nữa vai trò đầu mối của cơ quan quản lý nhà nước về hỗ trợ DNNVV; đặc biệt là trong công tác điều phối, tổng hợp kế hoạch; giám sát đánh giá việc triển khai thực hiện đảm bảo đạt được mục tiêu chung.
Thứ ba, công tác xây dựng và ban hành chính sách, khung pháp lý cần đủ cụ thể hóa và chi tiết, đồng bộ và kịp thời để các Bộ ngành, địa phương, hiệp hội có đủ cơ sở chủ động triển khai chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp của ngành, địa phương.
Thứ tư, bên cạnh nỗ lực của các cơ quan Chính phủ, bản thân các DNNVV cũng cần chủ động cập nhật các thông tin, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan nhà nước, tổ chức hiệp hội để nắm bắt kịp thời các chính sách, chương trình, đề án hỗ trợ; đồng thời cần chủ động vươn lên, nỗ lực, tự cường, tận dụng các thành quả của cuộc cách mạng 4.0, lợi ích của các hiệp định thương mại tự do để phát triển.
3. Giải pháp hoàn thiện chính sách pháp luật về hỗ trợ DNNVV
Trong bối cảnh tình hình chính trị - kinh tế trên thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, các nền kinh tế trên toàn cầu bị suy giảm chưa từng thấy trong nhiều năm qua do ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19, ở trong nước, tình hình kinh tế có điểm tích cực, khả quan trong 5 tháng đầu năm 2021. Tuy nhiên trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là các DNNVV bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Do đó, trong thời gian tới, cần triển khai nhanh chóng công tác hỗ trợ DNNVV trên cơ sở bám sát định hướng phát triển của đất nước đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các nội dung Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thông qua.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hỗ trợ DNNVV cần được hoàn thiện đầy đủ để triển khai đồng bộ, hiệu quả, bổ sung nguồn lực để đẩy mạnh triển khai hỗ trợ DNNVV cả ở cấp Trung ương và địa phương, nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác hỗ trợ, phấn đấu đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu doanh nghiệp và đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp. Đồng thời, quy mô và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp được cải thiện, cụ thể: đến năm 2025, khoảng 25 - 30 mặt hàng Việt Nam có giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt trên 01 tỷ USD; có khoảng 15 - 20 doanh nghiệp khu vực tư nhân có vốn hóa trên thị trường chứng khoán đạt trên 1 tỷ USD. Mục tiêu đến năm 2025, có 90% doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, giải pháp số vào hoạt động sản xuất kinh doanh; 50% doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo.
Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các DNNVV, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các địa phương, tổ chức hiệp hội, đẩy mạnh triển khai hiệu quả Luật Hỗ trợ DNNVV với các nhiệm vụ cụ thể như sau:
Một là, Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV để hoàn thiện cơ sở pháp lý, triển khai đồng bộ các nội dung hỗ trợ của Luật và thống nhất với các quy định pháp luật hiện hành (hiện đang được Văn phòng Chính phủ lấy ý kiến Thành viên Chính phủ). Tiếp tục báo cáo Quốc hội ban hành chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với DNNVV theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.
Hai là, Thủ tướng Chính phủ cần xem xét ban hành Chương trình Hỗ trợ DNNVV giai đoạn 2021 - 2025 để cụ thể hóa các giải pháp quy định tại Luật và có cơ sở để các Bộ, ngành, địa phương bố trí kinh phí triển khai thực hiện. Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đang gặp khó khăn bởi tác động của đại dịch Covid-19 theo hướng dễ tiếp cận và phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tế của từng doanh nghiệp, ngành nghề và lĩnh vực, để doanh nghiệp có thể tiếp cận và được thụ hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Ba là, Bộ Tài chính cần khẩn trương ban hành Thông tư hướng dẫn tài chính các nội dung hỗ trợ DNNVV sau khi Nghị định thay thế Nghị định số 39/2018/NĐ - CP được Chính phủ ký ban hành theo chức năng, nhiệm vụ được giao; đảm bảo đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật để triển khai trên thực tế. Bên cạnh đó, chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan ưu tiên bố trí kinh phí thường xuyên để triển khai Luật Hỗ trợ DNNVV; nghiên cứu, trình cấp thẩm quyền ban hành chính sách thuế áp dụng đối với hộ kinh doanh đảm bảo công bằng giữa các thành phần kinh tế; tránh thất thoát ngân sách nhà nước; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước rà soát, tổng kết tính hiệu quả của chính sách bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, đề xuất giải pháp khắc phục.
Bốn là, Bộ Tư pháp cần đẩy nhanh triển khai thực hiện Nghị định số 55/2019/NĐ-CP và Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho DNNVV giai đoạn 2021 - 2025; hướng dẫn tiêu chí công nhận tư vấn viên pháp luật hỗ trợ pháp lý DNNVV làm cơ sở để các Bộ, cơ quan ngang Bộ thực hiện công nhận và công bố theo quy định.
Năm là, các địa phương ưu tiên bố trí nguồn lực (vốn, mặt bằng sản xuất, công nghệ,…) để đẩy mạnh triển khai hiệu quả các nội dung, Chương trình, Kế hoạch, Đề án hỗ trợ DNNVV đã được phê duyệt theo quy định của Luật Hỗ trợ DNNVV; kết hợp với đổi mới mô hình hoạt động Quỹ Bảo lãnh tín dụng DNNVV; nâng cao chất lượng hoạt động của các đơn vị tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp; tăng cường vai trò của các tổ chức Hiệp hội doanh nghiệp trong hỗ trợ DNNVV phát triển hiệu quả, bền vững.
Sáu là, các DNNVV cần tăng cường đầu tư và ứng dụng công nghệ thông tin; nâng cao chất lượng, trình độ quản trị doanh nghiệp; hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn tham gia chuỗi cung ứng của các đối tác lớn, đặc biệt là khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng mang tính toàn cầu. Đồng thời, tích cực tham gia các Hiệp hội doanh nghiệp để tiếp cận thông tin về các chính sách, chương trình hỗ trợ đối với DNNVV của Nhà nước cũng như các tổ chức tín dụng; tận dụng tối đa lợi thế của các Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, đăc biệt là các Hiệp định tự do thế hệ mới như EVFTA, CPTPP, RCEP để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và nguồn cung ứng thay thế trong bối cảnh toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Quốc hội (2013), Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Quốc hội (2017), Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa.
- Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, (2021), Báo cáo tình hình đăng ký, thành lập và hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam giai đoạn 2018 - 2020.
- VCCI (2019), Báo cáo tình hình triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2018.
- Tổng cục Thống kê (2018), Thông cáo báo chí Kết quả chính thức Tổng điều tra kinh tế năm 2017.
- Nguyễn Phú Trọng (2020), Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2020), Hà Nội.
Legal documents and policies on supporting small and medium-sized enterprises in Vietnam: Current situation and solutions
Nguyen Tien Khoa
Chief, Office of the National Assembly of Vietnam
Secretary of the Standing Vice Chairman of the National Assembly of Vietnam
ABSTRACT:
In the current context, legal documents and policies on supporting small and medium-sized enterprises (SMEs) play an important role, creating a solid legal corridor and laying the success and development foundation for SMEs in Vietnam. This paper presents the content and current situation of legal documents and policies on supporting SMEs in Vietnam. The paper also proposes some solutions to further enhance the effectiveness of these legal documents and policies.
Keywords: policy, support, small and medium-sized enterprises, Vietnam.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 18, tháng 7 năm 2021]