Chuỗi cung ứng rau quả Việt Nam: Thực trạng và giải pháp

TS. TRƯƠNG ĐỨC LỰC (Trường Đại học Kinh tế quốc dân)

TÓM TẮT:

Bài viết đã tiếp cận sự phát triển của ngành hàng Rau quả dưới góc độ chuỗi cung ứng từ các hộ sản xuất nông nghiệp, thương lái, nhà sản xuất công nghiệp, nhà phân phối đến khách hàng tiêu dùng cuối cùng. Trên thực tế, chuỗi cung ứng rau quả Việt Nam đã được hình thành và phát triển, góp phần phát huy lợi thế cạnh tranh tại thị trường cả trong và ngoài nước. Minh chứng rõ ràng và thuyết phục nhất là kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng Rau quả đã lần đầu tiên đạt mốc 2,5 tỷ USD, vượt kim ngạch xuất khẩu gạo vào năm 2016. Tiềm năng thị trường vẫn còn rất nhiều cả ở trong và ngoài nước. Tuy nhiên, để ngành hàng Rau quả phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và toàn diện hiện nay, cần tiếp tục định hình đúng và quản trị chuỗi cung ứng rau quả ở từng khâu trong chuỗi, bảo đảm sự gia tăng giá trị cho từng mắt xích trong chuỗi.

Từ khóa: Chuỗi cung ứng rau quả, ngành hàng Rau quả Việt Nam, sản xuất nông nghiệp, nhà phân phối, thương lái.

1. Đặt vấn đề

Vài năm gần đây, ngành Rau quả Việt Nam đã có bước phát triển đáng ghi nhận ở tất cả các khâu sản xuất nông nghiệp, chế biến công nghiệp và phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng, đặc biệt là kim ngạch xuất khẩu với con số vượt ngưỡng 1 tỷ USD mà mục tiêu của Chương trình Rau quả đặt ra đã không đạt được vào năm 2010, cụ thể là 1,47 tỷ USD vào năm 2014, đạt mốc 2 tỷ USD vào năm 2015 và 2,5 tỷ vào năm 2016. Trong bối cảnh hội nhập đang đặt ra những thách thức cho ngành Rau quả cần vượt qua và khắc phục những yếu kém, bất cập của chuỗi cung ứng rau quả Việt Nam, bài viết đặt ra mục tiêu nghiên cứu một số cơ sở lý thuyết chung về chuỗi cung ứng, bàn thảo những cách tiếp cận khác nhau về khái niệm chuỗi cung ứng, từ đó tập trung phân tích và đánh giá đúng thực trạng chuỗi cung ứng rau quả Việt Nam thông qua các khâu của chuỗi, trên cơ sở đó đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện chuỗi cung ứng rau quả Việt Nam góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững trong bối cảnh hiện nay.

2. Một số thực trạng chuỗi cung ứng ngành hàng Rau quả Việt Nam

Chuỗi cung ứng rau quả Việt Nam được xem xét và phân tích từ khâu sản xuất rau quả của bà con nông dân, các hợp tác xã nông nghiệp, khâu thu mua của thương lái, các nhà bán buôn, khâu sản xuất công nghiệp, các doanh nghiệp xuất khẩu, khâu bán lẻ đến người tiêu dùng cuối cùng. Ngoài ra, cũng cần phân tích và xem xét đến các hoạt động có liên quan đến chuỗi của các nhà cung cấp các dịch vụ từ khâu giống, cung ứng vật tư, vận tải, hải quan… Chúng ta sẽ xem xét cụ thể một số mắt xích của chuỗi đó như sau:

Khâu sản xuất rau quả: Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết năm 2014, diện tích rau quả cả nước đạt khoảng 1.650 ha; trong đó diện tích rau khoảng 850.000 ha, sản lượng 14,5 triệu tấn và diện tích cây ăn quả cả nước đạt khoảng trên 800.000 ha, sản lượng trên 7,5 triệu tấn. Diện tích và sản lượng rau quả phân bố chủ yếu ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Bắc Trung Bộ. Trong đó, đồng bằng sông Hồng là vùng rau lớn nhất, còn khu vực đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất rau quả chủ yếu của cả nước. Những sản phẩm rau quả mà thị trường có nhu cầu cao thì Việt Nam cũng có ưu thế cạnh tranh trong sản xuất như mặt hàng rau quả tươi (thanh long, bưởi, xoài, vải, chôm chôm, bắp cải, cà chua, dưa chuột, đậu các loại, rau gia vị…); rau quả chế biến (dứa, vải, ngô, cà rốt, hành, gấc); rau quả chiên giòn (mít, khoai, chuối…).

