Chuyển đổi số trong các doanh nghiệp ngành Bán lẻ Việt Nam - cơ hội và thách thức

TS. NGUYỄN THỊ THANH NHÀN (Trường Đại học Thương mại)

TÓM TẮT:

Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, cũng như việc ứng dụng các nền tảng công nghệ số trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bán lẻ là đòi hỏi cấp thiết nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu khách hàng và tối ưu hóa chi phí. Bài viết tập trung nghiên cứu những cơ hội và thách thức của các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam trong chuyển đổi số, trên cơ sở đó đề xuất giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số ở các doanh nghiệp ngành Bán lẻ Việt Nam hiện nay.

Từ khóa: chuyển đổi số, cơ hội, thách thức, doanh nghiệp, ngành Bán lẻ.

1. Đặt vấn đề

Ngành Bán lẻ Việt Nam có quy mô thị trường 142 tỷ USD, dự báo sẽ tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025, đóng góp 59% vào GDP cả nước, là một trong những ngành quan trọng của nước ta. Việt Nam hiện có hơn 1 triệu cửa hàng tạp hóa. Trong số này, chỉ có các siêu thị và chuỗi cửa hàng tiện lợi đã ứng dụng công nghệ, còn lại các cửa hàng tạp hóa chiếm hơn 90% số lượng điểm bán lẻ vẫn phải dùng sổ sách ghi chép lại và sử dụng hình thức truyền thống thủ công để quản lý hàng hóa và hoạt động bán hàng. Do đó, tiềm năng để ứng dụng chuyển đổi số của các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam là rất lớn. Một nghiên cứu của Visa về thái độ thanh toán của người tiêu dùng tại các nước Đông Nam Á cho thấy, quá trình chuyển dịch từ cửa hàng vật lý sang các nền tảng thương mại điện tử diễn ra nhanh chóng chỉ trong vòng vài tháng. Sự chuyển đổi này tạo ra lợi thế cho dịch vụ giao hàng tận nhà. Cũng theo nghiên cứu của Visa, có đến 87% số người tiêu dùng Việt Nam được khảo sát hiện đang sử dụng dịch vụ này và 82% trải nghiệm dịch vụ lần đầu tiên từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Theo đó, trong số 10 đơn hàng thì có đến gần 6 đơn hàng được giao đến nhà, tăng gấp 20 lần so với thời điểm trước đại dịch. Đa số (77%) người tiêu dùng Việt Nam hiện đã biết đến hoạt động mua sắm trên mạng xã hội.

Tính đến thời điểm hiện tại, mức độ nhận biết và đón nhận loại hình thương mại này được ghi nhận đông đảo nhất ở nhóm người tiêu dùng trong độ tuổi 18-23. Việc chuyển đổi số trong ngành Bán lẻ Việt Nam là một việc làm rất cần thiết để thỏa mãn nhu cầu của khách hàng một cách tối đa. Chuyển đổi số trong ngành Bán lẻ được hiểu là quá trình chuyển dịch trong mô hình kinh doanh truyền thống sang bán lẻ kỹ thuật số. Tức là từ việc tập trung vào sản phẩm theo chuỗi cung ứng được xây dựng từ trước đến nay, lúc này sẽ chuyển sang việc tập trung vào khách hàng dựa trên chuỗi kỹ thuật số được áp dụng đồng bộ. Chuyển đổi số trong bán lẻ là chuyển dịch từ mô hình kinh doanh tập trung vào sản phẩm theo chuỗi cung ứng (Supply chain) sang tập trung vào khách hàng, dựa trên dữ liệu theo chuỗi kỹ thuật số (digital value chain). (Xem Bảng)

