Lộ trình cắt giảm thuế quan của CPTPP còn đang ở “đầu dốc”, còn tại các FTA khác thì thuế quan đã về sát “chân dốc”. Tuy nhiên, tùy vào cân nhắc những hơn-thiệt về mở rộng thị trường và các lợi thế khác mà doanh nghiệp (DN) có quyền quyết định chọn mẫu C/O mang lại lợi ích thuế quan cao nhất, hoặc dễ chứng minh xuất xứ hàng hóa nhất, hay dễ cung cấp chứng từ nhất. Ghi nhận từ Hội thảo “Hướng dẫn tận dụng lợi ích từ quy tắc xuất xứ tại Hiệp định CPTPP” mới diễn ra ở TPHCM.
Những quy tắc xuất xứ và ngoại lệ hữu ích
Sau khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực với Việt Nam từ 14/1/2019, mối quan tâm trước mắt của giới DN chủ yếu xoay quanh các ưu đãi thuế quan và quy tắc xuất xứ. Hiện Bộ Công Thương đã chuyển các nội dung này thành những hướng dẫn cụ thể tại Thông tư 03/2019/CPTPP-BCT.
Theo đó, điều kiện tiên quyết để DN được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất-nhập khẩu là hàng hóa phải đáp ứng quy tắc xuất xứ (có giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa - C/O). Do đó, những điểm cơ bản DN cần nắm là các quy tắc xuất xứ chung và các thủ tục liên quan đến xuất xứ hàng hóa cùng nhiều phụ lục đi kèm.
Đáng chú ý, CPTPP có cách thức áp dụng cơ chế De Minimis cho hàng hóa nói chung quy định rằng nếu một mặt hàng chứa nguyên liệu không đáp ứng quy tắc xuất xứ, không đáp ứng được quy tắc chuyển đổi mã số hàng hóa và chỉ chiếm 10% trị giá sản phẩm thì mặt hàng ấy vẫn được xem là có xuất xứ CPTPP. Riêng ngành dệt may - một trong những khu vực thế mạnh của Việt Nam và đang đóng vai trò lớn trong giải quyết việc làm cũng như bảo đảm an sinh, xã hội - được áp dụng một cơ chế De Minimis riêng biệt.
Theo ông Vũ Hùng Thịnh - Phó Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), dù quy tắc xuất xứ của CPTPP “có tiếng” là khắt khe hơn các FTA mà Việt Nam đã tham gia nhưng không phải tất cả mặt hàng dệt may đều phải đáp ứng quy tắc xuất xứ. “Các loại trừ gồm có 187 dòng hàng nguyên liệu mà các nước thuộc CPTPP không bảo đảm cung cấp được cho nhau. Nghĩa là DN tại Việt Nam có thể được phép nhập khẩu các nguyên liệu này từ những nước ngoài khối để sản xuất quần áo xuất khẩu và vẫn được xem là đáp ứng quy tắc xuất xứ tại CPTPP để được hưởng ưu đãi thuế quan”.
Đặc biệt, có 3 nhóm hàng được áp dụng quy tắc “một công đoạn”, tức là hàng chỉ cần khâu cuối cùng - cắt may - tại Việt Nam là đủ, gồm: Va li, túi xách, áo lót phụ nữ, quần áo trẻ em bằng sợi tổng hợp.
Ngoài ra, giữa Việt Nam và Mexico còn có thỏa thuận riêng về dệt may. Theo đó, Mexico cho Việt Nam được hưởng một số ưu đãi ở những mặt hàng nhất định, cao hơn cam kết của Mexico tại CPTPP.
Hiện Việt Nam đã có nhiều hiệp định tự do thương mại (FTA) hoặc thỏa thuận kinh tế song phương, đa phương với rất nhiều nước thành viên thuộc CPTPP (Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Brunei…). Trong đó, tại CPTPP, lộ trình cắt giảm thuế quan còn đang ở “đầu dốc”, sau một thời gian dài nữa khung thuế mới giảm dần về 0%. Còn với các FTA khác thì lộ trình giảm thuế đã về sát “chân dốc”. Do đó, trong thời điểm hiện nay, đa số các dòng thuế tại những FTA khác đều thấp hơn mức thuế quan ban đầu của CPTPP. Vì vậy, “DN có quyền chọn mẫu C/O nào mang lại lợi ích thuế quan cao nhất, hoặc mẫu C/O nào giúp DN dễ chứng minh xuất xứ hàng hóa nhất, dễ cung cấp chứng từ nhất”, bà Trịnh Thị Thu Hiền - Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) khuyến nghị.