Tuy vậy, sản xuất rau quả của Việt Nam chủ yếu do nông dân tiến hành mang tính cá thể, tự phát nên quy mô nhỏ lẻ, phân tán, giá thành cao, chất lượng thấp, chưa tạo được sản lượng hàng hóa lớn, khó khăn trong chuyển giao khoa học kỹ thuật mới, khả năng cạnh tranh thấp so với các nước trong khu vực. Diện tích rau quả được áp dụng quy trình sản xuất an toàn (VietGap, GlobalGap…) hoặc theo hướng an toàn còn thấp, chỉ chiếm khoảng 5% tổng diện tích trồng trọt. Việc sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật tràn lan luôn là nguyên nhân chính dẫn đến không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng đến thương hiệu rau quả Việt Nam trên thị trường nội địa và xuất khẩu. Một điểm hạn chế lớn xét theo chuỗi cung ứng là sự cộng tác giữa những người trồng rau quả và các doanh nghiệp chế biến, bán buôn và bán lẻ thông qua hợp đồng tiêu thụ còn ít mà chủ yếu do người trồng rau quả tự tìm đầu ra cho sản phẩm của mình.

Khâu thu hái, bảo quả và chế biến rau quả: Hoạt động thu hoạch, phân loại, đóng gói và bảo quản rau quả vẫn chủ yếu được tiến hành theo phương thức thủ công. Thiết bị và công nghệ bảo quản còn thiếu và lạc hậu; cước phí vận chuyển rau quả cao. Những điểm hạn chế đó khiến cho tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch lên tới 30%, chất lượng rau quả thấp, giá thành cao.

Tương tự như vậy, tại Hội thảo Xây dựng chuỗi cung ứng rau quả trong khuôn khổ Hội chợ Nông nghiệp công nghệ cao và công nghiệp thực phẩm (Hi-tech Agro 2014), Tiến sỹ Nguyễn Quốc Vọng - Giáo sư Đại học RMIT (Australia), Giám đốc Trung tâm giống rau quả (Công ty cổ phần Giống cây trồng miền Nam) cho biết: với 14 triệu tấn rau quả sản xuất mỗi năm, con số thất thoát sau thu hoạch khoảng 30%, tương ứng 4,2 triệu tấn, bằng 100.000 ha gieo trồng. Trong chuỗi cung ứng này, khâu yếu nhất là sau thu hoạch dẫn đến sự thất thoát lẽ ra có thể hạn chế được (Công Phiên, 2014).

Thêm vào đó, việc sử dụng các hóa chất bảo quản chưa được kiểm soát chặt chẽ, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Ở khâu chế biến rau quả, cả nước hiện có trên 100 cơ sở chế biến quy mô công nghiệp với tổng công suất thiết kế là 300. 000 tấn sản phẩm/ năm. Ngoài ra, còn có hàng ngàn cơ sở chế biến quy mô nhỏ như sấy nhãn, vải, muối dưa chuột… Tuy nhiên, hầu hết các cơ sở chế biến rau quả không đủ nguyên liệu sản xuất, công suất thực tế trung bình chỉ luôn đạt khoảng 30%. Rau quả chế biến sâu chỉ chiếm 10% và chủ yếu là các loại như đóng hộp, đông lạnh, pure, cô đặc, nước quả, chiên sấy, muối. Trong số đó, sản phẩm đóng hộp chiếm đến 50%, tiếp theo là sản phẩm cô đặc và động lạnh (Trần Thị Thu Hương, 2015).

Khâu phân phối sản phẩm: Rau quả của Việt Nam chủ yếu được tiêu thụ trong nước ở dạng tươi, với tỷ lệ khoảng 90%; số còn lại được dùng để chế biến và xuất khẩu. Ở thị trường trong nước, rau quả được tiêu thụ thông qua hệ thống các chợ truyền thống, siêu thị, cửa hàng, bán rong, trong đó chợ là hình thức chủ yếu và phổ biến. Mức tiêu thụ rau quả bình quân trên thị trường nội địa hiện nay là 78 kg/ người/ năm và được dự báo con số này sẽ tăng 10%/năm.

