TÓM TẮT:
Trong công tác cán bộ, quy hoạch cán bộ giữ vị trí đặc biệt quan trọng. Thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ sẽ giúp cho công tác cán bộ đi vào nề nếp, chủ động, khắc phục dần sự hẫng hụt cán bộ, nâng cao chất lượng cán bộ. Trong nội dung nghiên cứu về quá trình thực hiện công tác quy hoạch đội ngũ cán bộ (QHĐNCB), các tổ chức Đảng ở thành phố Hà Nội nói chung và huyện Sóc Sơn nói riêng đã bám sát tiêu chuẩn và trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị, năng lực thực tiễn, trình độ quản lý của từng chức danh cán bộ để tiến hành quy hoạch.
Từ khóa: Quy hoạch cán bộ, Ban Thường vụ, huyện ủy Sóc Sơn, đội ngũ cán bộ.
1. Đặt vấn đề
Thời gian qua, công tác QHĐNCB thuộc diện Ban Thường vụ (BTV) huyện ủy Sóc Sơn quản lý đã được triển khai thực hiện nghiêm túc, đúng phương châm, đảm bảo nguyên tắc, quy trình. Trên cơ sở nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác QHĐNCB thuộc diện BTV huyện ủy Sóc Sơn quản lý, được sự quan tâm thường xuyên lãnh chỉ đạo của huyện ủy và sự hướng dẫn kịp thời, kiểm tra, giám sát chặt chẽ của Ban tổ chức huyện ủy, Ủy ban Kiểm tra huyện ủy, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể huyện, cấp ủy các chi bộ, đảng bộ cơ sở đã tích cực tổ chức triển khai thực hiện công tác QHĐNCB thuộc diện BTV huyện ủy Sóc Sơn quản lý đối với đội ngũ cán bộ thuộc quyền quản lý, chủ động phối hợp với cơ quan có liên quan xây dựng quy hoạch đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ quan, đơn vị mình.
Bên cạnh đó, công tác QHĐNCB thuộc diện BTV huyện ủy Sóc Sơn quản lý đã được tiến hành có hệ thống, đồng bộ từ huyện đến xã. Số cán bộ được đưa vào diện quy hoạch đã được rà soát, đánh giá một cách dân chủ, khách quan theo tiêu chuẩn của chức danh cán bộ. Danh sách cán bộ trong quy hoạch các chức danh chủ chốt đã được Ban tổ chức huyện ủy thẩm định, tổng hợp báo cáo BTV huyện ủy xác nhận. Hàng năm, các cơ quan, đơn vị có sự rà soát bổ sung, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp, lựa chọn đưa vào quy hoạch những nhân tố mới, đồng thời đưa ra khỏi quy hoạch những cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, không có triển vọng phát triển, không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Công tác QHĐNCB thuộc diện BTV huyện ủy Sóc Sơn quản lý đã được thực hiện trên nguyên tắc “mở” và “động”. Một số cơ quan, đơn vị bước đầu phá bỏ thế cục bộ, khép kín; đã xem xét giới thiệu cả những người ngoài ngành vào QHĐNCB thuộc diện BTV huyện ủy Sóc Sơn quản lý của cơ quan, đơn vị mình.
2. Thực trạng công tác quy hoạch đội ngũ cán bộ diện Ban Thường vụ huyện ủy Sóc Sơn, thành phố Hà Nội quản lý hiện nay
Về cơ bản, công tác QHĐNCB thuộc diện BTV huyện ủy Sóc Sơn quản lý được thực hiện công khai, chú trọng mở rộng dân chủ, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên. Đa số các cơ quan, đơn vị đã tiến hành đánh giá cán bộ theo một quy trình chặt chẽ: tổ chức Hội nghị cán bộ công chức hoặc Hội nghị cán bộ chủ chốt (đối với quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý ở xã) để giới thiệu nguồn nhân sự, cho ý kiến nhận xét, đánh giá và bỏ phiếu giới thiệu nguồn quy hoạch; Hội nghị cấp ủy và tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị hoặc Hội nghị chi bộ, Hội nghị Đảng ủy xã thảo luận, biểu quyết; báo cáo BTV huyện ủy xem xét, phê duyệt quy hoạch (đối với các đơn vị thuộc Đảng ủy cơ quan Đảng - Đoàn thể và Đảng ủy cơ quan chính quyền thì báo cáo Ðảng ủy khối để Ðảng ủy biểu quyết trước khi trình BTV huyện ủy). Việc tổ chức các hội nghị xin ý kiến giới thiệu cán bộ đưa vào quy hoạch bằng phiếu kín, những cán bộ được BTV huyện ủy xem xét, xác nhận đưa vào quy hoạch đều đảm bảo có trên 50% tổng số phiếu giới thiệu.