Hàng “made-in-Vietnam” không chắc được cấp C/O CPTPP
Cũng qua Thông tư 03 nói trên, DN cần nắm vững danh sách các cơ quan, tổ chức được Bộ Công Thương ủy quyền cấp C/O. Bởi trên thực tế sẽ có cùng một mặt hàng khi xuất bán sang hai thị trường khác nhau sẽ do hai cơ quan khác nhau chịu trách nhiệm cấp C/O. Ví dụ, với hàng không ưu đãi thì DN cần đến VCCI, còn với hàng hóa ưu đãi thì DN cần tới Bộ Công Thương hoặc các đơn vị được ủy quyền. “Các nước thành viên CPTPP đã thống nhất C/O ưu đãi để được hưởng thuế quan ưu đãi nên cần được các cơ quan hoặc tổ chức nhà nước đứng ra bảo đảm phát hành”, vị Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa (Bộ Công Thương) giải thích thêm trước “than phiền” của DN khi cùng một mặt hàng dệt may, nhưng xuất bán cho Đài Loan (Trung Quốc) thì C/O do VCCI cấp, còn xuất đi ASEAN lại do Bộ Công Thương thực hiện.
Ngoài ra, khi chọn C/O theo CPTPP, DN cần thực hiện thêm các quy định khác. Ví dụ, phải có trách nhiệm lưu trữ chứng từ về hàng hóa trong ít nhất 5 năm để “phòng xa” khi hải quan nước ngoài yêu cầu kiểm tra xuất xứ (theo Nghị định 31/2018/NĐ-CP).
Do đó, một hành lang pháp lý khác tạo thành “cặp bài trùng” mà DN cần nắm thêm ở đây là Thông tư 39/2018/TT-BCT liên quan đến quy trình trao đổi thông tin và phối hợp “ứng xử” giữa DN với các cơ quan chức năng khi có yêu cầu kiểm tra xác minh xuất xứ từ hải quan nước ngoài. “Khi DN hoặc cơ quan cấp C/O bị đề nghị kiểm tra tức là đã có sự nghi ngờ từ hải quan nước ngoài liên quan tới gian lận xuất xứ. Đáng tiếc là thời điểm hiện nay đây lại là thông tư được “sử dụng” khá nhiều, nhất là trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung khiến một số mặt hàng nông sản mượn xuất xứ của các nước thứ ba… để thâm nhập hai thị trường trên”, Trưởng Phòng Xuất xứ hàng hóa (Bộ Công Thương) Trịnh Thị Thu Hiền cho hay.
Cũng theo nhà quản lý này, DN cần phân biệt rõ sự khác nhau giữa giấy chứng nhận xuất xứ C/O và các tem nhãn “made-in-Việt Nam” trên sản phẩm. Nếu như C/O là cơ sở để hải quan tính thuế xuất - nhập khẩu thì nhãn “made-in-Vietnam” chỉ mới cho thấy Việt Nam là nơi hoàn thiện sản phẩm cuối cùng. Vì vậy, hàng hóa có nhãn này không chắc đáp ứng được quy tắc xuất xứ. “Nếu thương nhân nhập hàng từ một nước thứ ba - ngoài những FTA có Việt Nam tham gia - sau đó dán nhãn ‘made-in-Vietnam”, rồi đề nghị cấp C/O cho hàng hóa này để được ưu đãi xuất khẩu thì đây chính là trường hợp gian lận xuất xứ”.
Nhìn chung, không thể nói quy tắc xuất xứ tại CPTPP là quá “chặt” hay quá “lỏng” bởi cơ chế này được thiết kế rất khác với các FTA trước đây. Nếu là những mặt hàng được khuyến khích bán ra nước ngoài thì những quy định xuất xứ “lỏng” và linh hoạt sẽ có lợi cho các nhà xuất khẩu. Đồng thời, ở những mặt hàng muốn hạn chế nhập khẩu thì quy tắc xuất xứ “chặt” lại là một lợi điểm cho các nhà quản lý kinh tế.