Về thị trường xuất khẩu, tính đến năm 2015, rau quả Việt Nam đã có mặt trên 60 nước và vùng lãnh thổ. Kim ngạch xuất khẩu mấy năm qua đã có sự phát triển vượt bậc. Nếu như năm 2012, kim ngạch rau quả mới chỉ là 829 triệu USD. Con số này chưa đạt được mục tiêu của Chương trình Phát triển rau của Chính phủ giai đoạn 1999-2010 là 1 tỷ USD, thì kim ngạch của năm 2013 là 1.037 triệu USD; năm 2014 là 1.470 triệu và năm 2015 kim ngạch xuất khẩu đã cán mốc 2 tỷ USD; hơn thế nữa năm 2016, kim ngạch đã đạt ngưỡng 2,5 tỷ USD. Như vậy nếu so sánh giữa năm 2015 và 2014, với số tăng tuyệt đối 530 triệu USD và tốc độ tăng trưởng là 36,05%, những con số thể hiện rất tích cực cho rau quả Việt Nam trong quá trình hội nhập sâu rộng và toàn diện hiện nay. Thị trường lớn nhất xuất khẩu của rau quả Việt Nam vẫn là Trung Quốc, sau nữa là Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ…

Đối với ngành hàng Rau quả, năm 2015 và 2016, đã có những bước đột phá về thị trường xuất khẩu mà từ trước đến nay chưa bao giờ làm được. Năm 2015, các viễn cảnh tươi sáng cho rau quả của Việt Nam mở ra khi nhiều sản phẩm đã được xuất khẩu vào những thị trường khó tính, chẳng hạn New Zealand đã cho phép nhập khẩu thanh long của Việt Nam và đang xem xét mở cửa cho trái xoài Việt Nam, Hàn Quốc tiếp tục đồng ý nhập vú sữa; Australia nhập khẩu xoài, thanh long; Hoa Kỳ cho phép nhập khẩu nhãn, vải, táo và xoài của Việt Nam; Đức với bưởi da xanh; tương tự như vậy các doanh nghiệp tại Séc, Hà Lan, Canada cũng đã đặt hàng với số lượng lớn. Dù số lượng và kim ngạch xuất khẩu chưa lớn, nhưng theo chúng tôi, trong bối cảnh các mặt hàng nông sản khác sụt giảm về kim ngạch xuất khẩu, với nhóm mặt hàng rau quả, đặc biệt là rau quả tươi đã được một số thị trường khó tính chấp nhận, đó là một cơ hội và tín hiệu đáng mừng cho rau qủa Việt Nam. Năm 2016 cũng là năm đầu tiên kim ngạch rau quả đã vượt ngưỡng kim ngạch xuất khẩu gạo ở Việt Nam. Lạc quan hơn về kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng Rau quả Việt Nam, có những chuyên gia còn cho rằng kim ngạch xuất khẩu rau quả có thể đạt ngưỡng 5 tỷ USD.

Có được bước đột phá trên ở khâu tiêu thụ, theo chúng tôi nguyên nhân chính là do một số thành viên trong chuỗi ứng rau quả, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp đã có những thay đổi từ nhận thức đến hành động cụ thể. Hay nói theo cách khác là chúng ta đã quan tâm đến chuỗi cung ứng rau quả từ nhận thức đến hành động.