Do chủ động, tích cực thực hiện tốt công tác QHĐNCB thuộc diện BTV huyện ủy Sóc Sơn quản lý nên việc lựa chọn nhân sự phục vụ đại hội đảng bộ các cấp trong huyện nhiệm kỳ 2010-2015 và nhiệm kỳ 2015-2020 đều đạt kết quả tốt đẹp, hầu hết cán bộ dự nguồn trong quy hoạch đều trúng cử vào cấp ủy với số phiếu tín nhiệm cao; việc chuẩn bị nhân sự đề bạt, bổ nhiệm hoặc giới thiệu ứng cử vào các chức danh thuộc diện BTV huyện ủy quản lý ít có tình trạng lúng túng, bị động như trước đây, cơ cấu cán bộ trẻ, cán bộ nữ được quan tâm đúng mức. Với nội dung và cách làm mới, công tác quy hoạch cán bộ thời gian qua được đông đảo cán bộ, đảng viên đồng tình ủng hộ, góp phần phát huy những thành tựu đã đạt được.
Thực hiện Thông báo kết luận số 204-TB/TU ngày 05/9/2011 của BTV Thành ủy về điều chỉnh, bổ sung chủ trương, chính sách về biên chế dự phòng của huyện, huyện; Quyết định số 1182/TU ngày 19/6/2009, Quyết định số 649-QĐ/TU ngày 29/9/2011 của BTV Thành ủy về biên chế dự phòng của huyện và Hướng dẫn thực hiện số 34-HD/BTCTU ngày 24/10/2011 của BTC Thành ủy, BTV huyện ủy đã ban hành Kế hoạch số 31-KH/HU ngày 07/12/2011 về thực hiện biên chế dự phòng của huyện đến năm 2015; Kế hoạch số 42 - KH/HU ngày 27/4/2012 về thực hiện tuyển dụng vào biên chế dự phòng năm 2012. Đến nay đã có 38 đồng chí được đưa vào nguồn biên chế dự phòng; trong đó, diện tạm tuyển có 31 đồng chí (đã trúng tuyển công chức và được bố trí công tác 22 đồng chí, đang hợp đồng tập sự chờ thi tuyển công chức 09 đồng chí); diện cử đi học có 07 đồng chí (đã tốt nghiệp và được bố trí công tác 05 đồng chí, đang học 02 đồng chí).
Thực hiện Hướng dẫn số 01-HD/BTCTU ngày 20/4/2007 của BTC Thành ủy về thực hiện công tác quy hoạch cán bộ dài hạn giai đoạn 2007 - 2010; Kế hoạch số 29-KH/BTCTU, Kế hoạch số 30-KH/BTCTU và Kế hoạch số 31-KH/BTCTU ngày 30/12/2013 của BTC Thành ủy về triển khai thực hiện Chương trình tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ tuổi; cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất thân từ công nhân đến năm 2015 và Chương trình đào tạo Thạc sỹ, Tiến sỹ đến năm 2020, BTV huyện ủy đã xét chọn 41 đồng chí; trong đó có 20/41 đồng chí đã được điều động về cơ sở (14/20 đồng chí đã được đề bạt, bổ nhiệm giữ chức vụ chủ chốt như Phó bí thư, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND xã khi ở độ tuổi từ 30 đến 34 tuổi); 16 đồng chí được bầu vào cấp ủy cơ sở, có 02 đồng chí được bầu vào BCH Đảng bộ huyện, đã có 27/41 đồng chí được quy hoạch các chức danh lãnh đạo quản lý (trong đó 11 đồng chí được quy hoạch BCH Đảng bộ huyện).