Hoạt động chuyển đổi số trong kinh doanh của ngành Bán lẻ Việt Nam hiện nay diễn ra với nhiều hình thức đa dạng và phần nào hiệu quả. Dù quá trình chuyển đổi số trong ngành Bán lẻ đang phát triển và gần như thay đổi toàn diện bức tranh tổng thể của ngành này ở rất nhiều nơi trên thế giới, tuy nhiên cho đến nay, mô hình truyền thống vẫn phát triển rất tốt ở Việt Nam. Chính vì vậy, khi đề cập đến ngành Bán lẻ Việt Nam luôn có một sự phân định rõ ràng giữa hai mô hình truyền thống và hiện đại. Mô hình bán lẻ hiện đại với các đại diện như chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi đang không ngừng mở rộng quy mô của mình. Còn đối với mô hình truyền thống với các kênh như chợ, cửa hàng tạp hóa vẫn xuất hiện rất nhiều trên cả nước dù mang tính rải rác thay vì tập trung. Cả hai mô hình này đều đang hoạt động có hiệu quả và tăng trưởng tốt trong suốt những năm qua. Thế nhưng, mô hình hiện đại dù mang đến nhiều lợi ích nhưng cho đến nay mô hình truyền thống vẫn đang ở thế cao hơn. Các khu chợ truyền thống, tạp hóa thực tế lại góp một phần không nhỏ vào tổng doanh thu kinh tế mỗi năm của đất nước. Ngoài ra, các doanh nghiệp bán lẻ của Việt Nam hiện nay còn chịu sự cạnh tranh cùng những doanh nghiệp quốc tế. Điều này đồng thời có thể tạo ra một môi trường đầy sôi động, người tiêu dùng có thêm nhiều sự lựa chọn.

Trong những năm gần đây, ngành Bán lẻ Việt Nam đã có những chuyển đổi về công nghệ số rất rõ ràng. Dù đi sau, nhưng tốc độ chuyển đổi của nước ta được đánh giá là khá nhanh. Với dân số là gần 100 triệu tính đến thời điểm hiện tại và cơ cấu dân số trẻ, sức mua và sự thích ứng của người tiêu dùng Việt chính là yếu tố thu hút rất mạnh với các doanh nghiệp bán lẻ quốc tế. Thế nhưng, quá trình chuyển đổi số trong ngành Bán lẻ tại Việt Nam không chỉ có các cơ hội, mà còn chứa đựng cả những thách thức, buộc các doanh nghiệp cần phải chú trọng hơn.

2. Cơ hội khi chuyển đổi số trong ngành Bán lẻ tại Việt Nam

Việt Nam là một thị trường có nhu cầu mua sắm bán lẻ rất cao, ngay ở trong các thời điểm dịch bệnh căng thẳng tỷ lệ tăng trưởng vẫn không bị giảm. Dưới tác động của dịch Covid-19 và hạn chế du lịch trên toàn cầu, khách hàng tập trung mua sắm chủ yếu tại các cửa hàng trong nước, nhu cầu nội địa cho thị trường bán lẻ không bị ảnh hưởng quá nhiều. Đặc biệt bán lẻ cao cấp tại Việt Nam là một trong những thị trường có hoạt động tốt, với việc các thương hiệu muốn mở rộng và gia nhập vào Việt Nam thông qua kênh thương mại điện tử. Từ nhiều năm nay, Việt Nam luôn được đánh giá là một trong các thị trường bán lẻ sôi động và hấp dẫn đầu tư nhất thế giới. Báo cáo “Đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn 2021 - 2030” của Bộ Công Thương vừa công bố cho biết, theo đánh giá của các tổ chức quốc tế như UNIDO, WB, INCENTRA, UN CONTRADE và EU-Vietnam Business Network (EVBN), thì thị trường trong nước hiện nay liên tục được mở rộng, xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN (sau Indonesia và Thái Lan) về quy mô bán lẻ và thương mại điện tử. Ngành Bán lẻ nội địa đã phát triển mạnh mẽ và tiếp tục duy trì là ngành có tốc độ tăng trưởng cao (trung bình 11,5%/năm) (ngoại trừ năm 2021 do ảnh hưởng của Covid-19 ngành Bán buôn, bán lẻ giảm 0,21% so với năm trước). Tổng mức bán lẻ trong GDP tăng từ 55,24% năm 2011 lên 78,88% năm 2020 và đóng góp lớn giá trị gia tăng vào GDP (từ 8,5% năm 2011 lên 11,7% năm 2020), góp phần vào chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng gia tăng tỉ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ. Cùng với các con số ấn tượng, ngành Dịch vụ bán lẻ còn nỗ lực và đạt nhiều kết quả trong phát triển thương hiệu sản phẩm Việt Nam với niềm “tự hào hàng Việt”,  tỷ lệ hàng hóa Việt Nam qua hệ thống phân phối - bán lẻ luôn đạt trên 80%.

