Đại học doanh nghiệp - Mô hình phát triển bền vững giáo dục đại học tại Việt Nam hiện nay

ThS. NGUYỄN THỊ PHƯƠNG THẢO (Khoa Quản lý - Luật Kinh tế, Đại học Kinh tế & Quản trị kinh doanh, Đại học Thái Nguyên)

TÓM TẮT:

Trong bối cảnh hiện nay, mô hình giáo dục đại học - doanh nghiệp được nhiều nhà nghiên cứu, giáo dục đặc biệt quan tâm, nhằm thu hút học viên tham gia cũng như đáp ứng chất lượng đầu ra theo nhu cầu thực tế của xã hội.

Bài viết nghiên cứu về một số mô hình đại học - doanh nghiệp trên thế giới và phân tích những lợi ích khi đưa tư duy doanh nghiệp vào quản trị đại học. Từ đó, tác giả cũng đề xuất một số loại hình liên kết nhằm phát triển mô hình này tại Việt Nam.

Từ khóa: Giáo dục, quản trị đại học, giáo dục đại học, đại học doanh nghiệp, Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động đến toàn cầu trên nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục. Điều này đã đặt ra các cơ hội và thách thức đối với việc quản trị đại học của các trường đại học trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Chính vì vậy, Chính phủ Việt Nam đã triển khai thực hiện chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo về đổi mới mô hình, khuyến khích các trường đại học tự chủ, đổi mới phương pháp nhằm phù hợp với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp này.

Một nghịch lý trong giáo dục đại học đang tồn tại là sinh viên ra trường không tìm được việc làm trong khi các doanh nghiệp (DN) lại không tuyển được lao động sau đào tạo. Nguyên nhân là do việc đào tạo trong nhà trường chưa gắn với nhu cầu xã hội, sinh viên sau khi tốt nghiệp thiếu nhiều kỹ năng mềm. Do đó, để giải quyết vấn đề này, nhà trường và DN cần phối hợp với nhau trong việc đào tạo nhằm đảm bảo lợi ích của cả nhà trường và doanh nghiệp, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội và phát triển năng lực con người.

Nhận thức được tầm quan trọng của mô hình đại học doanh nghiệp trong phát triển bền vững giáo dục đại học ở Việt Nam, tác giả đã tiến hành nghiên cứu đề tài “Đại học doanh nghiệp - mô hình phát triển bền vững giáo dục đại học tại Việt Nam hiện nay”.

2. Những lợi ích khi đưa tư duy doanh nghiệp vào quản trị đại học

2.1. Tự chủ để phát triển giáo dục đại học

Tự chủ đại học là giải pháp cơ bản để phát triển giáo dục đại học Việt Nam theo hướng bền vững và hội nhập. Tự chủ đại học không có nghĩa là các trường đại học nằm ngoài sự kiểm soát của Nhà nước, mà là giao quyền quyết định chính cho phía nhà trường. Vì vậy, các trường phải tự chịu trách nhiệm về các hoạt động trước cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp, trước pháp luật, trước cộng đồng xã hội; và với chính nhà trường về các mặt liên quan đến phạm vi được trao quyền tự chủ. Mức độ tự chủ càng lớn thì trường đại học phải tự chịu trách nhiệm càng cao, chất lượng mọi mặt hoạt động phải được cải tiến một cách tuyến tính so với mức độ tự chủ được trao.

Chủ trương giao tự chủ cho các trường cũng là một giải pháp quy hoạch mạng lưới một cách tự nhiên. Trong đó, mỗi trường phải chủ động nghiên cứu thị trường, từ đó có những điều chỉnh về nội dung, giáo trình, ngành nghề đào tạo cho phù hợp. Khi tự chủ, các trường chủ động kiểm soát được các hoạt động sẽ phát triển tốt, nếu các trường không tìm kiếm được nguồn tuyển sinh, yếu kém trong quản lý sẽ phải tự giải thể.

