Bước chuẩn bị cuối cùng
Ngày 21/1, Ủy ban Thương mại quốc tế (INTA) của Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu khuyến nghị phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA).
Kết quả, INTA đã khuyến nghị thông qua EVFTA với tỉ lệ phiếu áp đảo, gồm 29 phiếu thuận, 6 phiếu chống và 5 phiếu trắng.
Đây là bước tiến rất gần đến EVFTA; hay còn có thể gọi là bước chuẩn bị cuối cùng trước khi Nghị viện châu Âu (EP) bỏ phiếu về EVFTA và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) tại phiên họp diễn ra vào tháng 2 ở Strasbourg, Pháp.
Nếu thông qua, hiệp định thương mại sẽ chính thức có hiệu lực sau 1 tháng. Riêng IPA thì sẽ mất thời gian lâu hơn vì còn phải chờ nghị viện từng nước thành viên trong EU thông qua.
Theo thỏa thuận, Việt Nam sẽ giảm 65% thuế nhập khẩu đối với hàng EU xuất sang Việt Nam, và phần còn lại sẽ được xóa trong giai đoạn 10 năm.
Theo chiều ngược lại, hơn 70% thuế quan của hàng Việt Nam sang EU được giảm ngay lập tức từ năm 2020 - thời điểm dự kiến EVFTA có hiệu lực, và phần còn lại sẽ được giảm tiếp theo lộ trình tối đa 7 năm.
Phát biểu tại lễ ký kết ngày 30/6/2019, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh lý giải Việt Nam và EU chọn cách tiếp cận này vì sự chênh lệch trong trình độ phát triển hai bên. Ngoài ra, Việt Nam còn được hưởng những ưu đãi linh hoạt nhất định đối với các cam kết trong EVFTA.
Xuất khẩu của EU sang Việt Nam chủ yếu là thiết bị máy móc và thiết bị vận tải, mặt hàng hóa chất và sản phẩm nông nghiệp, với mức tăng khoảng 5-7% mỗi năm. EU nhập khẩu chủ yếu từ Việt Nam các thiết bị viễn thông, hàng may mặc, giày dép, nông sản và thực phẩm.
Năm 2019. EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, sau Hoa Kỳ, với kim ngạch 41,7 tỷ USD. Về nhập khẩu, EU là thị trường lớn thứ 5, đạt 14,8 tỷ USD. Cán cân thương mại nghiêng về phía Việt Nam, trị giá dương 26,9 tỷ USD, tương đương với năm 2018.
Cơ hội cho 2 bên
Chia sẻ sau lễ ký kết EVFTA ngày 30/6/2019, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, Hiệp định EVFTA mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường đầy tiềm năng với 508 triệu dân.
Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020.
Ngoài ra, đối với các mặt hàng nông sản, các nước châu Âu sẽ cắt giảm thuế quan về 0% lần lượt năm đầu tiên và sau 10 năm là 74,6% và 97,3% số dòng thuế nông nghiệp cam kết.
Nhiều mặt hàng của Việt Nam sẽ được giảm thuế về 0% như các sản phẩm từ hạt; đối với mặt hàng rau củ quả, EU cũng cam kết xóa bỏ thuế khi EVFTA có hiệu lực. Đối với thuỷ sản, khoảng 50% số dòng thuế sẽ được xoá bỏ, 50% dòng thuế còn lại cũng sẽ được xoá bỏ trong lộ trình 5 – 7 năm.
Tuy nhiên theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: “ EU là thị trường yêu cầu cao về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc…
Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu phải hiểu biết các quy định, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và thực tế kiểm dịch thực vậttại EU.
Điều này sẽ giúp doanh nghiệp cung cấp được sản phẩm ổn định chất lượng,hạn chế bị trả lại hàng, rút ngắn thời gian kiểm dịch”.