Với cơ cấu dân số trẻ, người tiêu dùng Việt Nam có khả năng học hỏi công nghệ khá tốt và không quá lâu để thay đổi cho trải nghiệm mua sắm của mình. Đây là tập khách hàng rất tiềm năng cho việc mua sắm online, mua sắm qua mạng, tạo cơ hội rất lớn cho việc chuyển đổi số trong ngành bán lẻ.

Các loại hình thanh toán điện tử ngày càng phát triển mạnh mẽ, giúp quy trình mua sắm ngày càng trở nên hoàn thiện hơn rất nhiều. Thanh toán bằng ví điện tử, thanh toán qua Mobile Banking, thanh toán bằng thẻ, thanh toán bằng séc trực tuyến, thanh toán bằng chuyển khoản ngân hàng, thanh toán qua cổng thanh toán điện tử là các hình thức thanh toán được người tiêu dùng sử dụng trong thanh toán khiến cho việc mở ra các hình thức thanh toán này là một cơ hội lớn với các DN bán lẻ Việt Nam.

Sự bùng nổ của xu hướng mua sắm online trong những năm gần đây đã tạo ra một tiền đề rất tốt cho công cuộc chuyển đổi số của ngành Bán lẻ. Trong nhịp sống ngày càng bận rộn, khả năng kết nối ngày càng tăng của các thiết bị di động đang đóng vai trò quan trọng trong quyết định mua hàng của người tiêu dùng. Nhu cầu về sự tiện lợi đã làm phát sinh một loạt các sản phẩm đơn giản hóa cuộc sống như các giải pháp bữa ăn chế biến sẵn và những bữa ăn nhanh, các dịch vụ giao hàng tận nhà hoặc văn phòng và các dịch vụ giao hàng theo yêu cầu. Không là động lực chính nhưng đại dịch cũng là một trong các yếu tố thúc đẩy phát triển thương mại điện tử. Trong bối cảnh mua sắm trực tuyến đang nở rộ khắp nơi, năm 2022 được dự báo là thời kỳ mà bán hàng trực tuyến không thể đảo ngược, bất kể bạn bán gì. Thực tế, mua sắm hàng hóa và dịch vụ trực tuyến không phải là điều gì quá mới, nhưng đại dịch đã đẩy nhanh tốc độ của nó và làm cho mua sắm trực tuyến quan trọng hơn bao giờ hết, đúng như Tổng Thư ký UNCTAD Mukhisa Kituyi nhận xét: “Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy sự chuyển dịch, hướng tới một thế giới kỹ thuật số hơn”. Bên cạnh đó, bán hàng đa kênh bao gồm các kênh online (website, facebook, zalo,…) và các kênh trực tiếp tại của hàng, đại lý, siêu thị,… đang tạo ra nhiều trải nghiệm mua sắm có ý nghĩa hơn. Mô hình này không chỉ giúp tương tác với người tiêu dùng mọi lúc mọi nơi, trên mọi thiết bị công nghệ và nền tảng mà còn kích thích nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Vì vậy, các nhà bán lẻ, dù là bán lẻ truyền thống hay bán lẻ hiện đại cần nhanh chóng đáp ứng yêu cầu thời sự này. Sự thay đổi về hành vi người dùng trong thói quen mua sắm đã giúp việc chuyển đổi số trở lên thuận tiện hơn. Nghiên cứu của Lazada, có đến 81% người được hỏi cho rằng mua hàng qua mạng đã trở thành một thói quen. Đặc biệt, 85% cho biết rằng họ đang chi tiêu nhiều hơn cho việc mua hàng online kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Người tiêu dùng Việt thể hiện sự yêu thích dành cho các thương hiệu nội địa, với 52% số người được hỏi có xu hướng lựa chọn các thương hiệu sản xuất trong nước. Song song đó, có 66% người tham gia khảo sát cho biết họ luôn tìm kiếm những ưu đãi tốt nhất khi mua sắm để tiết kiệm chi phí sinh hoạt cho gia đình. Trong khi đó, 34% còn lại sẵn sàng mua những mặt hàng bất kể có giảm giá hay không trong lần mua hàng trực tuyến gần đây nhất.

