Đảm bảo chất lượng đào tạo tại khoa Kế toán Kiểm toán - Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp

Bài báo Đảm bảo chất lượng đào tạo tại khoa Kế toán Kiểm toán - Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp do Nguyễn Thị Ngọc Lan (Khoa Kế toán Kiểm toán, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp) thực hiện.

TÓM TẮT:

Trong những năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn dành sự ưu tiên, tập trung chỉ đạo việc thực hiện hiện nhiệm vụ trọng tâm của công tác giáo dục đại học theo hướng đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4. Với chức năng của Khoa chuyên môn, Khoa Kế toán Kiểm toán, Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật Công nghiệp luôn đặt nhiệm vụ đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Nội dung bài viết sẽ phân tích thực trạng, những vấn đề còn tồn tại để đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo và đảm bảo chất lượng tại Khoa Kế toán Kiểm toán, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp.

Từ khóa: chất lượng đào tạo, Khoa Kế toán Kiểm toán, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp.

1. Thực trạng hoạt động đào tạo và đảm bảo chất lượng tại Khoa Kế toán Kiểm toán, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp

Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp (ĐH KT-KT CN) được thành lập theo Quyết định số 1026/QĐ-TTg ngày 11 tháng 9 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp I (tiền thân là Trường Trung cấp Kỹ thuật III ra đời từ năm 1956). Trải qua gần 70 năm xây dựng và phát triển, Nhà trường đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép hoạt động theo cơ chế tự chủ (Quyết định số 618/QĐ-TTg ngày 8/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của trường ĐH KT-KT CN). Trong quá trình xây dựng và phát triển, Trường ĐH KT-KT CN đã đóng góp nguồn nhân lực đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Cùng với quá trình xây dựng và phát triển của Trường ĐH KT-KT CN, Khoa Kế toán Kiểm toán đã có nhiều những đóng góp thiết thực vào sự phát triển của Nhà trường. Hiện nay, Khoa đã và đang là một địa chỉ đào tạo nhân lực có uy tín và chất lượng. Hàng năm, Khoa Kế toán Kiểm toán cung cấp cho thị trường lao động một nguồn nhân lực đông đảo các cử nhân kế toán đáp ứng yêu cầu cho sự phát triển của ngành Kế toán - Kiểm toán Việt Nam trong giai đoạn mới của nền kinh tế đất nước.

1.1. Hoạt động đào tạo

Thực hiện mục tiêu xây dựng Trường ĐH KT-KT CN trở thành trường đại học theo định hướng ứng dụng có vị thế và uy tín của Bộ Công Thương, Khoa Kế toán Kiểm toán luôn nỗ lực không ngừng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo góp phần thực hiện mục tiêu của Nhà trường. Để làm được điều đó, Khoa luôn chú trọng xây dựng và phát triển chương trình đào tạo (CTĐT) đáp ứng yêu cầu xã hội. Tính đến thời điểm hiện tại, Khoa đang thực hiện đào tạo 2 Chương trình Đại học và 1 Chương trình Thạc sĩ. CTĐT được xây dựng theo định hướng ứng dụng, nhằm mục tiêu đáp ứng nhu cầu xã hội, phù hợp với xu thế chuyển đổi số của nền kinh tế, cũng như trong lĩnh vực nghề nghiệp kế toán kiểm toán.  

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn những tồn tại trong hoạt động đào tạo tại Khoa Kế toán Kiểm toán như sau:

Thứ nhất: Chương trình đào tạo

Với mục tiêu đào tạo đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng thì việc tham gia của doanh nghiệp (DN) trong quá trình đào tạo rất quan trong. Khoa Kế toán Kiểm toán luôn chú trọng đến nội dung này, tuy nhiên kế hoạch hợp tác trong đào tạo với các DN còn ngắn hạn, các học phần chuyên ngành có sự tham gia trực tiếp và đánh giá của DN trong đào tạo chưa bao phủ được đến tất cả các sinh viên. Bên cạnh đó, CTĐT chưa có sự đột phá, khác biệt rõ nét.

Thứ hai: Phương pháp giảng dạy

Phương pháp giảng dạy là nhân tố quan trọng trong quá trình thực thi CTĐT. Phương pháp giảng dạy phù hợp, khoa học sẽ phát huy hiệu quả và truyền tải được mục tiêu của CTĐT. Trong những năm qua, Khoa Kế toán Kiểm toán luôn quan tâm đến việc thường xuyên đổi mới phương pháp giảng dạy, tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số ít giảng viên (GV) có phương pháp giảng dạy chưa thật sự hiệu quả, chưa thu hút được sinh viên trong mỗi tiết giảng, chưa phát huy tính tự học, khả năng tư duy, sáng tạo của sinh viên.  

Thứ ba: Học liệu phục vụ giảng dạy:

Học liệu phục vụ giảng dạy cũng là một trong những nhân tố quan trọng nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Mặc dù đã cố gắng nỗ lực nghiên cứu, biên soạn nhưng hiện nay số lượng giáo trình chưa tương xứng với đội ngũ GV có trình độ tiến sĩ tại khoa; chưa biên soạn được các giáo trình phục vụ giảng dạy trình độ thạc sĩ.

