Phóng viên Bản tin Năng suất và Chất lượng Công Thương đã có cuộc trò chuyện với bà Vũ Hồng Dân - Chủ nhiệm dự án, Trưởng phòng Tư vấn Cải tiến Năng suất, Viện Năng suất Việt Nam, đơn vị triển khai Dự án từ Bộ Công Thương.
PV: Xin bà cho biết hoạt động của Dự án Mô hình năng suất tổng thể năm 2019-2020 được Bộ Công Thương tập trung hỗ trợ những đối tượng nào?
Bà Vũ Hồng Dân: Dự án Mô hình năng suất tổng thể năm 2019-2020 của Bộ Công Thương tập trung hướng dẫn xây dựng mô hình điểm tại 12 doanh nghiệp thuộc 04 ngành công nghiệp gồm: Ngành da giày; Ngành thép; Ngành Năng lượng; Ngành Điện tử, Viễn thông và Công nghệ thông tin. Mỗi ngành, Viện Năng suất Việt Nam (VNPI) sẽ lựa chọn 2-3 doanh nghiệp để triển khai trên cả nước.
PV: Trong quá trình tư vấn tại doanh nghiệp, bà đánh giá sự cam kết tham gia của các doanh nghiệp với Dự án của Bộ Công Thương như thế nào?
Bà Vũ Hồng Dân: Dự án triển khai bị ảnh hưởng khá lớn vì đại dịch Covid-19, do đó, trong năm 2020, đa số doanh nghiệp trong nhiệm vụ giảm sản lượng sản xuất và gặp khó khăn do giãn cách xã hội, chi phí đầu vào tăng.
Tuy nhiên, lãnh đạo các doanh nghiệp điểm thuộc Dự án đều rất quyết tâm và đồng lòng để thực hiện các giải pháp cải tiến, chắt chiu nguồn lực để đầu tư đổi mới công nghệ, khuyến khích sáng tạo từ các tầng lớp người lao động để nâng cao năng suất, chất lượng, giảm chi phí. Thực hiện có hiệu quả các giải pháp cải tiến đã được đưa ra, đạt kết quả tích cực, trung bình năng suất tăng 10-15% sau áp dụng các giải pháp cải tiến năng suất, giảm lãng phí, cải thiện điều kiện và môi trường làm việc, nâng cao sự hài lòng của nhân viên, khách hàng.
PV: Bà có thể cho biết một vài ví dụ điển hình về sự thay đổi có tính đột phá khi áp dụng các giải pháp Mô hình năng suất tổng thể để cải tiến năng suất?
Bà Vũ Hồng Dân: Hầu hết các doanh nghiệp điểm khi tham gia Dự án đều đặt mục tiêu tăng năng suất và chất lượng, trong đó có một số ví dụ điển hình như:
Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, trong năm 2020 đã phát động phong trào cải tiến, đổi mới sáng tạo thông qua tổ chức 02 lần “ngày sáng tạo”, với tổng số 1.229 sáng kiến - cải tiến - hợp lý hóa, trong đó 431 sáng kiến - cải tiến đã được áp dụng có hiệu quả trong thực tế, 327 sáng kiến - cải tiến đang triển khai áp dụng để đổi mới công nghệ và cải tiến chất lượng trên dây chuyền sản xuất và khối hỗ trợ. Các giải pháp cải tiến đã giúp Công ty đạt được doanh thu 3.060 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2020, tăng 13,2%, lợi nhuận thực hiện đạt 262 tỷ đồng, tăng 28,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, với tôn chỉ phụng sự khách hàng, cung cấp các giải pháp chiếu sáng thông minh, an toàn, thân thiện, sản phẩm và dịch vụ khác biệt, trong năm 2020, Rạng Đông đã cho ra thị trường hơn 20 mẫu mã sản phẩm mới, đón nhận sự phản hồi tích cực của khách hàng, đóng góp tăng trưởng doanh thu. Thời gian cho ra sản phẩm mới được giảm 50%.
Một trường hợp khác là Công ty CP Dây cáp điện CADIVI, qua dự án đã nâng được chỉ số Hiệu suất thiết bị tổng thể (OEE) tăng trung bình 10-15%, chỉ số OEE trung bình của nhà máy đạt 70%.