Nền chính trị ổn định và kinh tế của Việt Nam đang trên đà phát triển. Năm 2021 đi qua với nhiều biến động, nhiều thách thức, đặc biệt là sự bùng phát trở lại và kéo dài, với biến chủng mới nâng cấp nguy hại của đại dịch Covid-19, đã làm sức chống chịu và nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân giảm sút. Bước vào năm mới 2022, nền kinh tế trong nướcnói chung và ngành Dịch vụ bán lẻ Việt Nam nói riêng đang đối mặt với những khó khăn và nhiều thách thức mới chưa từng có. Về mặt vĩ mô, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn Nhà nước tiếp tục có nhiều chính sách kịp thời để chỉ đạo phát triển kinh tế, sản xuất - kinh doanh thực hiện mục tiêu kép “đẩy lùi bệnh dịch và phát triển kinh tế”, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và kỳ vọng, kinh tế Việt Nam sẽ được phục hồi trong bối cảnh bình thường mới trong năm 2022 và tương lai. Chính vì vậy, có thể khẳng định rằng, thương mại trong nước nói chung và ngành Dịch vụ bán lẻ nói riêng đang trở thành “động lực tăng trưởng mới của ngành Công Thương” và nền kinh tế nước nhà.

3. Thách thức khi chuyển đổi số trong ngành Bán lẻ tại Việt Nam

 Bên cạnh những thuận lợi, cơ hội, ngành Bán lẻ phải đối mặt với những khó khăn, thách thức đòi hỏi phải vượt qua đó là:

Thị trường cạnh tranh bán lẻ của Việt Nam là rất lớn, không chỉ có các doanh nghiệp nội địa mà còn có rất nhiều nhà bán lẻ có thương hiệu lớn đến từ các nước khác với sự thay đổi về chất. Vì vậy, các doanh nghiệp nội địa phải có sự chuyển mình trong việc ứng dụng các công nghệ 4.0 để chuyển đổi số giúp gia tăng được sức cạnh tranh của các doanh nghiệp nội địa so với các thương hiệu bán lẻ nối tiếng trên thế giới. Những năm qua, nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bán lẻ hiện đại khai thác thị trường bán lẻ Việt Nam thông qua các thương vụ mua bán - sáp nhập và các mô hình hợp tác khác nhằm khai thác tối đa quy mô thị trường. Nổi bật là Tập đoàn Berli Jucker (BJC, Thái Lan) mua lại chuỗi siêu thị Metro Việt Nam; Tập đoàn Central Group (Thái Lan) mua lại hệ thống siêu thị và Trung tâm Thương mại của Big C Việt Nam và mua lại 49% vốn cổ phần chuỗi điện máy Nguyễn Kim. Điện máy Trần Anh, Citimart và Fivimart cũng chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư Nhật Bản,…

Thị trường bán lẻ Việt Nam có tính liên kết rất yếu giữa các lực lượng cùng tham gia. Trong bán lẻ hiện đại chuyển từ tập trung vào chuỗi cung ứng sang tập trung vào trải nghiệm của khách hàng, đòi hòi các lực lượng từ nhà sản xuất đến các trung gian phải thực hiện một cách thống nhất và liên kết mật thiết với nhau mới có thể có được bán hàng kĩ thuật số hiệu quả nhưng đây lại là điểm rất thách thức do tính liên kết là rất yếu giữa các thành phân trong chuỗi cung ứng cũng như liên kết giữa các ngành liên quan. Do đó, tạo nên khó khăn trong phục vụ khách hàng với mức độ thỏa mãn cao. Hệ thống chuỗi các siêu thị, cửa hàng tiện lợi lớn vẫn thiếu tính chuyên nghiệp trong công nghệ qản trị. Số lượng các siêu thị lớn áp dụng công nghệ quản trị rất ít. Số lượng các DN vừa và nhỏ vấn áp dụng hình thức bán lẻ truyền thống và làm thủ công trong hoạt động bán hàng. Điều này cũng tạo nên những khó khăn nếu muốn phát triển một cách đồng loạt hoạt động chuyển đổi số trong các DN bán lẻ Việt Nam.