Sau Đại hội lần thứ X, BTV huyện ủy đã ban hành Kế hoạch số 10 - KH/HU, quán triệt, tổ chức thực hiện và xét duyệt, kết quả cán bộ quy hoạch các chức danh trưởng, phó trưởng các phòng, ban, mặt trận tổ quốc, các đoàn thể, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước: 268 đồng chí (không bao gồm các chức danh quy hoạch thuộc diện BTV Thành ủy quản lý); cụ thể như sau: Nữ 109 đồng chí (chiếm 40,67%); Về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ: Thạc sĩ 21 đồng chí, Đại học 246 đồng chí, Trung cấp 01 đồng chí; Về trình độ lý luận chính trị: Cao cấp, cử nhân 156 đồng chí, Trung cấp 97 đồng chí, Sơ cấp 15 đồng chí; Về cơ cấu độ tuổi: Dưới 35 tuổi 65 đồng chí; từ 35 đến 40 tuổi 66 đồng chí; từ 41 đến 50 tuổi 92 đồng chí; trên 50 tuổi 45 đồng chí (bình quân là 40,94 tuổi).
Trong năm 2014 và quý 1/2015, tiếp tục thực hiện rà soát, bổ sung quy hoạch theo Kế hoạch số 72 - KH/HU về Quy hoạch nguồn nhân sự cấp ủy và cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Kết quả:
BTV huyện ủy: Đề nghị đưa ra khỏi quy hoạch 03 đ/c (01 nữ). Đề nghị bổ sung vào quy hoạch 04 đ/c (0 nữ); Tổng cộng có 26 đồng chí; cụ thể như sau: Nữ 12 đồng chí (chiếm 46,15%); Về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ có Thạc sĩ 16 đồng chí, Đại học 9 đồng chí, Cao đẳng 1 đồng chí; Về trình độ lý luận chính trị có: Cao cấp, cử nhân 24 đồng chí, Trung cấp 2 đồng chí; Về cơ cấu độ tuổi có: Dưới 35 tuổi 2 đồng chí, từ 35 đến 40 tuổi 10 đồng chí, từ 41 đến 50 tuổi 13 đồng chí, trên 50 tuổi 1 đồng chí (độ tuổi trung bình là 40,61 tuổi).
Cán bộ quy hoạch các chức danh trưởng, phó trưởng các phòng, ban, mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước có: 200 đồng chí; cụ thể như sau: Nữ 91 đồng chí (chiếm 45,5%); Về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ: Đại học và trên đại học 185 đồng chí, Cao đẳng và Trung cấp 15 đồng chí; Về trình độ lý luận chính trị: Cao cấp, cử nhân 97 đồng chí, Trung cấp 103 đồng chí; Về cơ cấu độ tuổi: dưới 30 tuổi 12 đồng chí; từ 31 đến 40 tuổi 112 đồng chí; từ 41 đến 50 tuổi 70 đồng chí; trên 50 tuổi 6 đồng chí.
Nhìn chung, huyện ủy thực hiện quy trình giới thiệu nguồn, bỏ phiếu tín nhiệm nguồn, bỏ phiếu quy hoạch cán bộ vào các chức danh một cách công khai, dân chủ, đúng quy định. Dân chủ trong phát hiện, giới thiệu nguồn được mở rộng qua các hội nghị lấy ý kiến giới thiệu, đúng trình tự, thành phần, đầy đủ nội dung; được giám sát và chỉ đạo chặt chẽ, đảm bảo đúng nguyên tắc tập trung dân chủ; trên cơ sở kết quả đánh giá, phân loại cán bộ và kết quả quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý của cấp dưới. Việc thẩm định tư cách cán bộ trong quá trình giới thiệu quy hoạch được BTV phối hợp với Ủy ban Kiểm tra huyện ủy thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, tuân thủ quy định về bảo vệ chính trị nội bộ. Việc rà soát, bổ sung quy hoạch của huyện ủy thực hiện theo quy định của cấp trên, cơ bản đảm bảo quy trình chặt chẽ, bổ sung được nhân tố mới đủ điều kiện và tiêu chuẩn, đưa ra khỏi quy hoạch những cán bộ không đáp ứng yêu cầu.
Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một số ít cơ quan, đơn vị phải làm lại quy hoạch nhiều lần, mới được BTV huyện ủy xác nhận kết quả quy hoạch. Do việc thực hiện quy trình giới thiệu nguồn quy hoạch tại những nơi này vẫn chưa đảm bảo tính công khai, chưa mở rộng thảo luận dân chủ đi đôi với quyền tập trung quyết định của tập thể lãnh đạo hoặc BTV cấp ủy. Khi vai trò tập thể lãnh đạo không được phát huy, chưa thể hiện hết trách nhiệm cá nhân, dân chủ trong bàn bạc, thảo luận bị xem nhẹ, việc đánh giá cán bộ phục vụ công tác quy hoạch sẽ chủ yếu do người đứng đầu quyết định.
Một số cơ quan, đơn vị chưa kết hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả giữa QHĐNCB thuộc diện ban thường vụ huyện ủy Sóc Sơn quản lý với các khâu khác trong công tác cán bộ. Sau khi có văn bản xác nhận quy hoạch cán bộ của cấp có thẩm quyền, còn nhiều cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị chậm tổ chức triển khai quy hoạch, chưa có những kế hoạch cụ thể để đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, từng bước bố trí, sử dụng cán bộ theo yêu cầu công tác QHĐNCB thuộc diện ban thường vụ huyện ủy Sóc Sơn quản lý, tạo điều kiện cho cán bộ trong quy hoạch được thử thách, rèn luyện, trưởng thành, dẫn đến tình trạng quy hoạch “treo”, “quy hoạch cho có quy hoạch”, gây lãng phí nhân lực, tạo tâm lý băn khoăn, giảm sút ý chí phấn đấu trong đội ngũ cán bộ. Đào tạo lý luận chính trị còn hạn chế về số lượng, một số nơi vẫn còn thông lệ “đào tạo “sắp hàng” theo “lớn trước nhỏ sau” khiến không ít cán bộ mất cơ hội phát triển vì chưa đạt chuẩn trình độ. Chất lượng đào tạo không đồng đều, tự đào tạo không gắn yêu cầu quy hoạch… dẫn đến lãng phí thời gian, kinh phí của Đảng, địa phương và gia đình”. Do đó, một số cán bộ nhất là cán bộ trẻ vào quy hoạch chưa được đào tạo, khi có nhu cầu giới thiệu ứng cử, bổ nhiệm thì vướng rào cản tiêu chuẩn. Dẫn đến việc không được giới thiệu ứng cử, bổ nhiệm hoặc giới thiệu ứng cử, bổ nhiệm nhưng chưa đạt chuẩn về lý luận chính trị. Về đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ vẫn còn tình trạng cán bộ có nhu cầu đi đào tạo nâng chuẩn, nhất là đào tạo sau đại học nhưng việc cấp ủy bố trí cho ai đi, học chuyên ngành gì, có phù hợp với chuyên môn thuộc chức danh quy hoạch hay không thì không được chú trọng, thậm chí không kiểm soát. Công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ còn bị động do nguồn QHĐNCB thuộc diện BTV huyện ủy Sóc Sơn quản lý chưa đạt yêu cầu, chưa kịp thời bố trí cán bộ tiếp cận các chức danh quy hoạch. Việc điều động, luân chuyển cán bộ chưa bám sát kết quả QHĐNCB thuộc diện BTV huyện ủy Sóc Sơn quản lý, dẫn đến khi có yêu cầu bố trí các chức danh lãnh đạo cấp huyện nhưng cán bộ được quy hoạch chưa trải qua chức vụ chủ chốt tại cơ sở hoặc chưa đảm bảo được tính ổn định, có nhiều đồng chí trong một nhiệm kỳ phải luân chuyển đến 2, 3 lần. Luân chuyển từ các phòng, ban huyện xuống cơ sở làm cán bộ chủ chốt là phổ biến nhưng luân chuyển ngang, luân chuyển từ dưới cơ sở lên chưa nhiều. Một số cán bộ quy hoạch trong quá trình luân chuyển vẫn còn thụ động, giữ mình tránh va chạm.
Tình trạng quy hoạch “khép kín” ở một số ít cơ quan, đơn vị vẫn còn là hiện tượng không hiếm thấy. Với lý do không ai hiểu, gắn bó với địa phương, ngành, lĩnh vực công tác bằng chính người tại chỗ và cũng không hiểu cán bộ nguồn quy hoạch hơn người tại chỗ nên khi giới thiệu quy hoạch, một số cơ quan, đơn vị thường chỉ giới thiệu người tại chỗ vào quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý cơ quan, đơn vị mình.
