Tham luận tại "Hội nghị tăng cường công tác phòng chống thiên tai và an toàn đập, hồ chứa thủy điện khu vực miền Trung - Tây Nguyên” sáng nay 27/9 tại thành phố Đà Nẵng, ông Phạm Văn Vương - Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình cho biết, công trình Thủy điện Hòa Bình là nhà máy cuối cùng trên bậc thang thủy điện sông Đà, có nhiệm vụ chính là chống lũ cho Thủ đô Hà Nội và vùng đồng bằng sông Hồng. Với dung tích phòng lũ lớn, việc điều tiết vận hành thủy điện Hòa Bình có ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả công tác chống lũ cho Thủ đô Hà Nội và vùng đồng bằng sông Hồng.
Đối với cơn bão số 3 (bão Yagi) vừa qua, thực hiện quy định khi có thông tin dự báo cơn bão số 3 có cường độ mạnh và sẽ gây mưa lớn trên miền Bắc, để chủ động phòng chống lũ, thủy điện Hòa Bình đã chủ động mở cửa xả đầu tiên từ ngày 04/9 (3 ngày trước khi bão đổ bộ vào) để giảm mực nước hồ, tạo thêm dung tích phòng lũ cho hạ du. Trong thời gian mưa lớn trên lưu vực Sông Đà, lưu lượng ra hạ du thủy điện Hòa Bình luôn nhỏ hơn lưu lượng tự nhiên.
Trong quá trình xảy ra lũ trên toàn miền Bắc, công ty đã chủ động đề xuất Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai (PCTT) đóng các cửa xả của thủy điện Hòa Bình, sử dụng dung tích phòng lũ hiện có của hồ Hòa Bình để cắt lũ, giảm nhẹ lũ cho vùng hạ du.
Ông Vương thông tin, trong đợt mưa lũ do ảnh hưởng của cơn bão số 3 vừa qua, Công ty Thủy điện Hòa Bình đã chấp hành và thực hiện việc vận hành hồ chứa đảm bảo an toàn công trình và hạ du đập đúng theo các công điện chỉ đạo. Lũy kế cả năm đến thời điểm hiện tại thủy điện Hòa Bình đã xả qua tràn là 14.546 triệu m3.
Qua công tác điều tiết hồ chứa trong mùa lũ năm nay và đặc biệt là ứng phó với cơn bão số 3, công ty nhận thấy để thực hiện tốt công tác chống lũ cần tuyệt đối tuân thủ quy trình vận hành hồ chứa; Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan dự báo KTTV, sử dụng các hệ thống đo mưa của đơn vị cũng như quốc gia để theo dõi sát diễn biến tình hình mưa lũ trên lưu vực, chủ động tính toán, kịp thời để đề xuất với Ban chỉ đạo quốc gia về PCTT điều tiết chống lũ an toàn cho công trình và hạ du; Phối hợp chặt chẽ với Công ty TNHH vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia (NSMO) vận hành huy động công suất phát trong các thời điểm mực nước hồ dâng cao nhằm tận dụng tối đa nguồn nước, hạn chế xả thừa qua tràn, lãng phí tài nguyên nước; Phối hợp chặt chẽ với địa phương, trong công tác thông báo, cảnh báo;...
Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Thác Bà chia sẻ, cùng với những khu vực các tỉnh miền Bắc chịu ảnh hưởng cơn bão số 3 (bão Yagi), công trình thủy điện Thác Bà đã phải hứng chịu những sự tàn phá khủng khiếp. Đặc biệt, ảnh hưởng hoàn lưu của cơn bão số 3 đã gây mưa lũ trên diện rộng thuộc lưu vực Sông Chảy - Hồ Thác Bà. Đỉnh lũ lên tới trên 5.620m3/s, vượt trên thiết kế của công trình (5.100m3/s), đe dọa đến an toàn của công trình Thủy điện Thác Bà, đến tính mạng, tài sản của nhân dân vùng hạ du trên diện rộng, địa bàn bao gồm nhiều tỉnh thành. Nhờ có dung tích hồ lớn, với lưu lượng nước về thượng nguồn hồ Thác Bà trên 4000m3/s và đặc biệt đỉnh lũ 5.620 m3/s đã được hồ thủy điện Thác Bà ngăn lại để điều tiết và công trình thủy điện Thác Bà chỉ phải xả xuống hạ du với lưu lượng 3.200m3/s.