Bên cạnh đó, thói quen của người tiêu dùng dù đang có sự thay đổi nhưng vẫn là thách thức rất lớn ở thị trường Việt Nam. Kết quả nghiên cứu của Lazada chỉ ra những cơ hội khi thói quen mua sắm qua mạng tăng trưởng, nhưng phân nửa số khách hàng vẫn muốn mua hàng ở các chợ, các siêu thị với hình thức trực tiếp và truyền thống. Để thay đổi được điều này không phải là dễ dàng. Một điểm cần lưu ý nữa là phương pháp tiếp thị và tương tác với khách hàng sẽ tiếp tục thay đổi trong năm 2022, trong đó phương tiện truyền thông xã hội (TikTok và Instagram được đánh giá cao) là động lực chính thúc đẩy khách hàng, nhất là khách hàng trẻ và tăng doanh số bán hàng trực tuyến cho nhiều công ty.

Đại dịch Covid-19 đã thay đổi toàn cảnh ngành Bán lẻ trên thế giới cũng như ở Việt Nam theo một quy mô chưa từng có. Hiện tượng các cửa hàng thực tế đã và đang phải đóng cửa do dịch bệnh đồng nghĩa với các chủ cửa hàng phải rời bỏ thị trường đã xảy ra vài năm nay và sẽ còn xảy ra ngay trong 2022. Ngay cả khi chúng ta trở lại bình thường mới, tỷ lệ cửa hàng bị đóng cửa có thể chậm lại, nhưng vẫn còn nhiều cửa hàng chịu kết cục đáng buồn này.

4. Một số giải pháp chuyển đổi số trong doanh nghiệp Bán lẻ Việt Nam

 Thay đổi nhận thức và xây dựng chiến lược chuyển đổi số trong tư duy của ban lãnh đạo doanh nghiệp. Ban lãnh đạo cần có nhận thức đúng đắn về việc cần thiết phải chuyển đổi số là nhiệm vụ ưu tiên trong bối cảnh kinh doanh hiện nay, xác định là “vũ khí” chống lại những biến đổi khó dự báo và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số. Trong xu thế các doanh nghiệp số, nền kinh tế số, toàn cầu số doanh nghiệp bản lẻ không thể đứng ngoài cuộc.

Phát triển nguồn nhân lực trong chuyển đổi số. Chuyển đổi số cần có một nguồn nhân lực có chất lượng cao, được đào tạo bài bản về công nghệ thông tin, đòi hỏi có kiến thức về thị trường, kinh doanh bán lẻ. Cần xây dựng các tiêu chí tuyển dụng, kế hoạch phát triển đổi ngũ nhân lực, định hướng từng bộ phận chức năng trong hoạt động nghiệp vụ, như bộ phận tiếp xúc trực tiếp khách hàng, bộ phân dịch vụ, bộ phận giao hàng,… Với mỗi bộ phận chức năng,  ngoài việc đào tạo kiến thức chuyên sâu, cần có định hướng áp dụng công nghệ, các kỹ năng sử dụng thành thạo công nghệ thông tin,…

Ứng dụng công nghệ số phù hợp cho từng giai đoạn chuyển đổi số và phù hợp với khả năng của doanh nghiệp. Trong mỗi giai đoạn của quá trình chuyển đổi số thì mức độ ứng dụng công nghệ số luôn gắn chặt với từng giai đoạn. Vì vậy, việc lựa chọn công nghệ phù hợp cho từng giai đoạn của chuyển đổi số đối với lĩnh vực bán lẻ là rất quan trọng. Một số công nghệ có thể ứng dụng: Sử dụng robot tại các kho hàng, hoạt động bán lẻ, sử dụng chuyển đổi số trong quét mã vạch, thẻ từ RFID, công nghệ nhận dạng,…; Thu thập dữ liệu định vị khách hàng; Sử dụng IOT có thể cung cấp phân tích chuyên sâu, giúp cải thiện trải nghiệm mua sắm của khách hàng tại cửa hàng.