2.2. Thay đổi phương thức quản trị trường đại học

Từ việc xác định tự chủ đại học dẫn đến cần phải thay đổi phương thức quản trị đại học, tức là mức độ quản lý của Nhà nước đối với các cơ sở giáo dục đại học sẽ thấp xuống. Tuy nhiên, hiện nay, các trường đại học Việt Nam có mức độ tự chủ thấp, một trong những nguyên nhân chính là sự can thiệp sâu của Nhà nước đối với giáo dục đại học, bao gồm: phân bổ ngân sách; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất; quyết định mở ngành đào tạo; khung chương trình hay mức học phí và tổ chức nhân sự.

Theo đó, Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ nên xây dựng chính sách, hành lang pháp lý, chứ không nên làm thay và can thiệp vào công việc nội bộ của các trường. Hơn hết, cũng cần củng cố và xác lập vai trò chủ đạo của Nhà nước trong việc đầu tư và hỗ trợ, trên cơ sở trao quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội cho các trường, Nhà nước chỉ có vai trò giám sát.

2.3. Vận dụng tư duy doanh nghiệp vào quản trị trường đại học

Thứ nhất, mô hình đại học - doanh nghiệp cho phép các trường đại học được quyền tự chủ lớn, linh hoạt, mềm dẻo, có tính thích nghi cao, gắn chặt với thực tiễn sản xuất và xã hội. Nhà nước chỉ quản lý các vấn đề về cấp ngân sách và thanh tra - kiểm tra chất lượng đào tạo của nhà trường. Quyền quản lý đào tạo được chuyển giao cho mỗi địa phương với các tính chất đặc thù, tuy nhiên quyền quyết định chính vẫn thuộc về phía nhà trường. Đây là cơ hội để các trường chủ động phát huy thế mạnh, gắn đào tạo với thực tiễn phát triển của địa phương, khu vực và quốc tế, gắn đào tạo với sản xuất kinh doanh nhằm đảm bảo đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng và tạo ra giá trị kinh tế.

Thứ hai, một bước tiến quan trọng về thể chế quản lý giáo dục đại học là việc thành lập hội đồng trường đối với trường đại học công lập, hội đồng quản trị đối với trường đại học tư thục. Đây là tổ chức chịu trách nhiệm quyết định về phương hướng hoạt động của nhà trường, huy động và giám sát việc sử dụng các nguồn lực dành cho trường, gắn nhà trường với cộng đồng và xã hội, bảo đảm thực hiện mục tiêu giáo dục.

Do đó, hội đồng nhà trường cần đảm bảo tính minh bạch cao, đặc biệt là việc giám sát hoạt động của ban giám hiệu. Việc phân quyền quản lý trong trường đại học cần khai thác thế mạnh của từng cá nhân, tổ chức trong các bộ phận - đây được xem là một giải pháp hiệu quả thay vì chỉ tập trung ở một bộ phận của trường đại học hoặc ban giám hiệu.

Mối quan hệ thường xuyên giữa nhà tuyển dụng và trường đại học đảm bảo gắn kết được thực tiễn với tri thức khoa học hàn lâm, phát huy và tận dụng được nguồn lực từ xã hội. Các đơn vị này có nhiệm vụ thực hiện chuyển giao công nghệ, tạo ra các sản phẩm trí tuệ, sử dụng các thành tựu nghiên cứu của trường đại học để tạo ra giá trị kinh tế cho nhà trường và xã hội.

3. Một số mô hình liên kết đào tạo đại học - doanh nghiệp trên thế giới

3.1. Mô hình giáo dục đại học Hoa Kỳ

Mô hình giáo dục đại học Hoa Kỳ với đặc trưng là quyền tự trị, đa dạng, phong phú, mềm dẻo, có tính thích nghi cao và gắn chặt với thực tiễn sản xuất và xã hội. Quyền quản lý giáo dục đại học không thuộc về Chính phủ Mỹ mà thuộc quyền quản lý của mỗi bang. Tuy nhiên, quyền quản lý chính thuộc về các trường đại học trong mọi việc, bao gồm cả thuê mướn, tuyển dụng, sa thải giảng viên, nhân viên. Riêng các trường tư nhân (chiếm gần một nửa trong số 3.500 trường đại học, cao đẳng ở Hoa Kỳ), quyền tự trị của họ còn lớn hơn nhiều [1].