1.2. Hoạt động đảm bảo chất lượng

Nhận thức được vai trò của công tác đảm bảo chất lượng (ĐBCL) trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, thời gian qua, Khoa Kế toán Kiểm toán đã không ngừng nỗ lực nâng cao hiệu quả công tác ĐBCL. Với vai trò là đơn vị chuyên môn, Khoa luôn coi trọng công tác rà soát, điều chỉnh CTĐT; giám sát, phân tích đánh giá kết quả giảng dạy của GV để cải tiến nội dung, phương pháp giảng dạy và phương pháp kiểm tra đánh giá.Khoa Kế toán kiểm toán luôn là một trong những khoa đi đầu trong công tác kiểm định chất lượng. CTĐT ngành Kế toán là một trong những CTĐT đầu tiên của Nhà trường được cấp giấy chứng nhận Kiểm định chất lượng đào tạo vào năm 2019 của Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục thuộc Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam. Năm học 2024 - 2025, chương trình đào tạo ngành Kế toán của Khoa tiếp tục thực hiện kiểm định theo Bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng của mạng lưới Các trường đại học ASEAN (AUN- QA).

2. Các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và nâng cao hiệu quả hoạt động đảm bảo chất lượng tại Khoa Kế toán Kiểm toán, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp

Để nâng cao chất lượng đào tạo và nâng cao hiệu quả hoạt động đảm bảo chất lượng, Khoa Kế toán Kiểm toán cần quan tâm đến các giải pháp như sau:

2.1. Hoạt động đào tạo

Thứ nhất: Về chương trình đào tạo

- Nội dung CTĐT cần phải có sự điều chỉnh theo xu hướng đào tạo những gì xã hội cần; xây dựng nội dung phối hợp dài hạn với doanh nghiệp trong đào tạo, tiếp tục tìm kiếm các DN đáp ứng đủ các điều kiện có thể kết hợp dài hạn với khoa trong công tác đào tạo, hướng tới mục tiêu 100%  SV được tham gia các học phần có sự phối hợp với DN cũng như tạo cơ hội cho SV tìm được việc làm trước khi tốt nghiệp.  

- Kết hợp với các tổ chức nghề nghiệp quốc tế xây dựng CTĐT tích hợp chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế cho CTĐT lớp chất lượng.

Thứ hai: Về phương pháp giảng dạy

-  GV cần phải chuyển từ phương phương pháp giảng dạy phổ biến kiến thức sang dạy cách học, dạy cách tư duy.

- Ứng dụng công nghệ mới trong giảng dạy

- Áp dụng linh hoạt và đa dạng phương pháp giảng dạy; phát huy tính chủ động của người học, lấy người học làm trung tâm.

Thứ ba: Về học liệu phục vụ giảng dạy

-  Khuyến khích giảng viên đăng ký biên soạn giáo trình phục vụ giảng dạy trình độ thạc sĩ.

- Mời các nhà khoa học, giảng viên có trình độ cao cùng tham gia biên soạn, tư vấn giáo trình.

2.2. Hoạt động đảm bảo chất lượng

- Thứ nhất, xác định ĐBCL phải luôn được coi là hoạt động thường xuyên, Khoa phải luôn chủ động trong việc thực hiện các hoạt động ĐBCL, hướng tới tiêu chuẩn ĐBCL quốc tế.

- Thứ hai, xây dựng quy trình ĐBCL một cách chi tiết, rõ ràng (bao gồm các hoạt động giám sát, công cụ kiểm tra, đánh giá cũng như cải tiến chất lượng) đối với các hoạt động tại Khoa.

- Thứ ba, tin học hóa các hoạt động và số hóa cơ sở dữ liệu phục vụ công tác đảm bảo chất lượng tại khoa và Nhà trường.

- Thứ tư, nâng cao nhận thức của giảng viên về công tác đảm bảo chất lượng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

[1]. Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp ( 2019), Báo cáo tự đánh giá Chương trình đào tạo ngành Kế toán.

[2]. Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp ( 2021), Chiến lược Phát triển Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp giai đoạn 2021- 2025, tầm nhìn 2030.

[3]. Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp ( 2024), Chương trình Đào tạo ngành Kế toán, ngành Kiểm toán.

Ensuring the training quality of the Faculty of Accounting - Auditing at the University of Economics and Technology for Industries

Nguyen Thi Ngoc Lan

Faculty of Accounting - Auditing

University of Economics - Technology for Industries

Abstract:

In recent years, the Ministry of Education and Training has prioritized the advancement of higher education to develop a workforce that meets the demands of the Fourth Industrial Revolution. As a key academic unit, the Faculty of Accounting - Auditing at the University of Economics and Technology for Industries remains committed to ensuring and enhancing training quality as a top priority. This study examines the current state of training activities within the faculty, identifies existing challenges, and proposes strategic solutions to improve educational quality and effectiveness.

Keywords: training quality, Faculty of Accounting - Auditing, University of Economics - Technology for Industries

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 6 tháng 2 năm 2025]

Tạp chí Công Thương