3. Giải pháp thực hiện tốt công tác quy hoạch đội ngũ cán bộ diện BTV huyện ủy Sóc Sơn quản lý
Trong thời gian tới để thực hiện tốt công tác quy hoạch đội ngũ cán bộ diện BTV huyện ủy Sóc Sơn quản lý cần bám sát các phương hướng, giải pháp sau:
Một là, BTV huyện ủy Sóc Sơn cần xác định những yêu cầu cụ thể và nguyên tắc cơ bản về công tác quy hoạch ĐNCB nhằm tạo nên một ĐNCB thật sự vững mạnh, đáp ứng tốt với đòi hỏi của tình hình thực tế
BTV huyện ủy cần quán triệt, thực hiện có hiệu quả và đồng bộ nhóm giải pháp về tổ chức cán bộ đã được nêu trong Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Trong đó đẩy mạnh công tác quy hoạch ĐNCB nhằm xây dựng ĐNCB diện BTV huyện ủy Sóc Sơn quản lý đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, đồng bộ về cơ cấu, có tầm nhìn chiến lược cho cả trước mắt và lâu dài. Thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ đi đôi với đề cao thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ; tăng cường kiểm tra của cấp trên đối với cấp dưới; đổi mới tư duy, cách làm, khắc phục cho được những hạn chế yếu kém trong từng mặt công tác cán bộ. Từ nay đến năm 2025 và những năm tiếp theo, công tác QHCB nói chung và công tác quy hoạch ĐNCB diện BTV huyện ủy Sóc Sơn quản lý nói riêng cần đảm bảo quán triệt đầy đủ các quan điểm, phương châm, nguyên tắc của Đảng, thực hiện theo phương hướng là bảo đảm chất lượng, hiệu quả và đồng bộ ở các cấp, các đơn vị trong toàn Đảng bộ huyện, phải kế thừa và phát huy những ưu điểm, thành quả đã đạt được; đồng thời từng bước khắc phục triệt để những tồn tại, thiếu sót trong công tác QHCB trong thời gian qua, làm cho công tác QHCB trở thành nền nếp, thường xuyên, theo một quy trình chặt chẽ, thống nhất, hiệu quả thiết thực.
Hai là, BTV huyện ủy cần đẩy mạnh công tác quy hoạch ĐNCB đồng thời với việc đổi mới đồng bộ các khâu khác trong công tác cán bộ.
Trước hết là đổi mới công tác đánh giá cán bộ; tiến hành xây dựng tiêu chuẩn chức danh cán bộ và tiêu chí đánh giá cán bộ theo tiêu chuẩn chức danh, theo hiệu quả công việc và sự tín nhiệm của cán bộ. Công khai lĩnh vực công tác, chỉ tiêu nhiệm vụ được giao và kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ để đảng viên và nhân dân theo dõi, giám sát, góp ý kiến, thể hiện sự tín nhiệm và thông qua đó để xem xét, đánh giá cán bộ.
Ba là, đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức ĐTBD cán bộ và đổi mới công tác tạo nguồn cán bộ.
Đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức ĐTBD cán bộ trong quy hoạch theo chức danh cán bộ, gắn lý thuyết với thực hành, kỹ năng xử lý các vấn đề nảy sinh từ thực tiễn đối với từng chức danh, ở từng cấp, từng ngành, từng lĩnh vực công tác; tăng lượng kiến thức về tư duy và tầm nhìn chiến lược, nhận thức và giải pháp ứng xử, đề phòng, giải quyết các vấn đề nảy sinh. Xây dựng và thực hiện chế độ tập sự lãnh đạo, quản lý. Đẩy mạnh việc cập nhật kiến thức mới cho cán bộ quy hoạch các chức danh lãnh đạo ở các tổ chức cơ sở đảng. Cải tiến phương pháp, quy trình kiểm tra, thi cử, khắc phục tình trạng chạy theo bằng cấp, tuyệt đối hóa bằng cấp theo hướng lựa chọn sinh viên tốt nghiệp loại giỏi ở các trường đại học danh tiếng để chọn lọc nguồn QHCB lâu dài. Xây dựng, thực hiện cơ chế tiến cử cán bộ; cơ chế người đứng đầu đề xuất, chuẩn bị người quy hoạch thay thế mình và phải dựa vào kết quả phiếu tín nhiệm nơi cán bộ đó công tác.