Nền đại học của Mỹ chịu nhiều ảnh hưởng của các trường đại học Anh về các ngành học nhân văn và của các trường đại học Đức về việc nghiên cứu, đào tạo sau đại học và đào tạo chuyên ngành. Do đó, trong chương trình đào tạo của Hoa Kỳ thường bao gồm giáo dục đại cương, các môn tự chọn, các môn học bắt buộc và hệ thống tín chỉ xuyên suốt trong mô hình đào tạo.

Có thể thấy, giáo dục đại học Hoa Kỳ tóm gọn trong 5 đặc điểm dẫn đến thành công là: i) Mang tính cạnh tranh rất cao; ii) Thực hiện tốt việc kiểm soát giáo dục; iii) Đề ra các mục tiêu rất cụ thể; iv) Chú trọng việc đánh giá chất lượng giảng dạy và đề cao trách nhiệm của giảng viên; v) Chú trọng công tác kiểm định giáo dục.

3.2. Mô hình Kosen của Nhật Bản

Viện Cao đẳng Kỹ thuật (Kosen) được thành lập từ năm 1961, nhằm đáp ứng yêu cầu nhân lực cho lĩnh vực sản xuất công nghiệp, trước sự phát triển nhanh chóng ở những năm 60 của thế kỷ trước. Năm 1962, Kosen được thành lập với 12 trường con và tăng nhanh đến con số 43 vào năm 1965. Hai trường Đại học Kỹ thuật quốc gia (Technology Nagaoka và Toyohashi) được thành lập vào năm 1976, để phục vụ những sinh viên tốt nghiệp Kosen có mong muốn tiếp tục học tiếp ở các trình độ cao hơn. Hiện nay, số cơ sở đào tạo Kosen là 57 cơ sở với khoảng 300.000 sinh viên tốt nghiệp đang làm việc tại các cơ sở sản xuất, nghiên cứu và phát triển sản phẩm trên khắp Nhật Bản.

Kosen có đội ngũ giảng viên chất lượng rất cao (hơn 80% giảng viên chuyên ngành có học vị tiến sĩ). Quy mô lớp học nhỏ (tối đa 14 học viên/lớp), đảm bảo việc tăng sự tương tác với sinh viên trong quá trình giảng dạy. Trong hệ thống Kosen, nhiều cuộc thi của sinh viên được tổ chức như: cuộc thi chế tạo robot, thi lập trình, thi thiết kế..., nhằm thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên. Chất lượng đào tại các trường Kosen được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao, phản ánh thông qua chỉ số đề xuất vị trí việc làm từ phía nhà tuyển dụng, trung bình từ 15 - 20 vị trí việc làm cho một sinh viên ngay sau khi tốt nghiệp.

Chương trình đào tạo kỹ sư của Kosen kéo dài 5 năm cho học viên có độ tuổi từ 15 tuổi với văn bằng được JABEE (Tổ chức cấp phép đào tạo kỹ sư của Nhật) cấp phép. Việc nhận học viên sau khi kết thúc trung học cơ sở (ở độ tuổi 15) kết hợp với nội dung đào tạo khoa học, định hướng thực hành, mở rộng nghiên cứu và bắt buộc tham dự môi trường sinh sống tập trung trong ký túc xá đã giúp học sinh có kỹ năng nghề nghiệp rất tốt, tinh thần làm việc cao và trách nhiệm xã hội.

4. Đề xuất một số mô hình liên kết đào tạo đại học - doanh nghiệp nên áp dụng tại Việt Nam

Gắn kết giữa trường đại học với doanh nghiệp trong đào tạo đại học là xu hướng chung của thế giới hiện nay, nhất là với Việt Nam đang cần nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn và chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế đất nước, giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc. Do đó, dựa trên các tài liệu nghiên cứu và tìm hiểu một số trường đại học có các mô hình liên kết chuyển giao tri thức giữa đào tạo nghiên cứu tại trường và ứng dụng thực tế ở các doanh nghiệp, tác giả đề xuất áp dụng một số mô hình liên kết như sau:

