TCCT: Thưa ông, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá thế nào về EVFTA?
Ông Vũ Tiến Lộc: Như có lần tôi đã có báo cáo trước Quốc hội, việc ký kết và thực hiện EVFTA có ý nghĩa quan trọng như chúng ta mở ra con đường cao tốc để kết nối nền kinh tế Việt Nam với các nền kinh tế hàng đầu của châu Âu, 27 nền kinh tế Châu Âu.
Đây chính là một trung tâm tài chính, trung tâm công nghệ và một động lực của phát triển nền kinh tế thế giới, của thương mại thế giới thì đây là một cơ hội rất lớn cho nền kinh tế Việt Nam.
Cơ hội này không chỉ ở việc mở cửa thị trường, việc có điều kiện để tiếp cận thị trường xuất khẩu có quy mô rất lớn, có giá trị gia tăng cao của châu Âu mà còn có điều kiện để thu hút đầu tư nước ngoài với chất lượng cao.
Ngoài ra, bản thân nội dung hiệp định này đã tạo ra động lực để thúc đẩy cải cách thể chế ở Việt Nam, tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, đảm bảo cho cạnh tranh và hướng tới phát triển bền vững, như vậy là có tác động kép vô cùng lớn cho các doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam.
Và tôi cũng xin phải nói thêm một tác động nữa cũng không hề nhỏ, đó chính là chúng ta đang trong những nỗ lực để đa dạng hóa, đa phương hóa các mối quan hệ kinh tế quốc tế.
Tình trạng vừa qua là kể cả trong xuất khẩu và đầu tư thì chúng ta đang phụ thuộc khá lớn vào thị trường các nước xung quanh, và việc mở cửa thúc đẩy quan hệ đối với Châu Âu giúp chúng ta có thể đảm bảo tăng khả năng chống chịu, tăng khả năng tự chủ của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay.
TCCT: Theo ông, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để khai thác triệt để cơ hội do EVFTA mang lại?
Ông Vũ Tiến Lộc: Tôi nghĩ là có 2 cái việc rất quan trọng cộng đồng doanh nghiệp phải làm. Đó là trước hết là phải tìm hiểu để hiểu sâu, hiểu kỹ về những quy định của các hiệp định này liên quan đến ngành, lĩnh vực của mình.
Yêu cầu doanh nghiệp phải hiểu tất cả về Hiệp định EVFTA là không tưởng nhưng doanh nghiệp cần phải hiểu những quy định cụ thể nó liên quan đến lĩnh vực của mình, hiểu một cách chính xác, hiểu một cách cụ thể và từ đó có một chương trình, kế hoạch để tận dụng cơ hội mở ra, đó là những việc làm cần thiết.
Nhưng việc thứ hai mà tôi cho rằng cũng rất quan trọng là phải củng cố và thúc đẩy các nền tảng của năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, vì suy cho cùng thì có tận dụng được cơ hội hay không, có phát triển được hay không trong bối cảnh hội nhập là doanh nghiệp có một nền tảng năng lực cạnh tranh mạnh hay không, và phải hướng tới những chuẩn mực phát triển bền vững.
Cho nên kể cả những biện pháp có tính chất ngắn hạn, có tính chất tức thời nhưng phải hiểu nhanh, hiểu đúng và đưa ra những chương trình hành động cụ thể để tận dụng cơ hội thì phải có sự yểm trợ của những nỗ lực liên tục, đồng bộ, lâu dài trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh và hướng tới phát triển bền vững, và đó chính là cái cốt lõi để đảm bảo doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức trong bối cảnh mới.
TCCT: Việt Nam và EU có cơ cấu xuất khẩu bổ trợ cho nhau nhưng cũng có những lĩnh vực cạnh tranh. Theo ông những lĩnh vực nào sẽ cạnh tranh giữa châu Âu và Việt Nam?
Ông Vũ Tiến Lộc: Có thể nói là xét về mặt lý thuyết thì cứ ở đâu có cạnh tranh trực diện, trực tiếp giữa các sản phẩm và dịch vụ của chúng ta với Châu Âu thì ở đó thì sẽ cạnh tranh hết sức gay gắt và các doanh nghiệp sẽ rất khó khăn.
Nhưng nhìn tổng thể thì cơ cấu kinh tế của Việt Nam và các nước châu Âu là cơ cấu kinh tế có tính chất bổ sung, có tính chất tương hỗ cho nhau nên phải nói là những lĩnh vực mà cạnh tranh trực diện và trực tiếp như vậy là rất ít.
Nhưng có thể hình dung rằng ít nhất có 2 lĩnh vực mà tôi nghĩ là cạnh tranh sẽ gay gắt, đó chính là lĩnh vực chăn nuôi và lĩnh vực logistics.
Nhưng chúng ta không quá lo ngại việc này. Bởi trong quá trình đàm phán, nhờ những nỗ lực tham vấn ý kiến của doanh nghiệp, của đoàn đàm phán, của Chính phủ chúng ta đã đưa ra được một lộ trình dỡ bỏ hay hạ thấp các dòng thuế. Do vậy, chúng ta đã tính đến một thời gian gian đủ để vừa với sức vươn lên của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này để đảm bảo có thể cạnh tranh.