Trong số các thành viên của chuỗi cung ứng rau quả, trước hết phải khẳng định khâu đầu tiên là người nông dân được xác định dưới hình thức kinh tế hộ hoặc tham gia vào một số hợp tác xã nông nghiệp, những người trực tiếp tạo ra rau quả đáp ứng như cầu thị trường. Tiếp đến phải kể đến và ghi nhận vai trò của các thương lái, hợp tác xã, nhà bán buôn các mặt hàng rau quả; theo số liệu của Viện Cây ăn quả miền Nam, có tới 97% sản lượng rau quả tiêu thụ qua thương lái, trung gian (Trương Đức Lực, 2014), chính thành viên này đã góp phần quan trọng cho dòng chảy của sản phẩm rau quả đến với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu để rồi đến với người tiêu dùng cuối cùng. Ngoài ra theo chúng tôi trong năm qua có một sự tham gia rất tích cực của Chính phủ, tổ chức sứ quán tại một số nước cũng như vai trò của Hiệp hội Rau quả Việt Nam. Cho dù là sự tác động gián tiếp thúc đẩy sự thông suốt của dòng chảy sản phẩm rau quả, nhưng theo chúng tôi vai trò quan trọng của các thành viên này là dòng chảy thông tin về thị trường, đặc biệt là thị trường nước ngoài. Thành viên cuối cùng trong chuỗi rau quả là khách hàng tiêu dùng cuối cùng trong thời gian qua cũng có những tác động ngược rất tích cực đối với các nhà cung cấp rau quả cho họ. Dưới góc độ chuỗi cung ứng thì chính người tiêu dùng cuối cùng rau quả Việt Nam, họ chính lại là người đầu tiên quyết định và đặt ra các yêu cầu đối với các khâu phía trước của chuỗi cung ứng như nhà bán lẻ, nhà nhập khẩu, nhà chế biến cũng như các nhà sản xuất nông nghiệp.

Theo đánh giá đã có sự nhất trí cao tại Hội nghị liên bộ giữa Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bàn về các giải pháp nhằm tăng cường giải pháp phát triển sản xuất, tiêu thụ rau quả, trái cây theo hướng bền vững vào tháng 14/5/2015 tại Hà Nội: “… mặt hàng rau quả đã được Chính phủ và Bộ, ngành đặc biệt quan tâm và đã có nhiều chính sách hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu, tuy nhiên có những tồn tại vẫn chưa được giải quyết. Cụ thể là về sản xuất, chế biến, bảo quản sau thu hoạch, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Sản xuất rau quả đa số là nhỏ lẻ, phân tán, chất lượng không đồng đều. Công tác kiểm soát, phòng trừ sâu hại theo các tiêu chuẩn GlobalGap, VietGap chưa được áp dụng rộng rãi. Diện tích các vùng sản xuất rau an toàn tập trung được quy hoạch còn hạn chế, cả nước đạt khoảng 8 đến 8,5% tổng diện tích trồng rau”(Bộ Công Thương, 2015).

3. Giải pháp hoàn thiện chuỗi cung ứng rau quả Việt Nam trong bối cảnh hiện nay

Thứ nhất, nhận thức đúng đắn về chuỗi cung ứng, quản trị chuỗi cung ứng nói chung và rau quả nói riêng. Hơn thế nữa cần phải xây dựng và phát triển theo hướng hội nhập sâu rộng và toàn diện, nghĩa là phải là chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo chúng tôi đây được xem như tiền đề quan trọng để hoàn thiện chuỗi cung ứng rau quả Việt Nam, bởi vì chừng nào các doanh nghiệp rau quả Việt Nam vẫn còn “loay hoay” đi tìm chỗ đứng của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu thì sẽ rất khó trong xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng cũng như quản trị chuỗi cung ứng;

Thứ hai, xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng cho một số loại rau quả của Việt Nam, đặc biệt là 11 loại cây ăn quả chủ lực và có lợi thế cạnh tranh theo định hướng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam gồm cam sành, dứa, dừa, thanh long, xoài, vải, nhãn, bưởi, vú sữa, sầu riêng và măng cụt. Cần phải xây dựng và phát triển đối với từng loại rau quả bởi vì với đặc điểm của từng loại sẽ hình thành nên những mắt xích có thể khác nhau trong chuỗi cung ứng, chẳng hạn đối với quả dứa sẽ có sự tham gia của các doanh nghiệp chế biến công nghiệp, nhưng với một số loại quả khác như thanh long, nhãn, xoài thì thường được tiêu dùng tươi là chủ yếu, do đó sẽ không xuất hiện các doanh nghiệp chế biến công nghiệp trong chuỗi;

Thứ ba, tăng cường mối quan hệ liên kết giữa các thành viên trong chuỗi. Trước hết là mối quan hệ liên kết giữa nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà nước và nhà khoa học, trong đó cần xác định vị trí quan trọng có ý nghĩa quyết định là nhà doanh nghiệp. Doanh nghiệp ở đây bao gồm các nhà cung ứng giống, vật tư kỹ thuật cho khâu sản xuất rau quả, các doanh nghiệp công nghiệp chế biến rau quả tạo thêm giá trị gia tăng cho rau quả cũng như các doanh nghiệp tham gia ở khâu phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng cuối cùng. Tại Hội thảo xây dựng chuỗi cung ứng rau quả, Tiến sỹ Đinh Minh Hiệp - Trưởng ban Khu Nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, rau quả không thiếu thị trường mà là do chưa xây dựng được các chuỗi cung ứng đảm bảo được tính an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong đó, doanh nhiệp có vai trò quyết định để hình thành các chuỗi cung ứng rau quả, đảm bảo các yêu cầu của khách hàng (Công Phiên, 2014).