- Xây dựng chương trình đào tạo dựa trên nhu cầu doanh nghiệp: Bắt nguồn từ phương pháp đào tạo theo vấn đề Aalborg do Trường Đại học Aalborg (Đan Mạch) đưa ra, nhằm thu hút doanh nghiệp tham gia vào các dự án của sinh viên và từ đó hình thành nên các nhu cầu đào tạo theo thực tế DN cần. Đây là mô hình phù hợp với các ngành kinh tế vì thường chỉ giải quyết một vấn đề liên quan đến công ty theo xu hướng biến đổi kinh tế xã hội hiện thời. Chương trình đào tạo chia ra làm hai phần: kiến thức nền tảng và kiến thức mô hình thực tế. Sự cân bằng hai khối kiến thức này sẽ giúp sinh viên vừa có kiến thức cơ bản vừa có những kỹ năng nghề nghiệp.

- Thành lập và xây dựng mạng lưới liên kết với doanh nghiệp liên quan: Bắt nguồn từ mô hình liên kết của Đại học Madrid (Tây Ban Nha) nhằm xây dựng mạng lưới các DN có các thành tố cựu sinh viên, mối quan hệ lãnh đạo, DN hoặc hình thành các trung tâm phát triển hợp tác DN.

- Xây dựng bộ phận phát triển nghề nghiệp liên tục: Mô hình được triển khai tại Đại học Babes - Bolyai (Rumani) hình thành bộ phận phát triển nghề nghiệp - đào tạo nâng cao. Bộ phận này có nhiệm vụ thiết kế các chương trình đào tạo gắn với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp theo hình thức chính quy, bán chính quy và đào tạo từ xa.

- Liên kết hợp tác nghiên cứu giữa đại học - doanh nghiệp - chính quyền địa phương: Xuất phát từ Đại học Madrid (Bồ Đào Nha), Đại học Babes - Bolyai (Rumani) trong việc thương mại hóa khoa học công nghệ. Hoạt động thương mại hóa nghiên cứu khoa học - công nghệ sẽ giúp tạo ra nguồn lực tài chính tài trợ cho các đề tài nghiên cứu và đẩy nhanh quá trình chuyển giao khoa học - công nghệ đến nơi cần đến, như: các DN, các cơ quan công quyền ở các tỉnh thành.

- Phân quyền quản lý trong đại học: Đối với các trường đại học có quy mô lớn nhiều khoa, việc xây dựng mối liên kết với các doanh nghiệp nên giao nhiệm vụ về từng bộ môn. Mô hình này rất thành công ở Đại học Ulsan (Hàn Quốc), Đại học Tulsa (Oklahoma, Mỹ). Thông thường, họ hay mời các doanh nghiệp có lĩnh vực kinh doanh liên quan đến từng chuyên ngành đào tạo về từng khoa/bộ môn để trình bày, cũng như cung cấp thông tin về các cơ hội việc làm cho sinh viên thay vì tổ chức các Ngày hội Công ty (Company Day) cho các sinh viên sắp tốt nghiệp ra trường. Những buổi báo cáo này được xem như là các khóa học bổ sung vào chương trình đào tạo chính khóa.

- Tổ chức hội thảo khoa học - Doanh nghiệp: Hình thành các diễn đàn trao đổi hay các buổi hội thảo khoa học có sự tham gia của giảng viên, các nhà khoa học nghiên cứu độc lập, doanh nghiệp và cựu sinh viên là một trong những phương pháp rất hiệu quả để liên kết giữa đại học và doanh nghiệp.

- Thành lập doanh nghiệp thuộc khoa: Cho phép các khoa thành lập các DN nghiên cứu con hoặc phòng thí nghiệm dịch vụ dưới sự quản lý của khoa là một trong những yếu tố đặc trưng của đại học tiên tiến. Do đó, sự đóng góp vào mối liên kết trường học và DN từ các giảng viên mới mang tính tích cực chủ động.