Bốn là, thực hiện nghiêm cơ cấu 3 độ tuổi trong quy hoạch BCH, BTV và lãnh đạo, quản lý các cấp.
Cấp có thẩm quyền chỉ phê duyệt, xác nhận quy hoạch hoặc thông qua phương án nhân sự cấp ủy khi quy hoạch hoặc phương án nhân sự đáp ứng được yêu cầu này. Việc bổ sung BCH, BTV các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc trong nhiệm kỳ chủ yếu bổ sung cán bộ trẻ, cán bộ nữ, đủ tuổi tham gia từ 2 nhiệm kỳ trở lên nhằm đào tạo, chuẩn bị nhân sự cho các khóa tiếp theo. Việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý cần bảo đảm 3 độ tuổi trong lãnh đạo ở từng cấp; đối với cấp huyện nhất thiết phải có cán bộ nữ trong cơ cấu lãnh đạo. Trên cơ sở quy hoạch cán bộ, các cấp ủy, tổ chức cơ sở Đảng xây dựng kế hoạch ĐTBD, luân chuyển đối với cán bộ trong quy hoạch; cấp có thẩm quyền khi phê duyệt hoặc xác nhận quy hoạch phải đồng thời phê duyệt, xác nhận kế hoạch luân chuyển, ĐTBD cán bộ theo quy hoạch của huyện.
Năm là, đẩy mạnh công tác luân chuyển để đào tạo thực tiễn đối với cán bộ và thực hiện bố trí một số chức danh lãnh đạo, quản lý không là người địa phương ở cấp huyện và từng bước nghiên cứu thực hiện ở cấp xã.
Đẩy mạnh công tác sử dụng, luân chuyển để đào tạo thực tiễn đối với cán bộ và thực hiện bố trí một số chức danh lãnh đạo, quản lý không là người địa phương ở cấp huyện và từng bước nghiên cứu thực hiện ở cấp xã. Xây dựng và thực hiện quy định về luân chuyển cán bộ, trong đó xác định cụ thể về điều kiện, tiêu chuẩn, đối tượng luân chuyển đào tạo theo quy hoạch và quy trình luân chuyển, bố trí một số chức danh lãnh đạo, quản lý ở cấp huyện không là người địa phương. Lựa chọn cán bộ trong quy hoạch cán bộ chủ chốt, có phẩm chất, năng lực luân chuyển để giữ chức vụ Bí thư, Phó bí thư, Chủ tịch, Phó chủ tịch ủy ban nhân dân các xã, thị trấn. Tiếp tục thực hiện chủ trương tăng thêm một số chức danh lãnh đạo về mặt Đảng, chính quyền ở những địa phương có nhiều khó khăn, hoặc ở những nơi thiếu cán bộ để vừa kết hợp luân chuyển, ĐTBD, vừa tăng cường cán bộ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.
- Huyện ủy Sóc Sơn (2009), Quyết định số 178- QĐ/HU ngày 13/8/2009 của huyện ủy Sóc Sơn về phân cấp quản lý cán bộ.
- Huyện ủy Sóc Sơn (2015), Báo cáo chính trị Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Sóc Sơn lần thứ XI.
- Huyện ủy Sóc Sơn (2015), Báo cáo số 45- BC/HU Ngày 23/03/2015, Tình hình triển khai và kết quả thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 30/5/2014 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015 – 2020.
THE PERSONNEL PLAN OF SOC SON DISTRICT PARTY COMMITTEE, HANOI
Hoa Duc Lam
Police Management Department of Prisons, Educational and Re-education schools
Ministry of Public Security Vietnam
ABSTRACT:
The personnel plan plays a particularly important. If the personnel plan is implemented well, cadres will work more effectively and proactively. A good personnel plan would help organizations overcome the uncertainty of their staff and improve the quality of their officials. When studying the implementation of personnel plans, the Hanoi party committee in general and the Soc Son district party committee in particular has a deep understanding about their cadres’ professional standards and qualifications, political theory level and practical capacity, and about the management capacty of each officer to carry out their personnel plans.
Keywords: Personnel plan, standing committee, Soc Son district committee, cadres.