Cho nên tôi nghĩ là nếu các doanh nghiệp tận dụng tốt được cái lộ trình thì hoàn toàn có thể vươn lên, có thể cạnh tranh thắng lợi.
Còn nếu các doanh nghiệp mà không đổi mới, nếu luôn luôn trông chờ vào sự bảo hộ thì không có bất cứ một lộ trình nào có thể đảm bảo cho sự thắng lợi của các doanh nghiệp.
TCCT: Ông đánh giá thế nào về vai trò của Bộ Công Thương trong quá trình đàm phán và chuẩn bị thực thi EVFTA?
Ông Vũ Tiến Lộc: Tôi nghĩ với tư cách là Tổng tư lệnh hội nhập kinh tế của Việt Nam, Bộ Công thương có vai trò rất quan trọng, trước hết là đưa ra các phương án đàm phán, tham khảo ý kiến cộng đồng doanh nghiệp rồi thì xin ý kiến, chủ trương cấp trên, triển khai quá trình đàm phán rất mềm mỏng mà cũng rất kiên quyết để đảm bảo lợi ích của nền kinh tế của chúng ta. Thì tôi nghĩ là Bộ Công Thương đã thành công trong quá trình này
Có thể nói là trong quá trình vừa rồi chỉ một điểm sáng rất quan trọng của ngành Công Thương, đó chính là đã tích cực tham khảo ý kiến của VCCI và cộng đồng doanh nghiệp trong các phương án đàm phán của mình để tạo sự đồng thuận.
Những nỗ lực của Bộ Công Thương trong việc đàm phán, ký kết và vận động phê chuẩn rất đáng được hoan nghênh, và bây giờ là quá trình thực hiện. Trong quá này, vai trò của Bộ Công thương cũng rất quan trọng.
Chắc chắn rằng, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với VCCI để cung cấp những thông tin, tư vấn hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp và đặc biệt là các hiệp hội doanh nghiệp để có thể tận dụng được những cơ hội vượt qua được những thách thức.
Ở đây cũng cần nói tới vai trò dẫn dắt, vai trò đi đầu của Bộ Công Thương trong việc đưa ra những khuyến nghị để thúc đẩy quá trình nội luật hóa để đảm bảo sự phù hợp của hệ thống pháp luật của chúng ta với những cam kết của EVFTA.
Cho nên, kể cả tác động về việc thúc đẩy cho hoạt động của doanh nghiệp, hay các hoạt động thay đổi chính sách trong phạm vi Bộ Công Thương quản lý, cũng như việc thúc đẩy cho việc hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung tương thích, để tận dụng tối đa và hạn chế những bất lợi của của quá trình hội nhập này thì tôi nghĩ đều thấy có vai trò trung tâm, vai trò - như trên tôi đã nói là vai trò của Tổng tư lệnh trong lĩnh vực hội nhập quốc tế của Bộ Công Thương.
TCCT: Thưa ông, VCCI trong thời gian tới sẽ làm gì để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong thực thi hiệp định này?
Ông Vũ Tiến Lộc: VCCI sẽ bám sát theo yêu cầu của doanh nghiệp. Với những thay đổi về thể chế để có thể tận dụng cơ hội để có thể vượt lên thách thức, VCCI sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan có liên quan để tìm hiểu, để tăng cường việc tuyên truyền, giới thiệu, việc tư vấn, hướng dẫn cho các Hiệp hội, các doanh nghiệp.
VCCI cũng sẽ phối hợp với các Hiệp hội doanh nghiệp để tiến hành rà xét, để tiến hành đưa ra những khuyến nghị và tham gia tích cực vào quá trình nội luật hóa của các hệ thống pháp luật Việt Nam cho phù hợp với các cam kết của EVFTA.
Tôi nghĩ là trong quá trình triển khai thực hiện hiệp định này thì sự hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp thông qua VCCI với Bộ Công thương rất quan trọng. Trong thời gian qua Bộ Công thương đã phối hợp rất chặt chẽ với VCCI.
Tôi hy vọng trong thời gian tới VCCI và Bộ Công Thương sẽ chung tay thúc đẩy cho nền kinh tế Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp tận dụng tốt những cơ hội này. Tôi mong muốn rằng Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tập trung làm thể chế để hướng dẫn, hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Như trong cuộc họp của Bộ Công Thương, tôi cũng đã nêu Bộ Công thương đã từng là đơn vị đi đầu trong cải cách thủ tục hành chính, trong cắt bỏ điều kiện kinh doanh thì Bộ Công thương cũng là người đã đi đầu trong quá trình chuyển đổi từ chức năng chủ sở hữu doanh nghiệp trước đây sang tập trung vào chức năng làm thể chế; bây giờ tôi rất kỳ vọng rằng Bộ Công Thương sẽ bắt đầu một chu kỳ mới trong phát triển của mình, đẩy mạnh việc xã hội hóa, những gì mà cộng đồng, các tổ chức xã hội, thị trường có thể làm được thì chuyển giao cho xã hội, thị trường; đồng thời đẩy mạnh hơn nữa việc phân công, phân cấp để Bộ tập trung vào nhiệm vụ tham mưu chiến lược, xây dựng thể chế và định hướng sự phát triển của nền kinh tế trong thời gian tới.
TCCT: Xin trân trọng cảm ơn ông!