- Chương trình huấn luyện nghề nghiệp - Company Day: Xuất phát từ Đại học Surrey (UK) nhằm xây dựng một chương trình huấn luyện nghề nghiệp cho sinh viên ngay từ năm thứ 3. Theo đó, các sinh viên năm 3 sẽ được nhà trường chọn lọc gửi đi đến các DN theo đúng chuyên môn đang theo học dưới sự hướng dẫn và hỗ trợ của các trợ giảng cấp cao (người của doanh nghiệp) có hiểu biết và kiến thức về lĩnh vực nghề nghiệp chuyên môn, và được tính như một tín chỉ phải hoàn thành trước khi bước vào năm cuối.

5. Một số khuyến nghị nhằm phát triển mô hình đại học doanh nghiệp tại Việt Nam

Thứ nhất, cần đổi mới và tăng cường công tác quản lý nhà nước để định hướng, khuyến khích và hỗ trợ sự gắn kết bền vững giữa nhà trường và doanh nghiệp. Nhà nước cần có chính sách, cơ chế phối hợp chặt chẽ về nguồn nhân lực giữa nhà trường và DN. Tăng quyền tự chủ cho các trường, chủ động về quy mô đào tạo, hình thức tuyển sinh, xây dựng chương trình đào tạo, thu chi nguồn tài chính.

Thứ hai, thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục bằng việc liên kết về tài chính và cơ sở vật chất. Nhà trường muốn có nguồn tài chính dồi dào, ngoài nguồn ngân sách nhà nước và học phí của học viên, cần phải thực hiện tốt công tác xã hội hóa dựa vào doanh nghiệp và nhà tài trợ thông qua các hình thức: học bổng cho sinh viên học giỏi hoặc sinh viên nghèo vượt khó, cung cấp nguồn nhân lực cho công tác giảng dạy, hợp đồng nghiên cứu khoa học. Ngược lại, DN hỗ trợ tài chính, cơ sở vật chất bằng các cách như: tặng học bổng cho sinh viên, ký kết các hợp đồng tư vấn, nghiên cứu khoa học; đồng thời thành lập các công ty, khu công nghệ, khu thực hành, giảng đường, phòng thí nghiệm, trang thiết bị cho giảng dạy và học tập.

Thứ ba, cần gắn kết với DN trong việc xây dựng chương trình đào tạo nhằm nâng cao năng lực đào tạo, xây dựng chuẩn đầu ra cho người học. Thực hiện tốt phương châm: Đào tạo những gì xã hội cần chứ không đào tạo những gì nhà trường có. Do đó, phương pháp, giáo trình, tài liệu, cách kết nối của các trường phải thay đổi, trở thành nơi người học thu nhận, rèn luyện bổ sung kiến thức và cá nhân người học tự quyết định và cảm nhận.

Thứ tư, DN cần tạo điều kiện tiếp nhận các giảng viên học tập, trao đổi kinh nghiệm và những vấn đề giữa chương trình đào tạo và yêu cầu thực tế. Đẩy mạnh mô hình hợp tác thông qua gắn kết việc điều hành nhân sự và tham gia quá trình đào tạo, bằng cách ưu tiên tuyển dụng những giảng viên có kinh nghiệm làm việc trong các doanh nghiệp, xây dựng tiêu chuẩn đứng lớp đối với giảng viên - như căn cứ vào trình độ chuyên môn, chuyên ngành, kinh nghiệm thực tế.

Doanh nghiệp tham gia góp ý kiến về xây dựng, đánh giá và cải tiến chương trình đào tạo thông qua việc cung cấp thông tin, phản biện nội dung, từ đó giúp nhà trường có thể chỉnh sửa cho phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, cử các chuyên gia, kỹ sư, tham gia trực tiếp giảng dạy, hướng dẫn thực hành. Trong và sau quá trình đào tạo cần kiểm tra chặt chẽ, sâu sát chất lượng của sinh viên qua việc thực hiện phương pháp đánh giá từ bên ngoài (người sử dụng lao động) kết hợp với đánh giá bên trong (nhà trường).