Nhờ có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, công trình thủy điện Thác Bà đã thực hiện điều tiết thành công cơn lũ lịch sử, đảm bảo an toàn công trình, góp phần giảm bớt thiệt hại do mưa lũ gây ra cho vùng hạ du cũng như công trình, nhà máy, hồ chứa Thủy điện Thác Bà.
Ông Nguyễn Mạnh Cường đã chia sẻ một số kinh nghiệm thực tiễn trong công tác vận hành hồ chứa. Đó là sự quản lý, vận hành thiết bị đảm bảo các tổ máy vận hành an toàn, liên tục, kinh tế. Tăng cường duy trì đội công tác đi kiểm tra đập chính và tất cả các đập phụ trong mùa mưa lũ và khi mức nước hồ lên cao đảm bảo an toàn. Thực hiện công tác quan trắc, đo thấm, lún các đập phụ, đo chuyển dịch đập chính theo quy định.
Do đặc thù của vùng hồ Thác Bà có rất nhiều dân cư sinh sống nên hàng năm Công ty rà soát Quy chế phối hợp với các huyện Yên Bình và Lục Yên và các xã có địa bàn giáp ranh với hồ Thác Bà; Quy chế phối với Công an tỉnh Yên Bái về quản lý, bảo vệ đập và vùng hồ để lập biên bản các vụ vi phạm lấn chiếm lòng hồ, vi phạm đập để báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý. Trung bình mỗi năm tổ chức 1 buổi tuyên truyền tới nhân dân các xã, thị trấn về bảo vệ lòng hồ (tổ chức theo từng cụm các xã, thị trấn tùy theo địa bàn cụ thể). Bên cạnh đó, hoàn thành kiểm tra tổng thể thiết bị, công trình, nhà máy, thiết bị trạm, thông tin liên lạc, đập chính và các đập phụ trước mùa mưa bão hàng năm.
Theo ông Lưu Khánh Toàn - Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La, bão số 3 đã đổ bộ vào các tỉnh phía Bắc, gây ra lượng mưa lớn bất thường trên lưu vực sông Đà. Tại khu vực hồ chứa Sơn La và Lai Châu, lượng mưa lớn từ cơn bão đã làm mực nước dâng nhanh, tạo ra áp lực lớn đối với công tác điều tiết lũ và an toàn đập.
Trong suốt quá trình bão số 3 diễn ra, Công ty Thủy điện Sơn La đã tăng cường lực lượng trực tại chỗ theo phương án được duyệt, tăng cường công tác theo dõi khí tượng thủy văn, phối hợp chặt chẽ với A0 và các cơ quan chức năng, bao gồm Ban chỉ đạo PCTT&TKCN của các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu và các đơn vị liên quan để triển khai các biện pháp ứng phó khẩn cấp, bảo đảm an toàn cho người dân vùng hạ du và giảm thiểu thiệt hại về tài sản.
"Để đối phó với ảnh hưởng của bão Yagi, Công ty đã đề xuất A0 vận hành cân bằng theo nước về hồ Lai Châu, Sơn La để giảm lưu lượng về hồ Hòa Bình và đã đề xuất với Tập đoàn điện lực Việt Nam áp dụng phương án vận hành linh hoạt hồ chứa. Việc điều chỉnh mực nước trước lũ kịp thời, xả lũ có kiểm soát và nâng mực nước hồ chứa thủy điện Sơn La lên cao hơn mực nước dâng bình thường đã giúp giảm thiểu áp lực lên đập thủy điện Hòa Bình đảm bảo
không vượt quá mực nước dâng bình thường để cắt lũ cho đồng bằng Bắc Bộ", ông Lưu Khánh Toàn nói và cho biết thêm, đảm bảo công tác vận hành hồ chứa đảm bảo an toàn đập, hồ chứa trong mùa lũ năm 2024. Công ty thủy điện Sơn La luôn tuân thủ, thực hiện nghiêm các quy định.