4. Kết luận

Chuỗi cung ứng rau quả Việt Nam đã được hình thành, phát triển theo thời gian. Cần khẳng định rằng, chuỗi cung ứng với các luồng hàng hóa, luồng tài chính và luồng thông tin từ các thành viên trong chuỗi như người nông dân trồng rau quả, các doanh nghiệp, thương lái, trung tâm thương mại lớn, các nhà bán buôn, bán lẻ đến người tiêu dùng rau quả cuối cùng đã vận hành theo đúng quỹ đạo với những mục tiêu đã được vạch sẵn. Tuy nhiên, để tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, khắc phục những hạn chế xuất hiện trong quá trình xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng rau quả, đòi hỏi mỗi thành viên trong chuỗi phải luôn tự hoàn thiện từ khâu hoạch định, thực hiện cũng như kiểm tra kiểm soát các hoạt động của mình trong một mạng lưới sản xuất kinh doanh thống nhất của ngành hàng Rau quả. Hy vọng những giải pháp đã nêu được triển khai đồng bộ, thương hiệu rau quả Việt Nam sẽ đạt được những thành công không những trên thị trường thế giới và cả thị trường nội địa.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bộ Công Thương, Tăng cường giải pháp phát triển sản xuất, tiêu thụ rau quả, trái cây theo hướng bền vững, từ <http://www.moit.gov.vn/vn/tin-tuc/5155/tang-cuong-giai-phap-phat-trien-san-xuat--tieu-thu-rau-qua--trai-cay-theo-huong-ben-vung.aspx>

2. Bernad Tanous (2009), Course Supply chain management, Part 1. Le management industiel et logistique.

3. Công Phiên (2014), Hội thảo xây dựng chuỗi cung ứng rau quả, truy cập ngày 15/4/năm 2016 từ<www.tintucnongnghiep.com/2014/hoi-thao-xay-dung-chuoi-cung-ung- rau-qua.html>

4. Ngô Kim Thanh (2013), Quản trị chiến lược, NXB Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội, tr.307.

5. Trần Thị Thu Hương (2015), Phát triển chuỗi cung ứng rau quả, truy cập ngày 10/4/2016 từ<www.vlr.vn/vn/news/img/chuoicungung/2284/Phattrienchuoicungungrauqua.vlr>

6. Đoàn Thị Hồng Vân (2011), Quản trị cung ứng, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, tr.4.

7. M. Porter (2008), Lợi thế cạnh tranh, NXB Trẻ, tr.103.

8. Trương Đức Lực (2014), Liên kết trong ngành hàng Rau quả Việt Nam: Thực trạng và giải pháp, Tạp chí Kinh tế và Phát triển, Số 205 (II), tháng 7/2014, tr.28.

VEGETABLES AND FRUITS SUPPLY CHAIN OF VIETNAM: CURRENT SITUATION AND SOLUTIONS

PhD. TRUONG DUC LUC

National Economics University

ABSTRACT:

The article approached the development factors of the fruit and vegetable sector from a supply chain perspective such as agricultural producers, traders, industrial manufacturers, distributors. In fact, Vietnam's fruit and vegetable supply chain has been developed comprehensively, contributing to promoting competitive advantage in both domestic and foreign markets. The most convincing evidence is that the export value of the fruit and vegetable sector reached $ 2.5 billion for the first time, surpassing the rice export turnover in 2016. The market potential is still great both in domestically and internationally. However, in order for the fruit and vegetable industry to develop sustainably in the context of comprehensive integration, it is necessary to continue shaping and managing the supply chain of vegetables and fruits at every step of the procedures, ensuring the increasing value for each link in the chain.

Keywords: Fruit and Vegetable Supply Chain, Vietnamese Vegetables and Fruits scetor, agricultural Producers, distributors, traders; etc.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 07 tháng 06/2017 tại đây