Trước băn khoăn của doanh nghiệp về việc sản xuất và kinh doanh nông sản có cần làm thương hiệu riêng để phát triển thị trường hay dựa vào chỉ dẫn địa lý là chủ yếu, ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) khuyến nghị, trước hết doanh nghiệp phải xác định mặt hàng đơn vị đang sản xuất, kinh doanh là gì? Thuộc nhóm mặt hàng nào? Mặt hàng nông sản có thuộc một chỉ dẫn địa lý nổi tiếng của Việt Nam mà đã được các nước công nhận hay chưa?
Phân tích rõ hơn, ông Hoàng Minh Chiến cho biết, tính đến hết năm 2020, Việt Nam đã bảo hộ 94 chỉ dẫn địa lý, trong đó có 88 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam và 6 chỉ dẫn địa lý của nước ngoài. Việc Việt Nam ký kết và thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) cũng mang lại cơ hội lớn cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam khi 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam (phần lớn là nông sản) được bảo hộ tự động tại Liên minh châu Âu (EU) - thị trường xuất khẩu vô cùng quan trọng với 28 quốc gia thành viên.
“Nếu sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam nằm trong danh mục chỉ dẫn địa lý được công nhận và bảo hộ thì không cần phải tập trung quá vào việc đầu tư nguồn lực xây dựng thương hiệu riêng của mình. Thay vào đó, doanh nghiệp có thể tận dụng chỉ dẫn địa lý để làm thương hiệu và quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng quốc tế, qua đó giúp tiêu thụ sản phẩm tốt hơn, mang lại giá trị gia tăng cao hơn cho sản phẩm”, Phó Cục trưởng Hoàng Minh Chiến nêu quan điểm.
Đặc biệt, Phó Cục trưởng Hoàng Minh Chiến khuyến cáo, nếu sản phẩm của doanh nghiệp không thuộc nhóm chỉ dẫn địa lý nổi tiếng, thì nên có định hướng xây dựng phát triển thương hiệu riêng cho sản phẩm của mình, ở tất cả các lĩnh vực, từ sản phẩm nông sản đến sản phẩm trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ.
“Nếu sản phẩm có thương hiệu tốt thì giá trị gia tăng mang lại cho doanh nghiệp sẽ rất cao", Phó Cục trưởng Hoàng Minh Chiến lưu ý.
Lấy dẫn chứng về giá trị gia tăng khi sản phẩm có thương hiệu, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại so sánh sản phẩm điện thoại của thương hiệu nổi tiếng Apple với sản phẩm của BKAV.
"Điện thoại iPhone 13 của thương hiệu Apple vừa tung ra thị trường có giá hơn 30 triệu đồng. Trong khi đó, cùng là sản phẩm công nghệ của Việt Nam dù đầu tư vào công nghệ khá lớn, nhưng điện thoại thông minh của BKAV chưa thể bằng sản phẩm của Apple. Do đó, giá thành 1 sản phẩm tốt nhất của BKAV chỉ dưới 10 triệu đồng", Phó Cục trưởng Hoàng Minh Chiến ví dụ.
Câu chuyện thương hiệu đem lại giá trị gia tăng rất lớn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh nông sản. Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan đầu mối triển khai chương trình Thương hiệu quốc gia đã thực hiện rất nhiều chương tình để hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu.
Theo đó, Bộ Công Thương đã thực hiện các hoạt động tuyên truyền quảng bá cho các sản phẩm tốt, thương hiệu tốt của Việt Nam ở trong và ngoài nước; đào tạo, tập huấn cho doanh nghiệp về kỹ năng liên quan đến xây dựng và phát triển thương hiệu, bảo vệ thương hiệu cũng như kỹ năng về quản trị và phát triển thương hiệu. Ngoài ra, Bộ cũng tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng, người dân và toàn xã hội đối với câu chuyện xây dựng và phát triển thương hiệu.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại, xây dựng một thương hiệu đã khó tuy nhiên việc phát triển và bảo vệ thương hiệu đó trên thị trường trong nước và quốc tế là một điều khó hơn, nhất là khi Việt Nam đã tham gia hàng loạt các FTA.
Với các FTA, cơ hội xuất khẩu cho sản phẩm hàng hóa Việt Nam là rất lớn và rộng mở nhờ việc mở cửa thị trường cũng như cắt giảm thuế quan. Các sản phẩm của Việt Nam trước đây chỉ nổi tiếng trong nước thì nay có cơ hội vươn ra tiếp cận nhiều hơn đến thị trường xuất khẩu trên thế giới đặc biệt là các thị trường mà Việt Nam có FTA.
Chính vì vậy, lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại khuyến cáo, các doanh nghiệp cần phải có ý thức bảo vệ thương hiệu của mình trên các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là ở các thị trường xuất khẩu trọng điểm, ở các thị trường có FTA bằng cách đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho nhãn hiệu, cho sản phẩm xuất khẩu của mình.
Cùng với đó, các doanh nghiệp cần thuê luật sư để theo dõi về việc xâm phạm sở hữu trí tuệ và bản quyền nhãn hiệu thương mại của mình trên các thị trường xuất khẩu để có thể có động thái cần thiết và kịp thời nhằm bảo vệ được thương hiệu của mình.