Thứ năm, đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu khoa học và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, nhằm hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu của nhà trường, thực hiện các dự án liên kết mà nhà trường và DN cùng tiến hành. Nhà trường cần chủ động giới thiệu với các DN những chương trình nghiên cứu có khả năng đem lại lợi ích trực tiếp cho DN, từ đó hai bên cùng công bố các phát minh, đồng sở hữu và khai thác danh mục, các bằng sáng chế, bản quyền.

Thứ sáu, tăng cường chặt chẽ hơn mối quan hệ giữa cựu sinh viên với nhà trường, tạo cơ chế để những cựu sinh viên đang làm việc tại doanh nghiệp liên hệ thường xuyên với nhà trường, có thể tổ chức những buổi hội thảo trao đổi kinh nghiệm giữa lý thuyết với thực tiễn. Qua sự liên kết này, nhà trường sẽ cải tiến chương trình đào tạo theo từng thời điểm sao cho phù hợp với nhu cầu của DN. 

6. Kết luận

Việc áp dụng mô hình đại học doanh nghiệp là vô cùng cần thiết trong bối cảnh xã hội hiện nay. Do đó, cần huy động tối đa sự tham gia của các DN vào việc xác định nhu cầu, xây dựng, đánh giá chương trình đào tạo và thiết lập chuẩn đầu ra, hỗ trợ trong việc bố trí chỗ thực tập và tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp; triển khai tích cực việc ký kết các hợp đồng, thỏa thuận đào tạo, sử dụng nhân lực; tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề giữa DN và sinh viên theo các chuyên ngành cụ thể.

Đồng thời mở rộng các hình thức, nội dung liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo, sử dụng nhân lực và nghiên cứu chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, để giải quyết bài toán về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của DN và xã hội hiện nay thì không thể thay đổi ngay được, do cần phải đồng bộ ở nhiều phương diện khác nhau, như: Đơn vị đào tạo nghề, người học nghề, người lao động, đơn vị sử dụng lao động và sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, các tổ chức quốc tế và tầm nhìn của các doanh nghiệp trong chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Tạo ra được sự kết hợp bền vững giữa nhà trường và DN, giải quyết được nhu cầu lợi ích cốt lõi của hai bên sẽ giúp công tác đào tạo nguồn nhân lực trở nên hiệu quả hơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Hữu Dũng (2018), “Mô hình gắn kết giữa trường đại học với doanh nghiệp trong đào tạo đại học ở nước ta”, Tạp chí Cộng sản. http://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/chi-tiet-tim-kiem/-/2018/52665/mo-hinh-gan-ket-giua-truong-%C4%91ai-hoc-voi-doanh-nghiep-trong-%C4%91ao-tao-%C4%91ai-hoc-o-nuoc-ta.aspx, truy cập ngày 10/2/2020.
  2. Nguyễn Văn Cường (2012), Tổng quan hệ thống giáo dục CHLB Đức, http://www.spnttw.edu.vn/articledetail. aspx?articleid=1823&sitepageid=671, truy cập ngày 10/2/2020.
  3. Trần Khánh Đức (2012), Giáo dục Đại học Việt Nam và thế giới, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
  4. TS. Phạm Hoàng Tú Linh (2019), “Mô hình liên kết đào tạo giữa trường đại học với doanh nghiệp trước bối cảnh tự chủ đại học và hội nhập quốc tế”. Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc gia về quản lý nhà nước đối với giáo dục đại học: Kinh nghiệm Trung Quốc và khuyến nghị đối với Việt Nam, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, 21/8/2019, NXB Lao động - Xã hội, 43 - 60.

HIGHER EDUCATION BUSINESS MODEL

- A SUSTAINABLE MODEL FOR HIGHER EDUCATION

DEVELOPMENT IN VIETNAM

● Master. NGUYEN THI PHUONG THAO

Faculty of Management – Economic Law

University of Economics & Business Administration

Thai Nguyen University

ABSTRACT:

In the current context, the higher education business model is particularly interested by many researchers and educators as this model can attract many students while meeting actual needs of society and enterprises for quality of graduates. This article examines a number of higher education business models in the world and analyzes the benefits of bringing business thinking into higher education governance, thereby proposing some linking models for developing the higher education business model in Vietnam.

Keywords: Education, governance.