Thực hiện mô hình chuỗi giá trị số dựa trên dữ liệu (Digital value chain). Cùng với sự dịch chuyển của thị trường và thói quen mới của người tiêu dùng, doanh nghiệp bán lẻ chuyển sang cạnh tranh bằng cách tối ưu và mở rộng chuỗi giá trị tới khách hàng. Mô hình được chia thành 3 giai đoạn chính, gồm: Thu thập dữ liệu về sản phẩm, khách hàng, địa điểm bằng cách số hóa việc giao dịch với khách hàng; Tối ưu các khâu dựa trên insight từ dữ liệu: tối ưu quy trình xử lý đơn hàng, tối ưu quy trình vận chuyển giao nhận, tối ưu quy trình lưu-xuất kho,...; Thiết kế lại chuỗi giá trị và mô hình kinh doanh: mở rộng các dịch vụ mới nhằm gia tăng giá trị, kết hợp với các mô hình kinh doanh khác tạo thành hệ sinh thái,...

5. Kết luận

Với những cơ hội và thách thức trên để chuyển đổi số một cách thành công, ngành Bán lẻ Việt Nam phải chuẩn bị các nguồn lực để sẵn sàng đối đầu với khó khăn và giành lấy cơ hội để bứt phá tăng trưởng trong bối cảnh nền kinh tế trong nước nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung được dự báo vẫn còn nhiều biến động. Nhiều năm nay, mặc dù thị trường bán lẻ Việt Nam đã và đang được nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá là một trong những thị trường thuộc nhóm sôi động và giàu tiềm năng nhất thế giới. Tuy nhiên, sự chuyển mình của các xu hướng thương mại bán lẻ trong thời đại mới và sự thay đổi trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng trong hiện tại cùng các dự báo trong tương lai đang đòi hỏi Việt Nam vừa cần nhanh chóng tận dụng thời cơ, vận hội vừa có sự chuẩn bị cho các đối sách trước những thách thức mới, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập hiện nay, cũng như tình trạng khó khăn và biến động khó lường do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Nhân Dân (2021), Ngành bán lẻ: Chuyển đổi số nắm bắt cơ hội sau đại dịch, Báo Tuyên Quang, https://baotuyenquang.com.vn//kinh-te/nganh-ban-le-chuyen-doi-so-nam-bat-co-hoi-sau-dai-dich150451.html

2. Đoàn Ngọc Ninh, Chuyển đổi số tại các doanh nghiệp bán lẻ trên địa bàn Hà Nội, Hội thảo “Chuyển đổi số trong marketing và kinh doanh hiện đại”.

3. Ban Chỉ đạo 35 Bộ Công Thương (20210, Cách mạng công nghiệp 4.0 và dịch bệnh Covid-19 đã tạo ra xu hướng mới về việc làm, https://moit.gov.vn/tin-tuc/phat-trien-cong-nghiep/cach-mang-cong-nghiep-4.0-va-dich-benh-covid-19-da-tao-ra-xu.html

4. Hải Minh (2022), Ngành dịch vụ bán lẻ Việt Nam trước cơ hội và thách thức mới, https://thuongtruong.com.vn/news/nganh-dich-vu-ban-le-viet-nam-truoc-co-hoi-va-thach-thuc-moi-74636.html

5. CafeFcdn.com

The digital transformation process in Vietnam’s retail industry: Opportunities and challenges

Ph.D Nguyen Thi Thanh Nhan

Thuongmai University

ABSTRACT:

Digital transformation is an inevitable development trend in the context of the Fourth Industrial Revolution (Industry 4.0). In addition, it is an urgent requirement for retailers to use digital technology platforms to better meet the needs of customers and optimize their costs. This paper focuses on studying the opportunities and challenges for Vietnamese retailers in the digital transformation process and proposes some solutions to promote the digital transformation process of retailers.

Keywords: digital transformation, opportunity, challenge, enterprise, retail industry.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 10, tháng 5 năm 2022]