Hay Công ty CP 26, một doanh nghiệp sản xuất giày da và giày vải đã tăng năng suất dây chuyền trung bình 15% sau khi áp dụng giải pháp cân bằng chuyền, cải tiến thao tác, bố trí lại đường chuyền và đào tạo kỹ năng nâng cao năng lực cho tổ trưởng.
Đây là những trường hợp điển hình với những kết quả rất cụ thể, chứng minh cho việc áp dụng hiệu quả các giải pháp cải tiến năng suất theo Mô hình năng suất tổng thể.
PV: Qua tư vấn tại các doanh nghiệp, chứng kiến sự đổi thay của họ, bà có thể khái quát các bài học kinh nghiệm để các doanh nghiệp khác tham khảo khi triển khai các hoạt động năng suất trong thời gian tới?
Bà Vũ Hồng Dân: Từ quá trình triển khai tư vấn tại các doanh nghiệp, chúng tôi rút ra 5 bài học kinh nghiệm có thể áp dụng cho các doanh nghiệp khi muốn triển khai thành công Dự án Mô hình năng suất tổng thể nói riêng và các dự án cải tiến năng suất chất lượng nói chung, đó là:
Thứ nhất, cần có sự đồng thuận và thống nhất giữa các cấp lãnh đạo với tổ nhóm triển khai thực hiện các hoạt động cải tiến. Cần sự chỉ đạo quyết liệt và vào cuộc cùng tham gia của lãnh đạo cao nhất và cán bộ quản lý cấp trung.
Thứ hai, không tham triển khai cùng một lúc mà chia ra nhiều giai đoạn cải tiến đi từ cơ bản, nền tảng đến nâng cao, từ dễ đến khó, từ điểm đến nhân rộng để có kết quả và rút kinh nghiệm rồi mới triển khai tiếp, nhằm đảm bảo các nhóm nắm được phương pháp, điều chỉnh kịp thời và làm quen với sự thay đổi.
Thứ ba, lựa chọn đúng vấn đề ưu tiên cải tiến của doanh nghiệp đối với từng trụ cột cải tiến (khách hàng, quá trình sản xuất, công nghệ thiết bị, con người, môi trường làm việc), không dập khuôn cứng nhắc để phù hợp với từng ngành công nghiệp và điều kiện của doanh nghiệp.
Thứ tư, truyền thông, giáo dục nhận thức cho người lao động để thấu hiểu sự cần thiết cải tiến liên tục trong mọi hoạt động và vai trò của họ để lôi kéo sự tham gia của người lao động trong doanh nghiệp.
Thứ năm, đóng gói và chuyển giao được tri thức về triển khai các hoạt động cải tiến trong dự án điểm để có thể nhân rộng trong doanh nghiệp, đảm bảo duy trì và nhân rộng.
PV: Cũng qua các hoạt động triển khai từ doanh nghiệp, theo bà, đơn vị quản lý Dự án nên hoạt động như thế nào để thực sự phát huy hiệu quả của các dự án về năng suất chất lượng?
Bà Vũ Hồng Dân: Đối với đơn vị quản lý dự án như Vụ KHCN, Bộ Công Thương – nơi hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp thì cần sự phối hợp chặt chẽ với các đơn vị tuyên truyền của Bộ để thông tin kịp thời các hoạt động, kết quả của dự án tới cộng đồng doanh nghiệp, có các hình thức tôn vinh doanh nghiệp, cá nhân tiêu biểu có nỗ lực, đóng góp và có kết quả nổi bật một cách kịp thời.
Việc tham gia tích cực các dự án điểm của doanh nghiệp cần là một tiêu chí để xét chọn hỗ trợ những năm tiếp theo của chương trình. Về lâu dài, việc áp dụng cải tiến nâng cao năng suất chất lượng nên đưa vào tiêu chí để xét chọn doanh nghiệp tiêu biểu của ngành trong các giải thưởng tôn vinh hoặc ưu đãi đối với các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp về đổi mới khoa học và công nghệ...
PV: Trân trọng cảm ơn bà!